Ai là người đầu tiên đưa cà phê arabica Việt Nam ra thế giới?

Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng và xuất khẩu cà phê robusta. Nhưng ít ai biết, cà phê arabica, chỉ chiếm chưa đầy 15% tổng sản lượng cả nước, lại du nhập vào Việt Nam sớm hơn so với loại robusta.

Cây cà phê Arabica cho lứa quả đầu ( Ảnh: Bolofarm )
Cây cà phê Arabica cho lứa quả đầu ( Ảnh: Bolofarm )

Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đã đưa giống cà phê arabica vào trồng ở các đồn điền tại Phủ Quỳ, Diễn Đàn – Nghệ An. Những thập niên 60 của thế kỷ 20, loại cà phê này xuất hiện nhiều tại Pari và cả ở Liên Xô, được khách hàng rất chuộng, sau đó họ quay trở lại đầu tư các nhà máy chế biến tại Nghệ An.

[ Nguồn gốc cây cà phê ở Việt Nam ]

Nhưng từ sau khi giải phóng miền Nam, chúng ta có chủ trương chuyển hướng đầu tư cho cây cà phê từ miền Trung vào trong khu vực Tây Nguyên. Đến năm 1985, Liên hiệp cà phê ra đời, là tiền thân của Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe). Từ đó tới nay, cây cà phê ở phía Bắc và miền Trung gần như bị bỏ rơi.

Năm 1996, cà phê arabica Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu chính thức với điểm đến mở đường là Hà Lan. Khi ấy, một công ty của Hà Lan đã tìm được 4 container để nhập về thông qua Vinacafe. Số hàng này bao gồm 2 container của Tập đoàn Thái Hòa, có nguồn gốc từ Nghệ An. Sau khi sang tới Hà Lan, khách hàng quay trở lại Việt Nam kèm theo những phản hồi xấu về chất lượng.

Khi nhận được phản hồi, các nhà cung cấp đã tiến hành phân tích, đánh giá để tìm nguyên nhân và cuối cùng phát hiện ra do cách chế biến không phù hợp, và số hàng bị hỏng không phải của Thái Hòa. Cụ thể là, cách chế biến cà phê của công ty kia vẫn làm theo tập quán của cà phê robusta tại Tây Nguyên, khi xuất đi lại không thay đổi chất chống ẩm, gặp thời tiết thay đổi ở châu Âu, dẫn đến chất lượng bị thay đổi và nếm không còn mùi arabica mà chỉ còn mùi robusta.

Ngoài ra, cà phê arabica của công ty đó có nguồn gốc từ Sơn La, là loại cà phê catimo – một giống cà phê lai ghép lấy từ giống timo hoang dại ghép với loại catora, nên tạo ra hương vị khác, mất đi giống arabica. Cà phê của Thái Hòa có nguồn gốc từ Nghệ An, là loại catora, nên giữ nguyên hương vị.

Tuy nhiên kể từ sau chuyến xuất khẩu đầu tiên đó, các doanh nghiệp của ta cũng không thể xuất đi được vì mất niềm tin. Mãi đến năm 1998 khi Trung Quốc lập thị trường cà phê giao dịch kỳ hạn Bắc Kinh với tham vọng giống như các thị trường kỳ hạn ở London, New York và Tokyo, và họ tìm mua hàng của Việt Nam. Thái Hòa đã ngay lập tức nối lại hoạt động xuất khẩu cà phê arabica. Tuy nhiên, tham vọng của giới kinh doanh Trung Quốc không thành công, họ buộc phải bán số hàng đã mua, cả của thị trường trong nước lẫn của Việt Nam.

Thái Hòa lúc ấy đã mạnh dạn mua lại cà phê arabica của sàn giao dịch Bắc Kinh, có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, sau đó đưa về Việt Nam và phối trộn với loại arabica của hãng này, rồi lấy danh cà phê Việt Nam xuất khẩu đi các nước châu Âu.

Chủ tịch Tập đoàn Thái Hòa, ông Nguyễn Văn An cho biết, sau khi chuyến hàng đầu tiên của Thái Hòa xuất đi, với cà phê nguồn gốc Vân Nam phối trộn với cà phê trong nước, đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng, và họ tìm đến Việt Nam nhiều hơn. Trong giai đoạn từ năm 1998 – 2001, Thái Hòa vẫn tiếp tục mua cà phê của Trung Quốc để tái xuất.

Những năm sau đó, khách hàng tìm lại Việt Nam nhiều hơn, không chỉ mua cà phê robusta truyền thống mà còn mua nhiều loại arabica. Cũng kể từ khi Thái Hòa có nhiều đơn hàng xuất đi thì hoạt động xuất khẩu cà phê arabica của Việt Nam mới ổn định. Vì thế, trong ngành đều thừa nhận, ông Nguyễn Văn An của Thái Hòa là người có công đầu đưa cà phê arabica của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Triển vọng ngành cà phê tươi sáng

Trao đổi với phóng viên của CafeF những ngày đầu năm Nhâm Thìn, ông Nguyễn Văn An cho biết, nhu cầu cà phê trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng, trong khi nguồn cung hạn chế vì quỹ đất bị giới hạn. Giá cà phê hiện tại chưa phản ánh đúng bản chất của thị trường, mà còn do giới đầu cơ lũng đoạn.

Ông An nhận định tương lai của ngành cà phê Việt Nam rất sáng sủa, vì các nhà sản xuất khác giờ đây tiêu thụ nhiều hơn, đang tìm đến mua hàng của Việt Nam. Indonesia và Ấn Độ là hai nước sản xuất quan trọng thứ 2 và thứ 3 của châu Á, nhưng lại đang là khách hàng quan trọng top 10 của chúng ta.

Đối với triển vọng phát triển cà phê arabica nói riêng, ông An cho rằng, giá cà phê trong nước đang ở mức cao nhất từ trước tới nay (13 – 15 nghìn đồng/kg cà tươi) là cơ hội để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú trọng vào chất lượng, chẳng hạn thu hoạch cà phê phải để chín, chế biến đúng cách…để đảm bảo hương vị. Về xuất khẩu, doanh nghiệp cần tìm thị trường nhiều hơn, đặc biệt là các thị trường có nhu cầu ổn định, để đảm bảo giá trị xuất khẩu đạt mức cao.

Trên thế giới, giá cà phê arabica hiện ở mức trên 4.500 USD/tấn, trong khi cà phê robusta chỉ có 2.000 USD/tấn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe con

    Là một tập đoàn kinh doanh cà phê lớn nhưng lại nói Ấn Độ, Indo là khách mua quan trọng trong top 10 của nước ta mà ko biết hỗ thẹn. Tuy họ là số 2 số 3 mà còn biết mua cà phê VN về để chế biến, nâng cao GTGT để hưởng lợi. Còn mình thì cứ tự hào mà toàn đi bán xô. Đất nước này mãi còn nghèo bởi tầm nhìn của doanh nhân lớn chỉ ở mức đó.

  2. nguyên

    Y5 nên thẩm định lại thông tin trước khi trích dẫn lại cho bà con đọc, theo tôi thì bài báo nghe hơi bị “bơm” và “chém gió”

  3. Cafe vỉa hè

    ông Nguyễn Văn An cho biết, sau khi chuyến hàng đầu tiên của Thái Hòa xuất đi, với cà phê nguồn gốc Vân Nam phối trộn với cà phê trong nước,… Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Đã gian rồi mà còn khoe: “…dẫn đến chất lượng bị thay đổi và nếm không còn mùi arabica mà chỉ còn mùi robusta.” Nói cho trẻ con nghe hay bắt chước trẻ con nói? Cà A mà nghe mùi cà Rô, hết biết.

  4. Yescafé

    Bài viết mang tính hài hước hơn là một bài báo.
    Không lẽ ở Nghệ An trồng giống gì khác ngoài giống arabica catimor nữa sao. Càng đọc càng thấy sai, đi quá xa sự thật.

  5. Hằng Nguyễn

    Bài viết này có vấn đề rồi, hình như bài viết chỉ nhằm mục đích PR cho tập đoàn Thái Hòa. Những thông tin bài viết cần thẩm định lại.

  6. Nông dân cà phê

    Thế theo các bác ai là người đưa cà phê arabica Việt Nam ra thế giới đầu tiên?
    nghe các bác phản hồi thì biết là các bác đây chưa từng uống cà phê arabica bao giờ, đặc biệt là Cafe Vỉa hè, có lẽ bác là trẻ con nên chẳng biết gì cả. Cà phê Arabica mà chế biến như cách thông thường như cà rô thì nó mất hết mùi vị của cà A, những năm 95 trở về trước giá cà A có khi còn rẻ hơn cà Rô do mất công phải đấu trộn với cà rô để bán. Cà phê A phải chế biến ướt mới có hương vị của cà A và đúng là Thái Hòa đã tiên phong trong việc này.

  7. V. Đ. Hùng

    Chào bác Nông dân cà phê,
    Bác trách cà phê vỉa hè là con nít chẳng biết gì cà A hay cà R. Nhưng thông hiểu của bác về chuyện này lủng một lỗ to lắm. Nên khuyên bác đừng có giận mà mất khôn. Cho bác biết rằng tuyệt đại bộ phận cà A xuất khẩu của Brazil là chế biến khô như cà R. Còn tuyệt đại bộ phận cà A của Colombia thì lại chế biến ướt. Bác có biết hàng năm Brazil xuất khẩu bao nhiêu cà A dưới dạng chế biến khô không? Trên 20 triệu bao đó bác. Tôi đưa ra vấn đề không phải để tranh cãi hay bào chữa cho Cà phê vỉa hè. Chỉ muốn nhắc rằng bác rằng đôi khi ta tưởng ta đúng nhưng thực sự hoàn toàn không phải thế. Vậy không nên chê chửi người khác là trẻ con khi mình cũng không đúng như nó.

    Qua bài này, tôi hiểu rằng Thái Hòa là tiên phong xuất khẩu cà A. Nhưng chớ có nói là “đưa cà phê Arabica ra thế giới”. Vì, bài này nói xuất khẩu cà A Trung quốc nhưng được Thái Hòa xuất dưới tên xuất xứ Việt Nam. Hóa ra, hoặc là gian lận thương mại hoặc là báo với thế giới rằng cà A Việt Nam không đạt chất lượng mà phải trộn với cà A Trung quốc. Vô tình đã làm xấu hình ảnh cà A Việt Nam. Dù cà A ta dỡ, đừng xì hơi như thế chứ. Phải không quý bác?

    1. Cafe vỉa hè

      Cám ơn bạn đã lên tiếng. Mình không tranh cãi với bác ấy vì mình biết bác ấy bị sai nhiều cái, mà đi cãi với người sai thì chỉ có … khùng, nên mình đành nhịn vậy.
      Ý mình chỉ muốn nói là cho dù mất mùi kiểu gì thì A cũng không thể biến ra Rô được như ông An nói trong bài. Nói thế là lạy ông con ở bụi này, con trộn cà TQ với cà VN, rồi trộn cà Rô để bán giá cà A, vậy mà luôn tự hào số 1 A đấy! Tiếc là bác ấy không hiểu, thế thôi.

    2. Nông dân cà phê

      Bác này chẳng khác nào bác Café vỉa hè, tiêu đề bào báo nói “Ai là người đầu tiên đưa cà phê arabica Việt Nam ra thế giới? còn bác lại hiểu Ai là người đầu tiên đưa cà phê arabica ra thế giới? nên bác mới trả lời như vậy. Cà phê Trung Quốc không bán được vậy mà vào tay ông An thì ông lại bán được (dĩ nhiên là giá cao) thế mới là người tài. Cũng như In đô với Ấn Độ, mua cà phê của Việt Nam sau đó bán lại với giá cao hơn, có ai chê trách điều này đâu, các bác làm được điều này thì đất nước chúng ta được nhờ đấy.
      Bác nói Brazil 20% chế biến khô nhưng giá bán và chất lượng có bằng cà phê của Colombia không? Hay cũng chỉ như cà rô của Việt Nam thôi (về chất lượng)?
      Tôi đọc bài báo này cũng thấy “chém gió” hơn mạnh tay nhưng dù sao thì bài báo cũng phản ánh đúng thực chất về “nguồn gốc” cà phê A tại Việt Nam.

  8. Cafe vỉa hè

    Nhắc thêm cho mấy cháu SV.
    Có làm luận văn về cà phê thì phải cẩn thận khi tham khảo những gì ông An nói trong bài này. Coi chừng bị điểm kém đó.

  9. nguyễn lê vinh

    Khi khó khăn, người ta kinh doanh là phải lấy ngắn nuôi dài, còn Bác A nhà ta kinh doanh cũng áp dụng theo kiều “vay ngắn hạn để đầu tư dài”. Nhưng bản chất thật sự khác nhau đến người ngoài hành tinh cũng hiểu rằng các ông lớn vay vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn vì mục tiêu là có % từ các nhà thầu. Thấy ông xây kho tại Buôn Ma Thuột là để giải quyết khâu gì? Bây giờ Ngân hàng thu lại để làm gì? Vì sao có ông to ở Buôn Ma Thuột vay vốn mua hàng trăm xe tải để rồi… bán thanh lý ? Đừng kể công khi mà nó không và chưa bao giờ có, hoặc là do không hiểu lịch sử cà phê Việt Nam nên mới nói liều? Lừa dối nhau làm gì, bác vào nghề từ bao lâu rồi mà dám nhận danh hiệu của người đi tiên phong trong lịch sử xuất khẩu cà phê Việt Nam. Bác không sợ những doanh doanh người nước ngoài và các bậc tiền bối của ta ở cái thời mà bác đang còn …? A ha! Phải đâu nông dân cà không biết, biết tỏng tòng tong nhưng cơ chế ngày nay là thế, dân chết cứ mặc dân, nợ nước ngoài thì có thế hệ sau phải trả nếu không thì phải “lệ thuộc”. Các quan ta cứ giàu và bác cứ giàu, nợ của tập đoàn Thái Hòa thì có “toàn dân chịu trận”, và rồi bác sẽ chỉ được kiểm điểm do trình độ yếu kém.
    Trời ạ!

  10. hohoanganh

    Tôi là dân Nghệ An chính gốc, tôi may mắn được sinh ra trong vùng trồng và nghiên cứu cây cà phê và giờ nghề chính của tôi là chế biến và rang xay cà phê. Đọc bài báo tôi thấy người viết không hiểu gì về cà phê cả, hời hợt. Tôi có mấy ý kiến sau.

    Thứ nhất, cà phê Arabica Nghệ an được trồng ở Nghĩa Đàn không phải “Diễn Đàn”.

    Thứ hai, cà phê A ở Nghệ an cho chất lượng không tốt vì độ cao thấp, lúc rang lên thấy lượng tinh dầu trong cà phê cực ít nên uống không có mùi thơm như cà phê ở những vùng khác như Quảng Trị hay Sơn La.

    Thứ ba, không có chuyện cà phê A mà rang uống lại ra mùi cà R.

    Thứ tư, việc trộn cà phê Trung quốc với cà phê Việt Nam để bán gọi là gian lận thương mại, trong kinh doanh việc này gọi là đồ vô liêm sỉ.

    Việc cuối cùng muốn nhắn với ông An là sản xuất cà phê như Thái Hòa ở vùng Hướng Hoá, Quảng Trị thì im mồm đi, càng nói càng tởm. Làm thì láo báo cáo thì gian. Mua nguyên liệu toàn loại tuốt cả cành, bị dân ngâm bùn và nước suối.

Tin đã đăng