Kỹ thuật đốn cây cà phê

Trên cây chè, cây cà phê đến tuổi già cỗi ta thường áp dụng “kỹ thuật đốn cây”. Trong kỹ thuật đốn cây, ta có “kỹ thuật đốn phớt” và “kỹ thuật đốn đau”.

>> Xem thêm: Quy trình cưa đốn phục hồi cà phê

Kỹ thuật đốn phớt nhằm trẻ hóa cây một cách tương đối, mà vẫn duy trì được năng suất cao của mùa tiếp theo. Thông thường thì việc đốn phớt năm sau luôn ở vị trí cao hơn và xa hơn (so với gốc và thân cây). Việc này sẽ giúp cho sự phân cành thuận lợi và giúp tán cây ngày càng tăng trưởng.

Tuy nhiên, sau một số năm đốn phớt thì tán cây đã ngày càng lớn hơn và ta không thể cứ tiếp tục làm như vậy, và buộc phải thực hiện việc đốn đau. Đốn đau là việc đốn được tiến hành để trẻ hóa cơ bản vườn cây, vì vậy vị trí đốn sẽ tiến gần đến phần gốc hơn.

Tất nhiên ta không nên đốn sát gốc, vì càng gần gốc quá thì thời gian để cây phát triển cành lá (đủ để tận dụng tốt không gian) càng lâu và bỏ phí nhiều thời gian kinh doanh của vườn cây. Việc đốn đau nên chọn những vị trí có nhiều cành chính (cành cơ bản) để từ đó sớm có đủ số cành cho quả cần thiết. Sau khi đốn đau ta đã có một bộ khung cành cơ bản mới và sau đó ta lại tiếp tục chu trình đốn phớt như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, ở trên đây ta mới nói đến việc trẻ hóa tán cây. Còn việc trẻ hóa rễ cây có cần thiết không và nên làm như thế nào? Đây là một câu hỏi xưa nay chưa ai đặt ra và chưa ai biết nên làm thế nào.

Kỹ thuật đốn cây cà phê
Kỹ thuật đốn cây cà phê

Về nguyên lý, việc trẻ hóa phần rễ hoàn toàn giống như trẻ hóa tán cây. Nếu ta tìm cách thực hành cắt rễ cây để trẻ hóa nó giống như trẻ hóa tán cây thì những vườn cà phê già cỗi sẽ trở lại sung mãn và cho năng suất cao cũng như hiệu quả trồng trọt tốt lên rất đáng kể.

Tuy nhiên, việc cắt rễ cây có khác với việc cắt cành, vì khi ta cắt rễ thì chỉ cắt các rễ ngang, còn các rễ đứng thì ta không cắt. Việc cắt rễ cũng đồng nghĩa với việc ta phải cắt đất theo chiều thẳng đứng ở những vị trí cách gốc cây theo các khoảng cách xác định. Phần rễ trong phía gốc coi như là phần rễ cơ bản, còn phần bên ngoài coi như đã được “đốn”.

Sau khi đã đốn rễ, phần đất phía ngoài cần được cày, xới và bón phân. Phân bón cần dùng lúc này cần có phân hữu cơ, phân lân nung chẩy hoặc super lân, hoặc bón apatit nghiền để nâng cao độ phì đất. Tất nhiên lượng phân NPK cần thiết vẫn phải duy trì để cung cấp dinh dưỡng chính yếu cho cây. Các loại phân bón trên nếu được bón sâu vào đất (sâu 15-20cm) là tốt nhất. Sau khi thực hành “cắt rễ”, bón phân như đã nói trên, cây cà phê sẽ ra một loạt rễ mới, trẻ hơn, có khả năng hút dinh dưỡng tốt hơn và tất nhiên làm cho cây sung hơn và cho năng suất cao hơn ở các năm sau.

Trong việc thực hành “đốn rễ”, điểm cần chú ý là ta phải đo khoảng cách từ gốc cây đến vùng đốn, ghi chép cẩn thận để theo dõi và quyết định khoảng cách đốn rễ trong lần sau. Việc đốn rễ cũng nên thực hành theo kiểu “đốn phớt” và “đốn đau” giống như đối với tán cây.

Về mùa đốn cây nên chọn thời điểm sau khi thu hoạch ít ngày, trước khi tưới 2-3 ngày nên tiến hành đốn (hoặc cắt rễ) và bón phân, để khi mưa xuống, hoặc có nước tưới cây sẽ ra rễ, ra cành và sinh trưởng trong điều kiện thuận lợi.

Kỹ thuật này cũng rất tốt cho việc thực hành trên các vườn cây ăn quả, cây lưu niên có thời gian khai thác hoa, trái, búp, lá lâu dài. Việc thực hành cụ thể trên từng loại cây cần được áp dụng sáng tạo dựa vào con mắt nhà nghề của các “nghệ nhân trồng cây”.

>> Kỹ thuật chăm sóc cà phê sau thu hoạch

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng