Đang mới đầu vụ nhưng giá khoai tây Đà Lạt không quá 15.000 đồng/kg – thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm chính vụ năm ngoái.
Khoai tây Trung Quốc sẽ đánh bật khoai tây Đà Lạt trong vụ thu hoạch tới – đây là nhận định của nhiều nhà vườn Đà Lạt, Lâm Đồng.
Tuần đầu tháng 12 là thời điểm những ruộng khoai tây sớm của Đà Lạt bắt đầu cho thu hoạch. Thường thì mọi năm, ở thời điểm này, giá khoai tây Đà Lạt cao hơn nhiều so với lúc thu hoạch rộ. Nhưng năm nay thì khác: Đang mới đầu vụ nhưng giá khoai tây Đà Lạt không quá 15.000 đồng/kg – thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm chính vụ năm ngoái.
Khoai “ngoại” giá “bèo”
Khoai tây là một trong những hàng nông sản được xếp vào hạng đặc sản của Đà Lạt. Hơn thế, khoai tây là một trong 13 mặt hàng nông sản nằm trong danh sách sản phẩm được đưa vào kiểm định để cấp nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt” – nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Thế nhưng, nỗi lo hiện hữu của người dân Đà Lạt trong những năm gần đây, đặc biệt là trong vụ thu hoạch khoai tây sắp đến, là lượng hàng từ Trung Quốc đổ về “thành phố khoai tây” của Việt Nam ngày càng nhiều với giá ngày càng rẻ.
“Tôi không hiểu khoai tây kiểu gì mà giá lại “bèo” đến như vậy! Mùa trước, giá khoai Đà Lạt 25.000 – 28.000 đồng/kg nhưng khoai Trung Quốc nhập về chỉ không đến 10.000 đồng, thậm chí có lúc chỉ 7.000 đồng/kg, hoặc 5.000 đồng/kg thì quả là điều khó hiểu” – ông Nguyễn Văn Chút, một nông dân chuyên trồng khoai tây ở phường 8, Đà Lạt, ngạc nhiên.
Ông Chút bộc trực: “Tôi đoán chắc rằng hễ là dân Đà Lạt, ai cũng phân biệt được đâu là khoai tây Trung Quốc và đâu là khoai tây đặc sản Đà Lạt. Chỉ cần đưa hai ngón tay bóp bóp củ khoai Trung Quốc xốp rộp là biết ngay thôi mà! Chỉ có điều, nhà buôn Đà Lạt “biến hóa” khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt nên ngày càng có thêm khách hàng nhầm lẫn! Và chính bởi lý do này nên khoai tây Đà Lạt khó cạnh tranh với khoai tây Trung Quốc”.
Pha lớp “áo” bùn đỏ, khoai tây Trung Quốc trở thành “khoai tây Đà Lạt”.
Biến khoai ngoại thành nội
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – thừa nhận là thị trường khoai tây Đà Lạt đang “vàng thau lẫn lộn” nhưng không hiểu là tại sao cho đến lúc này, cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa nhận được bất kỳ lá đơn nào khiếu kiện vấn đề xâm phạm “nhãn hiệu độc quyền” của khoai tây Đà Lạt.
Khi được chúng tôi đặt câu hỏi, bà Hoàng Thị Nghiêm (Trại Mát, Đà Lạt), một trong những người chuyên “làm áo” cho khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt bình thản trả lời: “Chưa bao giờ chúng tôi “tuyên bố” đó là khoai tây Trung Quốc mang nhãn hiệu Đà Lạt. Thị trường mà! Có rất nhiều sự lựa chọn dành cho khách hàng!”.
Trong khi đó, một trong những lãnh đạo của cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Nào đã có văn bản cấm nhập khoai tây Trung Quốc về Đà Lạt, Lâm Đồng? Mà, nếu có, liệu như thế đã phù hợp với quy định về buôn bán quốc tế? Với lại, chúng tôi cũng không rõ là họ nhập hàng về bằng con đường nào!”.
Giống như bà Nghiêm, nhiều “thợ” gia công khoai tây ở Đà Lạt đều nói rằng, việc “biến” khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt dễ như… trở bàn tay: Phơi cho ráo nước ruột (khoai tây Trung Quốc vốn nhiều nước và xốp); sau đó phủ một lớp “áo” là đất đỏ Đà Lạt đánh nhuyễn trộn với nước, rồi lại phơi khô… Thế là thành… khoai tây Đà Lạt.
Chỉ gia công từng đó, giá 1kg khoai tây Trung Quốc nhập về từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg bỗng “nhảy” lên 15.000 – 17.000 đồng/kg đã là quá hời! Vậy thì làm sao mà khoai tây Đà Lạt dám “cạnh tranh” với giá trên dưới 30.000 đồng/kg?
Nói điều trên ra đây, hầu như ai cũng hiểu, nhất là với những nông dân trồng khoai tây Đà Lạt. Nhưng, để “vào cuộc” lập lại trật tự trên lĩnh vực này nhằm khẳng định thương hiệu “khoai tây Đà Lạt” (một trong 13 sản phẩm rau hoa Đà Lạt) đã được công nhận là độc quyền thì dường như vẫn còn không ít bất cập!
Nên đóng gói có nhản hiệu, để những người tiêu dùng chọn mua đúng chất lượng của sản phẩm, cứ để như hiện nay dễ cho kẻ xấu trục lợi giữa hàng thật và hàng giả.
Nếu họ không nói đó là khoai tây Đà Lạt thì sao bắt bẻ được họ? Không ai cấm nhập khẩu khoai tây Trung Quốc về VN cả.
Còn chuyện từ giá 7.000-10.000 đồng/kg sau khi làm khô, làm áo đất tăng lên 15.000-17.000 đồng/kg cũng có gì là bất hợp lý đâu. Đó là giá trị công thêm cho sự “sáng tạo” của họ. Và giá cả là do thị cung cầu quyết định.
Chỉ có cách giải quyết, như bài báo cũng đã đề cập, khoai tây ĐL là mặt hàng được chứng nhận độc quyền thì hãy làm nhãn mác, bao gói cho nó rồi đưa ra thị trường để người mua phân biệt. Chỉ có khoai tây trồng tại ĐL mới được ghi nhãn hiệu này. Khi đó cơ quan chức năng mới có căn cứ mà kiểm tra xử lý được.
Những bộ óc của người ĐL thừa biết là : đóng gói bao bì mang nhãn hiệu độc quyền là ok (hàng rào bảo hộ). Chắc cũng từng làm nhưng bao bì thì thật còn ruột giả, nên bị người tiêu dùng tẩy chay.
Nếu vậy thì tự trách mình thôi. Mang nhãn hiệu rau ĐL mà đưa hàng chất lượng kém thì khác gì hàng TQ mang nhãn rau ĐL đâu.