Câu chuyện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) bị một DN Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền trong 10 năm chưa kịp lắng xuống thì lại đến nước mắm Phan Thiết bị một DN tại Hoa Kỳ đăng ký thương hiệu từ 12 năm trước… Việc để các DN nước ngoài “nẫng” mất thương hiệu Việt một cách dễ dàng cho thấy sự thiếu quan tâm của các cấp ngành, địa phương, DN trong vấn đề này.
Mất thương hiệu, chuyện không của riêng ai
Nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị DN nước ngoài chiếm dụng
Tháng 6/2011, Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty cổ phần Sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự phát hiện hai nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột và cà phê Đăk Lăk bị DN nước ngoài chiếm dụng tại Pháp và Trung Quốc. Theo văn bản ông Vinh gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Lăk, chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd, văn phòng tại Quảng Châu (Trung Quốc) đăng ký độc quyền nhãn hiệu 10 năm, bắt đầu từ năm 2010 trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ “BUON MA THUOT”, số đăng ký 7611987, cấp ngày 14/1/2010 và logo kèm dòng chữ “BUON MA THUOT COFFEE 1896”, số đăng ký 7970830, được cấp ngày 14/6/2011. Còn tên DAK LAK thì bị Công ty ITM ENTREPRISES (Pháp) đăng ký nhãn hiệu, được cơ quan sở hữu trí tuệ Pháp cấp độc quyền từ tháng 9/1997. Điều đáng nói là thương hiệu cà phê DAK LAK không chỉ được bảo hộ tại Pháp mà còn ở nhiều quốc gia như Áo, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức, Italia…
Theo Công ty cổ phần Sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự, với việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền này, DN nói trên không chỉ gây nhầm lẫn cho công chúng về nguồn gốc địa lý Buôn Ma Thuột gắn liền với sản phẩm cà phê nổi tiếng, mà còn ngăn việc xuất khẩu cà phê có tên gọi Buôn Ma Thuột của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, ngày 14/10/2005, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định 806/QĐ – SHTT cấp đăng bạ quốc gia số 00004, công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đăk Lăk. Mặc dù được công nhận từ năm 2005, nhưng mãi đến tháng 8/2011, Sở Khoa học và Công nghệ Đăk Lăk mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho 8 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích hơn 8.800ha, sản lượng khoảng 26.000 tấn/năm. Trong khi vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột có diện tích lên tới 100.000ha, sản lượng hơn 300.000 tấn/năm.
Nguyên nhân của việc chậm trễ trên là do trước khi Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột ra đời vào cuối năm 2010, ở Đăk Lăk chưa có một tổ chức nào đủ khả năng quản lý, sử dụng, phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.
Mặt khác, muốn được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này, các tổ chức và hộ nông dân phải áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất, chế biến cà phê. Trong khi đang chờ được cấp, nhãn hiệu nổi tiếng này đã bị doanh nghiệp Trung Quốc “hớt tay trên”.
Nước mắm nhĩ Phan Thiết đặc biệt nguyên chất cá cơm có hàm lượng đạm toàn phần >=30g/l.
Mới đây, câu chuyện nước mắm Phan Thiết bị mất thương hiệu được phát hiện nhờ điều tra của một giáo viên người Hoa Kỳ gốc Việt. Một công ty có tên Kim Seng, trụ sở tại 1561 Chapin road, MonTebello, California 90640 và tại 6121 Randolph street, City of Commerce, California 90040 (Hoa Kỳ) kinh doanh đa sản phẩm đã đăng ký thương hiệu “nước mắm nhỉ thượng hạng Phan Thiết” tại Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ từ ngày 01/6/1999. Đến năm 2009, nhãn hiệu này được gia hạn và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ quốc gia này. Điều đáng nói là thương hiệu nước mắm Phan Thiết được Kim Seng đăng ký trước năm 2005, khi Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ.
Còn nước mắm Phú Quốc cũng bị Công ty Viet Huong Fishsauce (Hoa Kỳ) sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa và được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp nhãn hiệu từ năm 1982. Công ty này cũng lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở châu Âu, Australia, Trung Quốc.
Tiếp đến, ngày 11/5 vừa qua, một doanh nghiệp tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú Quốc” cho nhóm hàng hóa (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: “Khi nhận được thông tin trên, Hội đã tiến hành cuộc họp các hội viên, tất cả đều bức xúc và lo lắng. Thương hiệu nước mắm Phú Quốc bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc”. Theo bà Tịnh, hiện Hội đã đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, Cục Sở hữu trí tuệ có ý kiến với phía Trung Quốc để đòi lại quyền sở hữu đối với thương hiệu này.
Câu chuyện nhãn hiệu của nhiều loại nông sản Việt Nam bị mất ở nước ngoài không còn là chuyện riêng của một sản phẩm hay DN nào mà đã trở thành vấn đề của quốc gia. Nếu nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột mất thì vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi, tỏi Lý Sơn… cũng có thể rơi vào tay DN nước ngoài nếu việc đăng ký sở hữu quốc tế đối với các nhãn hiệu này không được quan tâm đúng mức và tiến hành sớm.
Mù mờ về xây dựng thương hiệu
Thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên, biết đến bao giờ ?
Là địa phương có nhiều loại nông sản chất lượng cao như hồ tiêu, càphê, khoai lang Nhật Bản… nhưng lâu nay, nông dân Đăk Nông đều phải tiêu thụ qua nhiều trung gian hoặc mượn tên vùng khác để xuất khẩu. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì các mặt hàng nông sản này chưa đăng ký nhãn hiệu độc quyền trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Trần Viết Hùng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Nông cho biết: “Hiện chúng tôi đang tiến hành hướng dẫn các đơn vị, địa phương phát triển ba nhãn hiệu hàng nông sản tập thể, có xuất xứ địa lý gồm “Khoai lang Tuy Đức”, “Cà phê Đức Lập”, “Cà phê và Tiêu Kiến Đức”. Con số này là quá ít so với số lượng các sản phẩm nông sản hiện có của tỉnh”.
Nói đến chữ “thương hiệu”, chắc mọi người đều biết, tuy nhiên, cách thức để xây dựng được thương hiệu cho hàng nông sản thì nhiều DN và hầu hết nông dân đều… mù mờ. Nhiều người cho biết, mặc dù thấy được giá trị của thương hiệu, nhưng không biết làm thế nào để đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm của mình. Ngay cả việc phải đến đâu, gặp ai, làm gì để đăng ký nhãn hiệu nông sản cũng không có nhiều người nắm rõ.
Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông khẳng định: “Tỉnh mới bắt đầu xây dựng, định hình, phát triển thương hiệu nên còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, trong đó có việc nâng cao nhận thức cho DN, nông dân. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mời các chuyên gia thương hiệu về tập huấn cho nông dân, DN và cả cán bộ quản lý Nhà nước”.
Không riêng Đăk Nông, hiện nhiều nông sản của tỉnh Quảng Ninh đã và đang phát triển thành hàng hoá và ngày càng tiến ra những thị trường rộng lớn, song việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản tại đây chưa hề được xem trọng.
Cây chè ở Hải Hà là một ví dụ, mặc dù đã tồn tại gần 50 năm, tổng diện tích khoảng 1.000ha, sản lượng chè búp tươi trên 5.000 tấn/năm, mang lại thu nhập ổn định cho trên 2.000 hộ dân trong huyện, song đến nay, cây chè vẫn chưa có một cái tên cho xứng tầm.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn có những đặc sản như: gà Tiên Yên, miến dong Bình Liêu, gạo nếp Đông Triều…, ước tính mỗi năm, các sản vật này mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho người sản xuất cũng như DN. Tuy nhiên, để có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho những sản phẩm này, còn là một câu chuyện dài.
*Cả nước hiện có 53 sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Như vậy, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng thương hiệu dùng cho nông sản nổi tiếng
Em này nhìn như trái Nhãn lồng mà ai cũng phát… Thèm được Nếm. Không biết Nhãn hiệu của em đã đăng ký Bảo hộ chưa ? Đừng để mấy chân dài Kampuchia nó lấy mất nhãn hiệu thì khó lấy lại, và trong chúng ta, với em này chỉ là Hàng Mẫu thôi , cấm ai được sờ mó …Bị phạt nặng đấy.
Nói thiếu sự quan tâm của các cấp ngành là không chính xác!
Đó là hệ quả của lối làm ăn chụp giựt, con đẻ của tư duy nhiệm kỳ và tư tưởng tư hữu của tiểu nông.
Thế mới hiểu có những việc chưa cần thiết cũng ráng mà làm cho được, những việc cần làm ngay thì nhường cho lớp sau. Ối việc sờ sờ ra đó anh mù cũng thấy chứ huống gì người còn đủ ngũ quan. Thiên hạ thông minh chán!
Suy nghĩ của @Bo là khá hợp lý. Các cấp ngành phải có trách nhiệm làm việc này.
Tầm nhìn của nông dân có hạn, bà con chỉ biết làm ra nông sản và bán tại đầu bờ. Còn khâu phân phối lưu thông hàng hóa thuộc về thành phần khác.
Xã hội đâu chỉ có mỗi nhà nông, nhiều nhà lắm mà!
Một khi sản phẩm của nông dân đã trở thành hàng hóa thì sự tồn tại của thương lái, môi giới, “cò”… là tất yếu. Nhà nông chỉ chăm lo sản xuất cho có hiệu quả là đủ mệt rồi.