Vụ Cà phê Buôn Ma Thuột: Có căn cứ để khởi kiện ra toà

Với việc đăng ký bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ gây nhầm lẫn về nguồn gốc địa lý của cà phê Buôn Ma Thuột, mà còn ngăn chặn việc xuất khẩu cà phê từ Việt Nam có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột vào Trung Quốc.

Giới luật gia cho rằng, UBND tỉnh Đắc Lắc có đầy đủ bằng chứng pháp lý để khởi kiện, yêu cầu phía Trung Quốc huỷ bỏ hiệu lực đối với 2 nhãn hiệu trên.

“Mất bò”

Theo phát hiện của Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự (Hà Hội), có hai nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị một DN tại Quảng Đông, Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền. Nhãn hiệu thứ nhất có hình ảnh thương hiệu là 3 chữ Hán ở trên và dòng chữ “Buon Ma Thuot” bằng chữ Latin ở dưới, số đăng ký 7611987, nhóm phân loại hàng hóa số 30.

Thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền.

( Ảnh: Đ.T.K )

Nhãn hiệu thứ hai có hình ảnh thương hiệu là một logo có tách cà phê bốc khói và dòng chữ “Buon Ma Thuot Coffee 1896”, số đăng ký 7970830, phân loại hàng hóa cùng nhóm. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với đồng nghiệp tại Trung Quốc, Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự xác định 2 hai nhãn hiệu này đã được cấp đăng ký bảo hộ độc quyền 10 năm kể từ ngày 14.11.2010 và ngày 14.6.2011 tương ứng. Việc làm này đã gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho công chúng về nguồn gốc địa lý Buôn Ma Thuột gắn liền với sản phẩm càphê nổi tiếng của Việt Nam.

Chủ thể đăng ký còn có thể dùng quyền độc quyền để ngăn chặn việc xuất khẩu càphê từ Việt Nam có tên gọi xuất xứ Buôn Ma Thuột vào Trung Quốc. Ngoài ra, Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự cũng xác định thương hiệu “Dak Lak” gắn liền với sản phẩm càphê cũng đã bị đăng ký tại Pháp bởi ITM Enterprises và có thể hậu quả cũng tương tự.

Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng bạ số 00004 cho tỉnh Đắc Lắc, công nhận bảo hộ quốc gia từ năm 2005. Nhưng từ đó cho đến nay, Đắc Lắc đã chậm trễ trong việc quản lý, sử dụng và đầu tư phát triển nhãn hiệu này.

Mãi đến tháng 8.2011, Sở Khoa học và Công nghệ Đắc Lắc mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho 8 thành viên của Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột. Các doanh nghiệp này chỉ có diện tích 8.852ha, sản lượng 26.000 tấn/năm, trong khi vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được xác định có tổng diện tích 100.000ha và sản lượng lên đến khoảng 325.000 tấn/năm. Nghĩa là còn một diện tích rất lớn trong vùng chỉ dẫn địa lý chưa được sử dụng chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột.

Có căn cứ để khởi kiện

Theo nhận định của luật sư Lê Quang Vinh – Cty CP sở hữu trí tuệ Borss và Cộng sự – thì Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Luật Sở hữu trí tuệ của VN. Luật này cũng quy định nếu một địa danh nước ngoài đã được công chúng Trung Quốc biết đến rộng rãi thì không được phép đăng ký và sử dụng làm nhãn hiệu.

Về bằng chứng pháp lý, Đắc Lắc có Quyết định 806/QĐ – SHTT ngày 15.10.2005 về việc cấp chứng nhận đăng bạ số 0004, các tài liệu chứng minh nguồn gốc lịch sử, danh tiếng của Buôn Ma Thuột gắn liền với càphê và doanh thu, uy tín của sản phẩm càphê Buôn Ma Thuột…

Do vậy, Đắc Lắc có căn cứ để khởi kiện yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực đối với 2 nhãn hiệu này. Nhưng giới luật gia cũng dự báo, thời gian để giải quyết tương đối dài, thông thường mất 24 – 36 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc mới đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, sau 2 cuộc họp với các sở, ngành liên quan, hiện UBND tỉnh Đắc Lắc vẫn chưa quyết định giải quyết vụ “mất bò” thông qua con đường ngoại giao hay khởi kiện ra tòa án nước sở tại.

Theo Đặng Trung Kiên

Lao động

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe Vối

    Tôi thấy không có cơ sở nào để khởi kiện.
    1.Họ đăng ký bảo hộ trong nước họ, không can hệ gì đến mình.
    2.Mình chỉ có thể khiếu nại, đề nghị họ xem xét và thu hồi đăng ký trên cơ sở hiệp định thương mại song phương-đa phương. Có thể lấy thương hiệu DakLak được đăng ký tại Pháp làm ví dụ, không lẻ Pháp lại không biết tên DakLak là của ai sao cứ vẫn đăng ký. Bởi một lẽ giản đơn là ai muốn đăng ký thì… đăng ký (Tôi không thể chờ và không thể biết anh DakLak hay anh BMT của VN có muốn sang đăng ký không và biết đến bao giờ anh mới sang để …tôi đợi!)
    3.Không biết ông luật sư Lê Quang Vinh căn cứ vào cái gì để nói : “Luật này cũng quy định nếu một địa danh nước ngoài đã được công chúng Trung Quốc biết đến rộng rãi thì không được phép đăng ký và sử dụng làm nhãn hiệu.”
    Xin lỗi ông. Tôi xin ví dụ (và cũng xin lỗi vì chỉ là ví dụ) nhãn hiệu cà phê Mêhycô đã được Cục SHTT cấp cho một doanh nghiệp cà phê ở DakLak có phải trong trường hợp này không? (một lần nữa, xin lỗi cà phê Mêhycô).
    Theo tôi, làm văn bản đề nghị họ xem xét thu hồi, nói còn dễ nghe hơn là dùng từ khởi kiện, có mà kiện củ khoai.
    Thiển ý của tôi là vậy!

    1. Kinh Vu

      Cafe Vối nhầm một điều rồi nhé nhãn hiệu Mêhycô về mặt luật pháp, không đụng hàng gì với đất nước México cả. Mê hi cô là phiên âm ra tiếng Việt mà thôi. Một ngày nào đó México có bán cà phê qua VN với thương hiệu của mình thì cũng không có gì vi phạm.
      Trên thực tế thì cà phê Buôn Ma Thuột cũng chẳng cần phải dùng cái Thương Hiệu Buôn Ma Thuột mới bán vào được Trung Quốc đâu nhưng mà thấy người ta trước cầm nhầm Trường Sa sau cầm nhầm Buôn Ma Thuột thì cũng bực.

    2. Cafe Vối

      -Mới đây, ông Ls Vinh cũng đã nói giống ý tôi: thực chất đây là vụ khiếu nại…
      Các bác nhà báo mình thì cứ muốn to còi, đòi đi kiện. Mắc cười thật.

      -Bác Kinh Vu nói phiên âm là đúng, nhưng mà phiên âm cái gì?
      Bác bảo chẳng cần hả? người ta lo tái mặt hết rồi kìa!

  2. Nghenhin

    Nói để cho mọi người đọc cho hoành tráng tý chứ đem ra tòa án nào khởi kiện đây không biết? Nếu có một tòa án nào dám công khai nhận đơn kiện này thì mình tin chắc tòa đấy mọi người thất nghiệp hết rỗi hơi mới nhận đơn! Mọi người đều có quyền bình đẳng làm ăn với hết khả năng trí tuệ của bản thân mình. May lắm là thương hiệu kia họ đồng ý bán lại để cho các nhà liên doanh chế biến xuất nhập khẩu cafe BMT mua lại thì còn nghe được. Nói từ ĐÀM PHÁN

  3. Tư Thái - Krông Buk

    Tui muốn đăng ký thì tui nộp hồ sơ trước, miễn là ko trùng lặp hay ko gây hiểu nhầm với của ai là được. Còn anh ko nộp, hay nộp sau mà anh đòi kiện người ta?
    Đúng là có cả rừng luật mà cứ thích xài … luật rừng!
    Luật sư mà cũng vậy huống gì dân đen.

  4. Nguyễn Thị Lân

    Cà phê Ban Mê Thuột

    Xin mời bạn lên Ban Mê Thuột
    Nhìn tách cà phê nhỏ giọt mà thương
    Một chút sữa, một chút đường
    Ô đâm đà hương vị quê hương
    Đi đâu cũng nhớ.
    Dù ở bên kia đại dương
    Thấy gói cà phê Ban Mê Thuột
    Là thấy Việt Nam
    Cho tôi tách cà phê Ban Mê Thuột
    Từng giọt nâu thấm vào máu thịt
    Uống mãi vẫn cứ thèm
    Ôi cà phê Ban Mê Thuột
    Như có gì cuốn hút
    Mà làm tôi nhớ quắt quay
    Xin cho tôi tách cà phê Ban Mê Thuột
    Bắt đầu một ngày mới hăng say
    Cà Phê Ban Mê Thuột xưa và nay
    Uống một lần là nhớ mãi
    Mẹ ơi, gửi cho con gái
    Gói cà phê Ban Mê Thuột
    Để được chồng yêu hơn
    Hãy gửi cho con trai
    Gói cà phê Ban Mê Thuột
    Để mê say làm việc không biết mệt
    Xin mời bạn đến Ban Mê Thuột
    Uống tách cà phê phin
    Nghe tiếng Cồng Chiêng
    Nghe núi rừng ca hát…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88