Những sáng kiến phòng bệnh chết nhanh trên tiêu

Bệnh chết nhanh đang làm cho hàng loạt vườn tiêu Đông Nam bộ bị chết. Các vườn tiêu ở Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật do các nhà khoa học khuyến cáo, cũng như những sáng kiến riêng của nông dân trong việc phòng bệnh, người trồng tiêu Châu Đức đang dần đẩy lùi được căn bệnh này.

Trồng xen với cà phê

Trước đây, phần lớn diện tích tiêu ở Châu Đức được trồng theo kiểu chuyên canh. Nhưng trước rủi ro về giá cả, về dịch bệnh, người trồng tiêu bắt đầu tính tới việc trồng xen canh tiêu với cà phê. Theo đó, thay vì trồng 1.700-2.000 nọc tiêu/ha như trước đây, người ta đã giảm mật độ tiêu xuống còn 900-950 cây, và trồng thêm vô đó 900-950 cây cà phê. Cứ mỗi cây tiêu kèm một cây cà phê. Gốc tiêu luôn được vun cao, còn đất ở gốc cà phê thì hõm xuống một chút.

Cây cà phê có đặc tính hút nước tốt, trong khi cây tiêu lại kỵ úng. Vì thế, với cách làm gốc như trên, khi tưới vào gốc tiêu, nước sẽ nhanh chóng chảy xuống chỗ gốc cây cà phê. Nhờ đó, gốc cây tiêu sẽ không bị úng nước, góp phần làm giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Mặt khác, việc giảm mật độ cây tiêu trong vườn do trồng xen với cà phê cũng góp phần làm giảm đi khả năng lây lan dịch bệnh từ cây tiêu này sang cây tiêu khác.

Ông Nguyễn Ngà, nông dân ở thôn Tân Bình (xã Bàu Chinh) cho biết, niên vụ vừa rồi, trên 2,3 ha đất vườn trồng xen tiêu và cà phê, ông thu được 3 tấn tiêu và 2,8 tấn cà phê (vườn của ông Ngà đang bắt đầu hồi phục sau đợt tiêu chết mấy năm trước, nên sản lượng tiêu mới có như vậy). Với giá tiêu 110 ngàn đ/kg, giá cà phê trên 50 ngàn đ/kg, tổng doanh thu của ông Ngà là 450 triệu đồng. Trừ chi phí, còn lời gần 300 triệu đồng. Như vậy, mỗi ha thu lời trên 100 triệu đồng.

Anh Lê Văn Tứ, cán bộ nông nghiệp xã Bàu Chinh cho biết, hiện đã có tới 80% vườn tiêu ở xã này được xen canh cây cà phê.

Mẹo lạ của một lão nông

Ở thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh, vườn tiêu của ông Lê Dũng chưa bao giờ dính phải dịch bệnh chết nhanh, dù các vườn khác trong thôn đều đã từng bị căn bệnh này “quét” qua. Có được điều này, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ những khuyến cáo của các nhà khoa học, ông Lê Dũng còn chịu khó tìm tòi, phát hiện, suy nghĩ và mạnh dạn áp dụng những cách phòng chống bệnh chết nhanh độc đáo ngay trên khu vườn của mình.

Qua sách vở, ông Dũng biết được rằng loại nấm Phytophthora gây bệnh chết nhanh trên tiêu là dạng nấm thủy sinh, dễ phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao. Bởi thế, điều quan trọng nhất đối với ông là không để cho vườn của mình bị ẩm ướt kéo dài, dù là sau khi tưới hay sau mỗi trận mưa.

Một lần, khi đào một cái rãnh thoát nước giữa 2 gốc tiêu (2 gốc tiêu cách nhau 2,5 m), ông Dũng phát hiện thấy khá nhiều rễ vươn ra từ 2 gốc tiêu đó. Cho rằng rễ tiêu vươn đến tận đây thì có thể tưới nước, bón phân ngay tại đó, cây tiêu vẫn có thể hút được, ông Dũng thực hiện ngay điều này. Cách làm đó đã giúp cho các cây tiêu giảm được nguy cơ bị úng gốc. Bên cạnh đó, ở mỗi gốc tiêu, ông tạo một cái bồn nhỏ để tiêu nước cục bộ sau mỗi cơn mưa. Nhờ đó, sau mỗi trận mưa, trong khi nhiều vườn tiêu trong thôn cứ xâm xấp nước, thì vườn tiêu nhà ông Dũng đã nhanh chóng trở nên khô ráo.

Việc tưới nước trong vườn tiêu cũng được ông Dũng nghiên cứu rất kỹ càng. Mỗi lần tưới ông đều để tâm quan sát và nhận thấy đất đỏ bazan có khả năng giữ nước tốt hơn là tiêu thoát nước, bởi trong đất có sét. Nếu dùng vòi tưới thẳng xuống đất, sẽ làm đất bị xói, cấu tượng lớp đất mặt bị phá vỡ, tạo điều kiện cho các hạt sét bít kín các khe hở, hình thành lớp váng trên bề mặt, khiến cho khả năng tiêu nước bị chậm hẳn lại. Từ đó, ông Dũng luôn gom nhặt lá và cành cây trong vườn bỏ lên từng bồn tưới, rồi cho nước tưới chảy qua cành lá xuống đất, nên đất không bị xói, không tạo thành lớp váng trên bề mặt, nước tưới vào bồn được thoát đi rất nhanh.

Từ 3 năm nay, ông Dũng đã giới thiệu những cách chống ẩm đó cho nhiều hộ trong vùng làm theo hiệu quả.

Theo: Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tiêu sọ

    Trồng xen vậy thì năng suất sẽ không cao, vì 2 loại cây tiêu và cà phê có chế độ chăm sóc dinh dưỡng khác nhau.

  2. Nông Văn Dân

    Tôi trước cũng trồng tiêu xen cà phê, nhưng chăm sóc khó lắm chẳng hạn như khi mới hái cà phê xong lúc này cây tiêu đang cần nước để hạt phát triển, thì cây cà phê lúc này cần để cho khát nước để khi tưới vào hoa nở đều, hoặc sang tháng 2 tháng 3 cây cà phê cần phải nhiều nước thì cây tiêu lại không cần … Do đó trồng xen cà phê và tiêu năng suất không cao và chăm sóc khó khăn.
    Một vài ý kiến cùng các bạn, chúc bà con có định hướng hợp lý cho vườn tiêu nhà mình .

    1. quocoai

      Đó là kinh nghiệm thực tế của những người đã trải qua trồng cây như bạn ! tui đây vườn trồng 70 cây sầu riêng xen cà mà còn dở sống dở chết vì cách bón phân cho 2 loại ! Còn bơ hả ? chặt hết ko dám để vì cây càng lớn thì… mát tối trời luôn ! Mấy người chưa biết hậu quả của việc trồng xen tùm lum nên khoái lắm … trồng… nhiều vào đi … sau nầy sẽ biết…

      1. cuba

        Người Huế có câu:
        Ăn cây côi thì thôi cây đưới. ( tiếng Huế : CÔI = TRÊN ; ĐƯỚI = DƯỚI )

  3. Nông Văn Dân

    Đề nghị BQT kiểm tra xem thời gian hệ thống của website sai lệch ngày và giờ . Vì hôm qua khi Văn Dân vào trang Web xem thì đã thấy hiện ngày 27/5 làm Văn Dân tưởng mình quên mất lịch công tác của cơ quan, nhưng xem lại thấy lịch ngày 26/5.

  4. hoang loang

    Bác văn dân ơi đó là do máy chủ hết pin cmos thôi nên hiển thị sai lệch ngày tháng chút xíu mà mong bà con thông cảm. Cách trồng xen tôi thấy ở lâm đồng khá phù hợp chỉ có điều là tưới cây hơi mệt chút thôi.

  5. tham

    Mình cảm thấy bài viết trên là có cơ sở. Vì cây tiêu rất mẫn cảm với nấm bệnh, khi trồng xen với cafe thì rễ cafe có thể giảm thiểu sự phát triển của nấm, mặt khác bồn tiêu lúc nào cũng được thông thoáng. Còn vấn dề tưới nước thì rất đơn giản, cũng như mọi sinh vật sống chúng ta có thể luyện được. 1 năm đầu ta không làm gì được, ta sẽ cho tiêu được tưới nước cùng với cafe, nó sẽ không chết đâu. Có thể sẽ bị thu hoạch muộm hơn một chút, nhưng ko sao, bù lại ta có vườn cây rất bền tuy năng suất hơi thấp hơn trồng đại trà. Chúc các bác thành công với mô hình mới này.

  6. NGUYỄN VÕ TUYẾT NGA

    Kính thưa các bác, bài viết trên cũng hay, tuy là hơi khó làm và năng suất không cao nhưng đổi lại là sự bền vững về sản lượng qua các năm hơn trồng chuyên canh.
    Nhân dịp này có bác nào am hiểu về cây tiêu cho xin một vài ý kiến về chăm sóc và phát triển cây tiêu. Vườn tiêu nhà tôi sao lá của nó nhỏ và không được bóng hơi sần sùi, có ai biết được chỉ giúp mình với.
    Xin cám ơn!

    1. đặng thanh vũ

      Chào chị Tuyết Nga! theo thông tin chị thì tiêu nhà chị thiếu kẽm nên mới có biểu hiện như vậy. Chị có thể mua kẽm về bổ sung cho cây chúc chị thành công.

  7. nongdan

    Các bác có ai biết vì sao tiêu nhà tôi rất xanh tốt nhưng không chịu ra hoa? Năm ngoái thì trái khá nhiều, 5kg khô/trụ, giúp tôi với!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

91