Đăk Lăk: Từ máy chế cà phê ra… lương khô

Trong đợt diễn tập “PT-11” của tỉnh Đăk Lăk, ở nội dung chuyển địa phương vào trạng thái thời chiến, đảm bảo lương khô phục vụ cho chiến đấu, tỉnh Đăk Lăk đã huy động tiềm lực “địa phương” tại chỗ để sản xuất, đảm bảo cho nhiệm vụ quốc phòng.

Các doanh nghiệp, cả Nhà nước và tư nhân khi được huy động đều sẵn sàng phối hợp và tích cực thực hiện có hiệu quả, đầy trách nhiệm với nội dung này.

Nhà máy sản xuất lương khô
Dây chuyền sản xuất lương khô được xây dựng phục vụ trạng thái thời chiến.

Tại Doanh nghiệp chế biến cà phê tư nhân Trường Giang (TP Buôn Ma Thuột), sau khi được huy động, chủ doanh nghiệp đã cùng với Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nghiên cứu, cải tiến, chuyển đổi công năng dây chuyền sản xuất cà phê bột, đồng thời trang bị, bổ sung thêm một số thiết bị, lắp ráp thành dây chuyền sản xuất lương khô, đáp ứng kịp thời công tác hậu cần trong tác chiến phòng thủ.

Dây chuyền sản xuất lương khô được liên kết bằng 6 máy, gồm: máy rang, máy trộn, máy xay, máy ép, máy sấy và máy đóng bao. Máy sử dụng nguồn điện 220V, năng lượng tiêu thụ điện 30KW/h nên khi không có điện lưới có thể dùng máy phát điện; riêng máy rang và máy sấy có thể dùng bằng củi tận dụng tại chỗ khi không có điện. Máy kích thước gọn, nhẹ, dễ cơ động, có thể vận chuyển bằng xe thô sơ hoặc xe vận tải nhẹ. Lực lượng vận hành dây chuyền sản xuất từ 8 đến 10 người. Sản lượng trung bình 3 tấn/1 ngày.

Nguyên liệu (đậu nành, đậu xanh, gạo hoặc ngô) sau khi làm sạch được rang chín đưa vào máy trộn, sau đó qua máy xay mịn rồi tiếp tục qua máy trộn tổng hợp các gia vị (đường, sữa, bột, chất béo thực vật hỗn hợp vitamin, chất khoáng, phụ gia tạo nhũ, màu thực phẩm) sau đó chuyển qua máy ép thành bánh và đưa vào máy sấy ở nhiệt độ từ 800C – 1000C, khi độ ẩm đạt từ 5 đến 7% thì cho bánh ra đóng gói. Bánh có thành phần dinh dưỡng đạt 66,5% với gluxit; 8% với lipit, 12% với protein; năng lượng đạt 3.100 Kcal (Kilo calo)/1 khẩu phần ăn trong ngày của bộ đội và thời gian bảo quản là 12 tháng.

Việc chuyển đổi công năng từ dây chuyền chế biến cà phê bột thành dây chuyền sản xuất lương khô đã mở ra một tiềm năng mới trong công tác đảm bảo hậu cần tại chỗ khi tỉnh Đăk Lăk hiện có hàng trăm dây chuyền sản xuất cà phê bột; và với nguồn nguyên liệu dồi dào, đây sẽ là điều kiện tốt để đảm bảo cung cấp một phần lương thực cho bộ đội và nhân dân địa phương khi có chiến tranh xảy ra.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng