Nạn trộm cắp trở thành bệnh kinh niên tại những vùng chuyên canh cà phê ở Đắk Lắk, cứ đến mùa thu hoạch thì lại bùng lên.
Bẻ cành vặt quả
Ông Lê Văn Bảy trú ở thị xã Buôn Hồ, có rẫy cà phê 3 ha ở xã Cư Pơng, H.Krông Búk (Đăk Lăk) cách nhà gần 20 km. Vào vụ hái quả, đôi mắt ông trũng sâu vì lo lắng. Ngay khi đứa cháu trai trông rẫy cho ông có việc về quê, bọn trộm lập tức tuốt hết trái gần 200 cây, quy ra mất hơn nửa tấn cà phê nhân.
Ông Bảy than: “Vẫn biết nạn hái trộm rình rập nhưng mình không ngờ chỉ một buổi về nhà lấy thức ăn quay lại là rẫy đã bị trộm đột nhập. Những vườn cây quanh đây cũng gặp cảnh này, chỉ cần sơ hở vài tiếng đồng hồ là lãnh đủ”.
Ông Y Rét Niê, Trưởng công an xã Cuôr Đăng, H.Cư Mgar, chỉ cho chúng tôi xem tang vật là bao cà phê quả tươi hơn 10 kg mới thu giữ tối 16.11, đối tượng là Y Ng. ở buôn Cuôr Đăng B bị bắt quả tang khi đang hái trộm tại rẫy nhà ông Ma Hy ở cùng buôn.
Y Rét kể: “Kiểu hái trộm vài chục ký như thế này thì công an xã bắt hoài. Do giá trị thiệt hại mỗi lần trộm không lớn nên chúng tôi chỉ răn đe, giáo dục rồi thả về, một vài vụ mới xử phạt hành chính. Đối tượng Y Ng. này do tái phạm mới bị xử phạt 1,5 triệu đồng nhưng gia đình chưa có tiền nộp phạt”.
Ông Y Rét cho biết năm nào vào vụ thu hoạch cà phê, cả 6 thôn, buôn trên địa bàn xã Cuôr Đăng đều báo có mất cắp trên rẫy. Nạn trộm cắp khiến nhiều chủ vườn không yên tâm, phải hái sớm cà phê đưa về nhà, bất kể còn nhiều quả xanh. Thậm chí cà phê đang phơi trong sân như ở nhà bà H’Loan ở buôn Kroa C mới đây cũng bị xúc trộm.
Trộm cũng không chừa những lô cà phê của các doanh nghiệp được bảo vệ nghiêm ngặt. Mới đây, lực lượng bảo vệ Công ty cà phê Ea Pôk đã bắt quả tang Lê Công Nam, 21 tuổi, trú ở thị trấn Ea Pôk, H.Cư Mgar, hái trộm hơn 1 tạ quả tươi, trong đó khoảng 70 kg quả còn nằm trên những cành cây bị bẻ gãy. Vụ trộm này được xem là nghiêm trọng do phá hoại vườn cây, gây thiệt hại cho những vụ sau.
Khó dập tắt
Ông Trịnh Minh Thủy – Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ – cho biết: “Ngay từ đầu vụ, xã triển khai phương án bảo vệ vườn cà phê theo hình thức các thôn thành lập tổ dân phòng để tuần tra. Nhờ đó, nạn trộm cà phê theo kiểu tập thể, càn quét vườn cây không xảy ra như trước đây, nhưng vẫn còn tình trạng hái trộm lẻ tẻ ở những diện tích giáp ranh với các xã lân cận, khó bắt quả tang”. Ông Thủy nói thêm: “Xã đã thông báo chỉ thị của tỉnh về việc cấm hái cà phê quả xanh nhưng rất khó ngăn chặn. Chỉ cần một hộ sợ trộm phải tuốt hết quả xanh là những hộ chung quanh làm theo, trong khi xã lại không có thẩm quyền xử lý các điểm kinh doanh thu mua cà phê quả xanh”.
Nạn hái trộm cà phê càng diễn ra phức tạp ở vùng sâu vùng xa. Ông Bùi Chiến Tăng, Trưởng công an xã Ea Hiao, H.Ea Hleo, một xã giáp huyện Krông Pa của Gia Lai, cho biết xã có nhiều dân di cư tự do, khó quản lý, đặc biệt có trên 50 đối tượng nghiện hút, chích ma túy, thường làm liều, trở thành đạo chích gây hoang mang cho các chủ vườn cà phê. “Nửa đầu tháng 11, Công an xã Ea Hiao đã xử phạt hành chính 4 vụ trộm cà phê, 5 vụ trộm mủ cao su, còn các vụ hái trộm nhỏ lẻ thì khá nhiều. Khổ nỗi, theo quy định pháp luật, chỉ những vụ trộm cắp có giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên mới khởi tố hình sự, mà các vụ trộm vài chục ký cà phê quả tươi chỉ bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe”, ông Tăng phân trần.
Ông Y Rét Niê cho rằng: “Người nông dân phải tự mình bảo vệ vườn cây là chính; lực lượng công an, dân quân ở cơ sở chỉ hỗ trợ chứ khó có thể làm thay được. Mỗi thôn, buôn chỉ có một công an viên hưởng phụ cấp hơn 400 ngàn đồng mỗi tháng, không đủ tiền đổ xăng xe máy để tuần tra cả ngày đêm quanh các vườn cà phê”.
Liên kết nông dân
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đăk Lăk, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 190.000 ha cà phê; trong đó 15% diện tích là của các doanh nghiệp, phần lớn còn lại thuộc 180.500 nông hộ tự trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Theo ông Sinh, phải vận động nông dân tham gia thành lập các nhóm hộ, CLB, tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất cà phê mới, liên kết bảo vệ sản phẩm vào vụ thu hoạch, hạn chế nạn hái cà phê quả xanh do lo sợ mất trộm; đồng thời thực hiện các mô hình phát triển cà phê bền vững.
Ăn cắp cà phê đang là vấn nạn mà người làm cà phê ở Daklak đang phải gánh chịu.
Đã bắt được trộm, lập biên bản có chính quyền chứng kiến rồi thì tại sao không dám nêu đích danh, địa chỉ, số nhà? Chắc lại lí do là “ban” cho kẻ gian 1 cơ hội để trở thành người lương thiện, tạo cho kẻ gian cơ hội trở thành người tốt đúng không? Lập luận này nghe quen lắm, chỉ ru ngủ những “người nhẹ dạ thôi”. Không nên, càng nhát bọn trộm càng hoành hành.