Giá dầu tăng cao mang đến cho người ta sự hy vọng về khả năng kinh tế thế giới hồi phục, mặt khác giá dầu có thể là vật cản sự đi lên của kinh tế.
Phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu vượt mức 68USD/thùng lên mức cao nhất trong 7 tháng. Dù mức giá dầu như vậy chưa bằng một nửa so với đỉnh cao 147,27USD/thùng vào tháng 7/2008, nhưng sẽ vẫn ở trên mức trung bình của nhiều thập kỷ qua. Giá dầu tăng lên cùng với tin tốt về kinh tế trong khi USD suy yếu.
Nhiều chuyên gia kinh tế đang nói lại về giá dầu ở mức 3 con số bởi một số nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang đi lên, những nền kinh tế này tiêu thụ rất nhiều năng lượng.
Xét về dài hạn, giá dầu sẽ tăng cao nhờ nhu cầu từ thế giới các nước mới nổi và bởi nguồn cung ngày một hạn chế.
Người tiêu dùng cho đến nay chưa thể quên được những ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu lập đỉnh cao vượt mức 147USD/thùng thời kỳ năm 2008. Người tiêu dùng hoảng sợ không phải chỉ bởi chi phí, giá cả mọi mặt hàng tăng quá cao mà còn bởi giá dầu tăng quá nhanh quá mạnh trong một thời gian ngắn. Giá dầu cao, lạm phát nhảy vọt. Các hãng xe chịu ảnh hưởng tiêu cực, doanh số ô tô giảm.
Theo nghiên cứu của một số chuyên gia, giá dầu cao chính là một phần yếu tố đẩy hai hãng xe Mỹ Chrysler và General Motors đến phá sản. Người tiêu dùng và các chính phủ không kịp đưa ra các biện pháp ứng phó với giá dầu cao.
Tại những nước nghèo, giá dầu cao cũng khiến người dân khổ sở. Đối với các nước nhập khẩu dầu, giá dầu cao, nguồn tài chính công thâm hụt, ngân sách dành cho các chương trình chi tiêu khác giảm mạnh.
Người tiêu dùng nghèo khốn khổ với giá nhiên liệu và thực phẩm cao, bất ổn dâng cao tại nhiều nước. Gần đây, giá thực phẩm đang tăng trở lại cùng với giá dầu.
Những nước nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nếu giá dầu cao ảnh hưởng đến thương mại thế giới. Nền kinh tế phụ thuộc vào dây chuyền cung cấp hàng hoàn cầu, sản xuất, lắp đặt sản phẩm sau đó xuất hàng sang các nước giàu không khỏi gặp khó khi chi phí vận chuyển cao.
Nếu tính toán đến tổng số nhân công làm việc trong công ty phát triển theo trọng tâm xuất khẩu ở Campuchia cho đến Bangladesh, bất kỳ sự thu hẹp sản xuất nào sẽ gây ra tác động lớn. Chỉ có một số nước xuất khẩu dầu có lợi khi giá dầu và hàng hóa cao.
Thị trường lo ngại về khả năng suy thoái lạm phát trở lại, đó là sự kết hợp giữa lạm phát và suy thoái tăng cao.
Vấn đề trên đã hết sức phổ biến trong thập niên 1970 sau hai cú sốc dầu mỏ năm 1973 và 1979. Dù vậy khả năng này tại các nền kinh tế phát triển không lớn bởi rủi ro giảm phát đang lớn hơn.
Ông Olivier Blanchard, nay là chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), và chuyên gia kinh tế Jordi Gali đã xem xét đến thay đổi tại những nước công nghiệp, đặc biệt là Mỹ thập niên 1970 với cú sốc dầu mỏ thập niên vào năm 1973 và năm 1979.
Họ nghi ngờ rằng giá dầu cao đồng nghĩa với khả năng suy thoái lạm phát trở lại. Trong hai thời điểm giá dầu tăng cao từ năm 1980, tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp và sản lượng công nghiệp không phản ứng mạnh với giá dầu như thập niên 1970.
Một lý do giải thích cho việc trên là thời kỳ trì trệ 1970 có nguyên nhân không chỉ bởi giá dầu cao mà còn bởi nhiều cú sốc khác và sai lầm của các nhà hoạch định chính sách.
Tại châu Âu và Mỹ, áp lực lương nay không còn căng thẳng như thời kỳ 1970. Hai nền kinh tế này vì vậy thích ứng tốt hơn với việc giá dầu tăng cao.
Vì thế, thế giới lần này sẽ không phải sợ hãi về việc giá dầu cao ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô như trước đây. Đà hồi phục của kinh tế thế giới sẽ chậm và yếu. Vì thế OPEC sẽ thật khôn nhoan nếu trì hoãn cắt giảm sản lượng. Giá dầu tăng cao, lòng tin người tiêu dùng giảm và cản đà phục hồi.
Ngọc Điệp – CafeF
Theo Economist