Thêm một vụ mùa cà phê sắp thu hoạch cũng đồng nghĩa sắp có một lượng lớn cà phê Việt Nam được các nhà xuất khẩu ký kết hợp đồng bán cho khách. VICOFA gần như năm nào cũng lên tiếng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam hạn chế phương thức kinh doanh trừ lùi ẩn chứa nhiều rủi ro.
Ban Biên tập Y5Cafe xin giới thiệu lại bài viết của TS. Bảo Trung, Cán bộ Giảng dạy Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 để giúp bà con hiểu rõ vấn đề hơn.
Trên báo Sài Gòn Giải Phóng ra ngày 01/3/2010, có đăng nội dung sau:
“… ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) phát biểu, ngành cà phê trong nước phải đối mặt với những biến động quá lớn, diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê theo phương thức trừ lùi thua lỗ rất nặng. Vì có những doanh nghiệp ký hợp đồng trừ lùi lên đến 90-100, thậm chí 120 USD/tấn lúc đầu vụ.
Đầu tháng 11-2009, VICOFA một lần nữa khuyến cáo, các doanh nghiệp hạn chế bán cà phê theo hợp đồng trừ lùi, nhất là bán theo kỳ hạn quá xa. Do không làm chủ thị trường London, nếu bán kỳ hạn quá xa sẽ dễ bị nhà đầu cơ ép giá. Chỉ nên bán giao hàng trong 1-2 tháng kế tiếp.
Sau đó, Câu lạc bộ những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu cũng đã thống nhất, để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và người trồng cà phê, cần hợp tác về phương thức thu mua và xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung bán hàng theo phương thức giao ngay, kiên quyết không bán theo phương thức trừ lùi. Đây là bài học đắng cay mà VICOFA dù đã cảnh báo các doanh nghiệp mấy năm nay vẫn không tránh được”.
Ở Việt Nam, trong thời gian qua, các doanh nghiệp áp dụng một trong hai phương thức ký kết hợp đồng xuất khẩu cà phê ra nước ngoài.
– Thứ nhất, đó là phương thức giao ngay, thuật ngữ tiếng Anh gọi là outright.
Theo phương thức này hai bên mua và bán ký kết hợp đồng với giá cố định tại thời điểm hiện tại và thời gian giao hàng cố định. Họ không quan tâm đến giá tại thời điểm giao hàng cao hơn hay thấp hơn giá cố định.
– Thứ hai, phương thức differential hay price to be fixed, được gọi theo tiếng Việt là phương thức “trừ lùi, chốt giá sau”.
Phương thức bán hàng này được xem là một trong công cụ phòng chống rủi ro giá cả. Do vậy, kể từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ 20 đến nay, đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng phương thức này mà không áp dụng phương thức outright.
Vậy, tại sao từ tháng 10 năm 2008 đến nay, VICOFA thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp không nên dùng? Trong khi đó, trước thời điểm đó, cũng chính VICOFA khuyến cáo nên dùng. Bài viết sau đây sẽ làm rõ bản chất của phương thức kinh doanh này để các doanh nghiệp hiểu và vận dụng phù hợp với thực tiễn.
Phương thức kinh doanh chốt giá sau (Price-to-be-fixed – PTBF) là hình thức cho phép người mua hoặc người bán “chốt giá” tại thời điểm nào đó trong tương lai, trước khi thực hiện giao, nhận hàng. Người mua và người bán sẽ thỏa thuận về số lượng, chủng loại, tháng giao hàng (delivery month). Riêng đối với điều khoản giá thì sẽ áp dụng một trong hai hình thức: thứ nhất, giá thanh toán là giá “trừ lùi” (minus) hoặc thứ hai, giá cộng thêm (plus) so với giá kỳ hạn (futures price).
Giá kỳ hạn này thường căn cứ vào giá trên Sàn giao dịch hàng hóa London (Liffe). Nếu chất lượng hàng hóa của người bán thấp hơn tiêu chuẩn chất lượng quy định trong hợp đồng kỳ hạn sẽ sử dụng áp dụng “giá trừ lùi” (minus); nếu tốt hơn sử dụng “ giá cộng thêm” (plus).
Như vậy, bản chất của “giá cộng thêm” hoặc “giá trừ lùi” ở đây là so sánh chất lượng hàng hóa mà cụ thể ở đây là cà phê Robusta loại 2 với cà phê Robusta loại 2 đã được tiêu chuẩn hóa trên Sàn giao dịch kỳ hạn London.
Có hai loại hợp đồng chốt giá (Fixing price) sau:
– Loại thứ nhất, hợp đồng người bán nắm quyền chốt giá (PBTF – Seller’s call contracts)
Đây là hợp đồng bằng văn bản cho phép người bán chốt giá bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên của một hợp đồng kỳ hạn cụ thể. Rủi ro giá cả do người mua chịu, nên người mua phải sử dụng hợp đồng kỳ hạn để bảo hộ rủi ro.
– Loại thứ hai, hợp đồng người mua nắm quyền chốt giá (PBTF – Buyer’s call contract)
Đây là hợp đồng cho phép người mua chốt giá bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên của một hợp đồng kỳ hạn cụ thể. Rủi ro giá cả do người bán chịu, nên người bán phải sử dụng hợp đồng kỳ hạn để bảo hộ rủi ro.
Để hiểu rõ hơn phương thức kinh doanh này, chúng ta xem ví dụ sau về cơ chế xác định giá hợp đồng xuất khẩu cà phê theo phương thức “trừ lùi chốt giá sau”, người bán nắm quyền chốt giá:
Giả sử hôm nay ngày 01/06/2010, người bán (Việt Nam), người mua (nước ngoài) thỏa thuận mua bán như sau:
- Số lượng: 100 tấn cà phê robusta loại 2;
- Tháng giao hàng: tháng 01/2011;
- Giá cả hai bên thỏa thuận trên hợp đồng ngoại thương thể hiện như sau: London Robusta January minus 100 USD/ton.
- Người bán nắm quyền chốt giá (PTBF – Seller’s contract)
Điều này có nghĩa là giá thanh toán (settlement price) sẽ được chốt theo giá kỳ hạn (futures price) của hợp đồng kỳ hạn cà phê robusta, giao hàng vào tháng 01/2011 của thị trường Luân Đôn (LIFFE). (Theo quy định của LIFFE, thời hạn giao hàng của hợp đồng kỳ hạn trong năm vào tháng 1, 3, 5, 7, 9 và 11)
Theo quy định về hợp đồng kỳ hạn cà phê Robusta của Luân Đôn, ngày thông báo giao hàng đầu tiên (first delivery notice day) là bất cứ ngày nào trong tháng giao hàng của hợp đồng kỳ hạn. Như vậy nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ quyết định chốt giá bất cứ ngày nào sau khi ký hợp đồng cho đến ngày thông báo đầu tiên của tháng giao hàng của hợp đồng kỳ hạn (1/2011) trừ lùi 100 USD/tấn.
Sau khi ký hợp đồng, lúc nào giá thị trường trong nước xuống, nhà xuất khẩu tiến hành mua vào cho đủ 100 tấn; lúc nào giá LIFFE tăng sẽ chốt giá. Giả sử giá bình quân của lô hàng mua vào là 20.000đ/kg. Ngày 01/11/2011, giá kỳ hạn của hợp đồng kỳ hạn giao hàng tháng 01/2011 của LIFFE là 1.300 USD/tấn thì giá thanh toán (settlement price) sẽ là 1.200 USD/tấn; tương đương 24.000đ/kg (lấy tỷ giá 20.000 VND/USD). Như vậy nhà xuất khẩu tính toán thấy mức chênh lệch 4.000 VND/kg, sau khi trừ thuế, phí lưu kho, lãi vay ngân hàng và những khoản khác vẫn lời, nhà xuất khẩu quyết định gọi cho người mua chốt giá theo giá trên hợp đồng là 1.200 USD/tấn và đến 01/2011 giao hàng.
Như vậy, nhà xuất khẩu an tâm lô hàng này đã có lời. Vậy tại sao Vicofa khuyến cáo các doanh nghiệp không kinh doanh theo phương thức này vì sợ rủi ro. Ở đây có ba vấn đề nảy sinh trong thực tế.
1.Thứ nhất, tùy theo kinh nghiệm và khả năng đàm phán với người mua mà mức trừ lùi khác nhau. Qua khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, “mức trừ lùi” của các doanh nghiệp có khác nhau.So sánh hợp đồng của Công ty Simexco Đăk Lăk và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) tại thời điểm ký kết hợp đồng tháng 1/2007 như sau:
Loại cà phê | Thời hạn giao hàng | Hợp đồng chốt giá | Mức trừ lùi (USD/tấn) | |
SimexcoDak Lak | Vinacafe Buôn Ma Thuột | |||
R2 | Tháng 5/2007 | Kỳ hạn 5/2007 | 70 | 120 |
Như vậy, doanh nghiệp nào có mức trừ lùi cao có khả năng khó cạnh tranh mua cà phê nhân xuất khẩu với doanh nghiệp có mức trừ lùi thấp. Điều này có nghĩa doanh nghiệp bị trừ lùi cao bị thiệt hơn doanh nghiệp có mức trừ lùi thấp.
2. Thứ hai
Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn không đủ vốn mua hàng để tồn trữ nên họ thường thực hiện sai phương thức này dẫn đến thua lỗ. Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn thường mua hàng trước để dự trữ trong kho và theo dõi giá kỳ hạn khi thấy giá lên có lời họ sẽ “chốt giá”. Điều này có nghĩa họ đã có lời. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực kinh tế (không có tiền mua dự trữ) và ngân hàng không cho vay trên hợp đồng chưa có giá cụ thể nên các doanh nghiệp này khi sắp đến ngày giao hàng tiến hành “chốt giá” để vay tiền ngân hàng mua hàng. Trong trường hợp này nếu giá cà phê nhân xuất khẩu trên nội địa thấp hơn giá trên hợp đồng thì doanh nghiệp có lời còn ngược lại thì thua lỗ. Tuy nhiên trong thực tế khi doanh nghiệp thực hiện mua vào để giao hàng thì giá cà phê nhân xuất khẩu trên thị trường nội địa có xu hướng tăng làm doanh nghiệp bị thua lỗ.
3. Thứ ba
Ciá cà phê trên thế giới từ khoảng tháng 10/2008 đến đầu năm 2010 có xu hướng tăng giảm bất thường và các doanh nghiệp Việt Nam thường “chốt giá” vào thời điểm giá xuống do “tâm lý sợ giá xuống nữa” nên dẫn đến thu nhập thấp hoặc thua lỗ.
Đây chính là một số nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, điều này không phản ánh bản chất kinh doanh của phương thức này mà cho thấy trình độ vận dụng phương thức này của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Do vậy, việc Vicofa khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh cà phê xuất khẩu không áp dụng phương thức này là đi ngược lại xu hướng phát triển của thế giới. Nếu vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể lớn mạnh và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
>> Doanh nghiệp cà phê: Yếu vì thiếu kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế
TS. BẢO TRUNG
Xin cảm ơn ban biên tập Y5 đã cho bà con cà phê chúng tôi thêm kiến thức mới rất bổ ich. Thời đại mới thật thú vị: ai không có kiến thức sẽ thất bại. Bà con làm cà phê vất vả lắm, DN cũng phải lao tâm khổ tứ để làm ra đồng tiền chứ không nên dùng chiêu ép giá bà con như lâu nay vẫn làm để nước ngoài hưởng lợi. Ra làm ăn với nước ngoài đòi hỏi cả ngành cà phê phải mạnh bên cạnh lợi ích cá nhân còn phải tính lợi ích chung nếu không ra đi là tương lai không xa.
Nếu dùng phương pháp outright đối với cà phê thì càng chết nặng hơn nữa vì giá cà phê biến động hàng ngày. Đa số hiện nay các DN đều thiếu vốn thì là vì có cà phê dự trữ trong kho để mà bán theo pp outright, tốt nhất vẫn là dùng phương pháp chốt giá sau.
Bài báo có nói do trình độ vận dụng phương thức này của doanh nghiệp còn hạn chế là sai, chẳng khó khăn gì khi vận dụng phương thức này cả: cứ ký hợp đồng xong, thu mua nguyên liệu hôm nào thì chốt giá bán luôn hôm đó. Đơn giản như vậy thôi mà các DN vẫn chết như rệp lý do lòng tham vô đáy, mua nguyên liệu xong hôm sau giá xuống thì cứ chờ giá lên mới chốt, khi giao hàng xong nếu không chốt.
Anh TS Bảo Trung này có lẽ chưa giành về cà phê lắm thì phải. Nếu giải bài toán kinh doanh cà phê như Anh đưa ra thì chẳng có doanh nghiệp kinh doanh cà phê nào lỗ cả. Tôi xin giải một số ý kiến tại sao Vicofa lại khuyên nên lựa chọn giá Outright chứ không chọn trừ lùi:
Bỏ qua việc doanh nghiệp nào đàm phán tốt hay không tốt ta hãy xem lại thời điểm bán hàng. Ví dụ người bán hàng là Công ty TNHH XNK 1TV 2-9 Đăk Lăk, Loại cà phê bán là R2-5% đen vỡ (12.5-1-5), thời gian giao hàng cùng là tháng 6/2011. Lấy giá của thị trường LIFFE là 07/11. Cùng bán cho 1 khách hàng là Armajaro. Và Công ty 2-9 Bán tại thời điểm tháng 11/2010 thì giá trừ lùi là 110-140USD/tấn. Còn nếu bán vào tháng 5/2011 thì lại là giá trừ lùi chỉ còn 50-70 USD/tấn => Công ty bị lỗ.
Theo Tôi thì bán giá Outright hay bán giá trừ lùi DNTN đều bị lỗ. Kinh doanh cà phê hiện nay như đánh bạc bởi nguyên nhân sau:
+ Tỷ giá ngoại tệ: Việc chính phủ không ổn định được tỷ giá ngoại tệ là một trong những yếu tố chính làm cho DN bị lỗ. Tỷ giá USD/VNĐ chênh lệch thực tế giữa Ngân hàng và ngoài thị trường chênh lệch cao (500 VNĐ), khi USD về DN phải bán cho Ngân hàng với giá thấp, trong khi đó khi mua hàng của người dân lại phải áp dụng tỷ giá USD ngoài chợ đen => để tránh bị lỗ DN buộc phải đầu cơ (bán trước hoặc mua trước) = Đánh bạc
+ Lãi suất tiền vay & lạm phát cao: Khi thực hiện việc mua bán hàng cả người mua và người bán đều tính toán vá áp chi phí cố định để đưa ra giá hợp lý nhất. Và thường dựa trên chi phí bình quân của vụ mùa trước để áp dụng cho vụ mùa sau. Tuy nhiên với chính sách lãi suất tiền vay liên tục tăng và tình hình lạm phát tăng cao dẫn đến giá nhân công, vận chuyển, giá xăng dầu => tất cả các chi phí khi doanh nghiệp cơ cấu lúc bán hàng thấp hơn rất nhiều so với chi phí thực tế phát sinh khi doanh nghiệp giao hàng => > để tránh bị lỗ DN buộc phải đầu cơ (bán trước hoặc mua trước) = Đánh bạc
+ Sức mạnh về tài chính + công nghệ của các Công ty nước ngoài: Họat động với số vốn lớn và được vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn gấp nhiều lần. Ngay từ đầu vụ các Công ty này tập trung thu mua dự trữ cà phê với số lượng lớn tạo ra sự thiếu hụt cà phê trên thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh của các DN Việt Nam. Đề mua được hàng thực hiện các hợp đồng giao ngay các DN phải tăng giá để mua hàng. Khi giá đã lên cao chính các doanh nghiệp nước ngoài này lại bán cà phê ngược lại cho các DN VN để giao hàng cho chính họ. Mặt khác, giá cà phê được xác định theo thị trường LIFFE. Hầu hết các giao dịch mua bán cà phê quốc tế đều được đưa lên thị trường (kể cả bán Outright và bán trừ lùi), số lượng mua bán hàng ngày, nhu cầu đặt mua, đặt bán các Công ty nước ngoài đều nắm rõ. Vì vậy không chỉ thao túng trên thị trường cà phê thực, các Công ty nước ngoài còn thao túng thị trường cà phê trên mạng. Trong khi các doanh nghiệp VN hầu như mù tịt về các thông tin này. Vì vậy kinh doanh cà phê tại VN chẳng khác gì đánh bạc.
Trên đây là những ý kiến của Tôi rất mong mọi người bổ sung và góp ý
Các DN xuất khẩu cà phê trong nước, đấu thầu mua tạm trữ 300.000 tấn ngay từ đầu vụ, vốn trích từ nguồn XK cà phê, thiếu thì bổ sung từ ngân sách, lài xuất hợp lý, kết thúc vụ DN phải trả đủ cả vốn lẫn lãi, ông nào chây lỳ vụ sau bị loại.
Cơ chề thị trường , làm gì có cạnh tranh lành mạnh. Lâu nay các DN xuất khẩu cà phê trong nước biết yếu thế về mọi mặt mà vẫn liều đánh bạc với Cty nước ngoài, thua còn kêu nỗi gì. Nông dân trồng cà phê ai mua giá cao là bán, bất kể DN trong nước hay ngoài nước.
Từ nay nhà nước đánh thuế sòng phẳng đối với mọi DN, DN nước ngoài lách bằng cách chuyển hàng, chuyển giá cho công ty mẹ ở nước ngoài.
VN là quốc gia sản xuất và XK cà phê Rubusta số 1 thế giới mà không chi phối được giá cả thì hèn thật.
Tiêu cay@: Bạn xem thị trường LIFFE xem tổng số lượng giao dịch cà phê Robusta là bao nhiêu? Vd theo giao dịch ngày 25/08/2011:
Price watch London tháng 09/11 London chart: Giá khớp 2345 Cao nhất 2365 Thay đổi -20 Thấp nhất 2301
% thay đổi -0.85 Hôm trước 2365 Số lượng 13265 HĐ mở 32442
Số lượng giao dịch khớp là: 13265 lot = 132650 tấn.
Một ngày giao dịch đã như vậy => Một năm thì giao dịch bao nhiêu Lot. Chưa nói đến ngày 25/08 đây chỉ là thời điểm cuối vụ của mặt hàng Robusta, giao dịch không nhiều.
Sản lượng của VN chỉ khoảng 1.100.000 tấn = 110.000 lot = giao dịch trong vòng 10 ngày.
Vậy làm sao có thể chi phối được thị trường cà phê thế giới TIÊUCAY@. VN chỉ có thể gây ảnh hưởng lớn thôi bạn nhé.
Tổng sản lượng cafe hàng năm trên thế giới chỉ chiếm 2 % tổng hàng giao dịch trên sàn ông à. Đọc bài của tepi thấy ngụy biện cho nguyên nhân thua lỗ của các DNTN không à. Sao không thấy mấy ông giải thích tại sao mấy ông làm kinh doanh cafe thì ông nào cũng giàu quá, nhà lầu xe hơi xịn mua nhà nhi dưỡng, trong khi nhà nước và nhân dân thì …
Hoang thang@
Đó không phải ngụy biện mà đó là thực tế đang diễn ra. Ai cũng thấy cả, tôi không làm cho một công ty cà phê nào cả nên chẳng có thì mà ngụy biện cho họ.
Còn mấy Ông làm cà phê sao mà giàu quá thì Anh phải nhờ đến Cục thuế hoặc nhờ Công An (cơ quan của Nhà nước) điều tra xem tại sao lại giàu. Tôi không đủ năng lực để giải thích cho Anh đâu.
Một vấn đề nữa xin nói với Tiêu cay @. Đã tham gia thị trường thì sẽ phải tuân theo qui luật đào thải, doanh nghiệp nào mạnh thì tồn tại, doanh nghiệp nào thất bại sẽ bị loại bỏ. Ở đây tôi không kêu than dùm các DN trong nước, Tôi chỉ nêu ra cho mọi người biết các DN trong nước khó khăn như thế nào.
Mặc dù DN bị thua lỗ, nhưng DN VN chính là những người đối trọng với DN nước ngoài. Các DN nước ngòai không thể tự tung tự tác, áp đặt giá cả cho người dân. Người hưởng lợi hiện nay đó chính là người dân do sự cạnh tranh khốc liệt giữa DN trong nước và DN nước ngoài. Khi chỉ còn DN nước ngoài tham gia vào thị trường cà phê khi đó người dân sẽ biết TIÊU CAY @
Nếu biết là đối trọng thì phải liên kết để có thêm sức mạnh. Tại sao DNVN lại o ép nông dân, vô hình chung đẩy họ về phía đối trọng của mình?
Dân ta có câu : chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!
Có chỗ nào thể hiện sự tự tung tự tác, áp đặt giá cả cho người dân của DNNN ? nhờ Teppi chỉ hộ. Theo tui câu này dành cho DNVN từ trước đến nay thì thấy rõ hơn.
Khi nào chỉ còn… vẫn chỉ là sự suy diễn chủ quan về chuyện độc quyền ngày xưa thôi, thời đại và nhận thức lạc hậu rồi, vì khi ấy sẽ nảy sinh phương cách khác thôi.
Chính Trung GL@:
Bạn đã giao dịch mua bán với các DNNN chưa vậy? Trước đây tôi có làm cho một công ty cà phê xuất khẩu. Họ ép giá bằng cách bán trừ lùi, họ đưa ra mức giá lùi cao. Khi giá lên Ông có muốn bán hàng thì các DNNN cũng đâu có mua, Có đặt giá lên thị trường Liffe thì cũng không khớp. Bán Outright họ không mua. Khi vào vụ thì họ yêu cầu mua với số lượng nhiều, giao đều cho tất cả các tháng. Nếu bán số lượng ít, chỉ giao những tháng gần thôi thì DNNN không ký hợp đồng. Chẳng những vậy còn liên quan đến việc thanh tóan tiền, giao hàng… Cái dở hơi nhất của Việt Nam là các DNTN không liên kết được với nhau, mỗi Ông làm theo một cách, có khi các Ông xuất khẩu lớn ngồi cùng một bàn với nhau lãi cãi nhau, đánh nhau là có. Hiệp hội cà phê ca cao chẳng có tiếng nói quyết định, chỉ mang tính bù nhìn. DNTN thì quản trị theo cách thức lạc hậu, độc quyền…=> Chính vì vậy mà Tôi cũng đã không theo ngành cà phê từ 4 năm nay rồi. Nhưng Tôi vẫn muốn tìm hiểu, nghiên cứu về ngành này lên diễn đàn để xem có phương án khắc phục hay không?
Về chơi trò cá lớn nuốt cá bé thôi bạn Chi Trung GL.
Đúng ! cá lớn nuốt cá bé là trò chơi kinh tế thị trường. Tất cả là cá lớn thì dễ gì nuốt được nhau. VN là cá quá bé nên các nhà đầu cơ mới nuốt được. Teppi quá sợ các nhà đầu cơ cá mập thế giới, nghỉ chơi cà phê là biết khôn. Vài năm nữa, khi bà con trồng cà phê VN có bát ăn bát để sẽ sẵn sàng đối trọng với cá mập bằng cách bán từ từ không bán rẻ, sớm muộn gì cá mập cũng chết đói, hết làm mình làm mẩy như Teppi kể lể. Lâu nay DN trong nước thích mua rẻ, bán rẻ, nông dân còn nghèo thì ngành cà phê VN thiệt nhất vẫn là nông dân và ngân sách nhà nước thất thu.
Tôi thấy VICOFA nói 10 chỉ trúng 2-3 thôi, họ chả giúp ích gì được cho nông dân.
Qua tranh luận này càng cho thấy rõ những người điều hành không nắm vững thị trường cà phê, bởi vì với thị trường cạnh tranh và mở như hiện nay thì cách thức áp dụng phương thức mua bán tùy vào từng thời điểm, tùy vào tình hình biến động kinh tế thế giơi, tùy vào cung – cầu …. đâu phải nhất thiết lúc nào cũng rập khuôn. Bằng chứng vụ mùa 2010-2011 vừa qua nếu ai bán trừ lùi ngay từ đầu và huy động hàng kịp thời thì LÃI lớn, như thế khuyến nghị không nên bán trừ lùi vào thời điểm vụ mùa vừa qua là sai . Kinh doanh là thiên biến, vạn biến phải linh hoạt tùy thuộc vào thực tế tình hình .
Trước hết, tôi rất cám ơn Ban biên tập giacaphe.com đã đưa bài của tôi viết lên website. Thứ hai, tôi cũng rất cám ơn các anh/chị đã có nhiều ý kiến thảo luận góp ý. Theo tôi tất cả các ý kiến đều hay và đều hữu ích. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tiếp cận thực tiễn nhiều hơn để có thể góp phần cùng nông dân và doanh nghiệp phát triển. Số liệu trừ lùi của Simexco và Vinacafe Buôn Ma Thuột tôi thu thập từ năm 2007 nên có thể hiện nay không chính xác. Môi trường kinh doanh ngày nay thay đổi nhanh chóng nên có nhiều điều ngày hôm qua đúng, hôm nay sẽ sai. Cám ơn tất cả.
TS.Bảo Trung – Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II – 45 Đinh Tiên Hoàng Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; email: baotrung@cmard2.edu.vn; Di động: 0918622998.