Măng tây chết vì phân bón Thanh Hà?

mang-tay-chetĐược một người quen giới thiệu, bà Phạm Thị Danh, chủ vườn măng tây ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk) đã tin tưởng dùng sản phẩm phân bón của Công ty cổ phần Thanh Hà (Công ty Thanh Hà). Tuy nhiên, sau 3 lần bón, vườn măng của bà chuyển dần sang úa vàng và chết hàng loạt…

> Xem thêm: Chất lượng phân bón, nước mắt trên đồng ruộng.

Măng bỗng dưng hoá khô!

Trong đơn gửi báo Kinh tế nông thôn, bà Danh phản ánh: Cuối năm 2010, gia đình bà đã đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng hơn 17.000 cây măng tây trên diện tích 1ha tại khu rẫy ven đường Trần Quý Cáp (TP. Buôn Ma Thuột). Lúc trồng bà dùng phân chuồng và trấu ủ kỹ, sau khi cây phát triển thì dùng phân bón 20.5.0 và phân 16-16-8 Việt – Nhật.

Đầu tháng 7/2011, được một người quen giới thiệu về công dụng của loại phân bón lá NH do Công ty Thanh Hà sản xuất, bà đã mua tổng cộng hơn 20 chai (loại 100ml) của ông Tuấn (trú tại đường Phan Chu Trinh) bón cho vườn cây theo đúng quy trình hướng dẫn trên bao bì, cũng như hướng dẫn trực tiếp của người bán. Để chắc ăn, bà còn gọi điện cho Tổng giám đốc Công ty Thanh Hà là ông Nguyễn Anh Kết để được tư vấn cách sử dụng. Bà được ông Kết hướng dẫn phun theo công thức trên bao bì.

Bón được 5 ngày thì bà Danh hoảng hồn bởi măng tây có biểu hiện vàng cây, gốc cây già, măng mọc lên bị cong đầu không bình thường, rồi dần dần héo rũ. Bà báo cho ông Tuấn và Văn phòng đại diện Công ty Thanh Hà tại TP. Buôn Ma Thuột, Văn phòng này cử cán bộ xuống kiểm tra, hướng dẫn tiếp tục tưới phân với nồng độ loãng 100 ml/1.500 lít nước theo phương thức tưới 2 lần, cách nhau 3 ngày. Bà Danh chỉ thử tưới 11 luống, song mới được 5 ngày thì cây… chết hẳn, sau đó lần lượt những luống còn lại cũng chết theo. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, cả vườn măng xanh tốt bỗng biến thành vườn cây khô khốc…

Nếu không đồng ý thì cứ kiện

Trong Biên bản giải quyết khiếu nại đối với bà Danh ngày 22/9/2011 của Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Đăk Lăk, đại diện Phòng Trồng trọt của Sở đề nghị, Công ty Thanh Hà nên có trách nhiệm với hộ bị thiệt hại và hỗ trợ một phần kinh phí để họ khắc phục vườn cây. Theo bà Danh, thời điểm vườn măng tây còn “thoi thóp”, đại diện Văn phòng Công ty có đến hướng dẫn cách hồi phục, nhưng khi cây chết hẳn thì họ cho rằng không phải do phân bón của họ nên không xem xét giải quyết. Sau đó, Phòng Trồng trọt đã xuống kiểm tra và đề nghị dừng không sử dụng loại phân bón này để khắc phục hiện tượng cây chết. Tuy nhiên, cán bộ Văn phòng đại diện Công ty Thanh Hà lại xuống hướng dẫn phun tưới trực tiếp cứu cây với nồng độ loãng càng làm gia tăng ngộ độc, gây chết cây.

Được biết, gia đình bà Danh đang rất khó khăn bởi trước đó, bà đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư trồng măng tây; hàng tháng phải trả lãi và tiền công cho công nhân từ 4 – 5 triệu đồng…

Làm việc với báo Kinh tế nông thôn, ông Kết cho rằng: “Khu vực này trồng măng tây không phù hợp vì thiếu nước. Hơn nữa, cây chết không phải do chất lượng phân bón Thanh Hà mà do người dân đã bón thêm NPK vào sát gốc măng. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm khôi phục hiện tượng cây chết nhưng người dân lại không cho thực hiện mà bắt phải bồi thường, điều này là vô lý… Nếu người dân không đồng ý thì cứ kiện ra toà”. Tuy nhiên, ông Kết cũng thừa nhận việc tư vấn thông tin còn sơ sài, chưa đầy đủ dẫn đến hậu quả người dân sử dụng không đúng cách.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và uy tín của doanh nghiệp, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ.

Cây hồ tiêu từng bị “ngộ độc” như măng tây

Tháng 11/2010, vườn tiêu của Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tam Ba (Gia Lai) do ông Lưu Văn Thọ làm Giám đốc cũng có hiện tượng tương tự như vườn măng tây của bà Danh khi dùng phân bón lá của Công ty Thanh Hà.

Trong biên bản làm việc ngày 7/12/2010 giữa Công ty Thanh Hà và ông Lưu Văn Thọ, hai bên đã khẳng định sự cố rụng lá và rụng quả là “do sự cố kỹ thuật”. Công ty Thanh Hà đã đồng ý hỗ trợ cho Công ty Tam Ba 66 triệu đồng (gần bằng số tiền mua phân bón 66,3 triệu đồng). Tuy nhiên, đến nay Công ty Tam Ba vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng