Tạm trữ trong nước không làm tăng giá cà phê thế giới

Lợi và bất lợi, hợp lý hay không hợp lý… chung quanh việc tạm trữ cà phê của Vicofa niên vụ 2011/12 có gì khác, đúc rút được kinh nghiệm gì của những lần tạm trữ cà phê trước đây. Y5Cafe xin mời bà con tìm hiểu thêm vấn đề tạm trữ cà phê qua bài viết của bạn Phương Nguyễn, cộng tác viên của diễn đàn Y5Cafe.


Nhân đọc bài “Thống nhất mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ“, tôi thấy cần nêu lên một số vấn đề.

Theo một số nghiên cứu cho thấy tạm trữ trong nước không thể làm tăng giá thế giới, trừ phi trong những trường hợp cực kỳ hiếm thấy ở một nước có quyền lực độc quyền trên thị trường thế giới. Mà thậm chí là như vậy thì chương trình tạm trữ trong nước cũng sẽ cho phép những người sản xuất khác “ăn theo” (“free ride”) khi giá tăng cao hơn.

Đây có thể nói là một cách chuyển nguồn quỹ của những người đóng thuế sang cho người nông dân không hiệu quả, hoặc cho phần còn lại của thế giới trong trường hợp Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến giá thế giới.

Còn nhớ chính sách tạm trữ vào năm 2001, lúc đấy Chính phủ khuyến khích các nhà xuất khẩu mua tạm trữ 150 ngàn tấn đến hạn xuất khẩu vào năm 2001 (bằng khoảng 20% tổng sản lượng cà phê năm đó). Chính phủ sẽ bù đắp thua thiệt cho người xuất khẩu. Bằng hành động đó, Việt Nam đã liên kết với các thành viên ACPC và các nước khác trong một cố gắng vực dậy giá cà phê.

Theo phân tích của Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (ICARD) – Oxfam Anh và Oxfam Hồng Kông (2002), qua phân tích hồi qui đã chỉ ra rằng chính sách này có thể góp phần nâng giá xuất khẩu của Việt Nam lên 23%. Chính phủ hy vọng sẽ tăng được giá nội địa và giá bán ra của hộ gia đình, có lợi cho người trồng cà phê.

Tuy nhiên, mục tiêu đó không đạt được vì những lý do:

  1. Thứ nhất, trong thực tế, việc tạm trữ diễn ra không lâu và phải xuất khẩu bớt đi 60.000 tấn khi giá cà phê thế giới có nhích lên. Như vậy là tái xuất quá sớm.
  2. Thứ hai, việc tạm trữ chia làm hai kỳ, thứ nhất vào 11/2000, kỳ hai vào 2/2001. Như vậy lượng tạm trữ mỗi đợt không đủ lớn để kéo giá xuất khẩu lên như dự báo.
  3. Thứ ba, các kênh thị trường cà phê của Việt Nam quá phức tạp, khiến cho hiệu quả của chính sách này khó nhận biết được; nó cũng khó mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả các nhóm, nhất là những người nghèo và thường thường bậc trung là những người không tiếp cận được thông tin và thương lượng giá cả. Như vậy, nhóm nhiều khả năng thu lợi nhất là những nhà xuất khẩu. Vì thế, chính sách này chỉ có thể kiềm chế giá chứ không thể nâng giá lên được.
  4. Thứ tư, dự trữ của các nước và các công ty có thể làm giảm ảnh hưởng của việc giảm cung.

Tác động tổng hợp của chính sách và thực thi chính sách (mua, tạm trữ và xuất khẩu) đã giúp nâng giá lên được 15,3%.

Cũng như vậy, chính sách tạm trữ năm 2010 cũng mang đến nhiều ý kiến trái chiều trong cách thực hiện.

Và cuối cùng, tạm trữ không loại bỏ, hoặc có thể làm trầm trọng, vấn đề quản lý rủi ro.

Như vậy, có những vấn đề cần đặt ra: Chính sách tạm trữ năm 2011 sẽ như thế nào? Liệu có cần thay đổi điều gì trong tạm trữ năm nay? Và có phải vấn đề đang nằm ở chỗ cơ chế thi hành và giám sát chính sách cũng như việc đòi hỏi phải kết hợp tạm trữ với một chương trình quản lý rủi ro giá?

Vài dòng suy nghĩ, mong được sự góp ý của những “bậc tiền bối” trong ngành cà phê để sáng tỏ vấn đề hơn.

Trân trọng.

Phương Nguyễn
CTV của Y5Cafe

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cường Béo

    Mình có vài dòng suy nghĩ về chương trình tạm trữ cà phê:

    1. Đối tượng hưởng lợi từ chương trình này là ai? Người sản xuất hay doanh nghiệp? Nếu như các năm trước thì không phải người sản xuất. Vì người sản xuất bán đứt cho doanh nghiệp, giá lên hay xuống cũng chẳng cần quan tâm.
    2. Các ưu đãi về lãi suất người sản xuất cũng chẳng được hưởng lợi vì Ngân hàng có cho NÔNG DÂN dân vay đâu.
    3. Mặt hàng cà phê không phải là mặt hàng khó tiêu thụ…. nên mua tạm trữ để làm gi?
    4. Khi chúng ta tổ chức gom hàng về một vài nơi, mua giá bao nhiêu, vay bao nhiêu phần trăm, lưu kho bao lâu? Những thông tin đó có bảo mật được không đó là vấn đề lớn doanh nghiệp cần quan tâm? Và đối thủ đã biết hết thì chúng ta chẳng có cơ may nào để làm giá tốt cả…. vì họ đã biết sức khỏe của các thành viên VICOFA đến đâu.
    Nếu chương trình này mà đến trực tiếp người sản xuất thì kết quả sẽ khác:
    VD:
    Vận động mỗi gia đình sản xuất cà phê ở Việt Nam dữ trữ lại từ 5 tạ đến 1 tấn, thì tổng sản lượng dữ trử của Việt Nam ít nhất củng đươc 500 ngàn tấn một số lượng không nhỏ và không biết dân bán lúc nào nên họ khó làm giá cà phê VN mình hơn.
    2. Nếu dân cần tiêng thì Ngân hàng đứng ra cho vay trực tiếp đến người nông dân và nông dân cũng được hưỡng ưu đãi về lãi suất. Việc này hơi khó làm vì sẽ vướng là Ngân hàng cho vay thì cần phải có kho để giữ hàng, cho vay lẽ tẻ thì mất nhiều thời gian của ngân hàng…. nên ngân hàng cũng không mấy mặn nồng.
    3. Để giải quyết vấn đề này các địa phương có cà phê cần xây kho để nông dân gửi vào, ngân hàng giải ngân, địa phương cùng ngân hàng quản lý kho. Ngân hàng kết nối với các đối tác thu mua để bán cà phê cho dân khi cần. Thì tôi nghĩ bài toán tạm trữ mới may ra đạt được một ít kết quả.
    Trên đây là vài dòng suy nghĩ… mong bà con chia sẻ thêm để mùa này bà con ta đỡ khổ. Chúc bà con được mùa, được giá!

    1. menfuong

      Lúc đầu cũng nghĩ đến giải pháp là xây kho.

      Nhà nước sẽ quy định chất lượng, điều kiện để thành lập kho, ví dụ vốn bao nhiêu, quy trình thế nào, diện tích, phải mua bảo hiểm chống cháy nổ, bảo hiểm trách nhiệm cho nhân viên giữ kho… Và các công ty kinh doanh kho bãi/đại lý/doanh nghiệp có điều kiện và muốn kinh doanh đăng ký, nếu đạt chuẩn thì xem như đó là 1 chi nhánh của hệ thống lưu kho của Việt Nam. Người trồng cà phê có thể ký gửi cho thương lái hoặc tại kho được cấp phép. Gửi ở đâu là tùy họ, nhưng lợi ích gửi ở kho là được thế chấp để vay.

      Ví dụ, Việt Nam với diện tích hơn 500.000 ha. Giả sử cứ một vùng với diện tích khoảng 10.000 ha thì có một kho chứa. Có thể tổ chức các thương lái trong vùng thành một đội hoặc tổ chức riêng một đội thương lái mới với ưu đãi về thuế, về vốn nhưng với điều kiện là phải thu mua được ít nhất 70% sản lượng cà phê trong vùng.

      Nhưng vướng ở chỗ là chứng thư gửi kho, hiện nay chỉ áp dụng cho kho ngoại quan còn hàng ký gửi tại kho Việt Nam không có chứng thư và chứng thư này theo luật pháp Việt Nam hiện nay không có giá trị vì Việt Nam chưa công nhận có thị trường những “giấy tờ có giá”.

      Mình thấy là vốn nên được khai thông từ cà phê (sản lượng dự kiến trong tương lai và cà phê lưu kho). Do chứng thư chỉ áp dụng cho kho ngoại quan nên 1 lượng cà phê lưu kho chưa được công nhận giấy tờ có giá để giao dịch, là một việc lãng phí. Vẫn loay hoay chưa biết làm thế nào để đề xuất hướng sử dụng giấy tờ có giá này…

  2. Người quan sát

    Đã có lần trên diễn đàn này tôi đã có ý kiến nhưng sự nhầm lẫn có vẻ vẫn tiếp tục và mọi ý kiến gần như vẫn bám theo sự nhầm lẫn đó.
    -Việc mua tạm trữ cà phê lần này là của Vicofa và nhóm G20 nhà xuất khẩu, hội viên của Vicofa chứ không phải là chủ trương của nhà nước. Nên cần phải hiểu đây là kế hoạch kinh doanh của các nhà xuất khẩu cà phê mà Vicofa là người cầm càng (nhưng nếu các nhà này có xé rào thì Vicofa cũng… bó tay).
    -Nếu là chính sách thì bộ NN&PTNT và NHNN phối hợp, tính toán phương án, xin ý kiến Chính phủ rồi trình lên Thủ tướng phê duyệt.
    Do vậy theo tôi, bà con ta tham gia bàn vì chủ trương này của Vicofa chắc chắn có tác động đến giá cà phê, nên sẽ trực tiếp tác động đến túi tiền của người trồng cà phê. Còn lợi ích của chủ trương này, trước hết là lợi ích của những nhà kinh doanh xuất khẩu cà phê mà cụ thể là của nhóm G20.
    Nhà nước không thể sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân để đem lại lợi ích cho một nhóm người kinh doanh vì “lời ăn lỗ chịu” (ngoại trừ…). Và cũng vì thế nên năm ngoái ngành NH đã không chịu giải ngân. Lãi thì nhà kinh doanh hưởng nhưng nếu lỗ thì NH đòi ai?
    Chỉ khi nào lợi ích thuộc về nhân dân và vì nhân dân thì mới gọi là Chính sách.
    Hiểu đúng chắc chắn sẽ bàn đúng.

    1. menfuong

      Do chỉ mới tham gia giacaphe gần đây, mặc dù cũng đã “cày” nát website này để hiểu hơn về ngành cà phê trong nước, nhưng chắc là vẫn còn thiếu sót ý kiến của Người quan sát. Mình xin thành thật cảm ơn Người quan sát đã giúp mình hiểu đúng, quả đúng là hiểu đúng thì mới bàn đúng được.

      Phần này trích ra từ luận văn tốt nghiệp đang làm của mình, trong quá trình nghiên cứu chắc là có thiếu sót. Thật may mắn khi có nhiều người góp ý như vậy.

      Phương Nguyễn

      1. Người quan sát

        Nếu là luận văn tốt nghiệp thì góp ý thêm:
        Phải phân biệt mua tạm trữ, mua dự trữ và mua theo kế hoạch kinh doanh.
        Ở đây người ta cố tình đánh tráo khái niệm để người đọc hiểu sai bản chất vấn đề. Dẫn đến nhiều lời bàn, ý kiến lạc điệu hay nhầm lẫn.
        Trong luận văn bạn cần phân biệt:
        -Tạm trữ như một nhiệm vụ được giao, gần như dự trữ nhưng chỉ tạm thời, thì xuất nhập phải do cơ quan nhà nước điều hành. Một khi Hiệp hội hay các DN được giao có toàn quyền xuất nhập mua bán thì không thể nói vì lợi ích của nhà nước hay của nhân dân được. Do đó, những từ ngữ như hài hòa, lợi ích cho nhiều bên… chỉ là từ ngữ mị dân. Nên cũng không có chuyện giám sát hay cơ chế, chính sách gì đặc biệt cả.
        -Tạm trữ thực chất là để thực hiện kế hoạch kinh doanh nhưng không có vốn nên Hiệp hội các DN phải dùng khái niệm lập lờ này kiếm vốn để đầu cơ, làm lợi cho chính họ (trở thành con dao hai lưỡi với nông dân) thoạt nhìn vào sẽ nhầm lẫn là vì dân.
        Nếu bạn trọng thương thì bạn sẽ không thấy được điều này, trái lại là trọng nông bạn mới thấy được vì sao nó là con dao hai lưỡi.
        – Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi suất vì trong đó bao hàm cả việc điều tiết thị trường (để nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm kịp thời). DN mua bán theo kế hoạch kinh doanh của mình nên “lời ăn lỗ chịu” là vậy. NH sẽ trở thành người gác cổng và xem xét việc cấp vốn!
        -Dự trữ thì đã có Cục dự trữ Quốc gia rồi, khỏi bàn…
        Và từ đó có còn gọi là tạm trữ nữa không?

        *Bạn có biết năm ngoái đã có tuyên bố hùng hồn là không cần nhà nước hỗ trợ lãi suất, chỉ cần giải ngân với những điều kiện thông thoáng hơn mà thôi (ý kiến có trên Website này đấy!).

        Hy vọng giúp được bạn một tí.

      2. menfuong

        Hiểu cái chỗ “giải ngân với những điều kiện thông thoáng hơn mà ko cần hỗ trợ lãi suất” rồi. Có nghĩa là DN không đủ điều kiện để vay vốn, do NH thẩm định, nên yêu cầu nới lỏng. Còn con dao 2 lưỡi…

      3. Công Thành

        Đã là nhà KDXK thì anh nào chẳng phải mua dự trữ để xuất bán theo kế hoạch của mình. Chỉ thị trường kỳ hạn mới nảy sinh ra hiện tượng bán vo, bán cái trong tay mình chưa có, đến kỳ giao hàng phải mua đắt để giao rẻ nên mới nảy sinh thêm hiện tượng rượt đuổi theo giá, càng đuổi giá càng lên cao như năm nay. XK trong bối cảnh đó mà không phá sản mới là chuyện lạ.
        Vậy thì xin đừng ngạc nhiên khi có gần cả trăm ngàn tấn hàng đang cần “xù”. Đó là hình ảnh của XK cà phê VN năm 2011.

  3. Trương Ba

    Trong bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế ngày càng sâu, rộng và hội nhập ngay trên sân nhà … những mặt hàng của VN có nhiều lợi thế canh tranh như Cà phê, tiêu, điều, da giày, dệt may thì đã, đang và sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế các nước vào đầu tư xây dựng nhà máy, thu mua, chế biến ,xuất khẩu cà phê, tiêu, điều tại VN như Olam, Nedpice, Vinaharreer …., họ mạnh về nhiều mặt so với DN VN.
    Việc DN VN mua tạm trữ cà phê không phải đẩy giá lên bảo vệ lợi ích cho người nông dân (CP làm 2001, thất bại). Thực chất việc mua tạm trữ cà phê năm nay là các DN VN phải tranh thủ gom hàng ngay từ đầu vụ, nếu không DN nước ngoài vét hết. Vấn đề là mua giá nào khi mà DN nước ngoài dày vốn, chủ động được lưu thông phân phối cà phê toàn cầu thì DN VN phải mua cao hơn giá DN nước ngoài hoăc men theo họ mà mua. Bà con nông dân bây giờ rất nhạy cảm thông tin, luôn cập nhật các yếu tố tác động để nhận định giá lên hay xuống và đưa ra quyết định bán hay không bán. Và một khi cung < cầu thì phương án mua thợi, bán thời gia là hợp quy luật. Hãy đợi đấy sẽ rõ !

  4. ChuotCong

    Bác người quan sát nói câu “Lãi thì nhà kinh doanh hưởng nhưng nếu lỗ thì NH đòi ai?” NH chỉ biết thu lời và thu hồi vốn, với mức lãi suất rất cao và hầu như không cần biết các CTy xuất khẩu lời hay lỗ !
    NHNN cung tiền cho mua cà phê tạm trữ + với sự đồng thuận của 20 nhà XK > Thực tế là tăng năng lực Tài chính và khả năng Điều hành cho các nhà XK nội địa, đang còn ốm yếu với các nhà XK nước ngoài mà thôi !

  5. TiêuCay

    Ý kiến của các bác, thuộc các nhà nghiên cứu kinh tế dạng cây đa cây đề, cây cao bóng cả. Nông dân chúng tôi trông cậy vào các bác nhiều lắm. DN chỉ là bạn đường với chúng tôi vì lợi nhuận là tối thượng.
    CP có thương dân thì phát triển mạnh cơ sở hạ tầng nông thôn, nông nghiệp để hàng triệu hộ chúng tôi có của ăn của để, trữ cho được 30% sản lượng tiêu, điều, cà phê hàng năm, thì VN sẽ có sức mạnh có thể chi phối được giá cả thị trường.

  6. Hoang tuyen

    Theo tôi ko phải chính sách của nhà nước, mà đây là chủ trương của Vicofa, mà trực tiếp là nhóm G20 thu mua tạm trữ, là có lợi cho ca 2 dn và nd. Bởi lượng hàng của nông dân vẫn bán ra bình thường theo nhu cầu từng hộ. Nhưng nguồn xuất hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ko giảm, do đó giá cả ổn định chưa phải nói là tăng. Chủ trương này nếu triển khai sớm, thì vô cùng tốt cho nd trồng cà phê. Chúc bà con nd đón một mùa cafe bội thu, trúng giá.

    1. Dân Cafe TN

      Tui thì không tin có một chút xíu nào tốt chứ bạn đừng có nói là vô cùng tốt cho nd, có lợi cho nd.
      Lợi thì có lợi mà răng không còn!
      Nếu cần tui sẽ đưa vô vàn dẫn chứng cho mọi người cùng coi.

      -Bác ChuotCong à. Bác ấy nói: “Lãi thì nhà kinh doanh hưởng nhưng nếu lỗ thì NH đòi ai?” là đúng quá rồi. Nên ko thể buộc NH phải xuất tiền ra khi NH thẩm định không đủ điều kiện.
      Bác nói càng sai nữa: hầu như không cần biết các CTy xuất khẩu lời hay lỗ ! Nếu NH của bác thì bác dám xuất theo kiểu không cần biết này không? Phải thẩm định phương án kinh doanh của khách hàng chứ sao lại không cần biết? Rất may cho bác là bác không làm NH.

      1. Nông dân cà phê

        Tôi cũng vô cùng ủng hộ chính sách mua tạm trữ, như năm ngoái, không biết là sản lượng mua tạm trữ được nhiều hay không nhưng nhờ có chính sách này mà gía cà phê cứ thế mà tăng lên vùn vụt. Có chính sách này Ngân hàng cho DN trong nước vay vốn, DN trong nước mới có tiền thu mua cạnh tranh với DN nước ngoài khi đó giá cà phê mới có sự cạnh tranh nhau để mà tăng giá. Có cà phê tạm trữ trong kho thì khả năng điều tiết giá cà phê của Việt Nam mới khả thi. Lời thì DN ăn, lỗ thì DN chịu, không có tiền trả thì đi tù, chứ nhà nước có cho không chính tiền DN đâu.
        Không biết tại sao các bác lại cứ phản đối chính sách này nhỉ? tiền của các bác đóng thuế thì cho người khác vay để phục vụ lại các bác thôi. Bác Cường Béo muốn xây kho để tạm trữ thì lại càng mơ hồ, cha chung không ai khóc, khi người dân muốn bán cà phê gởi kho của mình thì có khi chỉ còn toàn vỏ…!
        Cứ thực hiện mua tạm trữ cà phê, phải có động thái gì mạnh mẽ thì CP mới quan tâm tới ngành cà phê được.

      2. cafe con

        Bác nông dân cà phê à, bác quên là bài báo này có tên gì hả?
        Bác nói nhiều mâu thuẫn quá!

      3. Nông dân cà phê

        Tôi nói chẳng có gì mâu thuẫn cả, tên bài báo nói là tạm trữ trong nước không làm tăng giá, tôi thì khẳng định điều ngược lại, tạm trữ sẽ làm tăng giá cà phê. DNTN và DNNN cứ tranh nhau mua thì ắt phải đẩy giá cao lên mới mua được hàng, các DNNN phải mua giá cao thì dĩ nhiên họ phải bán ra giá cao (họ có đủ cách để ép giá lên cao) khi đó sẽ tạo ra áp lực tăng giá cà phê thế giới. Quy luật cung cầu là thế đó.

  7. Hoang Thang

    Theo tôi thì đã có hàng tá doanh nghiệp cafe phá sản, số còn lại đang thoi thóp nên cần phải vất cho một cái phao để cứu! Kế hoạch tạm trữ chỉ là cái phao để cứu họ thôi chứ nông dân chẳng được gì. Hậu quả của cách làm ăn chụp giựt nếu có kiểm toán vào cuộc thì mấy doanh nghiệp này cũng chúa chổm.

  8. ChuotCong

    Bác Dân Cafe TN à !
    Bác nói cũng đúng ! Nhưng đối với mảng cà phê thì NH cho vay sẽ rất an tâm ! DN có lỗ thì NH vẫn thu đủ lãi và vốn ! Vì cà phê là mặt hàng hầu như không bao giờ bị ế ! Có bán được giá cao hay thấp mà thôi ! Thực tế XK những năm qua nhiều DN lỗ vì do lãi suất NH !
    VN năm giữ cà phê chiếm tỷ lệ lớn (loại robusta) nếu có lực mạnh về tài chính chắc chắn sẽ điều khiển được giá cà phê thế giới ! Các DN VN tích lũy còn ít nên rất cần sự hỗ trợ của CP trong lúc này > để ngày càng mạnh về tài chính ! Cũng là cách mang nguồn ngọai tệ mạnh về cho VN !

  9. pham han

    Mua tạm trữ nhiều hay ít cũng tốt. Tóm lại, nông dân mong càng mở cửa, càng nhiều người mua thì càng dễ lựa chọn, ai mua giá tốt giá cao thì bán, đâu cần quan tâm là G20 hay thu mua nước ngoài làm gì phải không các bác?

  10. caphe71

    Mua tạm trữ hay không kệ họ. Nông dân mình chỉ biết cung ko đủ cầu, sản lượng cà phê ngày càng thấp. Do vườn cây già cỗi thời tiết bất thường, diện tích thu lại dự báo sản lượng của các nhà xk sai số quá lớn và vào WTO rồi. Vậy khi giá cao ai mua cao bán người đó. Giá 45 còn thấp, mùa này sẽ trên 50.

  11. ho cu duc

    Thân chào menfuong – phương nguyễn!
    Bạn đang làm luận văn về đề tài cà phê, tôi không biết đề tài tốt nghiệp đại học hay sau đại học? Bạn có thể liên hệ và cùng tôi trao đổi qua mail nhé!
    solar670@gmail.com

    1. menfuong

      Mình đang làm đề tài tốt nghiệp sau đại học với đề tài là “Sử dụng công cụ thị trường để cung cấp tín dụng và quản lý rủi ro giá cà phê tại Việt Nam”.

      Cám ơn bạn đã cho mình email để liên hệ. Đã gửi email một số nội dung chính mà hiện tại mình đang làm.

  12. hoangnga117

    Theo minh, với người nông dân giá cả là quan trọng nhất, với nhà kinh doanh lợi nhuận thu về là mục đích chính còn với nhà nước là phải có những chính sách phù hợp để điều chỉnh thị trường cà phê để làm sao cả người nông dân vàn nhà buôn đều đạt được mục đích của mình, ko thể chỉ ưu đãi hay có lợi cho 1 bên vì dễ dẫn đến hiện tượng độc quyền. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều phải tồn tại và cùng phat triển thì nhà nông có lợi, thị trường không rơi vào quá phụ thuộc một nhà đầu tư nào như vải thiều, dưa hấu, thanh long … được nhà buôn TQ gom hàng, nhà buôn VN không đủ mạnh dẫn đến thiệt thòi cho người khi mà vai trò của nhà buôn VN bị giảm, giá cả do nhà buôn TQ nắm, hàng đã được đưa đến cửa khẩu bắt buộc phải bán, lỗ cùng phải bán vì chở hàng về còn lỗ nhiều hơn.

    Việc dự trữ và tam trữ cà phê là rất cần thiết với nhà XK cà phê vì chỉ khi có nguồn hàng ổn định thì các đơn đặt hàng được giao đúng hẹn và có khả năng kiểm soát thị trường, rủi ro cũng giảm bớt và nhất là nâng cao uy tín của công ty VN với thị trường nước ngoài. Các công ty XK cà phê thường sẽ có các đơn hàng ổn định với các đối tác nước ngoài, hãy dự báo và thu mua tạm trữ cà phê để luôn ở thế chủ động, dự trữ để có nguồn hàng ổn định và có thể xoay chuyển ngay được khi có bất kỳ yếu tố khách quan nào tác động lên giá cà phê.

    1. menfuong

      Chào bạn hoangnga117,

      Bạn có đề cập “với người nông dân giá cả là quan trọng nhất”. Như vậy, quan trọng nhất ở đây là:
      – Đảm bảo được mức giá đảm bảo duy trì cuộc sống và bù đắp chi phí đầu tư bỏ ra
      – Hay là, có thể có cơ hội tìm kiếm giá cao hơn (dĩ nhiên, tìm kiếm lợi nhuận cao đồng nghĩa với việc chấp nhận mức rủi ro cao hơn)

      Về dự trữ/tạm trữ thật ra không là mối quan tâm chính của mình trong đề tài.

      Điều quan tâm nhất là giả dụ như khi dự trữ/tạm trữ, thì đằng nào cũng phải bán, vì thị trường tiêu thụ trong nước không nhiều [1] nên không thể hấp thu được lượng cà phê mua dự/tạm trữ này. Vốn của doanh nghiệp Việt Nam cũng không nhiều và không trường để mà giữ cà phê hoài trong kho. Mà giữ trong kho cũng là một sự lãng phí nguồn vốn.

      Điều quan tâm thứ hai là dự/tạm trữ chẳng khác nào ôm quả bom nổ chậm trong người, chẳng biết khi nào nó nổ khi mà giá “đùng” một phát giảm.

      Vài điều suy nghĩ, mong được bạn hoangnga117 và bà con góp ý thêm.

      [1] Nếu như bình quân mỗi người ở các nước khu vực Bắc Âu tiêu dùng 10 kg cà phê nhân mỗi năm, khu vực Tây Âu từ 5-6 kg cà phê/năm, Việt Nam chỉ đạt 0,64 kg mỗi năm. Chưa tính chung trên cả thế giới, chỉ tính riêng trong các nước sản xuất cà phê thì mức tiêu thụ nội địa của Việt Nam đứng thứ 19, trong khi Brazil dẫn đầu với mức 5,29 kg/người/năm. Và mỗi năm, tiêu thụ cà phê nội địa của Brazil đạt tới khỏang 600.000 tấn, trên 50% sản lượng cà phê của Việt Nam) – Nguồn: https://giacaphe.com/2687/moi-nam-trong-nuoc-tieu-thu-chua-toi-6-san-luong-ca-phe/

      1. hoangnga117

        Chào bạn. Mình rất vui khi bạn quan tâm đến ý kiến của mình.
        Thứ 1: Dưới quan điểm của một người nông dân (như mình) giá càng cao càng tốt, coi như năm đó trúng mùa, có của để dành:
        – Đảm bảo được mức giá đảm bảo duy trì cuộc sống và bù đắp chi phí đầu tư bỏ ra: cái này là cái mà người nông dân mong muốn sau 1 năm vất vả ít nhất tôi cũng có cơm ăn, áo mặc nhưng không có tích luy hay có thể nói là điểm huề vốn
        – Hay là, có thể có cơ hội tìm kiếm giá cao hơn (dĩ nhiên, tìm kiếm lợi nhuận cao đồng nghĩa với việc chấp nhận mức rủi ro cao hơn): đây là giá mà người nông dân mong muốn, giá cao ngoài chi phí đầu tư, cuộc sống… họ còn tích lũy được của cải.
        => nói chung theo mình 2 khía cạnh bạn nêu trên một là mức sàn là đừng có thấp hơn nữa nếu không tôi sẽ đói, còn 2 là mức giá ao ước cứ có lời là tốt rồi. Và với người nông dân chỉ không la dưới mức sàn còn lại là ok nên ở đây bạn không thể nói là rủi ro. Rủi ro chi xảy đến khi anh kỳ vọng ở mức giá cao hơn như tôi, tôi kỳ vộng mua thua hoạch sắp tới mức giá trên 45.000/kg giờ tôi mua cà phê non với giá 35.000/kg chênh lech 10 giá, nhưng đến khi vao mùa, giá thua mua của nhà buôn la 37.000/kg thì tôi vẫn lỗ và tôi mới là người rủi ro. còn mức giá để nông dân có lợi nhuận là 35.000/kg cứ trên 35.000/kg la ok.trên dây chỉ là ví dụ.
        Thứ 2: Những điều bạn quan tâm
        Điều 1: bạn nói dự trữ và tạm trữ đằng nào cũng phải bán nhưng bạn quên mất rằng bán ở thời điểm nào, bất cứ ai mua dự trữ một món hàng gí đó đều xem vào nhu cầu và khả năng của mình, tạm trữ thì thời gian ít hơn dự trữ và đặt mức lợi nhuận sinh ra cao hơn, ví dụ nga phán đoán giá cà phê đầu vụ sẽ thấp hơn giá cà phê cuối vụ, thay vì bán đầu vụ, nga cố gắng để cuối vụ bán có lời hay không có lời tùy vào thời điểm lúc bán và nó là 1 hình thức của đầu tư vốn nên không thể nói nó là lãng phí nguồn vốn được, thay vì tôi có vốn tôi đầu tư vàng nhưng tôi tháy không an toàn bằng cà phê tôi đem đầu tư vào cà phê.Đầu tư luôn có rủi ro nên các cụ mới bảo ” phi thương bất phú”.
        Điều 2: theo bạn đó là quả bom nổ chậm, theo mình nghĩ thì nó không chậm đâu, nó nổ đùng đùng ấy chứ, nổ lên, rồi nổ xuống, không ai đoán chắc được tương lai, nên chỉ có thẻ nhìn nhận và đánh giá thi trường để có những quyết định làm giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất và lợi nhuận cao nhất. Chính vì có rủi ro và không chắc chắn giá tương lai nên giờ nông dân bán cà phê non chênh lệch với nhân sô tới 10 giá, nếu đến lúc thu về giá vẫn ở mức trên 45 thì những người mua tạm trữ sẽ có lời và phán đoán của họ sát thực. Nhưng đến lúc vào mùa, giá cà phê rớt do tình hình khách quan như nợ chính phủ các nước trên thế giới… tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng cà phê thấp xuống làm giá cà phê giảm thì lúc dó rủi ro thuộc về người mua để đón đầu con sóng ai dè bị sóng đè, nên có thể nói là rủi ro cao lợi nhuận lớn là vì vậy.

      2. menfuong

        Cám ơn bạn. Được trao đổi qua lại, mà lại là trao đổi kỹ và dài thế thì thật thích.

        1. Như vậy, với góc nhìn ở vị trí người nông dân, giá hơn mức giá sàn là được.

        2. Còn vấn đề vốn? Mình có dịp tám chuyện với 1 chú nông dân, chú bảo bán cà phê (khi chưa thu hoạch) để có tiền mua phân bón từ đại lý – với giá vào thời điểm bán đó, sau đấy, khi thu hoạch thì trả lại số lượng cà đã bán trước với giá vào thời điểm trả. Ví dụ, ứng trước 2,5 tạ cà lúc giá 35.000 VND/kg – đến bây giờ trả lại thì với mức giá đã lên 45.000 VND/kg. Thông thường, người nông dân ít vốn sẽ tìm kiếm vốn đầu tư bằng cách này? Ngoài ra, còn nguồn chủ yếu nào khác?

        3. Đúng là mình nghĩ chưa tới. Còn cần phải xem xét thời điểm bán nữa. Cám ơn bạn đã gợi mở.

        Nếu xác định đây cũng là một kênh đầu tư vốn, khi trữ hàng, nghĩa là đang kỳ vọng giá tăng, nếu giá không như kỳ vọng, liệu bạn có biện pháp nào phòng ngừa khi giá giảm? Đó là tình huống mà bạn chủ động, còn tình huống bị động là bạn không có ý định đầu tư, mà do đặc thù hoạt động của bạn – phải nắm giữ cà phê (nông dân), hoặc phải mua để chế biến (nhà rang xay) – thì sẽ xử trí thế nào bây giờ?

        4. Mình cũng tám chuyện với vài người thì với biến động giá, họ thường:
        – Mua ngay bán ngay nhưng họ đều bảo lợi nhuận không cao
        – Khả năng, nhạy bén và kinh nghiệm tích lũy trong kinh doanh
        Không biết trước giờ bà con mình xử trí sao với những dao động giá cà phê này?

      3. Hoài Bão

        Theo tôi thế này bạn xem có ổn ko nhé:
        1, Về giá cả: không ai biết được ngày mai giá sẽ lên hay xuống cho nên khi ta qquyết định bán non hay mua non đều là mạo hiểm cả, không thể trách người mua non rằng như thế là ko đạo đức hay chèn ép ai được, vì giả như ta bán non 35.000 đến lúc trả chỉ còn 30.000 thì sao?
        2, Về vay vốn: Một số ngân hàng có chính sách cho vay vốn thế chấp giấy sở hữu vườn cafe, bà con hãy trực tiếp liên hệ với ngân hàng (tuyệt đối ko qua những cá nhân làm môi giới mà lâm vào cảnh bi đát như ở CưMgar- Daklak vừa rồi). Tôi biết Techcombank cho vay tối đa 50triệu đ/ha vườn cây cafe kinh doanh tuỳ vào chất lượng vườn.
        3, Thời điểm bán và mua: Hiện tại có một số sàn giao dịch có mua bán cafe kỳ hạn, người muốn bán hay muốn mua đều có thể vào đấy giao dịch. Giả sử bạn sẽ có nguồn hàng chắc chắn vào tháng 12/11 nhưng sợ đến lúc thu giá sẽ giảm thì bạn có thể bán trên sàn để được giá như hiện nay, còn nhà rang xay thì ngược lại.

      4. hoangnga117

        Chào bạn, mình đồng ý với ý kiến của bạn Hoài Bão, nhưng bạn Hoài bão có thể cho mình biết thêm thông tin của sàn giao dịch mua bán cà phê có kỳ hạn không? vì nếu biết được nó thì người có tiền mua tạm trữ sẽ an toàn hơn, giá mua cà phê non trực tiếp từ người nông dân sẽ cao hơn.
        Còn về ý kiến của bạn Menfuong mình có thể nói là bạn suy nghĩ nhiều và chi tiết quá, nếu bạn là một nhà buôn thì mình nghĩ bạn sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội để đầu tư. Còn mình, một khi đem vốn ra đầu tư, bắt buộc phải có rủi ro, và rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn, đó là tính tất yếu rối. Không ai đầu tư vào cái rủi ro cao mà lợi nhuận thấp cả bạn à. Như bạn Hòai Bão nói, không ai biết giá cả ngày mai nó ra sao, tất cả chỉ là dự đoán, còn khi mua ngay bán ngay giá cả mình nắm trong tay tất nhiên lợi nhuận không cao nhưng rủi ro của nó cũng không lớn.
        Còn ý kiến thứ 3 của bạn là biện pháp phòng ngừa khi giá giảm thật ra nó đã thể hiện ở mức giá mua vào rồi, không phải tự nhiên nhà buôn mua cà phê non với giá 35/kg mà giá thị trường hiện nay là 45/kg (mức giá này là ví dụ bạn nhé vì thị trường thì luôn biến động), đó là mức giá đưa ra phù hợp với thị trường tại thời điểm hiện tại vì giá quá thấp người nông dân sẽ không chấp nhận bán mà chấp nhận đi vay lãi suất cao để chờ thu hoạch xong rồi bán, nên mức giá đã được thị trường điều chỉnh phù hợp để người bán có thể bán và người mua có thể mua (mức giá mà cả người mua và người bán đều chấp nhận đươc, đây cũng có thể nói là quy luật giá của thi trường) Khi không có ý định đầu tư thì bạn không việc gì phải quan tâm cho mệt đầu cả bạn a. Với các trường hợp bạn cho là đặc thù thì mình nghĩ người nông dân trồng cà phê là vì cuộc sống khi có nhu cầu thì bán, chưa có nhu cầu mà thấy thị trường còn lên giá thì để trong nhà cần đến đâu bán đến đó, còn đối với các nhà rang xay thì họ đã phải có kế hoạch thu mua trước cả năm rồi chứ không ai đến vụ mùa mới lo lên kế hoạch gom hàng, họ phải cân đối lượng khách hàng là bao nhiêu, cần bao nhiêu cà phê nhân để rang xay đáp ứng nhu cầu của thi trường và bạn hàng, nếu họ không có kế hoạch chuẩn bị trước thì việc họ bị phá sản là chuyện không tránh khỏi, đó cũng là lý do tại sao cùng kinh doanh trên 1 mặt hàng mà người lỗ người lời.
        Thân chào. mình cũng rất vui vì được trao đổi cùng các bạn.

  13. Hoài Bão

    Cha cha, lâu lắm trên diễn đàn mới sôi nổi thế này, tôi thấy ham muốn góp vài lời. Theo tôi chính sách tạm trữ cho dù là của nhà nước hay Vicofa đều có mục đích hay và ý nghĩa tốt, tuy nhiên phải cụ thể nó ra như thế nào mới là đáng bàn, nếu ta làm cho đồng bộ và nhất quán thì sẽ có tác động mạnh đến gía cafe trên thị trường. Trước nay khi đưa ra chương trình tạm trữ bao giờ cũng đề cao lợi ích của người sản xuất, nhưng nhìn vào việc làm thì thấy những điều người ta nói rõ ràng là mị dân.
    Bởi vì sao? Mọi ưu đãi về vốn, về lãi suất tiền vay đều nhắm đến các nhà xuất khẩu lớn vì chỉ có họ mới được cấp hạn mức mua tạm trữ (có lẽ căn cứ vào sự bầu chọn của Vicofa). Giả sử vụ 2010-2011 dự kiến tạm trữ 300.000tấn cafe – gần 1/3 sản lượng cả nước, vậy khi họ ồ ạt mua theo kế hoạch thì xem như người sản xuất đã bán hơn số đó ra thị trường, kể cả bán trước, bán non nữa thì may ra chỉ còn lại 1/3 sản lượng chờ được khi giá lên. Nghĩa là chính sách này tác dụng đến chỉ một tỷ lệ nhỏ người sản xuất, bên cạnh đó các DN nhỏ hoặc đại lý thu mua thì gần như ko có lợi gì từ chính sách này.
    Vậy theo thiển ý của tôi, một chính sách lớn tầm cỡ quốc gia như trên thì phái tác động lên toàn hệ thống từ người sản xuất- lưu thông.
    Tôi cũng xin nói là tôi đang công tác tại một đơn vị thành viên của Trung tâm giao dịch cafe Buôn Ma Thuột (BCEC), theo tôi nếu Vicofa và các ngân hàng khảo sát và chấp nhận kho của BCEC là một trong những địa chỉ để lưu kho cho chương trình tạm trữ thì sẽ mang lại lợi ích được cho rất nhiều đối tượng tham gia ngành SX càfe.
    Đề xuất như sau:
    1, Đối với nông dân, Đại lý, DN nhỏ, DN không được chọn tạm trữ: Nếu có mong muốn giữ café chờ giá thì mang café gửi tại BCEC, khi có chứng thư gửi kho sẽ được vay lãi suất ưu đãi theo chương trình tạm trữ.
    2, Đối DN xuất khẩu được lựa chọn: Thực hiện như cũ.
    Một chính sách tất cả mọi người đều được hưởng lợi, chứ như trước giờ người SX nghèo bán tống bán tháo cho DN tạm trữ thì thử hỏi lợi lộc gì.
    Thiện tai! Thiện tai!

    1. menfuong

      À, bạn Hoài Bão cho mình hỏi, dường như chứng thư gửi kho sẽ vay được 70% giá trị cà phê lưu kho (tính trên “giá thời điểm” khi đi vay). Như vậy, nếu như giá giảm, giả sử đến 70% đó thì tự động ngân hàng sẽ bán số cà lưu kho đó (stop loss) đúng ko ạ?

      1. Hoài Bão

        Đúng rồi bạn ah, nhưng hiện tại chỉ có Techcombank nhận cho vay chứng thư gửi kho của BCEC thôi, nếu tình huống giá giảm đến mức cho vay thì họ sẽ yêu cầu bên vay lựa chọn 1 trong 2 phương án: hoặc là trả bớt tiền vay hoặc bán cafe để trả nợ. Dĩ nhiên họ sẽ có các cảnh báo gửi đến khách hàng và có sự hướng dẫn chứ ko phải đợi đến lúc phát mãi số hàng đó đâu, thực hiện biện pháp cuối cùng đó là bất đắc dĩ lắm.

    2. Quảng Phú

      Suy cho cùng vẫn là Cty cổ phần. Có giống cổ phần Vina BMT không? đang kiện nhau đấy!
      Các NH cũng chưa tín nhiệm kia mà, lấy gì để bà con tín nhiệm đây trong khi bà con bị xù nhiều quá rồi.
      Các DN làm sao để cùng dựa lưng nhau với nông dân mà tồn tại chứ?

  14. Tạm trữ là tốt chứ sao?

    Tại sao một bác nông dân (hay tự xưng là nông dân) có thái độ phê phán các doanh nghiệp trong nước cực đoan như vậy nhỉ. Giá xuống thấp, người dân khổ thì ư như rằng đó là lỗi của các doanh nghiệp trong nước còn khi giá lên cao thì các bác lại bảo do giá thế giới, do các công ty nước ngoài mua trực tiếp. Trong vụ năm ngoái, chưa có nghiên cứu nào nói việc mua tạm trữ của VN góp phần đẩy giá cà phê lên bao nhiêu, vậy tại sao không suy nghĩ theo hướng nó có góp phần?
    -Một số bác đã nói đúng: tạm trữ năm nay không phải là chủ trương của Chính phủ mà do các doanh nghiệp trong nước bắt tay nhau làm. Nếu họ không làm vậy, các doanh nghiệp nước ngoài có thể mua hết cà phê trong dân. Nhiều bác (tự xưng nông dân) nói rằng như thế là tốt. Nhưng thưa các bác, trước khi được các doanh nghiệp nước ngoài mua thì giá cà phê có còn được trên 45.000 đồng/kg như hiện nay không hay xuống dưới 40.000 đồng/kg và còn xuống nữa? Đã có những thông tin cho thấy người mua đang giữ trên 300.000 tấn cà phê robusta VN ở kho nước ngoài và dùng nguồn dự trữ này để đẩy giá cà phê VN đầu vụ xuống thấp.
    Cà phê VN thu hoạch có vài ba tháng mà bán quanh năm, đầu vụ lượng hàng lớn, nhu cầu tiền cho tiêu dùng, tái đầu tư bắt buộc người dân phải bán ra. Cung nhiều hơn cầu tất yếu giá giảm. Nếu các doanh nghiệp mua tạm trữ ngay từ đầu vụ sẽ không làm cho giá giảm mạnh. Còn nếu nghĩ giá còn tăng cao thì bà con nên giữ lại không bán, đó cũng là cách tạm trữ vậy.
    -Khi các doanh nghiệp mua hàng để trong kho và thống nhất điều tiết xuất khẩu hàng tháng thì không còn áp lực bị bán ra nữa thì các nhà nhập khẩu cũng không thể ép giá được. Đó là cái lợi dù không làm giá cà phê thế giới tăng cũng ít làm cho thị trường đổ sập.
    -Nhiều năm nay DN trong nước mạnh ai nấy làm đã thua lỗ te tua, áp lực DN nước ngoài ngày càng lớn, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để tồn tại. Năm nay không cần ai chỉ đạo, các doanh nghiệp cà phê trong nước đã chủ động bắt tay nhau, đó cũng là một tín hiệu mừng cho ngành cà phê vậy.
    -Tôi không tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho người trồng cà phê khi chỉ còn DN nước ngoài tồn tại trong nước. Tôi cũng không tin rằng những người cứ mở miệng ra là chửi doanh nghiệp trong nước, chính sách nhà nước này nọ… có thể đóng góp gì cho sự giàu có của người dân.

    1. Dân Dak Mil

      Tôi cũng không tin bao nhiêu năm nay DN trong nước sòng phẳng với nông dân mà chỉ chăm chăm chèn ép, làm giàu trên mồ hôi của nông dân, đúng vậy không?

    2. Be

      Tin vịt ngày nào chả có, tha hồ tung ra để lừa bịp dân đen.
      Khi đã mất niềm tin là mất tất cả, nói cũng bằng thừa!

  15. vũ anh

    Bà con nông dân bao đời nay lam lủ, vất vả, nghèo khó… Sản phẩm làm ra nhưng giá cả do người khác quyết định. Theo nhiều ý kiến trên diễn đàn này, thì khi chưa mở cửa thị trường các doanh nghiệp trong nước luôn chèn ép nông dân. Mấy năm gần đây có sự tham gia của DNNN nên giá cả có cạnh tranh hơn, nông dân cũng có lợi hơn. Nhưng ý kiến trái chiều cũng không ít như ngay tại bài báo này. Nông dân đa số quan tâm ai mua cao hơn, sòng phẳng hơn thì bán chẳng cần biết đó là DN gì. Còn DN-dù là DN gì- thì ai cũng biết LỢI NHUẬN là trên hết. Vậy làm sao hài hòa được cả hai ?
    Khi DNVN xuất khẩu cá da trơn qua Mỹ-bị DN Mỹ kiện (vì ảnh hưởng người sản xuất và DN bản xứ)- chính phủ Mỹ can thiệp- DNVN cũng tìm cách đối phó và vẫn tồn tại, phát triển cho đến hôm nay. Tại sao ta quá lo sợ ngay trên đất nước mình, mà song hành là dân tộc mình? Hãy bình thản đón nhận sự điều chỉnh của thị trường và Nhà nước cần can thiệp khi thị trường trở nên méo mó, gây bất lợi cho an ninh kinh tế quốc gia hay ảnh hưởng xấu đến người nông dân. Vài suy nghĩ nhỏ không biết có giống ai (?), nếu có gì phiền lòng xin lượng thứ !

  16. Ngoc Hien

    Tôi rất tâm đắc với ý kiến cô Nga bài viết trên. Tôi đoán cô đang kinh doanh mặt hàng nông sản (cà phê,..). VN đang là xuất khẩu thứ hai trên thế giới, với cơ chế thị trường hiện nay góc độ là người nông dân làm ra sản phẩm ai cũng mong bán được giá cao, vì có được hạt cà phê gắn bao nhiêu chi phí (công cán, phân bón, xăng dầu,… và tiền lãi suất ngân hàng) nên có sản phẩm là họ giải quyết nợ nần. Muốn điều tiết được giá cả theo mong muốn của bà con nông dân chấp nhận được phải bàn tay vô hình ở tầm Vĩ mô là nhà nước phải can thiệp, để giữ việc bình ổn giá ít phụ thuộc vào giá thế giới, chờ cơ hội ta tung ra. Chắc là bài toán khó! lấy đâu ra khoảng mấy chục nghìn tỷ mà mua tích trữ.

Tin đã đăng