Cà phê: Dù giá xuống vẫn chưa mất niềm tin

Cà phê vụ này chất lượng đẹp nhưng giá trong tuần đầu năm chẳng đẹp chút nào. Giá thị trường nội địa lẫn kỳ hạn đều xuống nhanh và sâu. Có người đổ thừa cho các nhà xuất khẩu bán ẩu, nhưng tiền đâu ra để làm được chuyện ấy, hay là giá kỳ hạn nhạy cảm do thiếu thanh khoản? Nội chỉ việc bán ít hàng thực, giá cà phê trên Liffe xuống ngay, huống gì còn cả lực lượng “hàng giấy”. Song, hy vọng giá cao trở lại đâu đó.


Biểu đồ 1: Giá đóng cửa robusta Liffe so với giá nội địa tuần đầu 2012

Giá cao… khỏi tầm với

Mùa thu hái cà phê niên vụ 2011-12 đã trọn vẹn. Chất lượng thu hoạch và sau thu hoạch được đánh giá tốt, nhờ hái đúng nông lịch nên tránh được những cơn mưa phá hại. Chất lượng tách nếm ắt sẽ tốt hơn cũng như bề ngoài hạt cà phê sáng và đẹp hơn. Nhưng tuần đầu tiên của năm mới, giá chẳng đẹp chút nào! Những ngày đầu năm, thị trường cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tuy cầm cự khá dũng mãnh, vẫn phải thụt lùi vì giá trên thị trường kỳ hạn giảm quá nhanh và sâu.

Thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe NYSE, cơ sở tháng 3-2012, nay là tháng giao dịch chính, giá chốt cuối tuần lại một lần nữa bỏ mức cao để xuống chỉ còn 1.720 đô la/tấn. Như vậy, giá đóng cửa TTKH mất gần 300 đô la/tấn so với ngày đầu niên vụ mới; và chỉ sau một tuần, mất đến 90 đô la/tấn tính từ thứ sáu tuần trước.

Còn chừng nửa tháng nữa là Tết Nguyên đán. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là tuy Tết đến gần, hàng còn nhiều, nhưng giá nội địa và giá xuất khẩu chống chỏi rất tốt so với giá kỳ hạn. Hầu như suốt tuần, giá nội địa cách biệt ngang ngửa với giá đóng cửa của TTKH. Giá xuất khẩu cho loại 2, 5% đen vỡ được báo ở mức trừ 30 đô la/tấn nhưng trong thực tế phải cao hơn mức ấy.

Rõ ràng, ảnh hưởng của giá kỳ hạn xuống đã kéo theo giá nội địa thấp, mất trên 2.000 đồng/kg so với giá ngày cuối năm cũ chừng 38.000 đồng/kg. Sáng nay 7/1, giá nhân xô nội địa đáng tiếc chỉ còn quanh mức 35.500-35.800 đồng/kg.

Như thế, càng ngày giá nội địa và giá kỳ hạn càng đi khỏi mức cao. Những mốc 45.000 – 50.000 đồng nay xa dần tầm với so với ước mơ của nhà nông.

Hàng giấy đè hàng thực

Qua theo dõi một số trang mạng thông tin thị trường tư nhân, có người cho rằng giá rớt vì do các nhà xuất khẩu bán ra nhiều và bán “ẩu” vì theo họ, trong tháng 12-2011 lượng hàng xuất khẩu có thể đạt trên 120.000 tấn. Gán ghép ấy tỏ ra thiếu thuyết phục vì sức mua của nhiều nhà xuất khẩu nội địa giảm đi rất nhiều, do tín dụng vẫn còn khan hiếm cũng như chi phí tài chính và lãi suất ngân hàng còn cao.

“Đến nay, sức mua của công ty tôi chỉ bằng 30% cùng kỳ năm ngoái”, giám đốc một nhà xuất khẩu tại Daklak tâm sự.

Thực ra, việc nông dân bán ra là chuyện bình thường và chuyện phải làm khi chuyện đồng áng hoàn tất. Song, nếu cần cho 20 ngày trước Tết, chỉ cần mỗi ngày lượng bán ra chừng 10.000 đến 15.000 tấn là giá TTKH có thể có ảnh hưởng xấu, nhất là trong giai đoạn đầu cơ tài chính đang chưa xuất đầu lộ diện trong khi rang xay đang mua dè dặt.

Theo nhận định của một nhà phân tích tại TPHCM: “Giá kỳ hạn xuống từng ngày là do, một mặt, lượng hàng mua trong ngày của các công ty nhập khẩu nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam được đem lên TTKH để bán phòng hộ; mặt khác, có thể một số nhà đầu cơ nhỏ trong và ngoài nước nghĩ lượng cần bán ra của vụ mùa còn nhiều và đang cận Tết, cộng với các yếu tố kỹ thuật xấu do TTKH arabica Ice New York tác động, họ đã bán khống hàng giấy với hy vọng giá xuống tiếp nữa đặng mua vào lại kiếm lời, nên đã gây ra tình trạng ‘hàng giấy đè hàng thực’ trong suốt tuần, đặc biệt ở hai phiên giao dịch gần nhất”.

Giá thấp nhưng chưa mất niềm tin

Tuy giá xuống, tâm lý nông dân tỏ ra rất vững. Có người hô hào bà con giữ vững giá: “Tôi còn trên 20 tấn nhân cà phê. Từ đầu vụ chưa xuất hạt nào. Nhưng giá mà dưới 50.000 đồng/kg thì tôi sẽ trữ đến năm sau mới bán”, một nông dân lấy tên Tâm Cà phát biểu trên mạng tối qua.

Thực ra, nông dân buộc phải giữ chặt cà phê vì giá xuống nhanh quá, trong khi chỉ vừa mới đây giá vẫn còn mức 38.000-40.000 đồng. Có thể vì lượng bán ra chưa nhiều và cùng khuyên nhau không nên bán ồ ạt, giá nội địa nhờ vậy không thể xuống như các năm trước khi có sức ép bán ra. Không có sức ép bán ra, giá chênh lệch giữa TTKH với giá xuất khẩu và nội địa khó sẽ vững, khó giãn ra xa hơn.

Nhận định của Jonathan Barrat, người đứng đầu Công ty Commodity Broking Services tại Sydney (Australia) tạo thêm cho thị trường niềm tin và hy vọng, khi ngày cuối năm 2011 đã phát biểu rằng giá cà phê robusta trên Liffe có thể tăng lên lại mức 2.000 đô la/tấn trong năm 2012. Lạm phát năm 2011 tại Việt Nam ở mức 18% sẽ làm các ngân hàng tiếp tục siết chặt tín dụng. Như thế, “các nhà xuất khẩu sẽ khan tiền và không thể bán ra mạnh được. Khi khâu xuất khẩu bị thắt lại, cơ may cho giá tăng vẫn còn do nguồn cung trục trặc”, Barrat giải thích.

“Giá đang cao ngon lành, tự nhiên sụp nhanh. Làm sao có thể trách nông dân do họ giữ chặt hàng được. Nếu gặp trường hợp của mình, tôi cũng làm thế thôi”, Barrat kết luận một cách “dĩ hòa vi quý”.

Như thế, về đường dài, giá cao vẫn còn khả năng quay đầu song sẽ tùy thuộc rất nhiều vào cách điều độ bán ra và tính kiên định của nhà nông, vì trong những ngày đầu đầy khó khăn và căng thẳng, họ chứ không ai khác đã giữ được thị trường về tay mình một cách đáng thán phục.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bốn Cà

    Bài viết có mấy ý ko hiểu muốn nói gì.

    -Đáng ra giá phải rớt hơn nữa vì Tết Nguyên Đán, giá còn cầm cự được như hiện nay là điều đáng ngạc nhiên.
    Tại sao phải đáng ra? Nhà nông và nhà doanh nghiệp không bán ra ồ ạt như mọi năm khi Tết đến làm các nhà đầu cơ mất cơ hội chăng?

    -Giá xuất khẩu cho loại 2, 5% đen vỡ được báo ở mức trừ 30 đô la/tấn nhưng trong thực tế phải cao hơn mức ấy.
    Tại sao phải cao hơn? Muốn ép giá trừ lùi như mọi năm chăng?

    -Có người đổ thừa cho các nhà xuất khẩu bán ẩu, nhưng tiền đâu ra để làm được chuyện ấy… Nội chỉ việc bán ít hàng thực, giá cà phê trên Liffe xuống ngay, huống gì còn cả lực lượng “hàng giấy”.
    Bán trước trên thị trường kỳ hạn có cần tiền để mua trước không? Hàng thực làm cho giá xuống nhưng phải bao nhiêu mới đủ lực?

    Lơ lửng con cá vàng mà dễ chết ngài.

  2. nguyen duy hoa

    Bà con ơi , Tết đến gần nếu cần tiền xài Tết thì nên vay mượn một ít trang trải đừng nên bán cà trong lúc này vì giá quá thấp. Theo tôi nghĩ hết tháng giêng cà sẽ tăng mạnh, bà con cứ yên tâm tôi cũng là một người làm cà tôi sẽ trữ lại tới tháng 6,7 cao giá tôi mới bán. Cuối năm chúc bà con một năm mới an khang thịnh vượng.

  3. viet nam

    Theo tôi thì nên giữ hàng là tốt nhất không bán là thiếu hàng, thiếu hàng thì cà sẽ lên bởi vì nước ta là nước xuất khẩu thứ 2 thế giới mà giữ hàng thì có hàng đâu mà bán. Tết này ăn tết hạn hẹp môt tý là được thôi, ra giêng ta bù lại cũng được bởi vì một năm vất vả mà bán giá này thì lổ quá.

  4. nguyễn thúc hội

    Hi vọng là qua Tết Nguyên Đán giá sẽ lên, chứ cứ đà này biết khi nào cho người dân hết khổ.

  5. chuotdong

    Ai mà chả biết như thế hả bạn nhưng vay mượn đâu ra để tái đầu tư mà tính nhịn ăn Tết. Chi tết nhứt chỉ số ít , đầu tư tiếp nuôi nó để năm sau mà thu mới vấn đề quan trọng. Bạn có thể chuyển ăn tết sang tháng 7 được nhưng ko thể dừng tưới tắm bón phân cho cà trong thời gian sắp tới. Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, ta phải biết vận dụng qui luật này để đầu tư. Tưới nước là để cây ra quả, bón phân để tạo dàn cành vì thế mùa khô tui đầu tư ko kém mùa mưa. Ta cải tạo đất bằng phân hữu cơ nhưng ko thể phủ nhận được nuôi nhanh dàn cành phải cần đến phân hóa học.
    Cứ hi vọng tháng 7 cà 50 đi, liệu vay ngoài từ đây tới đó bên nào thấy lợi là theo nhưng ai dám chắc cà lên giá đó. Dự đoán chỉ là dự đoán vì chẳng có ai là thánh ở đây cả…
    Mong bà con tìm đúng lối đi phù hợp với gia cảnh của mình.

  6. nông dân dakha

    Người nông dân làm cafe… Tết đến giá hạ thì lấy tiền đâu mà tiêu tết mà giữ cafe đây Các nhà doanh nghiệp nói thánh nói tướng… giá lên thì nói lên thì nói lên giá xuống thì nói xuống, không tìm ra giải pháp hữu hiệu cho người trồng cafe…
    Nhà tôi có 100tấn cafe nhân mà không có tiền tiêu nên phải bán măc dù giá rẻ, những người làm nông thì phụ thuộc hết vào hàng nông sản nếu giữ thì ko có tiền chi tiêu hàng ngày. Làm gì có sự hỗ trợ nào, thử hỏi fải giữ hàng như thế nào?

    1. Tâm Cà

      Bạn là người nông dân trồng cà phê? Bạn có 100 tấn nhân? Năm ngoái bán bạn thu được bao nhiêu? Bạn tiêu tiền của năm ngoái hết rồi? Nhà bạn có bao nhiêu hecta cà phê? Ngân hàng không cho bạn vay chi tiêu? Bạn nói nghe thật mâu thuẫn. Nếu bạn là nông dân mình tin với số cà, số đất rẫy cà phê của bạn thì nhiều ngân hàng, nhiều người cho bạn vay chi tiêu lắm. Nếu bạn là doanh nghiệp xin đừng vào đây đánh tâm lý nông dân chúng tôi.

  7. VÕ THỊ NGỌC HÂN

    Trời, mình có nhìn lộn không. Cà phê sao mà tuột dữ vậy, bà con mình dự trữ cà phê là sai hết rồi, giá lên đâu không thấy mà cứ thấy nó xuống trầm trọng, như vậy cà phê có thể rơi xuống còn 20 mấy ngàn kg… Cứ thế này, người nông dân cứ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cả cuộc đời cực khổ mà bị người khác ăn hết… Thiệt là khổ quá đi thôi !

  8. Nguyễn Công Dụng

    Tất cả các bác bàn đều đúng cả. Như cá nhân tui thì lực bất tòng tâm, thôi cần tiền đến đâu thì bán tới đó chứ biết làm sao được?

  9. lê cẩn

    Là người kinh doanh song cũng là 1 nông dân, tôi nghĩ giá lên xuống cũng là chuyện bình thường. Cái điều người nông dân sợ nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam không thực hành những điều khi họ đã hứa. Theo tôi biết có nhiều công ty chỉ vài 3 tháng trước còn đón nhận huân chương của Thủ Tướng chính phủ tặng. Song không ít dư luận cho rằng đã đổ bể hàng ngàn tỷ đồng. Chính sách của họ không nhất quán nhiều khi bán hàng giấy để lấy tiền trả nợ ngân hàng và các nhà đầu cơ thì họ đi trong gan, ruột của các công ty này dẫn đến tình trạng bát nháo như hiện nay. Ai cũng biết với tình hình lạm phát cao như hiện nay thì ít ngân hàng nào dám bão lãnh cho những công ty này. Cái buồn nhất của nông dân hiện nay là những tuyên bố của Vicofa là những bong bóng xà phòng do hứa hão. Có nguồn tin cho rằng nhà nuớc không trợ giúp các doanh nghiệp mua tạm trữ hàng nữa song các vị cứ im thin thít, chỉ cần 1 động tác ảo thôi thì nhân dân và nhà nước có thêm nguồn thu ngoại tệ khoàng 500 triệu đô do giá xuất khẩu tăng. Nhưng lấy đâu và ai cho mượn hơn 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn này? Chẳng thà không có những tuyên bố hùng hồn của Hiệp hội Cà phê Việt Nam thì dân bớt ngóng chờ.

  10. ducson

    Nông dân chúng ta đang bị các nhà đầu cơ kết hợp ép giá trên hai sàn để nhằm mục đích thu về với giá rẻ rồi đẩy giá lên tột đỉnh đấy mà. Các bài viết lâu nay chỉ nhằm mục địch gây hoang mang cho người sản xuất để bán tháo hàng nhưng bà con ù lì cầm cự quá nên họ lại đang tìm cách đè giá trên sàn để hù tiếp đấy thôi. Cứ để kỳ hạn tháng 3/2012 sắp tới mà gom không đủ hàng thì qua vài kỳ hạn thanh lý hợp đồng thiếu hàng thật thì các nhà rang xay sẽ bỏ của chạy xa hai sàn giao dịch giấy để quay sang thị trường các nước sản xuất mà thôi. Hiện tại hàng kỳ hạn tháng 01/2012 vẫn còn được cho lên sàn là đủ hiểu mức độ giao dịch hàng thật diễn ra thế nào rồi bà con.

  11. Tâm Cà

    Mình thấy bạn Lê Cẩn nói rất đúng. Cận tết, các doanh nghiệp trong nước bán tháo hàng giấy để đáo hạn ngân hàng. Nông dân quyết tâm giữ hàng thật. Thiết nghĩ ra tết khi hàng thật trong các doanh nghiệp kinh doanh hàng giấy không có sẽ có nhiều kịch hay để xem.
    Đúng là đắng như cà phê. Mỗi nhà nhảy một điệu. Lúc thì nông dân chặt cà, giờ chắc đến lượt các doanh nghiệp cơ cấu lại. Mong Việt Nam sớm có một nền cà phê bền vững!

    1. ánh dương

      Ông cà này chắc mắc bệnh cà tưởng quá! ông chẳng biết tý gì mà sao cứ hay nói thế hả ông. Hãy nhìn nhận thực tế để xử lý cho đúng trong các tình huống! ông nói cứ như ba phải vậy thì sao ai mà biết đường nào? Mọi người đâu phải lúc nào cũng có tiền sẵn đâu mà chờ với đợi. Khi mọi người cần tiền đầu tư chăm sóc vườn cây thì cũng buộc phải bán thôi, hên xui mà! Nếu biết trước thì mọi người chẳng cần làm nghề ngỗng gì cho khổ! Ko có tiền thì đi vay hoặc bán nhà để lấy vốn mà đầu tư, mua hàng gom lại như ông, như vậy thì giàu hết cỡ biết luôn đó! Ông nghĩ tui nói có đúng ko?

  12. VO DUY

    “Hàng giấy” tức là chỉ mua bán trên giấy tờ, tức chơi trên sàn. Mọi người có thể mua và bán bình thường nhưng lại không có hành động giao và nhận hàng như trên thực tế.

    Có anh chị nào am hiểu cho Tôi hỏi. Nhiều người kinh doanh đều nhận định là cuối năm vào dịp Tết cà phê sẽ giảm giá và ra Tết sẽ lên giá lại và xu hướng này trong những năm qua đều đúng. Nếu như vậy chơi hàng giấy chắc chắn sẽ có lời? Bỏi các ý kiến ở bên trên cũng đều khuyên người dân nếu có cà thì ra Tết hãy bán.

    Bản thân Tôi không hề có cà phê nhưng thay vì mua trữ ngoài thực tế thì Tôi lên sàn trữ bằng hàng giấy. Vậy cứ theo ý đó thì giả sử (mà gần như qua các năm đều chắc chắn) giá cà phê ra Tết sẽ tăng vậy người nông dân có lời, bản thân Tôi không có cà phê cũng kiếm được chút đỉnh.

    Có anh chị nào am hiểu hơn lý giải dùm Tôi các ý nêu trên?

  13. ĐINH QUỐC TÙNG

    Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi bán cà! Nếu biết qua tết giá lên hay xuống thì ai cũng giàu to nhờ kinh doanh cà phê.

Tin đã đăng