Gia Lai: Báo động an ninh vùng nguyên liệu mía

Những ngày qua, tình trạng mía cháy liên tiếp, bất thường không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn cướp đi cả sinh mạng của người nông dân, đang báo động về an ninh trên trên vùng nguyên liệu mía đông nam tỉnh Gia Lai.

Nông dân ngậm ngùi thu hoạch mía cháy để vớt vát. đồng nguyên
Nông dân ngậm ngùi thu hoạch mía cháy để vớt vát. đồng nguyên

Ngày cận tết, chúng tôi lội sâu vào đồng mía thuộc thôn Thống Nhất 2, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện để tìm nhà anh Trần Văn Dân.

Chị Nguyễn Thị Ngọc – vợ anh Dân nghẹn ngào kể lại: “Trưa 23.12.2011, thấy khói lửa ngút trời ngoài ruộng mía, cả nhà vội buông bát cơm lao ra. Anh Dân lội sâu vào ruộng mía dập lửa, nhưng ngọn lửa bất ngờ đổi hướng quật lại. Chồng tôi bị ngạt khói ngã xuống, được đưa đi Bệnh viện tỉnh Gia Lai cấp cứu với tỷ lệ bỏng 90%, 2 ngày sau anh mất”. Anh ra đi bỏ lại vợ và 4 đứa con còn quá nhỏ – cháu lớn mới học lớp 12, cháu nhỏ nhất vừa tròn 7 tuổi.

Trong vụ cháy trưa 23.12, hàng trăm nông dân đã liều mình cứu mía, ai cũng bị bỏng nhưng rồi vẫn thua giặc lửa. Toàn bộ 38,7ha mía sắp thu hoạch của 22 hộ dân trên xứ đồng Thống Nhất 2 bị thiêu trụi hoàn toàn.

Ông Phan Đình Trữ – người có 5ha mía bị hỏa thiêu xót xa: “Mỗi ha mía bị cháy gây thiệt hại khoảng 33 triệu đồng. Cộng thêm chi phí đầu tư cả năm trời, người trồng mía chúng tôi lỗ sặc gạch”.

Ruộng mía 1ha của chị Nguyễn Thị Nga ở thôn 2A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện lần đầu dập lửa kịp thời nên chỉ cháy khoảng 1.000m2, lần thứ hai thì bị thiêu trụi hoàn toàn. Chị Nga cho biết: “Trước đó nhiều thương lái đến gạ tôi bán mía, lại có người bóng gió rằng nếu không bán thì sẽ bị cháy”.

Ông Cáp Thành Dũng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai – cho biết: Tính từ đầu vụ ép đến nay, trên vùng nguyên liệu của công ty đã xảy ra hơn 70 vụ cháy, làm thiệt hại 150ha mía, chưa tính các vụ cháy được dập tắt kịp thời.

Công an đã thu thập nhiều bằng chứng của việc đốt mía như can đựng dầu, vật liệu dẫn lửa, những bó nhang quấn nhùi giẻ tẩm dầu… tại hiện trường. Điều này cho thấy mía cháy là do “cò” mía đốt chứ không phải đồng bào dùng lửa bắt chuột hoặc sử dụng lửa vô ý.

Cũng theo ông Dũng, việc đốt mía nhằm gây hoang mang cho nông dân, xáo trộn lịch đốn mía, gây thêm bức xúc cho những nông dân khác… và mục đích cuối cùng của cò là tranh mua nguyên liệu do nhà máy đầu tư.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng