Hương vị đậm đà và mùi hương lan tỏa tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng của café khiến nhiều người khó có thể cưỡng lại. Tuy nhiên, liệu café có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới sức khỏe của con người? Đây hiện vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Theo tiến sĩ Rob van Dam- chuyên gia nghiên cứu café thuộc khoa Y tế công cộng trường Đại học Harvard đã tiến hành một cuộc khảo sát mới về ảnh hưởng của café tới sức khỏe con người.
Dưới đây là 9 quan niệm sai lầm về café được tổng hợp từ kết quả công trình nghiên cứu của tiến sĩ Van Dam.
1.Cafe làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
Trên thực tế, uống café có thể làm tăng huyết áp nhưng tác động của nó không lớn như chúng ta đã nghĩ. Các kết quả nghiên cứu đều không tìm thấy mối liên hệ nào giữa lượng café được tiêu thụ và bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu cũng cảnh báo, người bị cao huyết áp nên tránh dùng các loại đồ uống hoặc thực phẩm có chứa cafein.
2.Cafe làm tăng nồng độ cholesterol trong máu
Hạt café có chứa hợp chất cholesterol nồng độ mạnh nên có nhiều khả năng làm tăng lượng cholesterol trong máu. Nhưng nếu uống café hòa tan hoặc café lọc thì nồng độ cholesterol đã giảm một lượng đáng kể và không gây nguy hiểm gì tới sức khỏe. Đồng thời các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy café lọc không làm tăng nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ.
3.Cafe không làm giảm căng thẳng, mệt mỏi
Các nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng thói quen uống café có tác dụng rất tốt trong việc giảm căng thẳng, mệt mỏi hoặc trầm cảm, đặc biệt đối với phụ nữ.
4.Cafe là nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ bị sẩy thai
Đối với phụ nữ có mang, việc dùng quá nhiều café trong thời kì này là không tốt vì các tế bào nhau thai rất dễ hấp thụ chất kích thích. Điều này có thể dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non. Tuy nhiên các bà bầu “nghiện café” vẫn có thể uống một lượng vừa phải (khoảng 1 tách café mỗi ngày) mà không sợ ảnh hưởng gì đến thai nhi.
5.Cafe chứa nhiều calo
Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi trên thực tế, calo không hề có trong thành phần của café nguyên chất. Hiện nay, các nhà chế biến hoặc các quán café thường pha chế nhiều loại café khác nhau với đường và chất béo nên lượng calo mới tăng lên một cách đáng kể. Trung bình một li café mocha sô cô la trắng của Starbucks có chứa 510Kcal, tương đương 25% lượng calo cần thiết mỗi ngày đối với một người lớn.
6.Cafe làm tăng nguy cơ tiểu đường
Theo các chuyên gia nghiên cứu cho biết việc uống café thường xuyên và hợp lý sẽ có tác dụng rất tốt trong việc ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
7.Cafe có thể gây bệnh rối loạn thần kinh Parkinson
Các nghiên cứu cho thấy nam giới uống nhiều café có khả năng ngăn ngừa bệnh rối loạn thần kinh Parkinson. Tuy nhiên, ở phụ nữ, cơ chế hoạt động của các thành phần cafein và những triệu chứng của bệnh Parkinson có vẻ phức tạp hơn. Vì vậy các chuyên gia đang tiến hành những nghiên cứu sâu hơn để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho mối liên hệ này.
8.Cafe khiến con người…lão hóa sớm vì nhiều loại bệnh
Mặc dù vẫn chưa có những giải thích rõ ràng nhất nhưng thực tế cũng đã chứng minh café có tác dụng làm giảm nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Không những thế, các nghiên cứu mới đây cũng đã khẳng định café không ảnh hưởng gì đến các căn bệnh khác như ung thư, bệnh tim…
9.Cafe gây nên bệnh béo phì
Liên kết giữa các thành phần cafein trong café có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm nồng độ acid uric tích tụ trong máu và các khớp gây nên bệnh gút. Đồng thời, café còn giúp làm giảm nguy cơ kháng insulin- nguyên nhân của bệnh tiểu đường và bệnh gút.