Chưa có vụ thu hoạch nào như năm nay, người trồng điều ở huyện Cát Tiên – Lâm Đồng lại có tâm trạng ngậm ngùi đến vậy. Rất nhiều diện tích điều ở huyện Cát Tiên đã bị mất trắng hoặc cho năng suất rất thấp, do cây điều bị bệnh thán thư và bọ xít muỗi phá hại.
Mỗi lần ra vườn điều, ông Phạm Văn Sướng (ở thôn Cao Sinh, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên) chỉ biết lắc đầu ngao ngán trước những cây điều khô cháy. Tưởng chừng năm nay gia đình sẽ có một nguồn thu đáng kể từ 3 hecta điều đã đến kỳ thu hoạch, nhưng giờ thì gia đình ông còn lỗ cả tiền công chăm sóc, dọn cỏ. Ông Sướng cho biết: Vào tháng 2 năm nay, vườn điều của gia đình ông ra hoa rất sai và đẹp, cả nhà rất mừng vì ước chừng có thể thu được khoảng 2 tấn hạt điều. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, những bông hoa dần bị khô héo. Rồi không chỉ hoa bị khô mà những lá ở đầu ngọn cây và lá ở cành cây cũng khô theo, sau đó lan dần đến gốc. Cành và thân của cây điều thì bị xì mủ khiến cây khô dần. Buồn, không chỉ vì vụ thu hoạch điều năm nay bị mất trắng hoàn toàn, mà gia đình ông Sướng còn buồn hơn khi 3 hecta điều non của gia đình cũng bị sâu bệnh phá hại và khô héo. Chưa có năm nào, ông Sướng cũng như nhiều nông dân khác ở thôn Cao Sinh (xã Gia Viễn) lại buồn như năm nay bởi hầu hết các diện tích điều ở trong thôn đều chung cảnh ngộ. Một nguồn thu đáng kể từ cây điều được trông mong trong cả năm trời, giờ đã không còn gì nữa.
Không chỉ ở thôn Cao Sinh (xã Gia Viễn), mà còn ở các xã có nhiều diện tích điều, như: Đức Phổ, Mỹ Lâm, Tư Nghĩa, Tiên Hoàng, Đồng Nai Thượng… cũng bị bệnh thán thư, bọ xít muỗi phá hại, với các biểu hiện: khô hoa, rồi khô cháy lá và xì mủ thân cây. Đến xã Mỹ Lâm trong mùa điều này, hình ảnh của những đồi điều không còn là màu xanh của lá xen lẫn màu vàng, màu đỏ của những trái điều như những vụ thu hoạch trước nữa, mà chỉ thấy những mảng màu nâu xám của lá điều bị khô ngay trên cây. Gia đình chị Nguyễn Thị Cải (ở thôn Mỹ Thủy, xã Mỹ Lâm) có hơn 4 hecta điều (phần lớn là diện tích điều kinh doanh đã cho thu hoạch vài năm nay), năm ngoái đã cho sản lượng hơn 2 tấn hạt, nhưng năm nay chỉ thu được một nửa. Từ đầu tháng 3 năm nay, khi cây điều đã trổ hoa thì cũng là lúc nhiều cây điều trong vườn của gia đình chị Cải bị héo dần từ đầu ngọn hoa héo vào, rồi ngọn cây cũng từ từ khô dần, thân cây thì bị xì mủ. Do bị nhiễm bệnh nặng nên nhiều cây điều của gia đình chị Cải đã bị khô cháy. Những cây còn sót lại, năng suất thấp và chất lượng hạt cũng kém. Mặc dù buồn vì mất mùa điều nhưng hàng ngày, chị Cải vẫn cần mẫn đi nhặt mót từng hạt điều để được ít nào hay ít đấy.
Cũng có diện tích điều bị nhiễm bệnh, hơn nữa lại trồng các giống điều cũ cho năng suất thấp nên trong vụ thu hoạch điều năm nay, hơn 1 hecta điều của gia đình anh Lê Đức Tiên (ở thôn Mỹ Thủy, xã Mỹ Lâm) chỉ cho thu được khoảng 30 kg. Được đi tham quan các mô hình trồng giống điều mới cho hiệu quả kinh tế cao, nên anh Tiên đã quyết định chặt bỏ hoàn toàn hơn 1 hecta điều đã nhiễm bệnh để trồng lại.
Mặc dù năm nay giá hạt điều khá cao (đầu mùa trên 35 nghìn đồng và giữa mùa từ 23 đến 24 nghìn đồng/kg), nhưng vụ thu hoạch năm nay ở huyện Cát Tiên thật sự là một vụ thu hoạch thất bát. Trước tình hình nhiều diện tích điều trên địa bàn huyện bị nhiễm bệnh dẫn đến mất trắng hoặc cho thu hoạch với năng suất thấp, các cơ quan chuyên môn của huyện Cát Tiên đã phối hợp với các xã, thị trấn phổ biến cho bà con phương pháp điều trị, ngăn ngừa bệnh phát sinh mới, như: Chặt bỏ và đốt những cành bị bệnh, hun khói để đuổi bọ xít muỗi ; đồng thời, hướng dẫn cách chăm sóc để cây điều phục hồi dần.