Thấy bà con hào hứng, trong sự hào hứng này Vỹ cũng “phát hiện” ra nhiều nhân viên của VPĐD, cũng có người gọi điện hỏi thăm và chia sẻ nên Vỹ quyết định viết thêm 1 chút nữa trong phần “Khảo sát mùa vụ” này. Viết để chia sẻ, do đó bà con cứ cùng chia sẻ thoải mái.
Xem thêm: > Khảo sát mùa vụ, họ đã làm như thế nào? (Phần 1)
Để làm tốt công việc “khảo sát mùa vụ”, cái quan trọng nhất chính là “phương pháp”, Tây gọi bằng cụm từ Methodology.
Các sinh viên Nông Nghiệp của Việt Nam mình cũng học 1 môn gọi là “Phương pháp thí nghiệm đồng ruộng” để so sánh có ý nghĩa giữa các “mẫu khảo sát”. Nhưng phần nhiều sinh viên không hiểu hết và không hứng thu khi học nên khi ra thực tế họ đều không biết cách áp dụng.
Quan trọng nhất của phương pháp chính là phải tính ra được “dung sai” và “công thức tính bình quân” của mỗi kết quả. Có làm được như vậy thì kết quả sau cùng mới sát đúng với thực tế và có độ lý luận khoa học hợp lý.
Các bạn cũng phải để ý đến sự khác biệt trong “thói quen canh tác” của mỗi quốc gia khác nhau nên phương pháp cũng phải có những sự điều chỉnh phù hợp thì kết quả mới khả quan.
Theo tôi biết, về độ chuyên sâu và rộng khắp thì có Louis Dreyfus làm rất tốt, Noble cũng làm rất được, nhưng ngôi sao sáng trên bầu trời này có lẽ là 1 chuyên gia của Armajaro… Phần này coi như khuyến mãi cho các bạn đọc chơi.
Giờ quay lại chủ đề chính, có lẽ phần thắc mắc mà nhiều người đặt dấu hỏi sẽ chỉ tập trung vào 2 điểm chính là làm sao để thực hiện tốt 1 Test Sample và làm sao để thực hiện tốt 1 Quesionare. Theo ý kiến chủ quan của riêng tôi thì cứ căn cứ vào thực tế mà xây dựng phương pháp. Ai mà sách vở quá sẽ dễ bị rối khi thực hiện.
Sau khi có kết quả khảo sát mùa vụ thì phần tiếp theo họ sẽ làm gì?
1. Đánh giá “cơ cấu hàng hóa”: Nói thì chữ nghĩa vậy thôi nhưng đó chính là đánh giá trong 1 kg cà phê nói chung sẽ có bao nhiêu % R1-18 + bao nhiêu% R1-16 + bao nhiêu % R2 và các phẩm cấp thấp hơn. Có công ty còn kỹ đến mức đánh giá luôn “tỷ trọng” của các loại.
Họ cần các thông tin này để làm gi? Dĩ nhiên họ có lý do. Lý do gì thì Vỹ xin phép không nói vì sẽ đụng chạm đến nhiều vấn đề khác. Ai quan tâm xin cứ gửi mail riêng, có thể Vỹ sẽ trao đổi thêm.
2. Đánh giá các Processing House (các cơ sở chế biến ) và đại lý thu mua hàng (Buying Point): Khi nói ra điều này có thể nhiều người sẽ cười vì khi mua hàng, các công ty nước ngoài thường “chỉ định” các công ty giám định tới kiểm và “niêm chì” lô hàng họ đã mua nên chuyện đánh giá này là thừa chăng? Tuy nhiên điểm mấu chốt nằm ở chỗ cái gọi là “quyền lực của người bán” mà rất ít người để ý thấy.
Đây là quan điểm của riêng tôi nên có thể nhiều người có ý kiến khác, xin cứ tranh luận (debate) chứ không nên chê hay trách (deface).
Tại sao gọi là “quyền lực người bán”?
Nếu mua bán đơn giản là có hàng rồi mới bán thì không bàn tới làm gì nữa! Tuy nhiên thị trường có lúc này lúc khác. Nhiều khi các hợp đồng được kí nhưng hàng thì một thời gian sau mới giao vào kho và quan trọng hơn là khi thời tiết không thuận lợi mà các kho làm hàng vẫn có thể giao hàng đúng hẹn và đủ số, đó mới là vấn đề đáng nói ở đây.
Có rất nhiều trường hợp bị “cháy hàng” do không đánh giá đúng năng lực của các kho làm hàng. Và trong khi mua bán sẽ có những thời điểm “ khan hàng” thì những kho làm hàng “được phân loại tin cậy” mới được dành cho những ưu ái khác biệt từ phía người mua .
Sau khi có tất cả các thông tin trên, các công ty nước ngoài sẽ tìm hiểu thêm điều gì? Điều không thể không nói tới chính là chi phí giao hàng từ địa phương đến cảng và các chi phí “document” của lô hàng đó.
Đây mới chỉ là một phần trong những tìm hiểu của các công ty nước ngoài về thị trường cà phê sôi động của Việt Nam. Đọc đến đây có lẽ quý vị sẽ đồng ý với tôi 1 câu : sao mà họ rành rẽ về mình quá vậy? Và rõ ràng nếu mình không thể giấu họ điều gì thì cách mua bán hàng hóa của chúng ta hiện nay có phải là đang có vấn đề không?
Đó là 1 câu hỏi lớn mà không phải ai cũng dễ tìm câu trả lời… Bữa nay Vỹ chỉ mạn phép “cà kê” thêm 1 chút… Hôm nào có thời gian sẽ suy nghĩ và viết về một số trường hợp điển hình.
Dĩ nhiên đây chỉ là kinh nghiệm của riêng bản thân và tôi chia sẻ đến với tất cả mọi người, không hề cố ý lên lớp hay xuyên tạc điều gì. Cho nên ai có điều gì xin được trao đổi qua email hoặc comment trên Y5Cafe.
>> Biến động của thị trường cà phê phụ thuộc vào yếu tố nào?
Phạm Vỹ (Giacaphe.com)
hi hii !
Tui thấy báo Saigontimes copy bài viết của bác Vỹ trên Giacaphe.com về đăng lại nhưng chỉnh sửa tùm lum, khác với bản gốc của Y5, rồi còn bày đặt chuyên gia hỏi và trả lời nữa y như thật, bác Vỹ có biết không?
Hay thật! Tờ báo lớn sao lại làm mắc cười quá!
Họ làm sao bằng báo ta trong lĩnh vực cà phê được nên họ phải lấy lại nguồn của chúng ta là đáng mừng chứ Còn chuyện, họ sửa thì theo cách họ làm thôi, theo khuôn khổ báo của họ, miễn sao nội dung chính không thay đổi là OK rồi.
Bác đọc chưa mà biết nội dung ko đổi? Thế còn hỏi đáp nữa thì sao, trong khi tác giả ko biết? Đó là cách làm của báo chí có uy tín sao?
Thấy khó chịu!
Anh Vỹ ơi! cho Bà con thêm chút kiến thức nữa đi anh. Cám ơn anh.
cảm ơn vì bài viết của bác Vỹ. mong bác tiếp tục
Phải bà con nói cái bài này không ?
http://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/chuyengiatuvan/56004/Nuoc-ngoai-khao-sat-mua-vu-ra-sao?.html
Anh Hồng Văn ơi ới ời …
Nói em 1 tiếng chứ ? hehehe, chơi vậy mai mốt ai “dám” viết bài cho anh nữa.
“Chuyên trang Nông sản xin lược trích bài viết đăng trên website Giacaphe để bạn đọc hiểu rõ hơn.”, mình có ghi nguồn rõ ràng đấy thôi.
Theo em được biết thì các công ty cà phê nước ngoài có khảo sát tại Việt Nam có Acom, Ned, Amajaro, Dakman, Louis Dreyfus, Nestle… đều rất bài bản. Họ có những người chuyên làm khảo sát tại từng địa phương.
Tôi rất thích bài viết của Phạm Vỹ. Tôi muốn tìm hiểu thêm về thị trường cà phê thế giới . Nếu có thờì gian anh Vỹ có thể cho biết về đơn vị tính của 2 sàn arabic , và độ ẩm là bao nhiêu và kích cỡ hạt cũng như phần trăm tạp chất. . Thanks !
Họ am hiều về thị trường, thói quen canh tác, đời sống, và chính loại nông sản họ mua thì có phải chăng bất lơi cho mình hay không? nông dân có bị thiệt không? và những đầu mối thu mua của bà con có bị ảnh hưởng gì không?
Bài viết của bác rất hay, ko chỉ cafe mà hồ tiêu cũng được các công ty xnk lớn quan tâm. Ngoài thông tin hỏi một vài nông dân để biết thì những người đi khảo sát kinh nghiệm họ nhìn vườn là đã rõ. Ko những đánh giá năng suất, sl…mà họ quan tâm đến bạn đã dùng thuốc bvtv gì, thời gian nào…để biết rõ hơn về chất lượng nguồn hàng. Nông dân ko giấu được đâu ạ. Thẳng thắn và có quy trình sản xuất rõ ràng sẽ đưa đến thành công cho nền nông nghiệp Việt.
Cảm ơn bài viết của bác Vỹ! Mở mang được rất nhiều! Mong bác sẽ có những bài viết tiếp theo liên quan đến vấn đề này ạ! Rất bổ ích!