Quy định mới về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nông thủy sản

Kể từ ngày 20/1/2012 , Quyết định 65/2011/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký sẽ có hiệu lực thi hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Liên quan: Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch

Theo Quyết định mới được ban hành, ngoài các dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê đã được quy định tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg thì các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch cũng sẽ được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển.

Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg thì các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản, kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu đi vào hoạt động và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, thay vì quy định trên, tại Quyết định sửa đổi nêu rõ, doanh nghiệp mới thành lập để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản, kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch, tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn (theo danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP) được áp dụng mức thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Đối với dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Quyết định 65/2011/QĐ-TTg quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm công bố Danh mục máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch có tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước trên 60% và các cơ sở sản xuất các loại máy móc, thiết bị thuộc danh mục nêu trên, làm cơ sở để các ngân hàng thực hiện cho vay.

Về đơn vị thực hiện việc cho vay vốn (có hỗ trợ lãi suất) đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, thay vì chỉ có ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện việc cho vay thì theo Quyết định 65/2011/QĐ-TTg mới ban hành, các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện việc cho vay theo quy định.

>> Danh mục thiết bị được hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trần Phong

    Có nông dân nào vay được nguồn vốn hỗ trợ này chưa, chứ tôi thấy chính sách này chỉ hỗ trợ doanh nghiệp thôi chứ nông dân thì làm sao với được tới nguồn vốn này. Năm 2011, tôi đã đi tìm hiểu để vay nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Ai vay được thì chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người với.

Tin đã đăng