Việc Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cùng đề xuất đưa xuất khẩu cà phê vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện như gạo đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau.
Xem thêm:
> Đưa cà phê vào danh mục mặt hàng xuất khẩu có điều kiện
> Phiếu lấy ý kiến doanh nghiệp đối với điều kiện kinh doanh xuất khẩu cà phê
Đưa cà phê vào danh mục hàng hóa kinh doanh, xuất khẩu có điều kiện: Lợi hay hại?
Chủ trương hợp lý
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện chỉ có khoảng 20 công ty nước ngoài là khách mua để cung cấp 8 nhà rang xay lớn của thế giới nhưng trong nước có trên 150 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê. Điều này dễ dẫn đến tình trạng các DN tranh nhau bán hàng nên bị công ty nước ngoài ép giá và lợi dụng đổ lỗi việc bán phá giá.
DN nhỏ thường không có kho chứa hàng, không chế biến mà chỉ thu mua, nhiều DN mỗi năm chỉ xuất khẩu 2 – 3 container hàng. Các DN này còn bán lại cho công ty nước ngoài có nhà máy hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam. Các DN nhỏ thiếu năng lực và tài chính nhưng có thể làm đảo lộn thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích chung của ngành.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, chỉ có khoảng 20 DN thương mại cà phê đúng nghĩa và 8 nhà rang xay, chiếm 80% sản lượng trong số hơn 150 DN tham gia xuất khẩu. Cà phê VN luôn được đánh giá cao hơn cà phê của Indonesia về chất lượng, lẽ ra phải có giá bán cao hơn 50 – 60 USD/tấn trở lên nhưng thực tế giá bán lại thấp hơn do DN VN chào đủ kiểu giá khiến nhà nhập khẩu có điều kiện chèn ép. Trên thị trường chủ yếu là các nhà rang xay, chế biến, thiếu những DN đủ mạnh có thể cân đối xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu nào có năng lực cũng khó chống đỡ nổi cách làm ăn phá thị trường này.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Phó Chủ tịch Vicofa cho rằng, lẽ ra ngành nên bắt tay làm điều này từ lâu, vì uy tín ngành cà phê VN thời gian qua bị ảnh hưởng đều từ hoạt động của các DN xuất khẩu nhỏ.
Việc sàng lọc DN thông qua những quy định bắt buộc như Nghị định 109 về xuất khẩu gạo là điều cần làm. Nhà nhập khẩu nước ngoài còn cho biết, nếu VN kiểm soát được thị trường cà phê, duy trì được ổn định sẽ sẵn sàng mua cao hơn 100 USD/tấn. Với sản lượng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn mỗi năm như hiện nay có thể mang về cả trăm triệu USD. Vicofa nhận định, khi áp dụng quy định xuất khẩu cà phê có khoảng 50-60 DN đủ điều kiện.
Đây là giải pháp chiến lược, chọn lọc những DN mạnh, đầu tư sâu cho chế biến và xuất khẩu cà phê. DN nhỏ muốn tồn tại phải liên kết lại, ngành cà phê mới có thể thay đổi cả lượng và chất, tập trung đầu tư nâng cao giá trị gia tăng thay vì xuất khẩu cà phê thô như hiện nay.
Con dao hai lưỡi
Nhưng để hiện thực hóa chủ trương này cần phải có những bước đi và quy định cụ thể, phù hợp với thực tế ngành hàng. Dự thảo đưa ra yêu cầu, để xuất khẩu cà phê, DN phải tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm. Quy định này đối với các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu không thành vấn đề nhưng với DN vừa và nhỏ làm ăn chân chính lại không dễ đạt.
Vùng Tây Nguyên, nhất là tỉnh Đắc Lắc có hàng chục DN với thâm niên vừa sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhưng để đạt yêu cầu 5.000 tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm lại không nhiều.
Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư XNK Đắc Lắc ủng hộ việc giảm đầu mối xuất khẩu nhưng điều kiện như thế nào cần phù hợp với thực tế hơn. Có DN tuy lượng sản xuất thấp nhưng lợi nhuận mang về rất lớn.
Công ty Thắng lợi (Đắc Lắc) là điển hình, sản xuất khoảng 3.000 tấn cà phê/năm nhưng chất lượng hạt cà phê rất cao, luôn bán cao hơn cà phê cùng loại hàng chục thậm chí cả trăm USD/tấn, khách hàng nước ngoài rất muốn mua sản phẩm này. Có DN chỉ xuất khẩu 2.000 tấn/năm nhưng là mô hình quản lý khép kín, từ sản xuất đến kinh doanh với diện tích 1.000ha.
Một đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc cho rằng, cần tính đến những DN nhỏ nhưng làm ăn bài bản, tập trung sản xuất cà phê chất lượng cao, tích cực tìm kiếm khách hàng, có quan hệ tốt với đối tác trong và ngoài nước. Cần tìm hiểu và có quy định phù hợp hơn thay vì lập ra rào cản với những con số lạnh lùng, không tạo điều kiện DN xuất khẩu vừa và nhỏ vươn lên.
Thực tế cho thấy, có công ty xuất khẩu chiếm đến 20% lượng cà phê Robusta của VN nhưng vẫn thua lỗ. Có nhà xuất khẩu cà phê Arabica hàng đầu nhưng cũng phải nhường sân chơi Arabica lại cho những DN sản xuất và xuất khẩu nhỏ hơn. Cũng có DN xuất khẩu gọi là lớn, thừa kho bãi nhưng lại thiếu cà phê chế biến do thiếu vốn thu mua. Nếu xuất ít mà chất lượng cao, có nhiều đối tác muốn mua độc quyền thì nên khuyến khích thay vì xuất nhiều mà hủy hợp đồng hay giao trễ hàng bị loại bỏ, làm ảnh hưởng uy tín cà phê VN.
Hạn chế đầu mối xuất khẩu cà phê là cần thiết nhưng đây là điều cần có sự chuẩn bị kỹ càng và lộ trình rõ rệt, nếu không sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Ngành hàng gạo khi ra Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo dự kiến giảm đầu mối xuống còn 2 con số, nhưng sau khi có hiệu lực từ 1-10-2011, con số này đã lên 3 con số như trước đó! Không ít người lo ngại, nếu không có những quy định phù hợp và chặt chẽ, DN nhỏ chuyển hình thức xuất khẩu cà phê từ hàng thực sang mua bán cà phê trên các sàn giao dịch.
Và không loại trừ số DN nhỏ sẽ bán cà phê cho công ty nước ngoài tại VN nhiều hơn vì những DN lớn trong nước không có đủ vốn mua vào, lúc đó, mục đích nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê có thể bị phá sản.
Lập rào cản nhập khẩu để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước!
Còn đây! lập hàng rào để hạn chế xuất khẩu là hạ sách!
Các DN đầu mối này liên kết để ép giá mua của nông dân là “toi đời”! Chỉ có nhóm lợi ích xuất khẩu là hưởng lợi! Bài học Hiệp hội Lương thực mua gạo là “bài học độc quyền giá mua xuất khẩu gạo” chưa đủ hành hạ nông dân sao?!
Gạo và cà phê là 2 mặt hàng có cơ chế xuất khẩu khác nhau. Trong khi gạo chủ yếu xuất qua các hợp đồng Chính phủ (chính phủ phân cho VFA và sau đó VFA mới phân lại cho các công ty bên dưới, chính việc này dẫn đến dễ xảy ra tiêu cực trong việc phân bổ quota xuất) thì cà phê được xuất khẩu dựa trên tính chủ động tìm đối tác, chào hàng, thương lượng giá.
Về mặt chủ trương thì việc này là tốt nhưng thực hiện như thế thì đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Xin chào moi người trên diễn đàn!
Đây là lần thứ hai tôi tham gia vào diễn đàn này với cùng một nội dung: Xuất khẩu cà phê có điều kiện. Nay tôi thấy mình cần đóng góp thêm ý kiến để nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp như chúng ta cùng tham gia:
1- Về cá nhân tôi: Hiện tại tôi đang làm đại diện cho một doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê từ Việt Nam. Trong danh sách các nhà cung cấp của mình có doanh nghiệp lớn, có doanh nghiệp nhỏ, có doanh nghiệp Nhà nước, có doanh nghiệp tư nhân. Thực tế công việc của tôi chỉ ra rằng không có cơ sở để nói doanh nghiệp nhỏ bán phá giá, thậm chí giá của họ khá cao so với các doanh nghiệp lớn (thường là 20-30 USD/tấn). Điều này có thể phải nhờ tiếng nói của các văn phòng đại diện tại Việt Nam tham gia ý kiến để từ ý kiến cá nhân có thể chuyển thành ý kiến của số đông.
2- Về mặt chính sách: Sau khi hàng loạt doanh nghiệp lớn gặp khó khăn (các doanh nghiệp này gặp khó khăn là vì đâu???) chính sách này mới xuất hiện. Không bàn đến các vấn đề khác, tại sao không áp dụng chính sách sau hai năm nữa? Khi đó chúng ta có độ công bằng cho các Doanh nghiệp hơn, chính sách đã rõ ràng hơn và mọi người cũng biết được lộ trình hơn. Ví dụ như lộ trình chúng ta cam kết khi gia nhập WTO chăng hạn. Chính sách phải công bằng, rõ ràng, rành mạch và hơn hết phải phục vụ lợi ích của đa số. Tôi đề nghị hoãn hoãn thời gian áp dụng chính sách đến 2014-2015. Thời gian này hãy để các Doanh nhiệp tự hoàn thiện mình cũng như hoàn thiện chính sách.
3- Bổ sung yêu cầu chính sách: Theo tôi phải yêu cầu các doanh nghiệp tham gia ngoài các tiêu chí đã nêu phải bổ sung thêm báo cáo kiểm toán trong hai năm trước khi áp dụng chính sách. Ông là doanh nghiệp lớn, xuất khẩu lớn mà ông thua lỗ thì xin thưa chỉ làm khó thêm cho cả hệ thống ngành cà phê, chính ông làm ăn thua lỗ mới ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành và cũng có thể chính ông là bán phá giá.
4- Về mặt thiệt hại nguồn vốn: Hiện tại chính sách không thể khẳng định được nguồn vốn mà hệ thống ngân hàng chắc chắn cung cấp là bao nhiêu ngay khi hệ thống ngân hàng đang trong quá trình điều chỉnh và bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh với sản phẩm là tín dụng. Một ngân hàng có thể công bố sẵn sàng cung cấp 5 nghìn tỷ- 7 nghìn tỷ cho ngành cà phê nhưng xin thưa để vay được vốn của họ rất khó khăn. Điều chắc chắn tôi nhìn thấy sẽ là số vốn của các doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia xuất khẩu sẽ chảy sang lĩnh vực khác. Ví dụ một doanh nghiệp có 15 tỷ để kinh doanh x 100 doanh nghiệp = 1500 tỷ. Một lượng vốn không phải là nhỏ. Điều này cũng chỉ ra rằng nếu chính sách chưa chứng minh được nguồn vốn thì chưa thể nói đến điều kiện thành công của chính sách.
5- Nếu chính sách thất bại: Kinh nghiệm nhãn tiền vẫn còn với ngành gạo. Ngành bất động sản cũng vậy. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đứng trước nguy cơ phá sản do chính sách áp dụng quá nhanh. Tại sao không kìm họ lại ngay từ đầu? Để đến khi họ đã đi quá xa thì áp dụng chính sách quá chặt. Thành công hay không thành công? Và nếu thất bại có cam kết chỉnh sửa chính sách hay không? Có chiu trách nhiệm trước 100 doanh nghiệp cà phê hay không khi mà cơ hội công việc, vốn đầu tư của họ phải bỏ dở do chính sách? Nếu chỉ là hết nhiệm kỳ hết tuổi công tác thì về hưu hoặc nhận xét chung chung, nhận khuyết điểm xuề xòa thì xin thưa ai cũng làm được các bác ạ. Rồi còn nhiều ngành nghề khác: tiêu, điều,…
6- Đối ngoại – Đối nội: Với các doanh nghiệp cà phê nước ngoài vi phạm quy chế kinh doanh thì chúng ta nhẹ nhàng nhằm mục đích “tạo môi trường kinh doanh lành mạnh” (trích lời bài báo) còn với doanh nghiệp nội địa thì tại sao không tạo cơ chế lành mạnh? (Tôi ước mình có thể chuyển sang làm việc ở Bộ Công Thương để được đóng góp hay xây dựng chính sách tốt hơn!) Phải chăng doanh nghiệp trong nước quá hiền lành. Hay nên chăng cần thành lập Hiệp hội Cà phê của các Doanh nghiệp nhỏ để cùng góp tiếng nói với VICOFA tạo thêm sự công bằng.
Nhận xét: Đọc lại bài viết của mình tôi nhận thấy tôi phê bình nhiều hơn. Dẫu sao đó cũng là ý kiến của cá nhân tôi. Tôi không chỉnh sửa ý tứ. Ý của tôi là vậy cũng mong đóng góp với diễn đàn.
Trân trọng cảm ơn!
Mình rất tâm đắc với bài viết của anh Hoàng Vĩnh Tuấn. Có thể còn đôi điều chưa thể nói hết được nhưng cái dám nói thẳng đó là điều sẽ thúc đẩy một sự phát triển mới sáng lạng hơn. Nói và làm cho hết nhiệm kỳ rồi mặc cho hậu quả tương lai ra sao thì mấy đứa bé trong nhà trẻ cũng đủ sức làm.
Tôi ủng hộ việc thống nhất các tổ chức thu mua, nhưng nên lấy lợi ích của người sản xuất, lợi ích lâu dài của việc thống nhất là luôn đem lại sự công bằng cho nông dân.
Đọc thảo luận các bạn tôi thấy tiếc rằng tôi ko có đủ kiến thức để gúp sức cùng các bạn
Đưa cà phê vào diện xuất khẩu có điều kiện lại quay lại cái vòng luẩn quẩn, độc quyền, áp đặt, ép giá người dân trồng cà rồi. Làm cho thị trường thiếu minh bạch, làm tổn hại nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang làm ăn tốt đi lên bị chặn đứng, bị phá sản. Trong mua bán thiếu sự canh tranh tổn hại đến người dân trông cà, làm lợi cho mấy doanh nghiệp lớn hè nhau ép giá. Không đi theo hướng cơ chế thị trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển ngành cà phê Việt Nam.