Găm cà phê chờ tăng giá, liệu có tốt?

Trong vòng 1 tháng qua, giá cà phê robusta trên thị trường thế giới đã tăng 180 USD/tấn, mức tăng xấp xỉ 10%, với đa số các phiên tăng điểm, chỉ có 4 phiên sụt giảm.

Trong ngày 6/12, giá cà phê tăng chậm lại, mức tăng 4 USD lên 2.010 USD/tấn kỳ hạn tháng 1 và kỳ hạn tháng 3 là 2.044 USD/tấn do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.

Nỗi lo nguồn cung hạn chế từ Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ đang khiến nhà nhập khẩu phải cân nhắc mua hàng dự trữ cho năm mới. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam được đẩy lên mức trừ lùi 10 USD/tấn so với giá giao tháng 1 tại London, từ mức trừ lùi 30 USD/tấn của tuần trước, nhưng các hợp đồng ký mới rất ít.

Theo một thương nhân tại Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động giao dịch trầm lắng không hẳn vì giá thấp, mà vì các công ty xuất khẩu không gom được hàng khi mà bà con nông dân đồng loạt ngưng bán để chờ giá lên hơn nữa.

Người này dự đoán tình hình nguồn cung sẽ còn căng khoảng 1 tháng nữa và sau đó sẽ dịu bởi các hộ sẽ phải bán ra phần nào để lấy tiền trang trải tết và các chi phí đầu vào khác.

Giá và phê tăng liên tục trong 1 tháng qua (USD/tấn)
Giá và phê tăng liên tục trong 1 tháng qua (USD/tấn)

Tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng, giá cà phê nhân xô hôm nay được các thương lái và đại lý phát giá cao hơn hôm qua 100 nghìn đồng, lên 39,9 – 41,1 triệu đồng/tấn, mức giá được xem là bán được và có lời đôi chút. Tuy nhiên, bà con nông dân vẫn cố gắng “xoay sở” để chờ giá lên hơn nữa. Một số gia đình có điều kiện còn tìm người cần bán gấp để mua dự trữ.

Việc găm hàng chờ giá lên của người trồng cà phê Việt Nam xuất hiện nhiều trong năm ngoái, và việc này thực sự có tác động đáng kể lên giá cà phê thế giới. Tuy nhiên, theo cảnh báo của một số thương nhân và lão nông giàu kinh nghiệm thì với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc găm hàng cũng không hoàn toàn là biện pháp tối ưu, thậm chí phải “trả giá” nếu giá quay đầu giảm bởi khi ấy sẽ diễn ra hoạt động bán tháo ồ ạt và giá sẽ rớt mạnh hơn.

>> Có nên ôm cà phê, vay tiền để đầu tư và chờ giá cao?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phamvanloi2608

    Nói chung bài viết khuyến cáo cũng có lý. Nếu áp tết bà con ồ ạt bán ra giá sẽ quay đầu giảm. Nhưng qua tết thì hầu như các hộ đều đã hết nhu cầu bán. Đa số các hộ có cà đã ổn định, thậm chí có thể để được đến gần cuối vụ. Lúc này thì nguồn hàng khan vô cùng. Chả thể nào ép giá được nữa. Giá sẽ tăng cao, chắc chắn phần lợi thuộc về người có cà phê chứ chẳng thể thiệt được. Chỉ khuyên bà con là đừng có tham lam dự trữ quá mức tài chính cho phép của gia đình. Lực đến đây thì làm đến đấy. Đảm bảo có 1 vụ thắng lợi. Chúc bà con thành công. !

  2. NÔNG CÀ

    Trong nền kinh tế thị trường, giá cả tuân theo LUẬT CUNG CẦU.
    Cung vượt cầu, giá giảm!
    Cầu vượt cung, giá tăng!
    Việc “găm” cà phê nó có hai mặt của một vấn đề:
    Găm cà phê có thể làm tăng giá TRONG NGẮN HẠN do giảm cung. Nhưng vì lượng cà phê “găm” vẫn còn đó (cà phê không bị mất đi do tiêu hủy, chẳng hạn) TRONG DÀI HẠN lượng cà phê găm này sẽ áp lực lên nguồn cung ở tương lai vào một thời điểm nào đó, có thể làm giá giảm. Nếu tổng cầu và tổng cung trong năm cân bằng!
    Nông dân ta nên nhớ rằng các nhà TÀI PHIỆT trên thế giới chuyên đầu cơ cà phê luôn tạo ra tình huống giả tạo về cung cầu để làm giá có lợi cho họ.
    Khi cần đầu cơ họ sẽ dùng thủ thuật tạo nên sự giả tạo thừa hàng, gây giảm giá để mua vào cất trữ. Khi cần bán ra họ cũng dùng thủ thuật tạo nên sự khan hàng giả trên thị trường để đấy giá lên từ đó xả hàng.
    Đây cả là một nghệ thuật. Khi trong tay họ nguồn lực tài chính dồi dào, kinh nghiệm có thừa. đặc biệt là khi họ chi phối truyền thông để đánh lạc hướng dư luận!
    Tóm lại: bà con ta chỉ “ăn theo giá ” của họ là chủ yếu! Bởi vậy phải “căng” đầu ra để làm thầy bói “đi guốc” trong bụng các nhà tài phiệt. Chứ chẳng ai tài giỏi gì!

  3. Phạm Văn Khiêm

    Nếu nông dân ta quyết tâm giữ cà không bán ra thì nguồn cung càng khan hiếm và đã khan hiếm thì lấy đâu ra hàng mà đòi hạ giá. Bài viết này chắc là của thương nhân đã ký hợp đồng bán nhưng chưa gom được hàng!

  4. BienHo

    Người VN chúng ta hay có tâm lý bầy đàn, điều này đã được chứng minh trong các đợt sốt vàng vừa qua và các mùa cà phê trước đây. Do đó, cùng nhau tích trữ cà phê tất nhiên sẽ làm cho thị trường bị khan hiếm nguồn cung thì giá trong ngắn hạn sẽ tốt, nhưng trong dài hạn phải đáng để cho tất cả chúng ta suy nghĩ và xem thử kết quả này. Nếu mọi người đồng lòng cất trữ vời kỳ vọng giá lên trên mức nào đó mới bán, giả sử 45.000đ/kg chẳng hạn thì rất tốt, nhưng nếu bị chi phối bởi áp lực nào đó như chi phí cho Tết, chi phí nợ phải thanh toán cuối năm…. mà bán ra thì sẽ có tác dụng ngược lại.
    Do vậy hiện nay rất cần sự tham gia ủng hộ cho ND từ Ngân hàng cho vay để họ tự mua lại của mình trong ngắn hạn thì giá sẽ còn tốt, ngược lại nếu bị dìm giá từ Đầu Cơ mà sợ hãi tung ra bán ào ạt thì sự sụp đổ giá là không tránh khỏi.

  5. HoangVinh

    Bài viết này tôi thấy hơi lạ như bạn Phạm Văn Khiêm đúng đấy. Nếu có vốn bà con cứ tạm trữ thiếu đâu bán đó chắc chắn có lãi, không hoang mang.

  6. Trần Minh Phụng

    Bà con cứ thấy giá lên bán ồ ạt tất nhiên giá sẽ giảm. Nhưng khi hàng hết thì giá lại lên, đó là quy luật cung cầu. Chứ chả có rủi ro gì ở đây cả. Bài viết này hình như chưa phản ảnh đúng thực trạng. Mong bà con có quyết định đúng đắn khi đưa ra quyết định đúng đắn cho mình. Chúc bà con bán cà phê với giá cao.

  7. Trần Trí

    Nhà nước cần quan tâm nhiều đến quyền lợi của NHÂN DÂN nhất là nông dân trồng cà phê, cần kiểm tra các nhà đâu cơ sai quy định làm tôn hại đến giá cà phê và người trồng cà phê để cho dân ta đỡ khổ.

Tin đã đăng