Nông dân Tây Nguyên trồng cà phê không theo quy hoạch

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, do giá cà phê, hồ tiêu tăng cao nên nhiều hộ dân ở các tỉnh Tây Nguyên đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng cà phê, hồ tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch.

trong ca phe khong theo quy hoach
Bất chấp các khuyến cáo nông dân vẫn tự ý phát triển cà phê

Chỉ riêng mùa mưa năm nay, người dân ở các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới thêm hàng chục ngàn hécta cà phê, hồ tiêu, đưa tổng diện tích cà phê toàn vùng tăng lên trên 498.365ha, tăng trên 16.000ha; và diện tích tiêu tăng lên gần 20.000ha, tăng 4.000ha so với năm 2010. Các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng tăng nhanh diện tích cà phê và tỉnh Đắk Nông tăng nhanh diện tích cây hồ tiêu nhất.

Trong khi đó, theo quy hoạch của ngành cà phê Việt Nam, để phát triển cà phê bền vững, đến năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên, diện tích cà phê giảm xuống còn 470.000ha và đến năm 2020 tiếp tục giảm chỉ còn 459.500ha.

Toàn bộ diện tích cà phê này đều ổn định trong vùng sinh thái thuận lợi, với việc đầu tư thâm canh đồng bộ để đạt sản lượng gần 1 triệu tấn cà phê nhân chất lượng cao đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, chiếm 90% sản lượng cà phê của cả nước. Các tỉnh Tây Nguyên cũng được xác định là địa bàn trọng điểm phát triển ngành cà phê của Việt Nam.

Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới, với định hướng phát triển cà phê phải theo tiêu chí của thương hiệu “cà phê Buôn Ma Thuột,” ổn định về năng suất, sản lượng, chất lượng, gắn chặt giữa phát triển kinh tế với xã hội, văn hóa, du lịch và môi trường.

Đến năm 2015, tỉnh Đắk Lắk tuy bị giảm diện tích xuống chỉ còn 170.000ha trong vùng sinh thái thích hợp, nhưng vẫn đạt sản lượng từ 400.000 tấn cà phê nhân một năm trở lên. Tỉnh cũng kiên quyết chuyển đổi, thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có độ dốc trên 15 độ, sản xuất kém hiệu quả.

Song bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, các địa phương ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn để các hộ dân tự ý phát triển cà phê, hồ tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch, nhất là đưa vào trồng ở những vùng đất không thích hợp, không chủ động được nguồn nước. Thậm chí, nhiều vùng, người dân còn phá rừng tự nhiên chuyển đất gò đồi, sỏi đá vào trồng cà phê.

Ngay tại huyện Cư Jút (Đắk Nông); Ma Đ’Rắk, Ea Súp (Đắk Lắk) có tầng đất mỏng, đất sỏi đá, đất pha cát dễ bị ngập úng không thích hợp với cây cà phê nhưng người dân các dân tộc vẫn chạy theo phong trào phát triển cây cà phê ồ ạt.

Trước đây cây cà phê ở Đắk Lắk chỉ tập trung ở các huyện có đất bazan màu mỡ nhưng nay 100% huyện, thành phố đều có cây cà phê. Cũng theo quy hoạch, đến năm 2015, tỉnh ổn định diện tích cây hồ tiêu 4.900ha ở những chân đất thích hợp nhưng đã tăng lên trên 6.000ha.

Cũng do chạy theo phong trào tự phát này, nhiều hộ ở các tỉnh Tây Nguyên đã sử dụng các giống cà phê, hồ tiêu không rõ nguồn gốc, không đạt chuẩn, nhiễm bệnh đưa vào trồng gây dịch bệnh tràn lan cho các vùng cà phê, hồ tiêu. Thực tế, nhiều vùng cà phê, hồ tiêu của các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk bị nhiễm bệnh chết hàng ngàn ha.

Mặt khác, mùa khô năm vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có hàng chục ngàn hécta cà phê trồng ngoài vùng quy hoạch đã bị chết khô, hoặc sống lay lắt ảnh hưởng đến nhiều niên vụ sau, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Liên quan:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trường Sơn

    Tại sao người viết bài này không hiểu bản chất cần cù lao động của người dân biết đất sỏi đá cũng thành cơm. Diện tích đất cà phê tăng là dễ hiểu: thứ nhất là do di cư tự do thứ hai do dân số tăng cần công ăn việc làm. Chính quyền nhà nước thì lo gì hỗ trợ gì cho miếng cơm manh áo hành ngày cho người dân. Đất bằng phẳng màu mỡ thì bị chính quyền địa phương quy hoạch chỉnh trang làm khu đô thị dân cư bán cho những kẻ nhiều tiền, dân lấy đất ở đâu để ở để sản xuất. Đất thấp thì để trồng rừng còn đất trên đỉnh đồi đỉnh núi lại để cho đồng bào dân tộc trồng sắn trồng ngô, cà phê… Âu đây cũng là chính sách?

    Một điều nữa đáng nói là không phát triển thêm diện tích cà phê thì Việt Nam làm gì đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê mà thu ngoại tệ mà giúp dân giàu nước mạnh. Ở Tây Nguyên không có chỗ nào mà không trồng được cà phê cả, chỉ có những người thiếu vốn thiếu kinh nghiệm mới trồng cà phê không hiệu quả cho dù có trồng trên nền đất tốt.

    1. lan

      tại sao lại luôn đổ lỗi cho Nhà nước, tại sao không tự thân vận động, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ thôi, làm sao có thể bao cấp cho người dân mãi được, Thái độ trông chờ, ỷ lại là không được. Còn nữa, chính vì dân làm không theo quy hoạch, mà có thể quy hoạch nhiều khi không cụ thể, rõ ràng, với cái lợi trước mắt thì họ đổ xô vào làm đó cũng là điều dễ hiểu nhưng đáng báo động. Nên có những điều chỉnh và quy hoạch cụ thể, chuyển đổi các giống cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng đất, khi đó không chỉ cà phê,tiêu mới có thể làm giàu mà còn nhiều cây trồng khác thì người dân sẽ thay đổi, cây trồng và sản phẩm nông nghiệp đa dạng hơn, hiệu quả cạnh tranh sẽ cao hơn,

  2. Ngóe

    Năm nay người dân Tây nguyên mở rộng diện tích cây trồng ồ ạt không theo quy hoạch? Vậy thì người dân phải trồng cây gì nuôi con gì? Có ai nói gì đâu?
    Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên ý kiến à? Theo tôi Viện và Cty giống của Viện này là trúng mánh nhất. Nói thì cứ nói những vẫn ươm giống bán ra ồ ạt kiếm được tiền tỷ, không ai ngon như Viện này!
    Người dân Dak Lak đi ngang qua đoạn đường này ai mà chẳng thấy.

  3. con nhà nông

    Bài báo này viết hay thật. Rất giống mấy ông cán bộ ở xã mình. Nào là đất trồng cây gì là phải phân vùng xem thổ nhưỡng từa lưa. Nhưng rồi những miếng đất mầu mở, địa lý tốt mấy ổng lấy cho gia đình hết rồi chia cho bà con đất xấu không có nguồn nước tưới. Vậy thì bà con biết trồng thứ gì đây. Mấy ổng còn phổ biến nên trồng cây gì cho tốt. Thế là hợp hành bàn bạc rồi quyết định không cho trồng cây cà phê họ nói bởi vì sản lượng cà phê nhiều nên sợ trồng nhiều sẽ bị rớt giá! Đúng là mấy ông cán bộ dự đoán thị trường như thần luôn. Thế là phổ biến cho trồng cây ” KEO” (loại cây dùng để làm giấy).

    Vậy là đồng bào dân tộc trông xã đỗ nhau đi trồng ” Keo”. Thế là trồng ” keo” 6, 7 năm sau bán được mỗi ha khoàn 7tr đồng rẻ bèo. Hồi thời đó cũng có một số hộ không làm theo mà trồng cà phê với hồ tiêu, thế là bị ép dữ lắm nhưng họ vẫn kiên trì với quyết định trồng cà phê và hồ tiêu của mình. Không có tiền thì bỏ sức lấy cỏ ép xanh làm phân qua ngày rồi chen trồng thêm một số loại rau củ vào mùa mưa để bán lấy tiền mua phân bón cho cây cà phê với hồ tiêu. Rồi 6, 7 năm sau họ vươn lên trở thành những người giàu nhất trong xã, sắm ôtô, cất nhà biệt thự.

    Vậy cho hỏi là cán bộ trong xã khuyên các người nông dân trồng cây ” keo” với người nông dân cố tình đi sai chính sách trồng cây cà phê với hồ tiêu ai đúng ai sai? Chỉ tội cho những người nông dân cần cù lam lũ, hiểu biết ít rồi cuối cùng phải gánh hậu quả thôi. Giá cà phê, hồ tiêu thấp là không phải do người nông dân đỗ xô đi trồng theo phong trào mà nguyên nhân là do chính sách của nhà nước thôi. Hiện tại thị trường cà phê vẫn đề sản lượng không còn là yếu tố chính tác động lên giá nữa mà là vấn đề dòng tiền tác động lên giá.

    Đề nghị lần sau có viết bài thì đừng có đem nông dân ra nói này nói kia nha!

  4. Lê Thị Thúy Nga

    Mấy ông quy hoạch nói rất hay nhưng có bao giờ làm đâu? Đợi ở đâu có ai làm hay thì tới nhân điển hình, quá dễ. Chắc mấy ổng quên câu “có thực mới vực được đạo” rồi.

  5. VTV

    Các bác nông dân ơi, em cũng là nông dân đây.

    Họ nói chúng ta trồng cây gì, nuôi con gì không theo quy hoạch. Trong khi nhà chúng ta phải mày mò lo tìm cái ăn, thấy nhà hàng xóm trồng cây đó, nuôi con đó có hiệu quả tạo ra thu nhập, nếu mình làm theo có thể cũng sẽ được như họ, vậy theo các bác mình có nên làm không ạ.

    Còn em thì nhất định phải làm, em chẳng cần biết ai quy hoạch cái gì, nếu làm theo quy hoạch mà vợ con em chịu đói, chẳng biết bao giờ cái quy hoạch của họ mới phát huy hiệu quả thì em nhất định không làm.

  6. Nông Văn Dân

    Ông nhà báo nói lạ “Trước đây cây cà phê ở Đắk Lắk chỉ tập trung ở các huyện có đất bazan màu mỡ nhưng nay 100% huyện, thành phố đều có cây cà phê.” Vậy thì sao ở Thanh hóa, Sơn la… cũng trồng cà phê. Tôi ở Đắk Lắk 33 năm nay chưa thấy một ông nào hay một tổ chức nào quy hoạch cho người dân trồng cây gì, nuôi con gì, mà chỉ thấy người ta trồng cây gì đem lại hiệu quả lao động cao là làm theo. Họ làm mà mình không làm, chờ quy hoạch mình cũng đói rã xương. Các bác thì sao chứ Văn Dân tôi thấy điệp khúc “không theo quy hoạch” được dùng rất nhiều ở các ngành nông nghiệp rồi, nhàm quá nhà báo ơi .

  7. Tieucay@

    Ý kiến các bác nói trên sao mà đúng cái bụng bà con thế. Thị trường, giá cả toàn cầu, trong nước, nó cầm tay dẫn dắt bà con nuôi con gì trồng cây gì có lợi nhất.
    Việt Nam ta có đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển cây cà phê Rubusta, cây hồ tiêu và thực tế đã và sẽ phát triển mạnh hơn nữa để bá chủ thế giới như cây cọ dàu của Mlaysia mà vẫn có giá tốt.

  8. Bốn Cà

    Ở Tây Nguyên mà không trồng cà phê, cây hồ tiêu thì trồng cây gì để có bán cao hiện nay như 2 lọai cây này. Ở địa phương tôi nghe các bác cán bộ tuyên truyền rằng bà con ta nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm theo nghị quyết của địa phương, nhưng tôi đây là dân Tây Nguyên chẵn biết ngòai cây cà phê và cây tiêu ra thì chẵn có cây gì hiệu quả hơn.

  9. Ba Duy

    Những ông Chủ trang trại, những người dân thành Tỷ phú, những ông nông dân ít có trình độ trở thành Nhà Phát Minh ra máy móc phục vụ nông nghiệp, những anh hai lúa trở thành Giám đốc, v.v… cũng xuất phát từ việc mưu sinh tự phát đấy chứ (trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm v.v…) mà thành công đấy chứ nhà nước nào quy hoạch, nhà khoa học nào hướng dẫn, chính sách nào hỗ trợ… người dân không mầy mò tự tìm kế sinh nhai mà ngồi chờ cái gọi là quy hoạch thì chỉ có tự kết liễu mình chứ ai cứu. Làm quan chức thì đã có dân nuôi chứ dân thì… ai lo ? Ở Thái Lan chúng ta còn nhớ năm 2008 khi khủng hoảng xảy ra nhà nước hỗ trợ nhân dân bằng cách phát phiếu mua hàng miễn phí cho dân. Khi vào siêu thị mua hàng cứ trình Phiếu ra khỏi trả tiền. Ưu việt chưa ? còn ở ta… không thể có dù chỉ là giấc mơ.

  10. vũ anh

    Nông dân cần tiền để nuôi sống mình, cho con ăn học và nhiều nhu cầu khác… Nông dân không ruộng rẫy thì làm gì, dân TÂY NGUYÊN KHÔNG CÀ PHÊ, KHÔNG HỒ TIÊU thì còn biết làm gì đây nhà báo? Tôi sống ở tây nguyên cả cuộc đời , nay 60 tuổi , chưa từng nghe, thấy cái QUY HỌACH nào. Thử hỏi nông dân chờ quy hoạch hay chờ… lên thiên đường vì chết đói !
    Tôi cũng có chút thông cảm với tác giả vì cho rằng “các địa phương để các hộ dân tự ý phát triển cà phê, hồ tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch…”. Vậy thì TW nên làm gì với lãnh đạo các địa phương? Tôi không thể tự trả lời. Xin cảm ơn Y5!

  11. Hoàng quốc Thinh

    Mình cũng đọc bài viết và những lời bình luận với nhiều ý kiến khác nhau. Mình thấy diện tích caffe và hồ tiêu gia tăng thiếu tinh quy hoạch là phổ biến. Nhưng nguyên nhân thì cũng có nhiều bạn nói mình thấy rất đúng như do dân số tăng quỹ đất hết. Do quy hoạch công nghiệp và khu dân cư không hợp lý của những người hoạch định chính sách. Những cán bộ gần dân thì trình độ thấp hoặc không có chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp. Thử hỏi trong một xã gần như 100% làm nông nghiệp mà không có lấy một kỹ sư nông nghiệp, mà trong khi đó những người có học trong lĩnh vực nông nghiệp lại không có cơ hội được làm việc. Một phần là do nên kinh tế nhỏ lẻ nên thiếu tính quy hoạch.
    Mình đưa ra một giả thiết. Nếu 1 tập thể có 1000ha thì diện tích thấp thì có thể trồng caffe, đất có độ dốc vừa phải thoát nước tốt thì trồng hồ tiêu, đất cao thì trồng cao su hoặc cây ăn trái thấy rất hiệu quả chưa nói là sau khi khai thác thì chế biến sẽ rất hiệu quả khi quy hoạch hợp lý nguồn nguyên liệu. Nhưng do nước mình hiện giờ là nền kinh tế cá thể nhỏ lẻ tự phát có diện tích đáng ra là trồng caffe rất tốt nhưng do gia đình đó không có nhân lực có khi lại đi trồng cao su hay cây ăn trái. Có nhiều diện tích xa nước đáng ra có thể trồng cây ăn trái hay cao su lại trồng caffe do diện tích ít. Nói chung là nhiêu khê khó giải quyết. Điều cốt lõi là nhà nước là người hoạch định chính sách hướng tiêu thụ sản phẩm tốt và người dân chúng ta hãy liên kết lại với nhau thành một tập thể mạnh và có những kiến thức về nông nghiệp thì mới có thể phát triển một cách bền vững được.

  12. Hoàng quốc Thinh

    Trước khi quy hoạch vùng nguyên liệu chúng ta phải có những cuộc điều tra lớn về thổ nhưỡng cho tất cả loại cây trồng, vd: trồng thử nghiệm trồng khoảng 1ha trong nhiều năm rồi hạch toán tất cả chi phí nếu cây trồng nào cho giá trị kinh tế cao nhất thi ta cho trồng đại trà và xây dựng nhà máy chế biến. Tôi không phải nói bi quan nhưng sự quy hoạch nguyên liệu của nước mình tôi thấy thất bại nhiều hơn là thành công. Trồng caffe ở Daklak bất kể ở huyện nào cũng hơn trồng ở Nghệ An và Lào Cai. Cây caffe là loại cây trồng không sống được ở những vùng quá nóng và quá lạnh, thế mà những nhà chuyên gia quy hoạch Việt Nạm đưa caffe lên trông ở Nghệ An nơi có khí hâu nóng nhất nước. Và ở Lào Cai nơi có khí hậu lạnh nhất nước. Chắc những người quy hoạch nguyên liệu Việt Nam đang dùng sức của người dân một cách lãng phí để nghiên cứu rồi muốn dành giải thưởng “Nobel” cho riêng mình.

  13. LâmHà

    Diện tich cà phê ở Tây nguyên tăng là điều dễ hiểu: nơi có rất nhiều đồng bào dân tôc sinh sống, tập quán lạc hậu phát rừng làm nương rẫy, đặc tính của họ là phát đốt rừng già trên đỉnh đồi đỉnh núi rồi trồng ngô bắp. Khi giá cà phê tăng diện tích ngô bắp đó biến thành rẫy cà phê. Rồi khi đất có giá thì họ lại bán rồi lại phát đốt cứ thế diện tích ngày một tăng. Ở Lâm hà chính quyền rất ngại sự va chạm vướng mắc với dân tộc nên có biết họ cũng làm ngơ qua loa đại khái với phương châm; NẮM KẺ CÓ TÓC CHỨ AI NẮM KẺ TRỌC ĐẦU. Rừng phá đi rồi lại có kế hoạch trồng rừng thế là lâm trường tha hồ có việc. Họ có lợi chứ dân có lợi gì. Thế là diện tích đất ở vùng thấp, vùng đất dễ lấy ra thì họ để trồng rừng còn chỗ đồng bào đã làm trên cao thì họ không dám đụng tới. Đến khi kiểm lâm làm gắt thì chỉ khổ mấy hộ người kinh, gọi lên gọi xuống nhổ cà phá rẫy. Còn dân tộc họ không dám đụng tới, đây mới gọi là chính sách dân tộc. Diện tích cà phê nói là tăng chứ theo thực tế là đang giảm vì mức độ đô thị hóa, xây dựng nhà cửa tăng, tái trồng rừng nhiều thì nay mai dân lấy gì mà canh tác mà ăn mà sống?

  14. tuan_vietnamnet

    Sắp có dự án quốc gia về trồng mới 5 triệu ha rừng. Ở Lâm Đồng rừng đã chiếm 64% diện tích, nay lại sắp có dự án trồng rừng mới thì lấy đất đâu mà trồng. Có lẽ lại có chiến dịch quy hoạch đất rừng rầm rộ, dân có đất trồng cà phê nằm trong vành đai cho là đất lâm nghiệp lại được phen lo ngay ngáy. Mới mấy năm trước đã xôn xao dư luận các vụ chặt hồng đèo Pren. Mới đây lại nhổ cà phê ở Tà Nung, Lâm Hà. Không biết nay mai dân phải chịu những biện pháp gì của chình quyền? có lẽ cái từ quy hoạch là nỗi khiếp đảm của bao hộ dân.

  15. mêlinh

    Khi trồng rừng theo quy định là phải cách đất nông nghiệp là 50m, nhưng khi trồng tổ chức cá nhân lâm trường lại trồng sát đất nông nghiệp là sao? thấy đâu dễ là trồng thấy đâu khó là bỏ. Rừng thì ở dưới cà phê lại ớ trên nhìn trên bản đồ loang loang lổ lổ. Xã hội thì phải công bằng chứ đừng để mẹ để lon thì mát con để lon thì phát cho đau.

  16. Lan

    rừng mất đi, tàn phá nghiêm trọng, thiên tai hoành hành. Việc trồng và tu bổ rừng là việc làm cấp thiết hiện nay, dù có tốn đất. Số đất còn lại trong nông nghiệp cần phải thâm canh, tăng năng suất, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, chứ không thể cứ manh mún và đòi hỏi mãi được…

Tin đã đăng