Anh chỉ dùng phân bò bón cho cây tiêu, trong khi những người khác dùng phân bón hóa học. Chọn con đường đi khác so với mọi người, ấy vậy mà anh đã thành công. Khi người trồng tiêu phải lao đao vì bệnh chết nhanh chết chậm ở cây tiêu, chuyển hướng sang trồng cao su thì vườn tiêu nhà anh vẫn xanh tốt. Anh chính là Nguyễn Chiến Thắng ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Nỗ lực để có 5 sào tiêu
Vào năm 1998, hai vợ chồng anh Thắng chọn xứ Tân Lập, Đồng Phú lập nghiệp. Chỉ với 3 triệu đồng trong tay, thời gian đầu, anh chỉ đủ tiền để trồng 100 nọc tiêu. Không có nhiều vốn nên anh Thắng vừa trồng, vừa cắt dây bán giống, vừa cắt lá khô làm phân ủ cho cây. Cũng vì không có nhiều tiền mà anh Thắng cũng chỉ dùng phân bò để bón cho cây tiêu.
Tận dụng tiết kiệm và hiệu quả từ những thứ sẵn có, ấy vậy mà diện tích tiêu của anh cứ thế mà tăng dần lên 5000 m2.
Cái khó ló cái khôn
Vào năm 2006, bệnh chết nhanh chết chậm tấn công ở nhiều vùng trồng tiêu của Bình Phước. Trong đó, địa bàn Xã Tân Lập, huyện Đồng Phú là một trong số những nơi thiệt hại nặng nề nhất.
Vào thời gian đó, nhìn những vườn tiêu xung quanh, lá bị vàng dần, héo rũ rồi chết, anh Thắng hoang mang lo sợ dịch bệnh tấn công vườn tiêu của mình. Tuy nhiên, từ tay trắng gây nên vườn tiêu trong suốt gần 10 năm trời, anh Thắng nghĩ rằng mình phải tự tìm cách để cứu lấy vườn tiêu, không thể để chúng bị tàn phá. Nghĩ là làm, dịch bệnh tấn công đến đâu, anh Thắng đào mương ngăn dịch đến đó.
Anh Thắng lý giải về hiệu quả của việc đào mương: “Khi vườn bên cạnh bị chết nhanh chết chậm thì mình cứ phải đào mương. Cây tiêu, nó bị bệnh chết nhanh chết chậm là do rễ thành ra mình đào mương để mà cho nó uống cái nước khác.”
Sau đại dịch, vùng tiêu Tân Lập gần như bị xóa sổ. Nhiều người chuyển sang trồng cao su. Nhưng anh Thắng vẫn giữ nguyên vẹn diện tích 5 sào trồng tiêu của mình, vì tin rằng với rất nhiều nỗ lực bỏ ra, cây tiêu sẽ không phụ mình.
Hữu ích từ phân hữu cơ
Sau dịch bệnh, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bình Phước đi đến vùng tiêu chết để tìm hiểu thêm thì ngạc nhiên vô cùng khi thấy vườn tiêu của anh Thắng vẫn phát triển xanh tốt. Theo đánh giá, nguyên nhân ngoài việc do những nỗ lực của anh trong chống dịch còn do anh đã sử dụng phân hữu cơ trong suốt quá trình trồng tiêu.
Anh Thắng chia sẻ: “Cái lúc mình sử dụng phân hữu cơ nhiều người nói mình điên hay sao mà không chịu sử dụng phân hóa học cho nó mau lớn. Nhưng mình bảo thôi. Mình có bò nên tận dụng bón phân bò cho cây. Vì mình đã bón phân bò cho lúa thì mình thấy cái phân bò nó cũng tốt bền vững. Chứ còn mình bỏ phân hóa học, nó tốt 1 tuần 2 tuần rồi thôi, thành ra mình nghĩ cái này bỏ trên tiêu nó cũng như vậy.”
Đất trồng tiêu ở Đông Nam Bộ, mà tiêu biểu là Bình Phước là đất xám và đất đỏ Bazan, do đó, khi trồng tiêu cần phải bổ sung vôi và lân. Phân bón hữu cơ của anh Thắng không chỉ cân đối 2 thứ đó mà còn giúp tiêu có sự trung hòa dinh dưỡng nên vườn tiêu của anh dần vượt qua đại hạn.
Tuy nhiên, lần gặp gỡ các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư của tỉnh cũng mở ra cho anh Thắng một kỹ thuật chăm sóc cây tiêu mới, đó là trộn thêm nấm Tricodecma vào phân hữu cơ ủ hoai mục. Việc làm này là biện pháp phòng bệnh ở cây tiêu rất hiệu quả.
Từ sự cần cù, chịu khó vươn lên từ cái nghèo, anh Thắng đã thành công. Hiện nay, mặc dù diện tích đất trồng tiêu của anh Thắng không nhiều nhưng năng suất hiện nay đang dẫn đầu trong toàn tỉnh Bình Phước. Trong vài năm trở lại đây, 5 sào tiêu của vợ chồng anh Thắng luôn cho năng suất bình quân từ 5,7 đến 5,8 tấn. Đây là kỷ lục trồng tiêu hiện chưa có nông hộ nào trên địa bàn tỉnh Bình Phước lập được.
Thật ra tiêu chết nhanh la do úng nước, bệnh nấm gây nên chứ không phải do phân hóa học đâu ban à. bón phân chuồng hữu cơ khi gặp mưa nhiều lại dễ gây chết tiêu hơn, Có thể vườn tiêu của anh thành cao thoát nước tốt nên chưa bị đó thôi, chứ đã làm tiêu thì có ai mà không biết bón phân chuồng hữu cơ sẽ tốt cho tiêu hơn