Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (FVFC) Lê Văn Quốc Việt khẳng định, giá bán phân bón trong năm 2012 sẽ thấp hơn so với năm 2011 do lượng phân bón của các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, việc tổ chức mạng lưới phân phối như thế nào để đảm bảo cung ứng đủ hàng, tránh thiếu hàng cục bộ, đẩy giá lên mới là quan trọng.
Điều bà con nông dân đang quan tâm là khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng và giá phân bón cho vụ đông xuân. Thưa Ông, năng lực sản xuất của Tổng công ty có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng hay không?
– Qua khảo sát thị trường, chúng tôi dự đoán tổng nhu cầu sử dụng phân bón trong quý I.2012 khoảng 570.000 tấn. Tổng công ty có thể đưa ra thị trường trong quý I.2012 khoảng 300.000 tấn ure. Cộng với khoảng 250.000 tấn hiện đang được lưu thông thì có thể khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của bà con nông dân trong vụ đông xuân 2012. Để bảo đảm nguồn cung cho vụ sản xuất này, ngay từ dịp nghỉ Tết, Tổng công ty đã liên tục hoạt động 24/24 giờ. Doanh nghiệp đã chủ động điều chuyển hàng về kho trong các hệ thống để có thể bán hàng ngay sau dịp Tết Nguyên đán.
Với vị trí là đơn vị cung ứng phân bón chính cho thị trường trong nước, Tổng công ty có những chính sách nào để bảo đảm dẫn dắt giá phân bón trên thị trường, tránh tình trạng đội giá vô lý hay không, thưa Ông?
– Tổng công ty đang tiếp tục thực hiện chính sách bán hàng với giá sát thị trường. Và tăng cường bán hàng qua hệ thống tiêu thụ để tránh đội giá lên cao. Ngay từ cuối năm 2011, Tổng công ty đã đầu tư một hệ thống kho trung chuyển và kho đầu mối trải dài trên toàn quốc, và được đặt ở vị trí phù hợp với tất cả các đại lý tiêu thụ chính. Đồng thời các kho này cũng gần các cảng biển lớn để thuận lợi cho việc bốc dỡ phân bón, như kho tại Hải Phòng, kho tại Cảng Nghi Sơn – Thanh Hóa; một số kho tại Bình Định và Cần Thơ. Sức chứa của hệ thống kho này đã lên tới 215.000 tấn. Nhờ có hệ thống kho chứa và mạng lưới tiêu thụ rộng, FVFC đã liên tục điều chuyển hàng, hạn chế tối đa hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu, sốt giá cục bộ. Qua đó điều chỉnh giá bán hợp lý. Nhất là trong bối cảnh từ ngày 1.1.2012, giá khí nguyên liệu cho đầu vào sản xuất đạm đã tăng 40% so với năm 2011. Tức tăng từ 4,59USD lên 6,43USD/BTU.
Giá khí tăng kéo theo giá thành sản xuất phân bón sẽ tăng, và đương nhiên kéo giá phân bón bán ra thị trường tăng. Theo Ông, trong năm 2012, giá phân bón ở thị trường trong nước sẽ diễn biến theo hướng nào?
– Hoạt động kinh doanh phân bón phải tuân theo diễn biến thực tế trên thị trường. Và khi giá nguyên liệu đầu vào (giá khí) tăng, thì chắc chắn giá thành sản xuất ra một tấn phân bón cũng tăng theo. Nhưng Tổng công ty sẽ tìm nhiều giải pháp như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, rà soát các định mức tiết kiệm để bảo đảm giá thành phân bón phù hợp. Và theo dự báo của các cơ quan chức năng thì, giá phân bón trên thị trường năm nay sẽ giảm hơn năm 2011. Hơn nữa, những giải pháp được triển khai trong thời gian qua đã giúp giá bán ổn định, thậm chí là có một số loại giảm, nên tôi tin tưởng giá phân bón trong năm nay sẽ đi đúng theo dự báo từ đầu năm.
Xin cám ơn Ông!
Bộ Công thương dự kiến, trong năm 2012, nhu cầu phân bón cả nước khoảng 2 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất khoảng 2,4 triệu tấn. Cụ thể là Nhà máy đạm Cà Mau khoảng 800.000 tấn ure, Nhà máy đạm Ninh Bình có công suất 560 nghìn tấn/năm sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 3 tới. Nhà máy Đạm Phú Mỹ của PVFCco khoảng 800.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động, và một số nhà máy khác). Do đó khả năng sẽ có xuất khẩu phân bón.
Về giá, Bộ Công thương dự kiến, giá phân bón có thể sẽ tăng do giá khí LPG nhập khẩu được điều chỉnh tăng từ 2 – 5%. Dù vậy, trong tháng 1.2012, giá phân bón đã tương đối ổn định và giảm. Ví dụ đạm ure giảm 20,3%, phân lân giảm 5,8%, phân NPK giảm 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôi là người dân trồng cà phê, tại sao 3 năm gần đây tôi ko quan tâm đến phận nội.? Tại sao cũng cùng là phân ngoại. Chỉ khác là người đóng bao mà thôi, chỉ nghe đóng bao tại Việt Nam là tôi bỏ chạy.
Vậy tôi chỉ cần Nhà nước và các doanh nghiệp nên quan tâm đến chất lượng trước đã. Nếu thiếu chúng ta nhập ngoại có sao đâu. Chứ đừng để người dân nhìn thấy phân nội là sợ khiếp vía.
Năm trước Nhà nước trợ giá mỗi kg phân 5000 nhưng nông dân có được hưởng đâu tiền nó chảy vào túi của các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối !! Được trợ giá nhưng giá phân bón đâu có giảm ? nay “giá khí nguyên liệu cho đầu vào sản xuất đạm đã tăng 40% so với năm 2011. Tức tăng từ 4,59USD lên 6,43USD/BTU” . Vậy liệu giá phân bón có giảm ???
Năm qua tôi mua phải phân giả vừa mất tiền mà cây trồng hỏng. Các ban ngành nên kiểm tra quản lí cho chặt chứ nông dân chúng tôi đâu có biết thật giả đâu?
Giá của công ty đưa ra nhưng đại lý bán như thế nào lại là chuyện khác. Ở Việt Nam không ít sảm phẩm bị các đại lý thao túng về giá điển hình là các xe máy của Yamaha
Đã mất mùa lại còn mất giá, 2011 đỉnh điểm là 51.500đ. Năm nay 50.000đ tui bán hết.
Đắt rẻ không phải là vấn đề, nông dân quan tâm hiện nay rẻ mà toàn muối thì sợ lắm.