Từ bài học rút ra ở niên vụ cà phê 2010-2011 để doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã thống nhất cần phải đổi mới phương thức kinh doanh và hợp tác chặt chẽ với nhau mới mong thắng trên sân nhà.
> Bài toán khó của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê
Đây cũng là nội dung được 20 doanh nghiệp cà phê hàng đầu của Việt Nam (G20) rút ra trong cuộc họp gần đây tại TP.HCM nhằm đối phó với tình hình khó khăn của ngành cà phê niên vụ 2011-2012.
Con số thống kê của Công ty Cafecotrol cho thấy, niên vụ cà phê 2010-2011 Việt Nam xuất khẩu được 1.250.000 tấn cà phê, trong đó, tổng lượng xuất khẩu của 20 doanh nghiệp cà phê lớn nhất của Việt Nam là 700.000 tấn, chiếm 56% tổng lượng cà phê xuất khẩu cả nước, trong khi, những năm trước tỷ lệ này vào khoảng 80%.
Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết, sở dĩ có tình trạng này là do doanh nghiệp cà phê nước ngoài đã tìm cách mua trực tiếp từ người trồng cà phê nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được. Hiện các doanh nghiệp cà phê nước ngoài chiếm 50% hệ thống đại lý mua cà phê tại Việt Nam tăng 35% so với năm trước.
Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ vào vụ thu hoạch cà phê mới và hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường xây dựng kho chứa, chỉ định các đại lý để mua cà phê trực tiếp từ người dân thay vì mua từ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam thống nhất là phải thay đổi phương thức kinh doanh, đồng thời các DN sẽ liên kết lại với nhau và lấy mục tiêu cao nhất là bảo toàn vốn và lợi nhuận, dứt khoát không chạy theo số lượng.
Dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2011 – 2012 của cả nước đạt khoảng 1 – 1,2 triệu tấn, giá thu mua dao động mức 45 triệu đồng/tấn. Bắt đầu từ niên vụ 2011-2012 trở đi, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc Vicofa cũng sẽ thực hiện chính sách mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn ngay từ đầu vụ để có lợi cho cả người sản xuất, nhà kinh doanh. Riêng niên vụ 2011-2012 hiện các doanh nghiệp đăng ký tham gia tạm trữ đã đạt con số 425.000 tấn.
Đặc biệt là khi hàng đã vào kho thì hàng vẫn được luân chuyển, đảm bảo khi giá lên bán được ngay và giá xuống lại mua vào. Theo các doanh nghiệp, với giải pháp này, dù doanh nghiệp Việt Nam mua giá cao bán giá thấp thì vẫn có thể điều tiết thị trường.
Ngay trên sân nhà, vừa đá vừa thổi còi mà vẫn cứ thua, ngẫm cũng buồn cho DN ta. Hãy đi lên bằng cái đầu của mình đừng ỉ thế sân nhà, địch chẳng mạnh – chỉ do ta yếu mà thôi.
Tôi nghi ngờ vấn đề này, có thể đây là “sự minh bạch” của thông tin-cập nhật, nhưng cũng có thể đây là chiêu bài của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng dù gì thì dân ta cũng được hưởng lợi và đây cũng là xu hướng tất yếu khi ta đã tham gia WTO.
Tôi nghĩ DN trong nước hay ngoài nước nếu mua được giá thì nông dân ta bán thôi.
“…doanh nghiệp Việt Nam mua giá cao bán giá thấp thì vẫn có thể điều tiết thị trường”, thì làm sao đạt được “mục tiêu cao nhất là bảo toàn vốn và lợi nhuận, dứt khoát không chạy theo số lượng”. VTV viết sao mà mâu thuẫn quá, nông dân tui nghe khó hiểu thật?
Thôi thì, mua bán như thế nào là việc của các doanh nghiệp, miễn sao có lợi cho nông dân tui là được.
Các bác nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực thì sẽ tìm ra cách đá ngay trên sân nhà. Tôi nghĩ năm nay cuộc chơi sẽ thú vị lắm đấy…
Bác minhngo à !
Không đơn giản vậy đâu ! Nếu TQ với thế mạnh về tài chính mua gom hết lúc dầu với giá cao, sau khi kiểm soát được thị trường thì giá cà phê VN sẽ đi về đâu ? Hay như cây vải, nhãn… ?
Cần thiết hiện nay là làm cho DN VN lớn mạnh được. Muốn vậy phải đẩy mạnh cổ phần hóa các DN kinh doanh cà phê, trong đó có sự ưu tiên bán cổ phần cho người trồng cà phê. Người nông dân sẽ có lợi từ 2 phía và sự gắn kết giữa DN và nông dân sẽ được tăng cường. Còn hiện nay người trồng thì muốn bán giá cao, còn nước ngoài muốn ép giá thấp… thì rất khó cho DN phát triển, về lâu dài cây cà phê VN sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các DN nước ngoài !
Chiến lược kinh doanh là sự sống còn của DN, của các nền kinh tế, thuộc về lĩnh vực An ninh kinh tế. Đâu dễ mà phơi bày cho thiên hạ biết. Đâu đến lược dành cho mấy chú nhà báo nhảy vào bàn lung tung.
Ngẫm nghĩ càng thấy mắc cười thật !
Hiện nay tại chỗ tôi, các đại lý mua cà phê nhân với giá 43.000đ. Tôi và một số người đang nghĩ, mới đầu vụ giá đã xuống thấp thế, hỏi vào giữa vụ giá sẽ xuống … Thật buồn.
Không biết mấy anh nhà báo (VTV) này căn cứ vào đâu mà phát ngôn mua giá cao bán giá thấp vẫn điều tiết thị trường có lộn không vậy. Làm như thế đã lỗ về giá chưa kể tiền lãi vay Ngân hàng phải trả thì làm sao bảo toàn vốn. Như vậy phần lỗ này NSNN hỗ trợ chắc. Vẫn là bài ca muôn không bao giờ quên.
Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!
Quyết định đúng đắn và kịp thời của 20 nhà xuất khẩu hàng đầu nước ta về việc mua tạm trữ cà phê. Con số đăng ký vượt kế hoạch, rất ấn tượng đối với bà con nông dân bạn tui.
Nghe rằng Vicofa cũng vừa mới công bố lại sản lượng: năm tới giảm chỉ còn 18 triệu bao chứ không như ước báo trước 18,5 triệu.
Với 425.000 tấn, đã gần một nửa sản lượng của người ta rồi. Hiện nay, không ai trong 20 nhà xuất khẩu dám nói mình vốn mạnh, thì liệu có tạm trữ được tới 100.000 tấn không? Hay chỉ là kế hoạch, hô hào cho vui vậy thôi?
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vừa họp và đưa ra nhiều thống nhất và nhiều sự đồng thuận nhằm hạn chế sự cạnh tranh của các DN có vốn nước ngoài, cụ thể là ngay tư đầu vu mua tạm trữ 300.000 tấn. Là một người cũng có ít nhiều năm trên thương trương cà phê,Chính Nghĩa tôi mạo muội có vài ý kiến nhỏ như sau:
-Trước hết phải nói rằng chủ trương tạm trữ lá đúng. Điều quan trọng là tạm trữ khi nào, ai là người chịu trách nhiệm khi thua lỗ do tam trữ. Nếu nhà nước chỉ hô hào và đẩy mọi rủi do cho doanh nghiêp thì chắc chắn chỉ có những doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản mới thích mua tạm trữ vì chí ít cũng kéo dài thêm được một thời gian và biết đâu giá cà phê mà vút tăng thì lại đổi đời. Nếu nghĩ rằng chúng ta mua tam trữ thì sẽ làm cho giá ổn định và không xuống thì đó quả là quá ngây thơ và sai lầm. Nước chúng ta hiện nay đã và đang trong tiến trình hội nhâp với thế giới, môt nền kinh tế quá nhỏ nhoi của chúng ta mà lại có ý định làm thay đổi thế giới thì thật là hoang tưởng. Nếu quí vị thường xuyên theo dõi thi trường tài chính và hàng hoá thế giới thì quí vị sẽ thấy rằng giá cả một loại cổ phiếu hay hàng hoá nào đó tăng hay giảm chưa hẳn là phải do cung cầu. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào các nền kinh tế lớn, các tập đoàn tài chính lớn, và ghê gớm hơn nữa là phụ thuộc vào các quĩ đầu cơ lớn. Bài học năm 2001 còn đó, khi giá cà phê từ 21.000đ/kg đổ xuống đến 12.000đ thì mọi người cho rằng không thể xuống hơn nếu xuống nữa chắc cà phê sẽ nhổ hết, thế là nó đã xuống đến 4,000đ, 1kg cà phê khi đó còn rẻ hơn 1kg cà pháo, đó là sự thật. Sản lượng cà phê toàn câu khi đó ít hơn rât rất nhiều so với hiên nay. Vậy mà các quĩ đầu cơ còn làm được điều tưởng chừng như là không tưởng.
-Trở lại vấn đề tạm trữ hiện nay, ví dụ vào đầu vụ giá cà phê ở 33.000đ mà chúng ta mua tạm trữ. Ai có thể dám chắc cà phê không xuống và nằm lì ở 20.000đ, khi đó các DN có gan mua tạm trữ chắc là phá sản hết. Chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường, thì hãy để cho nó phát triển một cách tự nhiên. Nhà nước chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết, chẳng hạn khi giá cà phê xuống dưới giá thành sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nông dân và an sinh xã hội. Việc tạm trữ khi đó là vấn đề của quốc gia đại sự và nhà nước phải chịu sự rủi ro. Các doanh nghiệp chỉ đứng ra giữ hàng cho nhà nước mà thôi. TẠM TRỮ NHƯ THẾ MỚI THÂT SƯ LÀ TẠM TRỮ.
-Còn như hiện nay giá đang rất tốt mà đã lo tạm trữ, đó chỉ là đầu cơ mà thôi. Mà đã là đầu cơ thì rủi ro là chắc chắn. Những DN làm ăn chắc chắn và khoẻ mạnh chắc chắn sẽ không muốn tham gia tạm trữ, Có chăng thì họ cũng chỉ lợi dụng để vay vốn với kỳ hạn xa và lãi xuất thấp để quay vòng vốn mà thôi.
Bạn nói có lý, TẠM TRỮ khi nào Chính phủ vào cuộc thì mọi thành phần mới có lợi, còn DN thì gọi là ĐẦU CƠ, mà đã là đầu cơ thì mọi rủi ro không thể nói trước !
Tập đoàn Thái hòa vừa qua đã tổ chức hội nghị khách hàng triển khai chính sách thu mua phổ biến rộng rãi cho nông dân về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nhờ đó bà con đã phần nào hiểu được thay đổi tập quán thu hái quả xanh kém chất lượng làm giảm uy tín hàng hóa sản phẩm cà phê xuất khẩu ra nước ngoài.
Đứng trước tình hình cung vượt cầu, năm nay nếu không kiểm soát chặt về chất lượng kiên quyết không thu mua cà phê quả xanh để đưa vào chế biến thì sẽ có thể không tiêu thụ được. Nếu những cơ sở sản xuất cố tình làm bừa làm ẩu sẽ phải gánh hậu quả, đó là lời cảnh báo sớm khi mùa vụ cà phê đang vào giữa vụ đối với cà phê arabica và sắp sửa vào vụ thu hoạch cà robusta. Những cơ sở mua cà phê xanh non suốt xanh như trước đây sẽ không còn có chỗ đứng sẽ bị tẩy chay và không bán được hàng, đó là những thành phần tiếp tay cho kẻ gian manh phá hoại sản xuất móc túi trắng trợn bà con nông dân cần được lên án. Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Mong sao từ diễn đàn này góp tiếng nói của những ai có tâm huyết nhằm loại bỏ những ung nhọt, đưa lại vị thế và quyền lợi của người sản xuất chân chính và nhu cầu thưởng thức cà phê sạch của người tiêu dùng.