Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Hàng năm, nước ta xuất khẩu chừng 1 triệu tấn. Tuyệt đại bộ phận sản phẩm xuất khẩu chỉ dưới hình thức cà phê nhân sống (green coffee).
Song, khẩu vị cà phê mỗi nơi một khác. Dân Mỹ, Thụy điển, Phần Lan…chuộng uống cà phê có vị chua, trong khi Tây Ban Nha, Ý lại thích đắng. Nếu cà phê bán tại các vùng thích vị chua, các hãng rang xay thường sử dụng cà phê chè (arabica) nhiều hơn trong các mẻ chế biến.
Nếu cà phê tiêu thụ tại các nơi có khẩu vị đắng, họ trộn nhiều cà phê vối hơn. Cà phê vối thường được các hãng rang xay sử dụng để pha trộn (blending) còn cà phê chè đóng vai trò quyết định mùi thơm trong tách cà phê.
Thông thường, giá cách biệt giữa cà phê Robusta và Arabica chỉ cách nhau chừng hai phần ba. Giả sử như giá cà phê Arabica giá 3.000 đô la/tấn trên thị trường kỳ hạn ICE New York thì giá cà phê Rbusta phải chừng 2.000 đô la/tấn trên thị trường kỳ hạn Liffe London. Tuy nhiên, hiện nay, giá cách biệt giữa hai loại này rất xa nhau. Ví dụ: giá đóng cửa ngày 26/04/2011, ICE New York đạt mức 6.535 đô la/tấn trong khi Liffe London chỉ đạt 2510; giá đóng cửa ngày 20/05/2011 là 5.755 đô la/tấn trên Ice New York và 2.543 đô la/tấn trên Liffe London.
Như thế, chênh lệch giữa hai thị trường này có khi là cà phê vối trên Liffe chỉ bằng một phần ba hay một nửa so với Ice cho cà phê Arabica.
Đứng trước tình hình giá cao ngất của cà phê Arabica, các nhà rang xay đã tìm cách giảm sử dụng lượng cà phê Arabica trong các mẻ chế biến của mình, nhưng phải bảo đảm không đổi trong chất lượng, mùi vị của cà phê họ đã bán ra trước đây để không làm bất ổn thị trường của chính họ. Và…không có gì tốt hơn cho họ là sử dụng cà phê vối chế biến qua hấp (steamed robusta).
Trên thị trường xuất khẩu, đã bắt đầu chộn rộn các đơn đặt hàng loại sản phẩm xuất khẩu này. Cà phê Robusta hấp, như tên của sản phẩm đã nói, được rửa sạch, và đưa vào lò hấp. Qua công nghệ chế biến ấy, cà phê vối hấp thành phẩm sẽ giảm mùi hăng, bớt mùi đắng, loại được các yếu tố bẩn và độc hại (như nấm mốc gây ung thư…).
Đặc biệt, các lô hàng yếu về phẩm chất như tỉ lệ hột đen vỡ cao, tạp chất cao được tận dụng để nâng cao giá trị xuất khẩu mà không ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra khi qua công nghệ hấp.
Các hãng rang xay hiện nay rất hài lòng với sản phẩm này và họ sẵn sàng mua trên giá robusta hột sống bình thường từ 500 – 700 đô la/tấn. Thí dụ: nếu như giá FOB cho loại robusta II, 5% đen vỡ hiện nay là 2.400 đô la thì loại cà phê vối hấp này có thể đạt 3.000 đô la/tấn.
Tại thời điểm này, các nhà sản xuất cà phê hòa tan và rang xay của ta đang chật vật để tranh giành thị trường với các nhà rang xay cây đa cây đề thế giới như Nestle, Kraft Foods, Tchibo…và lượng xuất khẩu cà phê thành phẩm cuối cùng đến người uống vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, cà phê vối hấp đang được các hãng rang xay trên thế giới ưa chuộng. Nước ta hoàn toàn có khả năng cung cấp loại này cho thị trường để đa dạng hóa sản phẩm và tạo thêm giá trị gia tăng.
Nên chăng, ngành cà phê Việt Nam nên bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất sản phẩm này trước khi quá muộn so với các nước xuất khẩu cạnh tranh khác.