Gia Lai: Nỗi niềm sau vụ thu hoạch cà phê

Những ngày này, về xã Nam Yang (huyện Đak Đoa)-một trong những vựa cà phê lớn của tỉnh, hình ảnh vẫn thường thấy đó là nhà nhà đều tổ chức rửa bạt cà phê, nông dân thường mua rượu thịt về tổ chức “giải mỏi” sau một năm lao động cực nhọc. 

 Lắm nỗi niềm

 

Niềm vui thu hoạch cà phê. Ảnh: Ngọc Linh

 Được biết, việc tổ chức “rửa bạt” đã thành thông lệ ở đây bởi trong cả mùa vụ, các hộ trồng cà phê đều trao đổi công với nhau rất ít khi thuê công ngoài, do đó “rửa bạt” là để tri ân láng giềng, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.

Năm nay, trong niềm hân hoan chung vì cà phê được mùa, vẫn có nhiều hộ ở đây ngậm ngùi nhấm chén đắng. Rẫy cà phê của các ông Nguyễn Văn Hải và ông Nguyễn Văn Thanh (cùng ở thôn 5, xã Nam Yang) bị nạn ve sầu tấn công giữa mùa, cộng thêm những cơn mưa muộn kéo dài đã khiến sản lượng thiệt hại từ 50% đến 80%. Như vậy là những khoản nợ vay để đầu tư năm nay khó có khả năng thanh toán trọn vẹn.

Được mùa, với số cà phê vừa đóng bao cất trong kho ước được trên 5 tấn quy nhân thế nhưng gia đình anh Trần Văn Nhật (thôn 2, xã Nam Yang) cũng trong tâm trạng nôn nao. Anh Nhật tính rằng, cả gia đình với 6 khẩu, mọi chi tiêu trong một năm tất tần tật đều trông chờ vào vườn cà phê. Giờ giá đang thấp nên… không thể không bán.

Năm nào mà chả vậy, cứ đến vụ thu hoạch là giá cà phê giảm. Sau đó, từ tháng 3 trở đi, giá cả sẽ tăng trở lại, thậm chí sẽ tăng mạnh nhưng chúng tôi làm gì đợi được đến lúc đó. Hơn 5 tấn cà phê nhân quy ra tiền đến gần 200 triệu đồng, to đấy chứ! Thế nhưng sau khi thanh toán xong nợ nần thì gia đình còn lại chẳng được bao nhiêu-anh Nhật trải lòng.

Nhiều hộ khác trong vùng thì không được như anh Nhật. Vì thiếu vốn đầu tư hay bỗng dưng nhà gặp chuyện không hay, họ đã phải tìm đến những tiểu thương thu mua nông sản để vay tiền với sự ràng buộc hết sức bất lợi: Khi vừa thu hoạch xong cà phê phải bán lại với giá thấp hơn hoặc thỏa thuận bán non nông sản bất chấp giá cả thị trường. Đương nhiên, những thỏa thuận dạng này, nông dân làm gì được nắm phần lợi.

 Bao giờ hết… luẩn quẩn? 

Chia sẻ nỗi niềm với nông dân, ông Võ Ngọc Hiếu-Giám đốc Công ty Cà phê tỉnh Gia Lai nêu quan điểm: Để có thể kiếm được đồng lời sau một mùa lao động cực nhọc, nông dân cần tính toán kỹ lưỡng khả năng tài chính của gia đình mình, nghĩa là phải phân chia sản phẩm sau thu hoạch ra thành nhiều phần. Trong đó phải phân biệt phần nào dành để trả nợ, phần nào dành để tái đầu tư, rồi bán vào các thời điểm giá cả thích hợp, nếu có thể thì trữ lại chút ít chờ giá lên bán kiếm lời. Hoặc trường hợp cảm thấy giá cả đủ để có lãi thì bán dứt điểm, không nên trông chờ giá thật cao mới bán.

Ông Hiếu giải thích: Hiện tại, khi vụ thu hoạch vừa hoàn thành, nguồn cung dồi dào do đó giá cả thường có chiều hướng xuống thấp. Tuy nhiên, giá cà phê lên xuống ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là do yếu tố đầu cơ nên nông dân cần phải hết sức tỉnh táo. Nếu họ đợi đếnvài tháng nữa khi giá cả tăng trở lại mới xuất bán nông sản thì cũng chưa hẳn là quyết định sáng suốt bởi mức tăng giá đó không ăn thua so với lãi suất ngân hàng và các loại chi phí khác.

Hiện tại, mặt hàng cà phê đã có sàn giao dịch (đứng chân tại TP. Buôn Ma Thuột). Lợi ích của việc buôn bán trên sàn này theo như người có trách nhiệm cho biết, sẽ định hướng cho người nông dân và người sản xuất kinh doanh lên kế hoạch hợp lý đem lại lợi nhuận, tránh hiện tượng “trồng trọt và sản xuất theo phong trào” hoặc hiện tượng “được mùa thì mất giá, được giá thì không có sản phẩm để bán” như hiện nay.

Được biết, thành viên tham gia của sàn này chủ yếu là những người kinh doanh mặt hàng cà phê, người trực tiếp làm ra sản phẩm hầu như vẫn còn lạ lẫm. Vì thế, sau gần một năm ra đời và đi vào hoạt động, thành viên của sàn giao dịch cà phê vẫn chỉ loanh quanh ở Đak Lak và TP. Hồ Chí Minh, nên có thể nói, người nông dân vẫn còn phải “tự bơi”.

Có thể khẳng định, vai trò của cây cà phê đối với nền kinh tế cả khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại, những người trực tiếp làm ra hạt cà phê thì vẫn loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn “sản phẩm đầy kho nhưng nỗi lo thì đầy đồng”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. cafenghot

    Nông dân là vậy sau thu hoạch là bao nhiêu nổi lo, lo trả nợ đầu tư, đáo hạn NH, lo trang trải chi tiêu cho 1 năm kế tiếp, lo tái đầu tư cho năm sau, phải chi NN thấu hiểu mà giúp cho nông dân chúng tôi một cái phao

    1. trần khắc trí

      ban cafenghot ơi nếu mà tiếng nói của dân đen như tụi mình mà thấu đến tai những quan chức nhà nước thì có lẽ dân làm caphe đã bớt khốn đốn như bao nhiêu năm qua rồi, nhưng bao nhiêu ước vọng chỉ là điều ước mà thôi bạn nhỉ!

Tin đã đăng