DN xuất khẩu nông lâm sản lâm nguy

Dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy hải sản năm nay cao kỷ lục (25 tỷ USD) và đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành đang tỏ ra hết sức bi quan…

Theo các doanh nghiệp, trong khi giá xuất khẩu tăng 1 thì giá thành sản phẩm làm ra đã tăng đến 2, đến 3. Các doanh nghiệp lại luôn phải đối diện với hàng loạt rào cản thương mại từ các nước xuất khẩu, vất vả lo những quy định chồng chéo, ngặt nghèo trong nước.

Doanh số tăng, lợi nhuận giảm

Mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản là thủy sản, đạt 6,1 tỷ USD, tăng tới 21% so với năm 2010. Hầu hết các nhà xuất khẩu thủy sản đều khẳng định, sở dĩ có được con số này là do giá sản phẩm thủy sản xuất khẩu đã tăng mạnh. Tuy nhiên theo ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước, Đà Nẵng, nếu so với mức tăng bình quân từ 22 – 25% giá thủy sản thế giới, rõ ràng giá thủy sản Việt Nam đang đi xuống. Ông Lĩnh tính, để hưởng giá xuất bình quân tăng 21%, chi phí giá thành của các doanh nghiệp tăng tới 25%. Điều này dẫn tới hệ quả doanh số tăng nhưng lợi nhuận giảm.


Giá thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang đi xuống.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Minh Phú, trong thời gian dài các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu chế biến với mức giá cao hơn hẳn các nước trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia… nhưng giá xuất khẩu lại không thể cao hơn.

Nhiều nhóm hàng khác như gạo, cà phê… cũng trong tình cảnh tương tự. Các doanh nghiệp do thiếu hụt vốn, phải tìm cách quay vòng nhanh bằng những hợp đồng xuất hàng nhưng không lường trước được giá. Ký hợp đồng vào lúc giá thấp, giao hàng khi giá đã cao chót vót khiến các nhà xuất khẩu luôn phải ôm lỗ. Đây là một trong những lý do khiến các nhà kinh doanh cà phê, lúa gạo liên tục phá sản hiện nay.

Đối diện nguy cơ vỡ nợ

Mặt hàng gạo năm nay xuất khẩu với kỷ lục với 7,1 triệu tấn. Nhưng theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), một đại diện của ngành hàng này, hơn một năm trời các doanh nghiệp tồn tại trong trạng thái chịu đựng, cầm cự. Không tìm đâu ra nguồn vốn, tìm được thì phải chịu mức lãi suất cao ngất ngưởng, buộc phải vay mượn và nợ nần lẫn nhau, hậu quả là chuyện bể nợ, chiếm dụng vốn của nhau… đang dần vỡ lở trên diện rộng.

Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, dù chưa có những tổng kết về mức độ thiệt hại đối với doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp đang trong cảnh “quằn quại” và có thể phải rời cuộc chơi trong quý I và II tới, nếu mức lãi suất từ các ngân hàng không giảm.

Ngoài nguồn vốn đè nặng lên vai, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng còn cho biết, họ luôn phải lo đối phó với hàng loạt những rào cản từ các nhà nhập khẩu và từ chính các cơ quan quản lý trong nước. Điều này tác động không nhỏ tới chi phí giá thành các sản phẩm. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt, các doanh nghiệp thủy sản đang phải chịu những chính sách, quy định theo kiểu “vơ đũa cả nắm” , bất chấp gây khó cho doanh nghiệp ra sao. Có những thủ tục nhiêu khê đến mức, theo ông Minh là nó quyết định thành công của các doanh nghiệp trong năm 2012 này.

Cá tra tiếp tục gặp khó

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) vừa công bố gia hạn thời gian đưa ra quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 7. Theo DOC, thời hạn 120 ngày chưa đủ đánh giá hồ sơ vụ kiện. Cơ quan này quyết định kéo dài thời hạn xem xét hành chính thêm 60 ngày, lên 180 ngày kể từ thời điểm chính thức công bố, tức đến 7/3/2012.

VASEP cũng cho hay, năm nay, ngành cá tra sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn cơ hội. Nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu vẫn sẽ thiếu hụt vào những tháng trái vụ. Và thách thức lớn nhất trong năm 2012 của người nuôi và doanh nghiệp vẫn là vốn, dù dự báo xuất khẩu cá tra năm nay vẫn đạt giá trị khoảng 1,7 – 1,8 tỷ USD.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thanh Sơn

    -Trong thời gian dài các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu chế biến với mức giá cao hơn hẳn các nước trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia… nhưng giá xuất khẩu lại không thể cao hơn.
    Ví sao không sử dụng nguyên liệu trong nước? vì thu mua ép giá nên bà con bỏ ao.
    -Ký hợp đồng vào lúc giá thấp, giao hàng khi giá đã cao chót vót khiến các nhà xuất khẩu luôn phải ôm lỗ. Đây là một trong những lý do khiến các nhà kinh doanh cà phê, lúa gạo liên tục phá sản hiện nay.

    Khai ra hết rồi đấy nhé! Đây là lý do các nhà DNXK thường xuyên ép giá nông dân.

    1. kimdung

      Các doanh nghiệp đều đang kêu trời, nhưng trời không thấu, vậy chúng ta thử tìm 1 giải pháp khả thi xem nào. Tìm giải pháp để các cấp, các ngành có biện pháp kịp thời chăng ? Ai cũng cho rằng lãi vay ngân hàng quá cao, thế chính phủ đã có biện pháp gì để cứu doanh nghiệp ? Ngân hàng thì lãi khủng, doanh nghiệp thì ngắc ngư, các biện pháp giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà nước chả ăn nhập gì. Thế thì tại sao không bắt ngân hàng chia sẻ khó khăn bằng cách trả lại 1 phần lãi vay do lãi suất quá cao mà họ có lãi khủng. Suy cho cùng thì cái lãi khủng này cũng vào tay nhà nước chứ đi đâu. Thế thì nhà nước cứu doanh nghiệp đi : có quyết định để ngân hàng phải trả lại tiền lãi vay quý 2, 3, 4 năm 2011 giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, để tồn tại và phát triển chứ ! Chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ thế.

Tin đã đăng