Thị trường kỳ hạn thế giới trong mấy phiên cuối tháng 2 giá tăng vọt vì đã mua quá mức, giờ đang quay đầu giảm mạnh để đầu cơ giá xuống.
Chốt phiên ngày 2/3, tại sàn Ấn Độ (NCDEX) chỉ sau 2 phiên lao dốc, giá hạt tiêu kỳ hạn giao tháng 3 giảm tổng cộng 2.450 Rupi, xuống mức 37.160 Rupi/tạ, tức giảm 497 USD, tương đương 6,19%, còn 7.541 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 2.230 Rupi, xuống mức 37.575 Rupi/tạ, tức giảm 453 USD, tương đương 5,6%, còn 7.626 USD/tấn. Trong khi giá hạt tiêu giao ngay chỉ giảm 759 Rupi, xuống mức 37.500 Rupi/tạ, tức giảm 154 USD, tương đương 2,01 %, còn 7.610 USD/tấn.
Tỷ lệ giảm rất thấp của giá hạt tiêu giao ngay cho thấy nhu cầu hạt tiêu của Ấn Độ vẫn còn cao vì đến nay nguồn cung tiêu vẫn chưa cải thiện mặc dù nước này đã vào vụ thu hoạch mới.
Giá hạt tiêu giao dịch trên sàn SMX-USD/tấn (nguồn: CafeF)
Tương tự cùng ngày, tại sàn Sing (SMX-Singapore), với 2 phiên quay đầu, kỳ hạn giao tháng 3 giảm 399 USD, tương đương 5,96 %, lui về mức 6.295 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 4 cũng giảm 639 USD, tương đương 9,5% về còn 6.086 USD/tấn, mức giảm cũng rất mạnh.
Theo các nhà xuất khẩu, thông tin Việt Nam, nước chiếm vị trí số 1 xuất khẩu hạt tiêu thế giới, sẽ giảm 30% khối lượng xuất khẩu xuống còn khoảng 86.000 tấn trong năm 2012 và thông tin dịch bệnh tràn lan khắp nơi khiến cho thị trường càng thêm lo lắng nguồn cung vốn đã thiếu liên tục trong mấy năm qua.
Thị trường kỳ hạn thế giới trong mấy phiên cuối tháng 2 giá tăng vọt vì đã mua quá mức, giờ đang quay đầu giảm mạnh để đầu cơ giá xuống. Trong khi đó, giá tiêu nội địa tăng chậm vì các nhà xuất khẩu nước ta chỉ quen bán hàng thực “mua ngay bán ngay” mà chưa tận dụng được ưu thế của thị trường kỳ hạn.
Theo dự báo của Hiệp Hội Hồ Tiêu Thế Giới (IPC) năm 2012, sản lượng tiêu thế giới năm nay sẽ tăng thêm 21,755 tấn hay 7,3%, lên đến 320,155 tấn, so với 298,400 tấn của năm 2011.
Sản lượng tăng năm nay chủ yếu đến từ các nước sản xuất tiêu hàng đầu thế giới, là thành viên của IPC, như Việt Nam (lên 110.000 tấn, tăng 10%), Indonesia (lên 41.000 tấn, tăng 24%), Malaysia (lên 26.500 tấn, tăng 5%)… Thông tin của IPC tuy đã góp phần làm dịu bớt nỗi lo về nguồn cung nhưng thế giới không chỉ có thêm 21,755 tấn hay 7,3% là đủ.
Theo dõi của hãng tin Reuters trong những năm gần đây cho biết, mỗi năm thế giới thiếu hụt từ 35.000-40.000 tấn tiêu các loại. Con số này không thể dễ dàng bù đắp được trong tương lai gần khi mà dịch bệnh hại tiêu tràn lan và biến đổi khí hậu đang hũy hoại mùa màng khắp nơi.
Do vậy, giá tiêu lao dốc chỉ còn thấy trên thị trường kỳ hạn, còn trong thực tế giá tiêu vẫn duy trì ở mức cao.
Sáng nay 4/3, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã tái lập mốc 130.000 đồng/kg sau khi bị rớt theo giá thị trường kỳ hạn trong 2 ngày qua.
Anh Văn
Hãy tự tin bà con ơi! Giá tiêu sẽ ổn định ở giá cao vì hiện tại vùng nguyên liệu số 1 thế giới (Việt Nam) đang bị dịch bệnh, nhiều ở nơi tôi ở năm 2011 chết rất nhiều nhu cầu tiêu của thế giới thiếu hụt 35 – 40 ngàn tấn thì lấu đâu ra mà bù. Xin đừng hoang mang.