Đầu tư tái canh cà phê

Ông Nguyễn Văn Trương, Phó Tổng Giám đốc, tổng Công ty Cà phê VN cho biết, từ nay đến năm 2012, Tổng Công ty đầu tư trên 950 tỷ đồng trồng tái canh cây cà phê nhằm ổn định về năng suất, sản lượng cà phê cũng như giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động trong toàn ngành.

Tổng công ty Cà phê Việt Nam đang quản lý 19.221ha cà phê (tại tỉnh Đằk Lắk có 11.582,81ha, Gia Lai có gần 4.015ha, Kon Tum là 2.351ha, Đắk Nông có gần 689ha và tỉnh Quảng Trị có 683ha), trong đó có 11.000ha được trồng trên 20 năm, nên vườn cây kinh doanh này đã già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém.

Diện tích cà phê già cỗi này cần được cải tạo, trong đó có 5.500ha áp dụng biện pháp cưa cây để ghép chồi và 5.500ha phải nhổ bỏ trồng lại. Hiện còn khoảng 1.500ha cà phê do Tổng Công ty quản lý do bị sâu bệnh phá hại, nghiêm trọng nhất là bệnh tuyến trùng, rếp sáp hại rễ đã thanh lý, trồng lại nhưng không hiệu quả. Vì vậy Tổng công ty đã có kế hoạch chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác.

Để khắc phục tình trạng trên, Tổng Công ty Cà phê VN đã thực hiện các biện pháp luân canh cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả hơn, cưa ghép phục hồi bằng các dòng vô tính cà phê, trồng lại cà phê trên diện tích cà phê già cỗi bằng các mô hình sản xuất tiên tiến góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triễn cà phê bền vững.

Bước đầu, các đơn vị trong Tổng Công ty đã cưa cây ghép chồi cho trên 300ha cà phê già cỗi bằng các dòng vô tính của các giống cà phê TR4, TR5 đến TR12, TR13 có năng suất cao, kháng được sâu bệnh, nhất là bệnh gỉ sắt, đảm bảo chất lượng cà phê nhân xuất khẩu bằng phương pháp cưa trắng (cưa đồng loạt cây cà phê trên một diện tích nhất định để ghép) và cưa xen kẽ (cưa thay thế các giống cà phê có năng suất thấp, bị bệnh lá…).

Thực hiện việc cưa trắng đồng bộ thể hiện rõ hơn tính ưu việt đầu tư thâm canh ngay từ đầu như áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách triệt để từ khâu cày bừa cải tạo đất, ghép trồng lại các hố cây cà phê bị chết…

Tổng Công ty cũng chỉ đạo Công ty cà phê Ia Grai (tại tỉnh Gia Lai) xây dựng mô hình thí điểm trồng lại cà phê trên diện tích cà phê già cỗi (không để đất nghỉ, không luân canh, cải tạo đất), với các dòng vô tính cà phê năng suất cao, kháng bệnh.

Qua thực tiễn sản xuất, tại các công ty, nông trường đang thực hiện các mô hình cưa ghép hoặc nhổ bỏ cà phê già cỗi trồng lại bằng các dòng vô tính đều đang phát triễn tốt, cho thu bói từ 2 đến 2,5 tấn cà phê nhân/ ha trở lên. Tổng công ty cũng chỉ đạo các công ty, nông trường trực thuộc, tuỳ theo điều kiện từng vùng mà áp dụng hai mô hình này để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với những diện tích cà phê đã bị nhiễm bệnh nặng, nhất là tuyết trùng phá hại, Tổng Công ty Cà phê VN đã chỉ đạo nông trường Ia Ko (công ty cà phê Việt Đức),  nông trường Đắc Hoa (công ty cà phê Ia Sao), công ty cà phê Buôn Hồ chuyển sang trồng trên 450ha cao su, ca cao. Hiện nay, hầu hết diện tích cao su, ca cao của đơn vị này sinh trưởng, phát triễn tốt, có khả năng cho năng suất cao.

Tổng Công ty Cà phê VN cũng đề nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triễn Nông thôn cần sớm nghiên cứu, triển khai xây dựng các mô hình trồng tái canh làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện việc tái canh cây cà phê có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty cũng kiến nghị với chính phủ cần có cơ chế, chính sách cho các công ty, nông trường được vay vốn ưu đãi để đầu tư cải tạo vườn cây cà phê già cỗi vì vốn đầu tư cho trồng lại vườn cà phê khá lớn, nên người lao động cũng như một số doanh nghiệp không thể tự lo được.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng