Lâm Đồng: Nỗi lo khan hiếm lao động thu hái cà phê

Hiện nay, nông dân vùng cà phê ở Lâm Đồng đang rộn ràng bước vào mùa thu hái. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, nhiều nơi cà phê được mùa, bà con ai nấy đều phấn khởi.

Thế nhưng, nỗi lo của bà con nông dân lại tăng lên gấp bội, bởi lẽ lao động thu hái đang thiếu trầm trọng.

Nhân công thu hái cà phê
Lao động các nơi đến Di Linh hái cà phê

Chiều ngày 5/11/2011, xe khách S.C. chở khoảng 20 lao động từ tỉnh Sóc Trăng về thị trấn Di Linh. Khi xe vừa đến nơi, mọi người giành giật tìm công thu hái. Anh BVS ở khu phố 10 (thị trấn Di Linh) chọn được 4 người, nhưng phải trả cho chủ xe hết 2,4 triệu đồng (mỗi người 600 ngàn đồng) tiền xe và tiền “cò”. Tuy mất tiền xe, tiền cò nhưng anh S vẫn vui, vì tìm được người làm. Sau khi thỏa thuận giá cả tiền công, anh niềm nở đưa 4 người về nhà để họ tắm rửa, ăn cơm tối và nghỉ ngơi. Sáng ngủ dậy, anh hết sức ngạc nhiên vì 4 người đã leo rào… “biến” đi đâu mất! Anh S gặp chủ xe phàn nàn, thì được trả lời rằng: “Tôi chỉ biết tìm người chở lên Di Linh và lấy tiền xe. Còn việc quản lý lao động là tôi không biết!”.

Mới đây, trong 1 chuyến xe khách chở hàng chục người lao động từ miền Tây đến xã Tân Châu, anh Minh chọn mãi mà không được người nào. Anh cho chúng tôi biết: “Phải trả tiền xe cho họ từ dưới đó lên là chuyện nhỏ. Nhưng cũng phải dè dặt, thận trọng, vì chỉ sợ nhất là khi trả tiền xe xong, họ không làm mà lại trốn đi mất. Năm ngoái, tôi đã bị một tốp 15 người chưa làm được ngày nào, nửa đêm họ đã trốn đi, oan uổng mấy triệu đồng tiền xe, tiền cò!”…

Toàn tỉnh hiện có khoảng 130.000 ha cà phê. Diện tích cà phê nhiều nhất tập trung ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc… Theo kinh nghiệm của nông dân, bình quân mỗi ha cà phê ít nhất phải cần đến 2 lao động thu hái. Như vậy, đến thời vụ thu hái, lao động ở vùng cà phê lại thiếu trầm trọng. Riêng ở huyện Di Linh hiện có hơn 40.000 ha cà phê. Cứ đến mùa thu hái, ngoài số lao động tại địa phương, Di Linh có trên 30.000 lao động từ các nơi về đây làm thuê. Nếu không có lực lượng lao động này thì chắc chắn không ít diện tích cà phê sẽ bị rụng quả, vì không thể nào thu hái kịp.

Do tình trạng thiếu lao động, nên cứ đến đầu vụ thu hái cà phê, tại các địa phương lại phát sinh một hiện tượng rất phức tạp, là tự phát xuất hiện một “thị trường lao động”. Bên cạnh việc người dân các nơi đến vùng cà phê làm thuê một cách chân chính, có một số người lợi dụng câu kết với nhau tạo đường dây làm ăn bất chính, mà phổ biến là cách lừa đảo nói trên. Ngoài ra, còn phát sinh tình trạng trộm cắp và các hiện tượng tiêu cực khác. Hiện tại, tại các ngã ba, ngã tư (khu vực đông dân cư) ở thị trấn Di Linh, xã Tân Châu, Đinh Lạc, Liên Đầm, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh… thường xuất hiện nhiều tốp lao động theo những chuyến xe khách dọc ngang từ Bắc, Trung, Nam về đây. Do quá đông người “mua” giành giật “phá giá”, nên họ “bán” sức lao động của mình với giá khá cao. Tiền công lên tới 120 – 130 ngàn đồng/ngày công hoặc 2,5 – 3 triệu đồng/tháng (nuôi cơm)… Tuy giá cả tiền công cao, không phải ai cũng đã tìm được nhân công lao động!

Vào một ngày trung tuần tháng 11/2011, chúng tôi có mặt tại ngã tư Công viên thị trấn Di Linh. Lúc ấy có vài chục người từ Ninh Thuận đến. Khi hỏi, hầu như người nào cũng lắc đầu: “Đã có người nhận làm rồi!”. Lúc ấy, chúng tôi gặp anh Quyên (ở khu 8 – Di Linh), anh Cần (ở khu 6 – Di Linh), anh Long (ở xã Tân Châu)… đều là những người cũng đến đây để tìm nhân công thu hái cà phê. Anh Quyên cho biết: “Mấy bữa nay tôi vẫn chưa tìm được công hái. Năm nay, công hái rất khó tìm, phần thì do giá cả quá cao, phần thì do không có đông người như mọi năm!”.

“Đến hẹn lại lên”, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hái cà phê, dịch vụ “cò” lao động từ những xe ôm, xe khách lại rộ lên. Tìm được một người làm thuê phải mất vài trăm ngàn đồng tiền cò là vấn đề bất đắc dĩ mà người dân vùng cà phê có thể bấm bụng chấp nhận được. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, công lao động vẫn đang khan hiếm, rất nhiều nhà vườn vẫn chưa tìm được người thu hái. Đây là vấn đề khá nan giải, khi thời khắc cao điểm mùa thu hái cà phê đã đến gần!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tieuphong

    Tình trạng khan hiếm công thu hoạch, không riêng ở Di linh, Đồng Nai cũng thế. Xin chia sẻ với các bạn một ít kinh nghiệm hạn chế rủi ro (nhân công bỏ trốn).
    1- sau khi đã thỏa thuận tiền công, bạn phải tế nhị giữ chứng minh nhân dân, lấy lý do là đăng ký tạm trú cho công nhân.
    2- Đừng bao giờ ứng trước nhiều tiền công (trừ trường hợp nhân công bị ốm)
    .3- Nên có thưởng, công bố mức thưởng rõ ràng khi bắt đầu công việc, sẽ thưởng có điều kiện sau khi thu hoạch xong, để khích lệ tinh thần và để ràng buộc tình cảm của mình với nhân công, mặc dù đó chỉ là tình cảm thời vụ.
    Tôi cũng thuê công ở miền tây, có người cũng rất khôn ngoan, mổi lần lên làm họ luôn mang cho tôi một ít quà gọi là tình cảm. Tôi luôn ghi nhận, đánh giá cao những người như vậy. Vấn đề là bằng cách nào đó bạn phải chinh phục, và luôn hấp dẫn họ.
    Vài chia sẻ,chúc các bạn thành công.

  2. Nông dân cà phê

    Tại vì tình trạng thiếu lao động trầm trọng, tranh nhau nên mới xảy ra tình trạng lừa đảo để lấy tiền cò, tiền ứng trước 1 tháng lương. Tôi có đến mấy chỗ giới thiệu việc làm họ đều đòi tiền cò cao (800 ngàn/người), ứng trước 1 tháng lương 2,5 triệu, nếu không chịu thì thôi, mình cần lao động chứ lao động không cần mình, thế mới xảy ra tình trạng lừa đảo. Nhà tôi mấy năm nay có công “ruột” năm nào họ cũng tự tìm tới đây, có điều tiền lương hơi cao: tính hết cả tiền ăn ở, xe cộ, thưởng cũng phải 5 triệu đồng/người/tháng, nếu trả đúng tiền lương theo thỏa thuận (3 triệu/tháng bao ăn ở) thì năm sau chắc chắn họ sẽ không tới nữa.

  3. Phạm Hùng Sơn

    Có thể bạn tieuphong là người may mắn trong câu chuyện nhân công hái cà phê. Các kinh nghiệm của bạn cũng đáng để nhiều người tham khảo. Nhưng bạn ơi, CMND chẳng có nghĩa lí gì với người đi hái CP đâu, họ sẵn sàng bỏ để lừa được mấy trăm đồng (vì việc làm lại CMND hiện nay quá dễ và quá thuận lợi). Tôi bị người hái CP bỏ trốn nhiều lần rồi, không phải vì mình đối xử tệ hay trả công thấp mà vì nếu họ trốn được thì đương nhiên kiếm được 1 triệu (tiền họ đã ứng của cò để lại ở nhà cho vợ con mà mình phải chi trước cho cò – ở chỗ tôi cái lệ là vậy, không chi khoản này thì không thể tìm được người). Sau nhiều lần bị, tôi nghĩ ra chiêu này: Chịu khó cử người thay nhau canh ban đêm, chừng hơn nửa tháng (cứ căn tiền công của họ được hơn 1 triệu) là ổn thỏa.

  4. nguyễn thị bích ngọc

    Xin chào các bạn!
    Mình không có kinh nghiệm nhiều trong việc thuê nhân công hái cà phê. Tuy nhiên khi đọc bài báo cùng những dòng bình luận trên mình cũng có một vài ý kiến.
    Tại sao hàng năm nông dân cứ phải bị động trong việc tuyển chọn lao động hái cà phê mà chúng ta không nghĩ ra một cách thiết thực hơn. Thay vì cứ nằm yên bị động chờ thì chúng ta có thể phối hợp lại với nhau kiến nghị với trung tâm lao động của tỉnh hay chính quyền địa phương thành lập một nhóm người chuyên tuyển lao động từ các tỉnh miền tây hay các miền khác. Lập một kế hoạch rõ ràng khi tuyển lao động thì chúng ta lập một hợp đồng rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động cũng như người thuê lao động; không nên bỏ qua vấn đề bồi thường hợp đồng. Thì lúc đấy chúng ta không phải mất tiền cò cho các xe chuyển lao động, hay khác hơn là cũng có thể tin tưởng hơn về lao động và nguồn lao động.
    Đó là ý kiến của riêng bản thân mình không biết là có hữu dụng không nhưng mình cũng mong mọi người tham khảo.
    Chúc mọi người có vụ mùa thu hoạch tốt.

  5. chuotdong

    Cách tuyển dân công của tui tương đối giống Nông dân cà phê. Bao ăn ở tháng ko dưới 5 triệu. Các bạn có thể thiếu còn tui năm nào cũng dồi dào nhân lực. Đầu vụ, mình ước lượng bao nhiêu cà phê để dự tính số người cần dùng trong khoảng thời gian 2 tháng. Tui thường lấy 1/3 người từ Bắc vào, số còn lại người đồng bào ở các buôn lân cận. Bạn cứ làm tốt theo phương châm “đất lành chim đậu” lo gì thiếu nhân lực.
    Từ tiền thưởng tới đôi giày, tất, tiền tầu xe đi về chủ lo hết thì chả bao giờ họ phản chủ mà năm nào chưa tới vụ họ cũng tự alô cần bao nhiêu người để đáp ứng. Một điều thú vị nữa là “tiền nào của nấy” chủ trả công xứng đáng thì họ ko để chủ thiệt thòi, làm việc nhiệt huyết, giữ gìn dàn cành cẩn thận… Tui nghĩ rằng cách làm như trên bên nào cũng lợi.

  6. Thuận Hòa

    Việc quản lý nhân công được ưu tiên nhất. Việc trả tiền xe-cò là do các chủ vườn chưa ý thức được sự chủ động hàng năm. Nếu bạn làm chủ vườn hãy quan tâm hơn đến tổ lao động của mình bằng cách đi về tận quê của họ thăm nom xem xét gia cảnh. Sự chia sẻ đời sống của bạn có thể sẽ là cầu nối hàng năm giữa bạn và các người lao động thời vụ. Mình đã làm điều này nhiều lần và đã từng đi dự những đám ma chay, cưới hỏi của nhân công cũ, tuy nơi họ ở khá xa từ miền tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu… Mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình, chúc tất cả anh em có vườn càfe sẽ quản lý được nhân công tốt vui vẻ hiệu quả.

  7. Ducson

    Tại sao không chế tạo ra máy hái cà phê nhỉ. Tôi thấy bà con nông dân nước mình rất giỏi và sáng tạo, chế tạo ra những máy móc như để tách hạt bắp, tách nhân điều,… chế tạo cả máy bay trực thăng nữa cơ mà, nên việc chế tạo máy thu hái cà phê chắc làm được và bán được khối tiền.
    Tôi đã đọc ở đâu đó hình như cũng đã có người chế tạo ra rồi.

  8. baoloc

    Nhà mình có ít cà định hái xong của nhà rồi tranh thủ đi làm thêm. Bạn nào có nhu cầu liên hệ với mình, có thể mình rủ thêm 1 vài người bạn nữa.

Tin đã đăng