Dự án cà phê chè lớn nhất Tây Nguyên phá sản

Sau 10 năm gắn bó với dự án, những gì mà 350 hộ công nhân nhận được là món nợ hơn 30 tỷ đồng; 350 ha cà phê phải phá bỏ vì sâu bệnh và kém năng suất; hàng ngàn người lâm vào cảnh lao đao.

Càng làm càng nợ

Các ông Bùi Xuân Bình, Nguyễn Đình Trọng, Đào Văn Lập, Nguyễn Văn Phương và hàng trăm hộ dân khác ở xã Quảng Tín huyện Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông đều có cùng một câu chuyện buồn giống nhau:

Năm 1997 họ vào làm công nhân cho Công ty Cà phê Việt Thắng (thuộc tỉnh Đăk Lăk cũ).

Trung bình mỗi hộ được Công ty giao khoán chăm sóc một hécta cà phê chè với mức khoán phải nộp là 14 tấn cà phê mỗi vụ.

Nhưng mót máy sạch sành sanh, người nhận khoán chỉ nộp được cho công ty khoảng một nửa số sản lượng được giao vì cà phê bị sâu bệnh cho năng suất quá thấp.

Liên tiếp từ năm 2000 cho đến nay, tình hình thiếu sản lượng khoán ngày một trầm trọng hơn vì cà phê ngày càng sâu bệnh và ít trái. Số nợ của nông dân trong dự án cà phê chè tăng dần lên đến gần cả trăm triệu đồng/hộ.

Chị Hồ Thị Phương rầu rĩ trong căn nhà ván mục nát: “Càng gắn bó lâu với dự án này chúng tôi càng nợ nần chồng chất. Hơn 10 năm quần quật làm lụng căn nhà nhỏ xíu này chúng tôi cũng không sửa sang nổi”.

Triển khai ồ ạt, phá sản nhanh

Năm 1995, UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt dự án phát triển cây cà phê chè Catimor ở hai huyện Đăk Nông và Đăk R’Lấp (nay là thị xã Gia nghĩa và huyện Đăk R’Lấp tỉnh Đăk Nông) với mục tiêu phát triển vùng đất này thành vựa cà phê chè lớn nhất Tây Nguyên.

Năm 1997, Công ty Cà phê Việt Thắng nhanh chóng triển khai dự án và trồng một lúc gần 350 ha ở huyện Đắk R’Lấp, đồng thời nhận 350 hộ công nhân vào chăm sóc.

Trước khi cà phê có thu hoạch, công ty này cũng được duyệt chi hơn 10 tỷ đồng xây dựng một dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất trong ngành cà phê để chế biến sản phẩm.

Nhưng ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, cây cà phê Catimor ở đây đã xuất hiện nấm bệnh nghiêm trọng và năng suất chỉ đạt 1/2 dự kiến.

Ông Nguyễn Khắc Trọng- Phó Giám đốc công ty Cà phê Đắk Nông (đơn vị nhận tiếp quản dự án sau khi tách tỉnh Đắk Nông) – cho biết: Cho đến nay, dây chuyền sản xuất cà phê Catimor trị giá 10 tỷ đồng vẫn chưa được Công ty Việt Thắng làm xong thủ tục bàn giao nên chưa có hướng xử lý. Còn về diện tích 350 ha cà phê đã chết thì cũng chưa biết sẽ được thay thế bằng cây trồng gì cho phù hợp.Các năm tiếp theo, nấm bệnh trên cây cà phê tiếp tục hoành hành và Công ty Việt Thắng lúc này mới nhận ra rằng việc trồng ồ ạt hàng trăm hécta cà phê chè trên vùng đất mới mà không qua thử nghiệm là sai lầm.

Dù sử dụng hết các loại thuốc phòng trừ nấm bệnh, diện tích cà phê này cũng không có dấu hiệu suy giảm nấm bệnh.

Phương án chữa cháy nhanh chóng được thông qua là giao diện tích cà phê trên về cho người dân nhận khoán, đồng nghĩa với trách nhiệm về chăm sóc và hoàn trả vốn đầu tư ban đầu đổ gần hết lên vai người nông dân.

Kể từ khi giao khoán vườn cây về cho nông dân, sâu bệnh trên cây cà phê chè ở Đắk R’lấp càng phát triển mạnh hơn. Và sau 10 năm nai lưng trả nợ, đến nay số nợ của nông dân phải gánh cho dự án này còn đến hơn 30 tỷ đồng.

Cho đến năm 2006, 350 hécta cà phê chè ban đầu chỉ còn sót lại 44 hécta sống lay lắt. Và đến cuối năm 2008 vừa qua, toàn bộ số diện tích này cũng bị biến thành củi khô.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng