Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có chỉ thị về việc không mở rộng diện tích cà phê. Thực tế, khó có thể ngăn được nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang ào ạt đi trồng cà phê mới.
“Ai dám không cho mình trồng?”
Chỉ thị 1140/CT-BNN-TT của Bộ NN-PTNT ngày 28.4.2008 “về việc phát triển cà phê, cao su, sắn bền vững trong thời gian tới” đã yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tự phát mở rộng diện tích trồng mới cà phê hiện nay ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Từ nay đến năm 2010, không mở thêm diện tích trồng cà phê, chỉ trồng tái canh đối với diện tích cà phê già cỗi, bị sâu bệnh, năng suất thấp hoặc cải tạo, trồng thay thế các vườn cà phê giống cũ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng mới cà phê…
Chỉ thị này được xem là phản ứng kiên quyết của ngành nông nghiệp trước những cảnh báo gần đây của công luận về việc bùng nổ diện tích cà phê trồng mới, đặc biệt là ở Tây Nguyên. Tuy vậy, trên thực tế khó có thể dừng việc chuẩn bị trồng mới cà phê hiện nay của người nông dân. Anh Trần Tấn, một nông dân ở xã Ea Yông, huyện Krông Păk (Đắk Lắk) cho biết, năm ngoái anh đã trồng 1 ha cà phê trên đất rẫy đậu, bắp. Thấy giá cà phê năm nay lên cao, nhiều người đổ xô kiếm đất trồng mới, anh cũng lặn lội sang huyện Krông Năng để mua đất trồng thêm 2 ha nữa. Hỏi: “Có ai ngăn anh trồng cà phê không?”, anh Tấn trả lời hồn nhiên: “Thấy người ta mua đất ào ào, mình cũng làm theo, ai dám không cho mình trồng? Mình đã chuẩn bị đủ cà phê giống vụ này rồi, chỉ chờ đến tháng 6 mưa rộ là cho cây xuống hố thôi”.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk kể: mới đây trong chuyến công tác từ Đà Lạt trở về, ông đã chứng kiến nông dân các địa phương dọc theo quốc lộ 27 của cả hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk chuẩn bị trồng cà phê khá rầm rộ. Ngay cả những vùng đất sỏi, đá lộ đầu ở xã Krông Nô, huyện Lắk (Đắk Lắk), không thích hợp trồng cà phê, vẫn được người dân san ủi, đào hố…
Thực tế, việc trồng mới cà phê ở Tây Nguyên vẫn diễn ra trong những năm qua nhưng tốc độ chậm. Trong 3 năm 2005-2007, diện tích cà phê trồng mới ở Đắk Lắk là 7.362 ha; riêng năm 2007 trồng 3.533 ha, 43% trong số đó trồng trên đất cà phê cũ thanh lý. Thế nhưng, năm nay phong trào trồng cà phê tự phát của nông dân mới thực sự tăng tốc, khó có thể ngăn lại được.
Làn sóng mới
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 1980 diện tích cà phê cả nước chỉ đạt 22.500 ha. Năm 1994, khi giá cà phê ở mức kỷ lục (hơn 40.000 đồng/kg), cả nước có 155.500 ha. Ngay sau đó, làn sóng trồng cà phê dâng lên ào ạt, chỉ 3 năm sau, diện tích cà phê tăng vọt lên 385.000 ha, năm 1998 đạt 485.000 ha, và đỉnh điểm năm 2001 lên 535.000 ha. Sau đó khủng hoảng giá cà phê kéo dài đã khiến diện tích giảm dần lại, đến nay cả nước còn 506.000 ha cà phê.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, giá cà phê tăng khá trong thời gian gần đây đã kích thích người nông dân tiếp tục xem cà phê là loại cây trồng chủ lực, và năm nay sẽ chứng kiến một đợt trồng mới cà phê mạnh mẽ hơn nhiều so với những năm gần đây. Ông Sinh cho rằng, với hơn 10 tấn hạt giống cà phê của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên bán cho nông dân các tỉnh vừa qua thì sẽ có khoảng 10.000 ha trồng mới, trong khi các vườn giống tư nhân bên ngoài cung cấp ít nhất cũng gấp hai lần số lượng giống bán ra của Viện. Như vậy, tính sơ sơ mùa mưa năm nay, cả vùng Tây Nguyên sẽ có ít nhất 30.000 ha cà phê trồng mới.
Cách đây hai năm, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương không mở rộng diện tích cà phê, chỉ tập trung thâm canh, tăng năng suất vườn cà phê đã có, giảm diện tích cà phê kém hiệu quả. Diện tích cà phê theo quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2010 là 160.000 ha, so với 178.000 ha hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Sinh, việc thực hiện quy hoạch này hết sức khó khăn vì việc trồng cà phê tự phát của nông dân diễn ra ở khắp nơi, rất khó ngăn chặn. “Người dân có đất sản xuất được cấp sổ đỏ có quyền tự chủ trên đất canh tác của họ, không thể ép buộc họ trồng cây này mà không được trồng cây khác. Do đó, việc hạn chế mở rộng diện tích cà phê chỉ thực hiện bằng cách khuyến cáo, vận động nông dân là chính, không thể chế tài bằng biện pháp mạnh” – ông Sinh lý giải.