Trồng ca cao xen điều: Nguy cơ bùng phát sâu hại

Nếu không có biện pháp thích hợp, những vườn ca cao trồng xen điều sẽ là nơi cư trú của nhiều loại sâu bệnh gây hại.


Trồng ca cao xen dưới tán điều được xem là một mô hình mới nhằm nâng cao thu nhập cho nhiều nhà vườn vì vừa tận dụng đất đai để phát triển ca cao, vừa giữ được diện tích điều dưới áp lực cạnh tranh của nhiều cây công nghiệp khác. Tuy nhiên, trong lần khảo sát mới đây, Phòng nghiên cứu bảo vệ thực vật – Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hiện những nguy cơ sâu bệnh phát sinh cần cảnh báo từ mô hình này.

Sâu hại tấn công

Ông Nguyễn Văn Vinh, ở ấp Bắc 2, xã Hòa Long (TX. Bà Rịa) có 1ha điều, trồng được 9 năm. Để nâng cao thu nhập, năm 2006, ông Vinh đã trồng cây ca cao xen dưới tán điều. Những năm đầu, ca cao phát triển rất tốt, ngoài sản lượng điều là 2,5 tấn/ha, ông Vinh còn thu thêm 700 – 800 kg ca cao. Tuy nhiên, những năm gần đây cây ca cao luôn có những đốm đen lấm chấm trên lá non và trái, dần dần trái bị thối đen, không còn khả năng thu hoạch; đồng thời cây điều cũng có dấu hiệu khô bông, trái non rụng nhiều, năng suất giảm chỉ còn 1/2 so với trước.

Ông Phan Minh Phụng, ở xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) cũng gặp cảnh tương tự. Ông Phụng cho biết: Vườn điều của ông trồng được 8 năm, vì thấy đất còn trống nên ông đã chủ động tìm giống ca cao trồng xen vào để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, khi ca cao bước sang năm thứ 4, tức là giai đoạn cành nhánh phát triển mạnh, thì vườn cây trở nên rậm rạp, cành nhánh đan xen. Do vậy ca cao luôn bị các loại côn trùng lạ tấn công làm cho trái có những chấm đen, trái còn nhỏ thì rụng, trái lớn thì dần dần bị thối nên thu nhập không đáng kể. Điều cũng xuất hiện hiện tượng khô bông và rụng trái non nhiều. Nếu như những năm trước, với diện tích điều như trên, ông Phụng thu hơn 2 tấn/ha thì nay sản lượng giảm phân nửa. Tính ra gom cả ca cao và điều thì nguồn thu mới bằng những năm trước.

Giải pháp nào?

Theo ông Lã Phạm Lân, Trưởng phòng nghiên cứu bảo vệ thực vật – Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Hiện tượng trái ca cao bị lấm chấm đen là do bọ xít muỗi tấn công. Việc bùng phát bọ xít muỗi trong các vườn ca cao xen điều là do ca cao và điều là hai cây cùng ký chủ của bọ xít muỗi, ca cao lại ra hoa nhiều đợt trong năm, những vườn rậm rạp sẽ là nơi sinh sống và trú ẩn tốt cho bọ xít muỗi. Khi ca cao thu hoạch, nguồn thức ăn này không còn thì bọ xít muỗi tập trung tấn công sang cây điều. Vì lúc này điều ra lá non, ra hoa và trái nên sẽ là nguồn thức ăn lý tưởng để bọ xít muỗi duy trì vòng đời và tiếp tục sinh sôi phát triển.

Cũng theo ông Lân, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào về dịch hại trên các vườn ca cao xen điều. Vì vậy, ngành nông nghiệp nên khuyến cáo nông dân cần thận trọng khi phát triển mô hình này. Trước mắt, những mô hình đã trồng xen ca cao trong vườn điều, cần phải theo dõi kỹ và có quy trình phòng trừ sâu bệnh nghiêm ngặt, nhất là các khâu canh tác như vệ sinh thông thoáng vườn nhằm giảm bớt nơi cư trú của bọ xít muỗi, có thể ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ xít muỗi như dùng kiến vàng thả trên vườn ca cao xen điều nhằm tiêu diệt bọ xít muỗi.

Theo các chuyên gia nghiên cứu cây trồng, kiến vàng là loài ăn thịt và trứng của các loài sâu hại, trên các vườn điều trồng thuần sẽ rất khó giữ kiến vàng vì giai đoạn điều rụng lá, kiến vàng không có nơi làm tổ, vì vậy chúng sẽ bỏ đi. Nếu vườn điều có xen ca cao, đến giai đoạn điều rụng lá thì kiến sẽ chuyển sang cây ca cao để làm tổ. Nhờ vậy, trong vườn luôn duy trì đàn kiến vàng, chúng sẽ tiêu diệt bọ xít muỗi.

Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85