Dự án Phát triển cà phê chè tại Thanh Hóa bị phá sản đã trở thành gánh nặng trong nỗ lực thoát nghèo của người dân các huyện miền núi trên địa bàn.
Xem thêm:
> Tan tành giấc mơ cà phê Catimor
> Đoạn kết buồn của dự án cà phê chè
Tan tành giấc mơ cà phê Chè
Dự án cà phê chè phá sản
Ngày 24/3/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 172/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Phát triển cây cà phê chè (arabica) trên phạm vi cả nước. Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) được ủy quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần để triển khai chương trình trồng cây cà phê chè tại các tỉnh.
Thực hiện nội dung trên, ngày 13/3/1999, Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã ban hành Quyết định số 02/TCT-DHAD/QĐ về việc phê duyệt Dự án Đầu tư phát triển cà phê chè tại tỉnh Thanh Hóa, với quy mô 3.260 ha, trên địa bàn 4 huyện miền núi: Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lạc và Thạch Thành; tổng vốn đầu tư 71,773 tỷ đồng. Dự án giao Công ty Cao su – Cà phê Thanh Hóa (nay là Công ty Cao su Thanh Hóa) thực hiện.
Theo số liệu thống kê, trong 4 năm đầu thực hiện Dự án (từ năm 1999), Công ty Cao su – Cà phê Thanh Hóa đã trồng được hơn 4.000 ha cà phê chè, với 6.384 hộ dân tại các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa tham gia (hộ dân tham gia thông qua hợp đồng vay vốn phát triển cà phê chè và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Công ty Cao su – Cà phê Thanh Hóa bảo lãnh). Tổng vốn đã đầu tư cho Dự án là trên 130,6 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2011, một số diện tích cà phê chè đã cho thu hoạch, năng suất bước đầu khá khả quan…
Tuy nhiên, do chưa lường hết được những khó khăn, bất cập trong quá trình lập, triển khai thực hiện dự án, nhất là việc chưa đánh giá đúng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng,… cùng với kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê của đồng bào các dân tộc thiểu số rất hạn chế…, nên cây cà phê chè chết dần, khiến Dự án phá sản.
Trồng cây cao su – vất vả tìm hướng đi
Như Xuân, huyện tham gia Dự án Phát triển cà phê chè nhiều nhất (triển khai hơn 50% diện tích của Dự án), nên cũng chịu thiệt hại lớn nhất. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân nơi đây đã chuyển hướng sang trồng cây cao su và hiệu quả đem lại được xem là khá khả quan.
Anh Lê Đình Giao, trú tại thôn Xuân Thành, xã Xuân Quỳ (huyện Như Xuân) cho biết, đồi cao su với diện tích 2 ha của gia đình anh đã trồng được 7 năm và mang lại nguồn thu nhập khá lớn. “Những năm đầu mới đi vào khai thác, do lượng mủ ít, giá chưa cao, nên thu nhập bình quân chỉ đạt 35 – 40 triệu đồng/ha. Nhưng 2 năm trở lại đây, cao su được giá, nên thu nhập đã nâng lên đáng kể. Cụ thể, với 2 ha cây cao su, mỗi năm đã đem lại cho gia đình hơn 200 triệu đồng”, anh Giao cho biết.
Ông Ngâm Quyết Huấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ cho biết, cây cao su đã và đang mang phát huy hiệu quả, làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế của nhân dân địa phương. Hiện tại, toàn xã có trên 400 ha diện tích trồng cao su, trong đó có 246 ha diện tích đang cho thu hoạch. Với mức đầu tư khoảng 30 triệu đồng/ha, sau hơn 5 năm cho thu hoạch, việc trồng cây cao su đang thực sự trở thành “lối thoát” nghèo cho bà con nông dân vùng sơn cước này.
Ông Dương Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, việc triển khai trồng cây cao su đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái. Trên địa bàn huyện Như Xuân hiện có 3.500 ha cây cao su, trong đó có 2.000 ha đang cho khai thác, với giá trị ước đạt trên 180 tỷ đồng.
Cũng theo ông Mạnh, cây cao su sẽ là mục tiêu chính trong chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới. Cụ thể, huyện Như Xuân sẽ tiếp tục phát triển mới 7.000 – 10.000 ha cây cao su trong giai đoạn 2011 – 2015.
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng cho biết, do các hộ dân trong huyện còn bị giữ “sổ đỏ”, nên rất khó khăn trong việc vay vốn. Khi triển khai Dự án Phát triển cà phê chè tại Thanh Hóa, đa phần được thực hiện trên địa bàn huyện Như Xuân và hiện có hơn 2.000 “sổ đỏ” của dân trong huyện này đang bị giữ tại Công ty Cao su Thanh Hóa.
Như vậy, việc Dự án Phát triển cà phê chè đổ bể đang là “rào cản” lớn đối với hướng phát triển cây cao su của người dân tại các huyện nghèo của Thanh Hóa. Bởi vậy, rất cần các giải pháp cụ thể của các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn cho dân, trước hết là tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn vay
Sao kỳ vậy?
Thất bại… chuyển sang trồng cây cao su, đã được 7 năm, cây đã cho thu mủ rồi. Sao bài báo lại còn viết là loay hoay tìm hướng gỡ nữa, nghĩa là sao?
Có chi tiết cũng khó hiểu là trồng cây cà phê bị phá sản mà “sổ đỏ” lại bị giữ tại Công ty Cao su Thanh Hóa, vậy là sao?
Khó hiểu thật!
Trước đây công ty có tên là Công ty Cao su – Cà phê Thanh Hóa, giờ cái đuôi cà phê bị đứt rồi.
Đứt đuôi thì xóa nợ cho nông dân chứ? sao nở để lại hệ lụy bắt nông dân phải gánh thế?
Khổ trăm lần nông dân phải chịu tất!
“Bắt đầu từ năm 2011, một số diện tích cà phê chè đã cho thu hoạch, năng suất bước đầu khá khả quan…Tuy nhiên…”
thật khó hiểu!
trước khi trồng đại trà thì đã có trồng thử nghiệm ở qui mô nhỏ thấy hiệu quả mới triển khai trên diện rộng chứ!
Chắc bức tử cây cà phê để trồng cao su đây!
Chiêu này đã từng xảy ra ở Daklak khi cao su lên giá!
Hậu quả của người quản lý dùng bằng giả.
Làm ăn vậy thì các vị mới mau giàu các bác ạ. Kéo cày quanh năm như nhà nông thì 4 ngàn năm nay có khác tí nào đâu!
Có khác chăng là bị bóc lột ngày càng tinh vi hơn.
“”Bắt đầu từ năm 2011, một số diện tích cà phê chè đã cho thu hoạch, năng suất bước đầu rất khả quan…” sao lại “cà phê chết dần khiến dự án phá sản…” là thế nào?.
Lại chặt cà để đầu tư cao su ư? trồng cao su ko dễ ăn đâu nhà “đầu tư” ạ, dân nghèo lại càng nghèo thêm thôi.
Tui có người chị làm 2 ha cao su (Gia Lai) trừ chi phí rồi mỗi năm chỉ được 150.000.000 đồng, Ở Thanh Hóa ko thể đạt 200.000.000đ/ ha được. Chắc nhà báo đang có hơi men đây, ko có hơi men thì mới ra nghề chưa biết gì về cây cà phê và cao su cả. Hôm trước, có phóng viên ở VTV1 về quay phim phóng sự, nhìn cây tiêu và hỏi cây gì, thấy cây cao vút ngẫm nghĩ một lúc và nói đến ngây thơ: khi thu hoạch chắc thuê cần cẩu của điện lực để hái phải ko ạ? hu hu…
Viết lách kiểu này sao mà tốt nghiệp báo chí được nhỉ.