Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) đang tiến hành một khảo sát trực tuyến nhằm phục vụ NĐT tốt hơn. Trong khi đó, sau một thời gian thăm dò, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá ra thị trường, bước đầu đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực.
VNX: NĐT quan tâm hơn
Chiều 18/10, VNX phối hợp với chuyên viên của các thành viên kinh doanh, trung tâm thanh toán bù trừ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về kênh giao dịch hàng hóa. Ban tổ chức cho biết, buổi giao lưu trực tuyến nằm trong khuôn khổ kế hoạch tuyên truyền và trang bị kiến thức về kênh đầu tư giao dịch hàng hóa tới các NĐT.
Sàn giao dịch hàng hóa VNX đang hết sức nỗ lực quảng bá sản phẩm của mình tới nhà đầu tư
Trước đó, VNX phối hợp với các thành viên môi giới và kinh doanh tổ chức tập huấn cho các NĐT, định kỳ 2 tuần/lần. Tuy nhiên, nhu cầu tìm hiểu của NĐT vẫn khá lớn nên bên cạnh việc tổ chức giao lưu trực tuyến, sắp tới VNX còn tăng tần suất các buổi hội thảo lên 1 tuần/lần. Ngoài ra, VNX lên kế hoạch phối hợp với một số trường đại học trên địa bàn TP. HCM phổ biến kiến thức về giao dịch hàng hóa qua sàn.
Các nhà sản xuất có nhu cầu bảo hộ giá dĩ nhiên là đối tượng được VNX nhắm đến việc tuyên truyền, khi tất cả vẫn đang giữ thói quen giao dịch trên các sàn quốc tế.
Tuyên truyền chỉ là một trong các hoạt động VNX đang nỗ lực thực hiện để kênh đầu tư mới này trở nên gần gũi hơn trên thị trường.
Về mặt công nghệ, VNX cũng vừa cải tiến lại giao diện website mới theo hình thức khoa học và bắt mắt hơn, các chức năng hỗ trợ giao dịch cũng được nâng cấp. Dự kiến, trong vài tuần tới, các thành viên môi giới của VNX sẽ hoàn thiện hệ thống thông báo kết quả giao dịch qua tin nhắn (SMS) cho NĐT.
Các NĐT chứng khoán vốn không xa lạ với tiện ích này, nhưng với giao dịch hàng hóa phức tạp hơn: tài khoản ký quỹ của NĐT giảm 5%, họ sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo; giảm 7%, NĐT nhận được tin nhắn cảnh báo và yêu cầu nâng mức ký quỹ; giảm 10% bị cưỡng chế xử lý tài khoản bắt buộc. Sang tháng 11 tới, dự kiến VNX sẽ cung cấp tiện ích giao dịch trực tuyến trên chính website của Sở.
Nhưng vấn đề mang tính cốt lõi để thu hút NĐT tham gia thị trường là phương thức giao dịch. Về thanh khoản, một số thành viên VNX liên thông một đầu với sàn LIFFE (Anh), giải quyết được phần nào nút thắt về cung cầu.
Tham khảo quy tắc giao dịch của sàn giao dịch London nhưng VNX không mô phỏng cứng nhắc. Khuôn mẫu đã được Việt Nam hóa một phần cho phù hợp với tình hình địa phương. Chẳng hạn, với hợp đồng giao dịch kỳ hạn ba mặt hàng cà phê, cao su, thép, số lô quy ước là 1 – 5 và 10 tấn/lô – phù hợp với nhiều đối tượng tham gia. Thời gian giao dịch từ 7h sáng hôm trước tới 6h sáng hôm sau, giúp nhiều đối tượng có thể giao dịch.
Ông Võ Minh Danh, Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn Đầu tư Đỉnh Phong – thành viên kinh doanh của VNX, cho biết, giao dịch qua sàn gần đây đã được cải thiện. Vài tuần qua, thanh khoản hàng ngày luôn được duy trì ở mức từ 400 – 500 lô/ngày. Trước đây, số NĐT mới mở từ 50 – 60 tài khoản/tuần, nhưng cá biệt gần đây có ngày đạt tới 36 tài khoản mới.
Ông Danh nhận xét, hoạt động tại VNX đang diễn biến thuận lợi hơn dự kiến của các nhà tạo lập thị trường bởi một số lý do: các kênh đầu tư song song khác đều diễn biến bất lợi, công tác tuyên truyền và quảng bá của VNX bước đầu đã cho kết quả.
BCEC: Làm mới từ nhu cầu NĐT
Nhưng với BCEC, tình hình không hoàn toàn khởi sắc với các hợp đồng giao dịch kỳ hạn. Biểu hiện rõ nhất là sự sụt giảm của thanh khoản. Vào tháng 3/2011, khi sàn này mới đưa các hợp đồng cà phê giao sau vào khớp lệnh, thanh khoản thị trường duy trì ở mức 70 – 80 lô/ngày.
Nhưng gần đây, thanh khoản giảm xuống dưới 20 lô/ngày, nhiều mã hàng không có giao dịch. Giá trị giao dịch giảm xuống trên dưới 1 tỷ đồng/phiên. Nguyên nhân của tình trạng này, theo BCEC là do thời gian đầu, các thành viên môi giới tự lập nên thị trường ban đầu để lôi kéo NĐT. Nhưng một thời gian sau đó, các thành viên này vẫn chưa đủ về năng lực tài chính dẫn đến sự “mất nhiệt” từ các đối tượng tham gia giao dịch, do trên sàn không có lệnh đối ứng để khớp.
Một trong các thách thức với BCEC đến từ mô hình và khả năng tài chính eo hẹp, dù đang sàn này đang tọa lạc tại thủ phủ của xứ cà phê.
BCEC đang kỳ vọng phương án chuyển đổi Trung tâm thành CTCP được cơ quan quản lý thông qua. Trong khi chờ đợi, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các NĐT cũng như các thành viên giao dịch, Trung tâm đang nỗ lực làm mới mình và tăng sự hấp dẫn cho sân chơi bằng cách định hướng thay đổi sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu trong nước.
Cụ thể, BCEC đang khảo sát nhu cầu của NĐT về thời gian giao dịch (hiện nay từ 14 – 17h) và biên độ giá (hiện nay là +/-4%). Thậm chí, để tăng tính hấp dẫn cho sân chơi, bên cạnh biên độ giá đề xuất +/-5% và +/-10%, BCEC còn để ngỏ về khả năng bỏ hoàn toàn biên độ. Sự thông thoáng này nếu được áp dụng sẽ gia tăng đáng kể cơ hội và thu hút các NĐT lướt sóng nếu thanh khoản được cải thiện.
Nếu chuyển sang CTCP thì BCEC chính thức tự tuyên bố mình phá sản kể từ khi thông tin này được công chúng biết đến.
Buồn cho BCEC, mới chập chững tập đi mà đã chết yễu.
Bạn Thanh Sơn chưa hiểu gì về BCEC mà dám nói vậy kể cũng lạ. Chuyển đổi mô hình là chủ trương của nhà nước và BCEC ngay từ ngày đầu thành lập đã có những định hướng cụ thể cho những giai đoạn này rồi. Mình nghĩ bạn nên tìm hiểu kỹ rồi hãy phát biểu nhé.
Mình đâu có dám can ngăn chuyện chuyển đổi, đó là chuyện riêng của BCEC, chịu khó đọc kỹ ý mình nhé.
Bạn đem chủ trương nhà nước ra để “hù” mình hả, ngây thơ quá đấy!
Chã trách người dân không tin cũng phải.
Ơ… mình vẫn chưa hiểu ý của bạn Thanh Sơn? Bạn có thể giải thích rõ hơn ý của bạn cho mình hiểu hơn không? Cám ơn bạn.
Chuyển đổi thì chỉ bình mới rượu cũ thôi.
Điều quan trọng bình mới đó sẽ là của ai để bà con đặt niềm tin, thậm chí chỉ mới trao đổi trên diễn đàn mà bà con cũng không muốn nói nữa…
Bạn cứ đọc hết những comments sẽ thấy ngay câu trả lời.