Điều gì xảy ra với não bộ khi bạn uống rượu hay cà phê? Những hình ảnh gây sốc dưới đây sẽ cho thấy bức tranh rõ nét nhất về những tác động của rượu, thuốc lá và cafein đối với tâm trí con người.
Chúng cho thấy những tác động của việc sử dụng lâu dài và “nặng đô” các loại đồ uống thông dụng chẳng kém gì dùng các loại chất cấm như cần sa hay cocaine. Thậm chí, chúng còn góp phần đáng kể trong việc tạo ra những “lỗ thủng” ở não, giống như những người bị Alzheimer. Những hình ảnh này được đăng tải trong một cuốn sách mới đang gây chú ý: Thay đổi não bộ, thay đổi cuộc sống do Daniel G. Amen, nhà thần kinh học và tâm thần học, giáo sư trong lĩnh vực hành vi và tâm thần học của trường ĐH California (bang Irvine) đồng thời là Giám đốc Trung tâm Y khoa Amen Clinics, chấp bút.
Trong cuốn sách này, ông đã giải thích các hành vi như lo lắng, tức giận hay bốc đồng liên quan tới các khu vực khác nhau trong não bộ như thế nào qua hình ảnh chụp cắt lớp não bộ.
Những bức ảnh chụp cắt lớp này cho thấy những vấn đề này không chỉ do tâm lý mà còn do sinh học – chức năng một số vùng não bộ của bệnh nhân hoạt động không còn tốt, ở trong tình trạng “lờ đờ” hay “hăng” quá mức.
Bức ảnh chụp về ảnh hưởng của chất cafein và nicotine dưới đây là của giám đốc một công ty lớn. BS Amen tiết lộ: “Vị giám đốc này thường phàn nàn rằng khó tập trung và thiếu sự hoạt bát. Chụp cắt lớp não bộ cho thấy sự tổn thương đang ở mức độ rộng. Vị giám đốc này không uống rượu hay dùng thuốc, mà chỉ hút 2 gói thuốc lá và uống khoảng 3 ly cà phê/ngày”.
Đối với bệnh nhân này, lời khuyên của BS Amen là không uống nhiều hơn 1 tách cà phê/ngày, hạn chế uống trà, các loại đồ uống có ga và sô cô la; đồng thời phải bỏ thuốc lá.
“1 tách cà phê/ngày hay 2 ly vang/tuần sẽ không gây ảnh hưởng nhiều nhưng 8 tách cà phê/tuần hay 2 ly vang/ngày thì lại là quá nhiều đối với cơ thể”, BS Amen nhấn mạnh.
Ông cũng dẫn chứng chính mình: “Khi 16 tuổi, tôi đã uống 6 lon bia và 1 nửa chai champagne để rồi ốm luôn 3 ngày sau đó. Sau này, tôi bỏ hẳn chất cồn. Còn hiện giờ thì tôi tránh xa chất cafein và các loại đồ uống kiêng vì chúng thường chứa cafein”.
BS Amen cũng thực hiện một chương trình giáo dục học sinh ý thức về việc sử dụng các chất gây nghiện có thể ảnh hưởng tới não bộ như thế nào tại một số trường ở bang California.
“Họ không tin rằng có chuyện cho đến khi được xem những hình ảnh chụp từ não bộ. Chỉ vậy thôi là đủ để các học sinh không bao giờ có ý định thử dùng các chất gây nghiện”.
Phụ thuộc vào các lỗ thủng mà hành vi của bệnh nhân sẽ có sự khác nhau. Ví dụ nếu các lỗ thủng tập trung ở vùng trước não, nơi kiểm soát suy nghĩ thì khả năng đánh giá, suy xét vấn đề sẽ bị “hỏng”.
Để “lấp” những lỗ thủng này, một trong những cách đơn giản là ngừng hút thuốc, uống bia rượu, đồ uống chứa cafein.