Cà phê Việt thua trên sân nhà? – Kỳ 2: Cuộc “xâm lăng” của doanh nghiệp ngoại

Sau hơn 10 năm xuất hiện, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã thống lĩnh thị trường cà phê xuất khẩu tại VN. Họ đang tận dụng triệt để những kẽ hở của pháp luật VN nhằm thâu tóm vùng nguyên liệu cà phê.

> Kỳ 1: Những “căn bệnh” trầm kha của cà phê Việt Nam

Sự phát triển kinh ngạc

Đăk Lăk – thủ phủ cà phê VN – lần đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của một DN FDI vào năm 1996, với giấy phép hoạt động do Bộ KHĐT cấp. Đó là Công ty Chế biến cà phê Man – Buôn Ma Thuột (Dakman), liên doanh giữa Công ty ED&FMAN VIETNAM HOLDING B.V Vương quốc Anh với một DN nhà nước của VN là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê 2.9 Đăk Lăk, tỷ lệ góp vốn 66,4 – 33,6%.

Hạt cà phê của nông dân Việt Nam đang bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài lũng đoạn.
Hạt cà phê của nông dân Việt Nam đang bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài lũng đoạn.

Có thể Dakman sẽ nhanh chóng trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, vì năm 2008 và 2009 đã liên tiếp báo lỗ, sau đó chuyển lỗ sang năm 2010.

Dễ thấy rằng đây là cách thức mà các DN VN bị thôn tính sau một thời gian liên doanh với nước ngoài, không chỉ mất vốn mà mất luôn những lợi thế về xuất xứ, nguyên liệu, quan hệ khách hàng… vốn cũng là tài sản của mình.

Cùng với Dakman, tỉnh Đăk Lăk đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 DN FDI khác thành lập tại tỉnh là Công ty TNHH Cà phê Hà Lan Việt Nam (Nedcoffee) và Công ty TNHH Cà phê Ngon của Ấn Độ. Ngoài ra, 5 chi nhánh DN FDI khác cũng đã được cấp phép thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê, chưa kể 2 văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.

Thống kê trong niên vụ 2010 – 2011, các DN có vốn đầu tư nước ngoài này đã thu mua khoảng 200.000 tấn cà phê, chiếm 50% tổng sản lượng cà phê của tỉnh Đăk Lăk. Trong đó nhiều DN tăng tốc thu mua rất nhanh như Công ty TNHH Cà phê Vĩnh An: Năm 2009 chỉ mua 4.029 tấn thì năm 2010 là 14.018 tấn: Chi nhánh Công ty TNHH Armajaro là 7.096 tấn và 19.698 tấn, Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Đăk Lăk là 23.936 tấn và 58.177 tấn…

Trên phạm vi toàn quốc, Câu lạc bộ 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu VN cũng cho biết, một nửa sản lượng cà phê của VN đã rơi vào tay DN nước ngoài. Điều này cho thấy tốc độ phát triển, khả năng thôn tính vùng nguyên liệu của các DN FDI trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê là hết sức “thần kỳ”.

Chỉ xuất khẩu cà phê thô

Nghị định 23/2007 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại quy định: DN có vốn đầu tư nước ngoài không được tổ chức mạng lưới mua hàng trực tiếp đến người sản xuất mà chỉ được mua hàng của thương nhân có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền phân phối hàng hóa xuất khẩu… Tuy nhiên, ngoài việc lén lút tổ chức thu mua cà phê của nông dân, nhiều DN nước ngoài còn công khai lách luật bằng nhiều chiêu thức.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KHĐT Đăk Lăk cho hay: “Đến TP.Pleiku, các anh sẽ thấy ngay trong khuôn viên một DN FDI có trụ sở của một công ty VN. Đây là công ty chân gỗ, được thành lập để bán cà phê cho DN nước ngoài nhằm đối phó với Nghị định 23, thực tế là chính DN FDI kia đã tổ chức thu mua của nông dân”.

Nếu mua của hộ nông dân có đăng ký kinh doanh, hay thông qua một hợp tác xã nào đó thì việc lách Nghị định 23 của DN nước ngoài còn đơn giản hơn. Nhưng vấn đề là tại sao cơ quan chức năng không mạnh tay xử lý việc DN nước ngoài vi phạm Nghị định 23? Ông Thắng giải thích: “Nghị định 23 và Luật Thương mại cấm DN FDI trực tiếp thu mua hàng hóa của người sản xuất, nhưng Luật Đầu tư thì không cấm, do vậy cơ quan thẩm quyền ngại xử lý”.

Về chất lượng cà phê xuất khẩu, Nghị định 23 khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, hầu hết các DN FDI ở Đăk Lăk đều chỉ sơ chế, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cũng không hơn gì cách làm của DN trong nước. Họ chủ yếu thu mua, phân loại, đánh bóng cà phê nhân rồi… xuất khẩu. Như vậy, các quy định của pháp luật VN liên quan đến hoạt động của DN FDI vẫn còn chồng chéo, nhiều kẽ hở nên các mục tiêu quản lý thuế, nâng cao chất lượng cà phê, bảo vệ DN trong nước đều chưa đạt được.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phước Trung

    “Như vậy, các quy định của pháp luật VN liên quan đến hoạt động của DN FDI vẫn còn chồng chéo, nhiều kẽ hở nên các mục tiêu quản lý thuế, nâng cao chất lượng cà phê, bảo vệ DN trong nước đều chưa đạt được”. Chính chúng ta đã “chỉ” cho họ đấy chứ, trình độ quản lý yếu kém, luật pháp lỏng lẻo chồng chéo… Hãy xem lại chính bản thân mình trước đã rồi trách họ sau.
    Hy vọng sẽ tìm ra giải pháp nâng tầm cũng như thương hiệu cà phê Việt.

  2. nongdancafe

    Khi DN FDI vào thu mua tạo nên tính cạnh tranh, DNTN không còn 1 chủ 1 chợ nữa, như vậy nông dân bán được giá cao hơn. Nhà báo gọi đó là “cuộc xâm lăng của DN ngoại”, còn nông dân không biết gọi là gì?
    Thôi nông dân ta gọi là “cuộc khai hóa cho DNTN” không biết có quá đáng không nữa ?

  3. Nông Cà

    “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần!” (…..)
    Cứ để thị trường tự do dạy khôn cho, từ người hoạch định chính sách cho đến người kinh doanh.
    Hoạch định chính sách không biết đường, thì lo từ chức hoặc bị cách chức!
    Người kinh doanh không biết đường làm ăn thì chịu lỗ và phá sản thôi!
    Phải biết tự thân vận động để vươn lên, đừng trông chờ ỷ lại!
    “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả!
    Anh hùng hào kiệt có hơn ai!” (…..)

  4. tieuphong

    Không chỉ có cafe bị thôn tính, trước đó nước giải khát (cocacola) cũng bị thôn tính như vậy.
    Chúng ta không biết xem đó là bài học, có cần thiết phải nhắc lại không (thương trường là chiến trường)
    Ở đâu cũng thế không chỉ riêng Việt Nam. Vấn đề là luật chưa chặt chẽ, năng lực, tài chính v.v… còn yếu kém.

Tin đã đăng