Chăm sóc, bón phân cho cà phê trong mùa mưa

Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc quả cà phê vối bắt đầu tăng nhanh về kích thước, cùng lúc đó có sự tăng trưởng nhanh của cành, chồi trên cây cà phê. Do vậy cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và điều tiết ánh sáng cho phù hợp với tình trạng sinh lý của cây để cây vừa nuôi quả tốt vừa tạo ra bộ khung cành dự trữ khỏe mạnh cho năm tiếp theo.

Các biện pháp chăm sóc chủ yếu cho vườn cà phê trong mùa mưa như sau.

1. Rong tỉa cây che bóng kịp thời

Ở các vườn cà phê kiến thiết cơ bản cần rong tỉa cây che bóng tạm thời là cây muồng hoa vàng trồng giữa 2 hàng cà phê. Chặt thấp cây muồng hoa vàng ở độ cao 50-70cm để cây muồng tái sinh tốt. Trong một mùa mưa, cần rong tỉa hàng muồng hoa vàng này 2-3 lần để cà phê không bị cạnh tranh ánh sáng. Cành lá muồng hoa vàng đem tủ vào gốc cây cà phê.

Ở các vườn cà phê kinh doanh có trồng cây che bóng như keo dậu, muồng đen, cần rong tỉa cây bóng kịp thời ngay vào đầu mùa mưa để tăng cường ánh sáng cho vườn cây, giúp cành lá cà phê phát sinh vào đầu mùa mưa được khỏe mạnh, không bị yếu, nhớt. Đầu mùa mưa rong tỉa mạnh, chỉ để lại 1-2 cành hút nhựa nhỏ cho cây che bóng. Khi rong tỉa cây che bóng, chú ý không làm gãy, dập cành cà phê. Giữ yên cành lá cây che bóng được rong tỉa xuống trong vườn cà phê một thời gian cho lá rụng xuống làm phân xanh bồi dưỡng cho vườn, sau đó mới chuyển các cành to ra khỏi vườn để tiện việc đi lại, chăm sóc vườn cà phê. Trong mùa mưa, rong tỉa từ 2 – 3 lần tùy theo tốc độ ra lá cành của cây che bóng, tránh không cho vườn cà phê bị cớm, rợp. Đợt rong tỉa cuối cùng trước khi chấm dứt mưa 1 tháng.

2. Đánh chồi vượt cho cây cà phê

Chồi vượt phát triển rất nhanh trong mùa mưa, do vậy cần đánh chồi vượt kịp thời. Trung bình 1 tháng đánh chồi vượt 1 lần. Khi đánh chồi vượt chú ý vặt các cành tăm, cành nhớt mọc quá nhiều ở cùng một vị trí đốt cành. Ở mỗi vị trí đốt cành chỉ nên để lại không quá 3 cành dự trữ được phát sinh. Chú ý vặt các cành thứ cấp mọc dày trên đỉnh tán tạo điều kiện để ánh sáng lọt vào bộ tán cà phê.

3. Đào rãnh ép xanh, hoặc cày rạch hàng ép xanh

Công việc tạo bồn hoặc cày rạch hàng có thể thực hiện trong mùa mưa, từ sau khi bón phân hóa học đợt một khoảng 20 ngày cho đến trước khi chấm dứt mưa 1,5 – 2 tháng. Đào rãnh sâu 30cm, dài 1m, rộng 20-25cm dọc theo mép trong bồn cà phê, mỗi gốc cà phê đào 1-2 rãnh. Dồn tất cả cỏ rác trên lô và cả phân chuồng nếu có vào rãnh, lấp đất lại. Cũng có thể dùng cày tời để cày rạch hàng giữa 2 hàng cà phê, cày sâu 50cm, nên cày 1 hàng, bỏ một hàng và năm sau lại cày luân phiên để hạn chế làm tổn thương bộ rễ cà phê. Tương tự như rãnh đào trong mép bồn, rãnh cày là vị trí để ép xanh cỏ rác trên lô và bón phân chuồng. Dùng cày tời rất tiện lợi, đỡ tốn công lao động thủ công, cày được sâu, công việc được thực hiện nhanh chóng, cành lá cà phê ít bị gãy dập do máy cày ở bên ngoài lô, chỉ có lưỡi cày và người điều khiển cày đi giữa 2 hàng cà phê.

4. Làm cỏ, bón phân

Làm sạch cỏ trên hàng cà phê, không để cỏ dại cạnh tranh với cà phê. Bón phân cho cà phê sau khi làm cỏ sạch. Liều lượng phân bón và loại phân bón như sau:

– Phân hữu cơ: cứ 2-3 năm bón phân hữu cơ 1 lần với liều lượng 20-30 m3/ha hoặc bón phân hữu cơ vi sinh với lượng 1-2 tấn/ha. Kết hợp việc bón phân hữu cơ với đào rãnh ép xanh cho vườn cà phê.

– Vôi bột: bón 300-400 kg/ha/năm, rải tung đều khắp mặt đất, tiếp xúc với đất càng nhiều càng tốt, không cần lấp đất.

– Phân hóa học:

* Các năm trồng mới và kiến thiết cơ bản:

Sử dụng phân NPK 16-16-8 hoặc NPK 20-20-15 bón với liều lượng sau:

  • Năm trồng mới: 400-600 kg/ha
  • Năm thứ 2: 600-700 kg/ha
  • Năm thứ 3: 800-900 kg/ha

Lượng phân trên được chia ra bón 3 lần trong mùa mưa.

* Cà phê kinh doanh:

Sử dụng các loại phân có thành phần NPK cân đối, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cà phê trong mùa mưa.

Bón 3 lần trong mùa mưa. Đối với vườn cà phê đạt từ 3-4 tấn nhân/ha, bón với liều lượng sau:

  • Đợt 1: 500-700 kg/ha, bón vào đầu mùa mưa, khi mưa đã đều.
  • Đợt 2: 700-800 kg/ha, bón vào giữa mùa mưa.
  • Đợt 3: 800-1000 kg/ha, bón vào gần cuối mùa mưa, trước khi chấm dứt mưa ít nhất là 20 ngày.

Nếu năng suất vườn cây cao hơn mức 3-4 tấn nhân/ha, ở mỗi đợt bón, cần bón tăng cường thêm từ 150-200 kg/ha/lần.

Bỏ phân khi đất đủ ẩm. Rạch rãnh xung quanh tán cây cà phê, rải phân đều và lấp đất.

5. Tạo hình, sửa cành

Đối với vườn cà phê đầu thời kỳ kinh doanh có chiều cao cây thấp thì khi bộ tán cây đã ổn định tiến hành nuôi tầng hai từ đầu mùa mưa. Để 1 chồi vượt mọc lên từ dưới vị trí hãm ngọn lần thứ nhất khoảng 10cm. Khi độ cao cây đạt 1,6m kể từ mặt đất thì hãm ngọn lần hai và giữ ở độ cao này suốt chu kỳ kinh doanh của cây cà phê. Sau khi hãm ngọn chú ý vặt các chồi vượt mọc ra rất nhanh ở ngọn tán.

Đối với vườn cà phê kinh doanh lâu năm, sau khi thu hoạch đã có một đợt cắt cành chính để loại bỏ các cành già cỗi, các cành vô hiệu, cành khô, cành bị sâu bệnh, cành nhỏ yếu…..

Đầu mùa mưa, cần có một đợt cắt sửa cành nhẹ để tiếp tục loại bỏ các cành khô các cành vô hiệu mới phát sinh trong mùa khô.

Đến khoảng tháng 8-9 khi quả cà phê đã lớn sửa cành một lần nữa. Mục đích của đợt sửa cành lần này là để định lại các cành dự trữ cho mùa thu hoạch năm đến, do vậy trong đợt này cần cắt bớt các cành thứ cấp mọc quá rậm rạp, các cành thứ cấp bị vống, yếu, chỉ để lại các cành dự trữ khỏe mạnh, lóng đốt ngắn hứa hẹn sự ra hoa quả tốt trong mùa khô sắp đến.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Các loại sâu bệnh thường hay xuất hiện trong mùa mưa là:

Rệp vảy xanh (Coccus viridis), rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica): Các loại rệp này thường tập trung trên các bộ phận non của cây như: chồi vượt, cành, lá, quả non… để chích hút nhựa làm rụng lá, quả khiến cây bị kiệt sức và có thể gây chết cây. Rệp thường xuất hiện nhiều trên các vườn cà phê kiến thiết cơ bản hơn các vườn cà phê kinh doanh. Biện pháp phòng trừ

– Làm sạch cỏ trong lô, cắt bỏ các cành sát mặt đất để hạn chế sự lây lan của rệp thông qua kiến.

– Dùng một trong các loại thuốc Bi58, Subatox, Suprathion, Supracide, Pyrinex… nồng độ 0,2-0,3% để phun trừ rệp, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày và chỉ phun thuốc trên những cây có rệp.

Mọt đục quả (Stephanoderes hampei): Mọt gây hại chủ yếu trên các quả xanh già, quả chín trên cây và có khả năng phát triển trong quả khô còn sót trên cây, dưới đất và cả trong quả cà phê khô cất trong kho nếu phơi chưa khô, độ ẩm nhân > 13%.

Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, thu hoạch kịp thời các quả chín trên cây và phải nhặt hết các quả khô dưới đất, còn sót trên cây để cắt đứt sự lan truyền của mọt.

– Bảo quản quả khô hay nhân ở độ ẩm dưới 13% (sau thu hoạch).

Bệnh gỉ sắt (Hemileia vastatrix): Đây là loại bệnh gây hại phổ biến trên các vườn cà phê. Nấm ký sinh vào mặt dưới của lá, ban đầu là những vết màu vàng lợt, sau đó xuất hiện lớp phấn màu da cam, các vết bệnh lớn dần và gây rụng lá một phần hay toàn bộ khiến cây bị kiệt sức. Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và phát triển mạnh nhất vào cuối mưa.

Biện pháp phòng trừ:

Phun một trong các loại thuốc Tilt, Bumper, Bayleton nồng độ 0,1% hay Anvil nồng độ 0,2% để phòng trừ bệnh. Khi phun thuốc phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Phun kỹ vào mặt dưới của lá
  • Thời điểm phun lần đầu khi cây có 10% lá bệnh (thường xảy ra sau khi bắt đầu mùa mưa 2-3 tháng), phun 2-3 lần cách nhau 1 tháng.
  • Hàng năm phải tiến hành phun thuốc vì thuốc chỉ có tác dụng phòng trừ bệnh trong năm và chỉ phun cho những cây bị bệnh.

Ngoài ra, để có thể loại bỏ hẳn các cây bị bệnh, dùng phương pháp ghép chồi thay thế. Cưa các cây bị bệnh gỉ sắt nặng, sau đó ghép các dòng cà phê vối chọn lọc có khả năng chống chịu gỉ sắt vào.

Bệnh khô cành, khô quả

Bệnh có nguyên nhân do mất cân đối dinh dưỡng hay bị nấm Colletotrichum coffeanum gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu trên cành, quả, làm khô cành và rụng quả. Các vết bệnh do nấm gây ra ban đầu có màu nâu vàng sau đó lan rộng và chuyển sang màu nâu sẫm, các vết bệnh thường lõm sâu xuống so với các phần không bị bệnh.

Biện pháp phòng trừ:

– Trồng cây che bóng hợp lý và bón phân cân đối để hạn chế tình trạng cây bị kiệt sức do ra quả quá nhiều. Cắt bỏ các cành bệnh.

– Có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây để phòng trừ nấm gây khô cành, khô quả: Carbenzim 0,2%, Tilt 0,1%, Bumper 0,1%. Phun vào đầu mùa bệnh trên các vườn xuất hiện bệnh. Phun 2-3 lần cách nhau 15 ngày.

Bệnh nấm hồng (Corticum salmonicolor): Bệnh do nấm gây nên. Vị trí tác hại chủ yếu ở trên cành phần trên của tán, gần nơi phân cành và phần ngọn của cây. Bệnh thường phát sinh trong các tháng cuối mùa mưa. Vết bệnh ban đầu là những chấm trắng nằm ở mặt dưới của cành về sau chuyển sang màu hồng và khi vết bệnh lan rộng khắp chu vi của cành có thể gây chết cành. Biện pháp phòng trừ chủ yếu là phát hiện kịp thời để cắt bỏ các cành bệnh, nếu bệnh xuất hiện phổ biến có thể dùng thuốc Validacin nồng độ 2% hay Anvil 0,2%, phun 2-3 lần cách nhau 15 ngày.

Y5Cafe tổng hợp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Khang

    Chao anh, em khong hieu ro ve cach cham soc cafe trong mua mua den qua som o Nam Bo trong cac thang qua, mua xuat hien qua som, lam cho cay cafe nha em, hoa no het rui, gio cham soc cho cafe sao de cho kip ket qua cho mua vu nam sau? trong khi mua xuat hien qua som. Em cam on anh nhieu, mong nhan duoc tin cua anh.

  2. Thịnh còi

    Chào bạn Khang
    Câu trả lời của bạn đã được phòng kỷ thuật của công ty phân bón Bình Điền trả lời như sau:

    Thực sự đợt mưa vừa qua không phải là mưa quá sớm mà là mưa muộn, mưa trái mùa. Theo dự báo thì mùa mưa năm 2009 sẽ đến sớm hơn, nhưng cũng phải 3 tháng nữa mới bắt đầu. Đợt mưa vừa rồi tại một số vùng của DakLak cũng đạt 30mm. Nếu vùng của bạn lượng mưa đạt cũng như mức này thì cũng đủ để cà phên ra hoa đợt đầu. Trong trường hợp lượng nước mưa không đủ, hoa sẽ không nở hết mà chuyển dần sang màu hoa chanh và rụng đi. Trường hợp này lẽ ra bạn phải tưới thêm (tưới đuổi) cho đủ lượng nước cần thì hoa mới mở bung hết và không bị rụng.

    Năm nay do mưa kéo dài, trong khi đất vẫn còn ẩm nên quá trình phân hóa mầm hoa diễn ra chậm hơn lại gặp mưa trái mùa làm rụng hoa nhiều, chắc chắn tỷ lệ đậu trái thấp, năng suất sẽ không cao. Để giảm bớt thiệt hại bạn cần phun phân bón lá để dưỡng hoa và nuôi những trái mới đậu. Cần sử dụng loại phân bón có hàm lượng Bo cao và lân cao vì Bo giúp giảm tỷ lệ rụng hoa, rụng trái non, lân sẽ kích thích phân hóa mầm hoa tốt. Phun phân bón lá định kỳ 7-10 ngày/lần còn giúp nuôi dưỡng lứa hoa sau để đợt 2 hoa nở đều, đậu trái tốt. Bạn có thể dùng phân bón lá Đầu Trâu 007 phun dưỡng hoa.

    Bạn cần chú ý đến đợt tưới nước tiếp và bón phân Đầu Trâu mùa khô NPK 20-5-6+TE để đợt 2 hoa nở đều, đậu trái nhiều.

    Thân ái
    Thịnh còi

  3. Tam Nông Phú

    Chào bạn Trần Quang Cường, Hiện tại thì chưa có thuốc gì đặc trị mọt đục cành, quả cà phê chúng tôi có mấy lời tham gia cho bạn để phòng trừ mọt đục cành, đục quả:
    1,Tăng cường sức đề kháng cho cây bằng cách bón phân cân đối (N-P-K) và bổ sung thêm phân trung vi lượng, hàng năm nên bón thêm phân chuồng đã ủ hoai mục.
    2, Vào giai đoạn giữa mùa mưa khi kích thước quả đã lớn gần tối đa, nhân cà phê chuẩn bị cứng là lúc mọt phát triển mạnh. Nếu mật độ mọt cao thì bạn nên sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất là – Chlofiryforetyl + Cypermethyn hoặc + Alpha cypermethyl, hiện tại trên thi trường có những loại thuốc thương mại họ đã cộng sẵn bạn có thể tìm mua: Supper tac 500EC, Tasodan 600EC, SerPal Supper 500,585, 600 EC … những loại thuốc này bạn pha 0,25-0,3% và lượng nước tối thiểu là 600l/ha, bạn nên pha chung với chất bám dính để khi phun dd thuốc dễ dàng luồn vào kẽ của chùm quả.
    Bạn lưu ý:
    – Sau thời gian 12 ngày bạn nên phun lặp lại 1 lần nữa, nếu không có điều kiện sau phun lần 1 là 7 ngày bạn nên rải thuốc có hoạt chất là Diazon 10H (bazudin10H, Diazan 10H…) 40-50 kg/ha thì bạn hoàn toàn an tâm.
    – Thuốc cùng hoạt chất bạn không nên phun liên tục quá 2 lần mà bạn phải luân phiên.
    – Bạn nên thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bvtv.
    Hiện tại cũng đã có công ty sản xuất chế phẩm sinh học gồm những loài nấm ký sinh mọt và một số loại côn trùng khác. Khi nào thực nghiệm thành công chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn.
    Chúc bạn thành công!

    1. Trần quang cường

      Cảm ơn bác Tam Nông Phú đã tư vấn cho em. Tuy nhiên em lại ko muốn dùng thuốc hoá học cho lắm, lý do vì sao thì chắc em khỏi nói các bác cũng biết đúng không ạ ! Em kết dùng thuốc sinh học hơn an toàn và thân thiện.
      Em thấy VTV2 mới có giới thiệu sắp có sp thuốc trừ sâu sinh học mới được chiết suất từ cây neem (xoan Ấn Độ) hiệu quả lắm mà ở chỗ tôi hỏi ra chẳng ai biết cả.

      1. Chùa Bộc

        Bác tìm các loại thuốc có hoạt chất Aradirachtin thử. Một số tên thương mại có chứa hoạt chất này: Agiaza 0.03 EC; A-Z annong: 0.15 EC (0.3 EC, 0,6 EC, 0.9 EC); Miup: 0.3 EC (0.6 EC, 0.9 EC); Neem Nim Xoan Xanh Green: 1.15 EC (0.3 EC); Trutat 0.32 EC; v.v…
        Chúc bác xử lý rệp sáp thành công, an toàn với môi trường và con người.

  4. Đinh Văn Viên

    Chào các bạn hiện mình cũng làm cà phê và mình có câu hỏi muốn nhờ các bạn giải đáp giúp : biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây cà phê vối bằng kỹ thuật cắt cạnh tạo tán?

  5. lehuu

    Loại sâu bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất cà phê nhất thì chưa thấy ai nói đến, đó là bệnh rệp sáp trắng. Loài này bám trên cây cà phê khi cây đậu quả thì chui vào cuống quả hút chất dinh dưỡng và làm quả rụng rất nhiều. Mong bà con cùng thảo luận đưa ra loại thuốc diệt trừ loại này hiệu quả nhất? Vừa rồi mình cũng xịt thuốc cotoc 500ES mà không ăn thua.
    Vậy để diệt rệp vảy và rệp sáp trắng thì thuốc gì là hiệu quả nhất, nếu cần thì kết hợp các loại thuốc cũng đuợc. Mong bà con ai biết thì chia sẻ và phản hồi gấp nha. Cảm ơn.

    1. trần minh hoàng

      Bạn mua thuốc suprathion xịt bảo đảm không còn rệp sạp hay rệp gì hết nếu xịt 2 lần cách nhau khoảng 1 tháng. Pha đúng liều lượng không cần nặng hơn nhưng bạn phải xịt thật kỹ.

    2. Hoaanhtuc

      Theo mình thì bạn có thể sử dụng sacophos 550ec nó có 3 hoạt chất chính như chlorpyrifos, alpha cypermethirin, abamectin, nhà mình sài thấy rất cí hiệu quả về diệt rệp sáp trắng

  6. xquangpro

    Theo mình thì rệp sáp là cái bệnh nguy hiểm nhất đấy, muốn diệt nó tận gốc thì hơi bị khó. Trên thị trường có nhiều loại thuốc khá công hiệu. Mình pha liều nặng hơn xíu rồi cộng thêm chất bám dính (cái này quan trọng nha), xịt bằng vòi phun áp lực với cường độ mạnh. Tiêu diệt các loài côn trùng cộng sinh với rệp như kiến…

  7. Nguyễn Đồng Trang

    Chào các bác, em cũng tham gia trồng được một ít cà phê. Đất của nhà em hơi dốc. Thời gian gần đây ở phần đất thấp cây cà phê vàng nhiều còn phần đất cao thì rất xanh tốt. Người ta bảo cây cà phê bị vàng lá nhiều là do đất bị nhiễm phèn (mùa mưa, ở hai bên có khe nước chảy). Vậy em hỏi các bác như vậy có đúng không ? Muốn khử phèn thì dùng vôi hay dùng phân lân, thứ nào tốt hơn. Cà phê nhà em đã trồng được 3 năm, mới chỉ bón phân N-P-K, chưa bón phân hữu cơ.
    Mong các bác cho lời khuyên sớm để em điều trị cho kịp thời.
    Cảm ơn các bác nhiều !

  8. van hung

    Tôi có một số ý kiến, để cho cây cà phê ra cành hữu hiệu chúng ta cần phải cắt tỉa cành và bón phân đúng lúc. Ví dụ như khi thu hoạch xong, tùy theo vườn cà mà cắt tỉa cành sớm hay muộn để cây phát triển các cành hữu hiệu tốt hơn.

  9. vanho

    Chổ các bác đã ai bán cà phê non chưa? còn ở chỗ tôi Đắk Song nông dân phải chốt cà non để vay tiền mua phân bón đầu tư … với giá 30.000 đ/kg

  10. Trần thái Bình

    Hiện nay phân NPK giả nhiều lắm, có ai đưa ra công thức phối trộn tổng hợp không giúp mình với (kể cả đồng, bo, kẻm, sắt)

    Cám ơn!

  11. HUYNH Y

    Chào chú Vịnh cháu nhờ bác đưa lời khuyên cho cháu. Vườn nhà cháu bón phân chuồng hàng năm vậy hằng năm cháu có nên bón thêm phân đa trung vi lượng không. Và các đợt bón khác có cần bón phân trộn không. Cảm ơn chú trước.

  12. Còi

    Gửi @ Thịnh còi! Mình đã xem phổ biến cách phối trộn phân đơn của @ Nguyễn Vịnh. Về liều lượng mình không bàn nhưng mình thấy @ Nguyễn Vịnh không nhắc nông dân là không trộn P với N là thiếu sót. Nếu trộn P với N là một việc làm phản khoa học, vì trong P có hơn 30% là Cao sẽ tác dụng với N giải phóng nước (H2O) và NH3 bay lên ( phân hủy N, N mất tác dụng). Tuyệt đối không được trộn N với P

    1. Nguyễn Vịnh

      Cám ơn ý kiến đóng góp của bạn (mà sao lại gửi Thịnh còi nhỉ?).
      Vấn đề bạn nêu không nằm trong mục đích của bài viết nên tôi không đề cập đến. Hơn nữa, do qui mô của bài viết không nhằm giải quyết tất thảy mọi vấn đề nên tôi không ôm đồm.
      Còn bạn nói tuyệt đối là không đúng. Vấn đề ở chỗ là trộn loại N gì với loại P gì !

  13. Còi

    Gửi @ Nguyễn Vịnh! Chắc @ Nguyễn Vịnh biết quá rõ P bón cho cà phê phải là P gì. Nông dân rất tin vào @ Nguyễn Vịnh, tôi cũng thế, nên nếu không nói P mà dân vẫn bón cho cà phê không trộn được với N thì dân vẫn trộn. Làm như thế (nếu trộn đều và hàm lượng các chất đúng như ghi trên bao bì thì có lẽ phải có 1/3 N bị phân hủy, tạo thành NH3 bốc hơi

  14. Còi

    Trưa nay vội đi, về lại vội vàng lên mạng nên tham gia chưa thấu đáo. Giờ xin có thêm vài lời trao đổi.
    Thực ra không phải N phản ứng hóa học với P mà do trong P có vôi sống (CaO), theo như thành phần ghi ngoài bao bì của Lân nung chảy Văn Điển hay Ninh Bình (nếu tôi nhớ không nhầm thì có khoảng trên 30% CaO). Khi trộn P với N thì lượng Cao trong P sẽ tác dụng với N theo công thức CaO + NH4OH = H2O (nước) + NH3 (Amoniac bốc hơi). Khi trộn như thế này sẽ có một phần bị ướt và vón cục, nguyên nhân là do phản ứng hóa học tạo ra nước nên phân bị vón cục. Không tin bà con nông dân thử làm sẽ rõ.
    Tôi cũng làm cà phê, cũng bón phân đơn trộn nhưng với phân lân (P) thì bón riêng, bón 1 lần vào đầu mùa mưa khi đất đủ ẩm ( lưu ý là với P khi đất đủ ẩm và ấm mới nhanh phân giải thành P dễ tiêu, cây mới hút được).

  15. dangvanthan

    Có bác , anh chị em và các nhà nông học nào biết cụ thể, chính xác cách pha chung phân bón lá với thuốc bảo vệ thực vật, truốc trừ nấm bệnh được không và thứ TBVTV, thuốc trừ nấm bệnh không pha chung được. không những tôi mà có lẽ nhiều người cũng không biết rõ lắm. nếu ai biết hướng dẫn dùm. tôi xin cảm ơn nhiêu;
    địa chỉ y meo của tôi là: DANGVANTHAN1956@GMAIL.COM hoặc đặng văn thân ; thôn 2 xã ea ngai huyện krong búk đắk lắk

    1. Hong

      Mình thấy loại nào cũng pha được nếu nó là phân bón đơn thuần ko có vi sinh hoặc ko có chất điều hòa sinh trưởng, đó là câu trả lời chính xác.

      1. Chùa bộc

        Cách tốt nhất bác đọc kỹ hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Không phải loại nào cũng pha được như bác @Hong. Mỗi loại thuốc sâu, thuốc bệnh có đặc điểm khác nhau. Pha chung có thể bị phân hủy dẫn tới giảm/mất tác dụng của thuốc.

  16. Còi

    Nguyễn Du đã từng viết “Nghề chơi cũng lắm công phu” huống hồ là chuyện làm ăn. Với thuốc bảo vệ thực vật thì không thể nói chắc cái gì cũng trộn được. Theo tôi, nói như @ Chùa bộc là phù hợp; bởi riêng như việc pha vôi tôi Ca(OH)2 với Sulfat Đồng CuSO4 để có thuốc Booc đô mà chỉ cần đổ dung dịch nước vôi vào dung dịch Sulfat Đồng (đúng ra là phải đổ dung dịch Sulfát đồng vào dung dịch nước vôi) coi như vứt vì đổ ngược như thế thì không ra thuốc Booc đô. Đấy! chỉ cần sơ ý một tí như nói trên là tiền mất, mà ….. nấm bệnh thì vẫn phát triển.

  17. leha

    Nhờ bác Vịnh và các bác chỉ dùm cành nhớt là cành thế nào? “cà phê bị rợp sẽ có cành nhớt mọc quá nhiều ở cùng một vị trí đốt cành” hay “Ở các vườn cà phê kinh doanh có trồng cây che bóng như keo dậu, muồng đen, cần rong tỉa cây bóng kịp thời ngay vào đầu mùa mưa để tăng cường ánh sáng cho vườn cây, giúp cành lá cà phê phát sinh vào đầu mùa mưa được khỏe mạnh, không bị yếu, nhớt.

    1. Nguyễn Vịnh

      Chào bạn @leha.
      Tôi không rõ lắm các từ địa phương mà bà con dùng. Nhưng theo tôi hiểu ý nội dung là muốn nói đến loại cành nhỏ, cành không có hiệu quả, cành tăm hay cành mọc thành chùm như tổ quạ… Thân.

  18. thintriet08

    Cafe nhà em trồng năm 1998 . Lúc đầu rất siêng phun thuốc trừ rệp, năm sau thường phải phun nhiều hơn năm trước rất mệt mỏi và độc hại . Sau đó thấy lạ là nhà bên cạnh do bận việc chẳng phun bao giờ . Rệp có không ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, thế là học theo . Trời đang nắng mà thấy cây nào héo lá bất thường đích thị bị sâu đục thân . Lấy chiếc que chấm 1 ít thuốc sâu nhét kín vào lỗ đục . Sâu sẽ chết mà vẫn giữ được cây . Bỏ phân cuối mùa ít hơn nhiều vì lúc này cây đang là lúc phân hóa mầm hoa mà thôi .

  19. ypyiu

    Cho hỏi trong mùa khô cà phê cần bón lần lượt phân nào từng tháng vậy, theo thứ tự từng tháng như thế nào.

  20. bùi thị hoa

    Bác Vịnh ơi cho cháu hỏi cà phê nhà cháu bón phân lân riêng nên vào đầu mùa mưa bón theo ct 17-8-16-13s như thế có hợp lý ko? Và đợt giữa mùa mưa và cuối mùa mưa nên bón lượng phân như thế nào là phù hợp hả bác?

    1. Chùa bộc

      – Bón lân riêng với lượng bao nhiêu và NPK17-08-16 bao nhiêu? Nếu cỡ khoảng trên 600 kg đến 1000 kg/ha thì thường người ta bón theo công thức phân đơn (Ure, Kali) ở các lần.
      – Thông thường theo tập quán của bà con, bón theo công thức phân NPK có tỷ lệ sẵn thì vườn cây thường dư Lân, thiếu Đạm và đặc biệt thiếu Kali rất nhiều. Như vậy, nếu bón lân đơn nhiều và lại bón NPK trên nữa thì khả năng dư lân là rất cao. Lần sau chú ý bón phân có hàm lượng Đạm và Kali cao, còn lân rất thấp để vừa không dư lân, mà giá thành phân bón lại rẻ.

  21. Ama Phước

    Anh Vịnh ơi. Vừa rồi tôi bón phân trộn, dùng đạm Phú Mỹ. Nhưng đạm Phú Mỹ năm nay trên miệng bao không thấy có cái nhãn, ở trong bao thì không có phiếu kiểm định và cái miệng bao nylon thì không cột bằng cái dây rút khóa nhựa, để trống miệng bao. Anh có thông tin gì về việc này không? Xin được hướng dẩn. Tôi ở huyện Ea H’leo xã Ea Nam

  22. Chùa bộc

    – Theo khuyến cáo ở Việt Nam, bón phân cho cà phê trong mùa mưa được chia làm 3 đợt: Đầu – Giữa – Cuối mùa mưa. Đó là khoảng thời gian tương đối. Ví dụ: đợt sau cách đợt trước khoảng 2 – 2,5 tháng tùy vùng.
    – Việc chia như vậy cho phù hợp, nếu có điều kiện thì nên chia nhỏ lượng phân để bón cho nhiều lần thì thời gian giữa 2 đợt sẽ ngắn lại.
    – 1 điều quan trọng, mà ít ai quan tâm là bón đúng thời điểm vì đa số người trồng cà phê bón phân nhờ vào nước trời. Đôi khi, phải đợi mưa nên người ta không bón được phân, cây thiếu nước và thiếu dinh dưỡng dẫn tới quả nhỏ, nhân nhỏ hoặc rụng quả ở những tháng sau.

  23. võ tá quyền

    chào cả nhà!!!!
    việc bón phân cho cà phê vào mùa mưa là rất quan trọng.nhưng lượng phân bón cho 1 ha từ 600-1000kg/lần là quá nhiều,sao mình không giảm lượng phân bón gốc lại và thay vào đó là phân bón lá nhĩ???.cà mình thì trước tưới đ1 2 ngày mình phun phân bón lá(PBL) siêu lân,cái này giúp phân hóa mầm hoa tốt ,ra hoa tập trung.tưới đ2 bón phân npk 16-16-8 +13s ,tưới đ3 củng thế và lượng mình bón la 350kg/lần cho 1ha.
    vào mùa mưa,lần đầu khi mưa chưa ổn định thì mình phun PBL siêu kẽm,mình thấy giâcphe co quảng cáo biogel và biosol cái này mình cũng sẽ tìm mua và thử nghiệm .
    khi mưa đã ổn định thì mình bón phân như sau:
    đ1:trộn 200kg ure +150kg kali + 25kg phân trung vi lượng bón cho 1 ha
    đ2:trộn 200kg kali + 150kg ure + 25kg trung vi lượng
    đ3 :npk
    giữa 2 đợt phân bón gốc là 1 đợt PBL + thuốc bệnh chống nấm hồng tránh khô cành rụng quả
    giữa đ2 và đ3 phun phân bón lá siêu kali để cây làm nhân
    như vậy tính cả bỏ gốc và phun PBL thì 1 năm tính ra gần 10 đợt phân
    tổng phân cho 1 ha 1 năm là:
    1750kg phân đa lượng,
    50kg phân trugn vi lượng
    10 lít PBL các loại
    chi phí này sẽ rẽ hơn nhiều so với
    ” Đợt 1: 500-700 kg/ha, bón vào đầu mùa mưa, khi mưa đã đều.
    Đợt 2: 700-800 kg/ha, bón vào giữa mùa mưa.
    Đợt 3: 800-1000 kg/ha, bón vào gần cuối mùa mưa, trước khi chấm dứt mưa ít nhất là 20 ngày.”
    đây mới mùa mưa,còn mùa khô nữa chưa tính
    đó là ý kiến cũa mình và cũng là cách bón cũa mình cho vườn cũa mình,mong cộng đồng góp ý và cùng chia sẽ

  24. Xuân Hào

    Admin tư vấn giúp mình với.
    + Khi nào thì bón vôi cho cafe, thời gian bón?
    + Khi nào thì thích hợp bón phân vi sinh (đợt 1, 2,3)?
    Xin cám ơn.

  25. võ văn minh quyết

    tôi mới trồng cà phê cách đây 10 ngày.trước khi trồng có bón lót phân lân.cho tôi hỏi tôi phải bón phận gì trong giai đoạn mùa mưa,và dùng thuốc bảo vệ thực vật gì cho phù hợp,chân thành cảm ơn!

  26. lý hiếu

    Bác Vịnh ơi cho cháu hỏi khi bón phân cà phê nhà cháu làm như sau. Vét hết lớp đất trên mặt bồn đến lớp rễ tơ, hạn chế làm đứt rễ tơ cũng như rễ lớn, khi có mưa thì rải phân đều khắp bồn luôn. Nhưng có người thì bảo khi vét bồn phải vét hết rễ tơ đi để cây ra rễ mới như vậy mới tốt. Có người lại nói vét bồn xong để 1 tháng sau mới bỏ phân vì nếu vét xong bỏ ngay sẽ làm xót rễ gây thối rễ. Cháu không biết nghe bên nào cả vì bên nào nói cũng thấy có lý. Vì vậy cháu xin gửi câu hỏi tới chương trình mong được bác và mọi người nhiều kinh nghiệm giúp đỡ.

    1. Nguyễn Vịnh

      Chào @lý hiếu
      Vét bồn xong mà đợi cả tháng mới bón phân thì lâu quá, khoảng 15 ngày được rồi.
      Tuy nhiên, trong thời gian này nên phun phân bón lá loại nhiều thành phần để chống rụng quả non, giúp cây nhanh chóng ra rễ mới, cây mau hồi phục vì bị tổn thương rễ…
      Thân

  27. lý hiếu

    Vâng cháu xin cảm ơn bác. Thực ra thì hàng năm bố mẹ cháu làm mùa mưa bỏ 3 lần phân. Lần 1 bỏ không vét bồn mà cứ bỏ xuống rồi tưới vì đầu mùa vẫn ít mưa nên tưới cho chắc lần 2 vét bồn rồi bỏ phân. Lần 3 bỏ trực tiếp không vét bồn. Nhưng cháu thấy nhà hàng xóm cà rất đẹp hỏi thì họ nói 1 năm vét 3 lần bồn cho 3 lần bỏ phân. Làm như vậy thứ nhất để cào hết lớp lá trên bề mặt để phân dễ ngấm xuống đất chứ bỏ lên lá như vậy thì phân sẽ bay hơi rất nhiều, thứ 2 là cào được hết lớp đất bị mưa trôi xuống khi bỏ phân rễ sẽ không ăn lên để giúp bồn không bị nông dần và lần sau vét bồn sẽ ít bị đứt rễ hơn. Nhưng khỗ cái ở chỗ năm nay cháu bảo bố mẹ bón phân chia làm 6 lần thay vì 3 lần như mọi năm và tất nhiên là cùng số lượng phân mình chỉ chia đôi ra bỏ thôi. Giờ bỏ 6 lần mà phải cào 6 lần bồn thì rất tôn công. Giờ nhà cháu bỏ 3 lần rồi và cũng vét 3 lần rồi. Lần đầu thì hơi lâu nhưng 2 lần sau thì nhanh. Giờ cà nhà cháu tốt hơn so với những năm trước. Nhưng cháu vẫn muốn có 1 giải pháp nào đỡ tốn công hơn mà hiệu quả đem lại vẫn tốt. Mong được sự viúp đỡ của bác và mọi người nhiều kinh nghiệm trên diễn đàn. Cháu xin cảm ơn.

  28. noi phung

    Anh chị cho em hỏi? Vườn cafe nhà em bón phân nhiều nhưng cây cà phê vẫn vàng và phát triển rất kém, anh chị biết nguyên nhân chỉ giúp em với… Một phần nữa là em vẫn chưa hiểu về các loại phân bón, nói nôm na thì em không biết bón phân gì/liều lượng/năm bởi em mới làm cafe, rất mong sự giúp đỡ của các anh chị, em xin cảm ơn!

    1. ĐUC KON TUM

      Nếu cà trồng mới mà bạn bón quá nhiều phân thì không những còi cọc chậm phát triển mà khả năng chết rất cao .Nên chia ra nhiều lần bón và mỗi lần chỉ nhúm 3 đầu ngón tay là vừa đủ.
      -Còn cà phê kinh doanh thì đã có các chuyên gia tư vấn bạn nên tham khảo,nhưng cũng nên nhớ cây tốt bón nhiều và cây xấu bón ít hơn.Còn chuyện cà vàng thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố nữa,như để cành già , cắt tỉa cành chưa đúng quy trình kỹ thuật v v….
      -Bạn nên cho biết cà của bạn trồng được bao lâu và bón nhiều phân gì để mọi người giúp đỡ.
      -Nhân tiện nói với bạn Lý Hiếu rằng: Cách bón phân như gia đình bạn thì tốn nhiều công lắm.Có thể đánh rạch như các chuyên gia hướng dẫn nhưng chỉ áp dụng cho địa hình bằng phẳng mà vẫn tốn công nên ít thấy ai làm.Còn như nhà bạn nạo vét bồn trước lúc bón phân nghe không ổn lắm:
      -Nó làm cho đứt hết rể tơ trên mặt nếu gặp trời nắng cà sẽ chóng vàng, và sau khi bón phân cùng lắm thì xanh trở lại như lúc ban đầu.
      Tôi có một cách bón phân trên lá đã làm trên 16 năm nay mà vẫn hiệu quả,tuy rằng mới nghe qua hơi phản khoa học.
      -Cà trồng năm 1984 đến nay vườn cây vẫn xanh tốt vẫn giữ được sản lượng bình quân :22 tấn/ha quả tươi.Trong khi đó nhiều nhà đã nhổ trồng lại khá lâu rồi, hoặc để lại thì năng xuất rất thấp. .

      -Mùa khô 1 đợt phân lúc tưới đợt 2 = 400 kg SA +ka ly.
      -Mùa mưa: 3 đợt x 500 kg NPK = 1500kg.
      -Vi sinh : =1200 kg .
      -Phun thuốc trừ nấm và bón phân qua lá 2 lần.
      -Mùa khô nếu có điều kiện nước tốt thì khoảng 20 ngày nên tưới 1 lần, không nên bón phân nhiều đợt.
      -Một năm chỉ cào lá 1 lần trước lúc thu hoạch và tất nhiên 16 năm nay không đào hố nên cà rất ít cỏ.

      -Trên đây là những kinh nghiệm đời thường có thể đúng với người này mà không hài lòng với người khác, tuy nhiên các bạn nên xem xét đầu vào, đầu ra làm sao có được lợi nhuận cao nhất để thực hiện.
      -Có thể cách làm của các bạn hay hơn và có thu nhập cao hơn nhưng đây là cách làm mà tôi thấy nhàn mà vẫn hiệu quả. Xin cảm ơn!
      ,

  29. Narikiz

    Bác cho cháu hỏi..bác có thể cho bà con mới vào nghề này biết tất cả quy trình từ lúc thu hoạch năm này đến mùa sau k ahm….cháu nói đại khái là như thu hoạch xong mình nên làm gì tiếp theo ạ…. cách bón phân tưới nước phòng trị bệnh như thế nào là hiệu quả nhất ahm…

    1. Kinh Vu

      Bạn có thể vào mục tìm kiếm trên trang này và gõ từ tìm kiếm: bón phân cà phê – Bạn sẽ thấy có rất nhiều bài viết đã hướng dẫn.

  30. Nguyến đức công

    Xin các bác tư vấn giúp e với.vươn cafe nhà e mới trồng bị mối và dế ăn ngang gốc hết mà e k biết cách nào để diệt hiệu quả e tính bỏ thuốc mối dưới gốc nhưng sợ bốc chết cafe.xin các bác chỉ cho e cach nào để diệt mối hiệu quả ah.e xin chân thành cảm ơn!

  31. Vũ Mạnh Tuyến

    Xin các bạn giúp mình với! Mình mới làm caphe vườn rộng khoảng 3ha đa số là cây cà tơ mới bước vào mùa khô vườn xuất hiện một số cây lá ngày càng nhỏ lại, viền lá cong lượn sóng ngày càng khép lại. Bạn nào có thể cho mình biết nguyên nhân bị bệnh đó và cách khắc phục với!!!! xin liên hệ với sđt 0979939435

    1. Nguyễn Vịnh

      Chào @Vũ Mạnh Tuyến
      Có thể do cà phê đã bị thiếu các chất trung-vi lượng…
      Bạn có thể chụp vài tấm hình, phải thật rõ cành lá bị teo nhỏ, để xem xét cụ thể rồi mới góp ý giúp bạn được. Gửi hình về email : nguyenvinh@giacaphe.com.
      Thân

  32. Võ quang tuấn

    Chào bác Vịnh. Vườn cà phê nhà em xấu. Và thu hoạch không đạt như nọi vườn. Năm nay em có ý định đào rảnh bỏ phân chuồng. Và nạo vét bồn cà phê. Cho hỏi em phải làm như thế nào. Cám ơn bác

  33. Phương phạm

    Càfê nhà mình bị tổn thương rễ .rõ hơn là bị thối rễ ,lớp rễ màng hầu như rất ít.nên vàng lá nặng thì chết cây.phải làm sao.và sau khi điều trị thì nên bón loại phan gì

  34. Nguyễn Bá Hoành

    Chào bác Vịnh
    Vườn cà phê nhà em năm nào cũng chín lai rai, thu hoạch rất vất vả. Mong bác chỉ một số cách để khắc phục tình trạng này. Em cảm ơn trước

  35. Lê Công Tài

    Dạ chào các kỹ sư trồng trọt !
    Nhà em năm nào đến gần mùa thu hoạch thì trái cafe cũng bị nám và rụng rất nhiều đặc biệt vào mùa mưa, mong sớm có câu trả lời ạk.

  36. Trannga

    Chào bác Vịnh!
    Bác cho cháu hỏi là kĩ năng ép xanh cây cà phê trên 5 năm tuổi như thế nào ạ? cách ủ phân bò tươi như thế nào là đúng cách thưa bác, đất nhà cháu bị mất chất khá nhiều, mong đc bác giải đáp, cháu xin cảm ơn

  37. Hoàng nghĩa

    Chào anh, cho em hỏi là khi mình bón phân cho cây cà phê mà khi mình vét lá cà phê (đã rụng) ra khỏi gốc cà phê rồi mới bón phân là đúng hay sai ạ, nó có gây ảnh hưởng tới Rễ non của cây cà phê không ?
    Cảm ơn anh !

  38. Lý hiếu

    Qua 3 mùa cà mình thấy chẳng cần phải vét bồn nhiều lần làm gì cho mệt. Quan trọng là để cỏ và phát 1 năm thả được 1 lần phân vi sinh. Làm sao cho đất tơi xốp là cà nó mọc thôi.

Tin đã đăng