Sự ngộ nhận về một thương hiệu

Để rộng đường dư luận về vấn đề xây dựng một thương hiệu cà phê độc đáo mà lâu nay chúng ta đã nghe nói đến là Cà phê Cứt Chồn, việc thực giả lẫn lộn rõ ràng là có, cho nên Y5Cafe cho đăng bài này để bà con nhận xét. Bài viết trên được đăng lại từ Tầm Nhìn tuy nhiên không có nghĩa là Y5Cafe đồng tình về quan điểm của bài viết, nhất là cách nhìn của tác giả theo kiểu “một lần gặp vàng giả thì kết luận rằng trên đời này không có vàng”. __KinhVu

(Tamnhin.net) – Để tạo ra một thương hiệu, sự thấu hiểu ý nghĩa của nó là rất cần thiết. Điều đó có thể bộc lộ đẳng cấp của ông chủ và cũng có thể tạo ấn tượng rất nặng nề đối khách hàng. “Hương chồn” là một ví dụ.

Trong thú ẩm thực của cha ông ta, nhất là thời xa xưa, có những nét rất tinh tế, rất “quái” và độc đáo.

Câu nói “gái một con – thuốc ngon nửa điếu” hay “rượu trên be – chè dưới ấm” là những quy ước “vui vẻ” nhưng sành điệu, dễ được xác nhận.

Với cà phê, một thời rừng rú còn nhiều, thú rừng đầy rẫy, có hiện tượng: con chồn tìm những cây cà phê có trái chín để ăn, sau đó thải hạt cà phê ra bằng đường tiêu hóa. Ai đó may mắn thì lượm được đống “phân” này đem về lọc, rửa rồi rang xay, chế biến ra cà phê thành phẩm.

Câu chuyện này “tôn” lên hai điểm: Con vật thường lựa những trái to nhất, chắc nhất để ăn phần vỏ ngòn ngọt, cái hạt còn lại chắc, nhiều chất và trội hơn trái khác.

Do đó, hẳn là cà phê “chồn” xem như có sự lọc lựa của tự nhiên, giá trị hơn.

Từ đó, câu chuyện này được “lưu truyền” và nhiều người đã xem “cà phê chồn” như một đẳng cấp của cà phê, nói đại ý thì đó là hàng “thượng hạng”. Nhiều nhà hàng cà phê còn trương hẳn biển hiệu “hương chồn” để thu hút khách như tấm ảnh trên.

Thực ra, điều đó bắt nguồn từ một loạt sai lầm.

“Hương chồn” mùi gì?

Nếu ai là dân miền núi thứ thiệt, hoặc là thợ săn, khi nghe cái “thương hiệu” kia có thể mắc… ói. Con chồn hoang thuộc loại cực kỳ hôi. Bộ lông của nó hấp thụ không khí rừng rú, hang hốc và… không được chăm sóc. Có chăng, nó chỉ thơm khi người ta làm lông xong, ướp gia vị và đưa vào lò nướng!

Ở miền thượng du phía Bắc có câu ngạn ngữ “Hôi như chồn như cáo” để chỉ ai đó vệ sinh thân thể kém.

Cho nên, kể cả khi làm được cái việc “tuyển cà phê” bằng thật như nói trên thì con chồn vẫn không thể nào thoát ly khỏi cái mùi khó ngửi của tổ tiên nó. Vì vậy, nếu có một không gian cà phê có… hương chồn bằng thật, có lẽ chỉ một tuần là hết khách, chuyển qua nghề cung cấp thú rừng!

Rừng Việt Nam còn bao nhiêu chồn?

Nếu ai đó nói cái thương hiệu kia có phần lạm dụng lòng tin của người tiêu dùng hay bịp bợm, thì cũng không… oan chút nào.

Trên thực tế, trước năm 2000, chúng ta hầu như đã hoàn thành cơ bản việc… phá rừng. Ở ngay Tây Nguyên, rừng nguyên sinh bị đẩy lùi sang bên kia biên giới, nơi trú ẩn của thú rừng nói chung, loài chồn nói riêng gần như bị xóa trắng. Nhiều loài thú rừng, trong đó có chồn, cáo, hươu nai hoang dã… chỉ còn trên giấy, trở thành quý hiếm.

Với dân trồng cà phê, việc chăm sóc, tạo thửa, canh phòng bảo vệ sản phẩm rất tốt. Nếu có dấu hiệu chồn về thì nó sẽ bị “lên đĩa” trong thời gian sớm nhất, chưa đủ thời gian “sản xuất” ký lô cà phê đầu tiên!

Cho nên, có thể khẳng định: thời nay, không có “cà phê chồn” nữa để mà mua với bán, mà thưởng thức. Như vậy, tấm biển trở thành một hình thức dối trá rất… tếu và phi lý!

Cà phê chồn, ngon hay không ngon!

Chúng ta đều biết: cà phê ngon hay không thuộc về nhiều nguyên nhân, mà nhân tố hàng đầu là chủng loại hàng và công nghệ chế biến.

Với con chồn, trong hoàn cảnh giả định thì nó không đủ… trình độ để phân biệt loại cà phê ngon để ăn, để mà “sơ chế” cà phê. Phàm là thú rừng, khi đói là ăn, gặp gì ăn nấy, gặp cà phê ăn cà phê, gặp ổi ăn ổi, khó có sự chọn lựa tinh tế.

Trong trường hợp đó, khi “bản doanh” ở gần nương cà phê mít, cà phê vối và bụng đói thì nó không thể bỏ nơi này đi thêm vài cây số kiếm bằng được cà phê chè, cà phê tốt hơn để “xực” và sau đó, thải ra cà phê ngon như người ta tưởng.

Cho nên, có thể nói, nếu có “quy trình” kia thật thì loài thú hoang này cũng chỉ đủ… trình độ chọn trái to, trái chắc của bất cứ loại cà phê nào để ăn thôi. Do đó, có thể nói, “cà phê chồn” trên thực tế dù có thật cũng không phải một “đẳng cấp” cà phê cao.

Kết lại, câu chuyện “cà phê chồn” không đơn giản là sự ngộ nhận và những hệ quả của nó, mà là sự thiếu sáng tạo, thiếu đầu tư, thiếu lọc lựa một hướng tiến, một thương hiệu trong thời hội nhập.

Điều đó xem như “lạy ông, tôi ở trình độ này” và ít nhiều gây tổn hại cho công cuộc làm ăn, kết nối của mình.

Theo: Tầm nhìn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Kinh Vu

    Để rộng đường dư luận về vấn đề xây dựng một thương hiệu cà phê độc đáo mà lâu nay chúng ta đã nghe nói đến là Cà phê Cứt Chồn, việc thực giả lẫn lộn rõ ràng là có, cho nên Y5Cafe cho đăng bài này để bà con nhận xét. Bài viết trên được đăng lại từ Tầm Nhìn tuy nhiên không có nghĩa là Y5Cafe đồng tình về quan điểm của bài viết, nhất là cách nhìn của tác giả theo kiểu “một lần gặp vàng giả thì kết luận rằng trên đời này không có vàng”.

  2. hoang phuc

    Tác giả bài viết này vẫn chưa hiểu ngọn ngành của loại cafe chồn, mới chỉ biết 1 vế về chất lượng quả . Ngoài ra khi chồn ăn hạt cafe được lên men tự nhiên trong ruột chồn hình thành một hương vị đặc trưng (giống như lên men cacao). Còn dùng hương liệu là lừa gạt khách hàng.

  3. Phạm Vỹ

    Ông nào viết bài này mà gặp Vũ – Trung Nguyên thì vui biết mấy.

    Nhiều khi đọc bài của phóng viên… té ngửa !

    Trước đây em cũng từng ” truy lùng” tác giả 1 bài viết trên báo Tuổi Trẻ về cà phê và gọi đàm đạo gần 90 phút để cố gắng làm cho phóng viên kia hiểu là anh viết thế thì giết nông dân rồi còn gì… thế rồi sau đó các bài viết của tác giả đó có phần ” trung dung ” hơn.

    1. Bờ Y

      Bác Vỹ nói vậy chưa chắc đã đúng! có khi đây là cách gọi là Scanđan cũng nên. Giờ đói kém thì phải cắt giảm chi tiêu chứ bác.

  4. Nguyễn Vịnh

    Thực ra sự hiểu biết của tác giả này thì không khác gì thầy bói sờ voi. Một bài viết ngắn mà có quá nhiều lỗi. Nhưng cái lỗi lớn nhất là thiếu một nền tảng nhận thức và văn hóa cần thiết.
    Đọc xong bài viết tôi cũng cảm nhận như Kinh Vu, có thể tác giả bực mình vì uống phải một thứ nước gì đó mà mãi sau này mới biết mình bị lừa nên đã chửi vống lên như kiểu Chí Phèo căm tức Bá Kiến rồi không làm được gì nó nên chửi cả làng Vũ Đại.
    Dù sao đây cũng là dịp để bà con hâm lại món thức uống độc đáo này theo cảm nhận của mỗi người, kể cả tôi. Tôi đang còn nợ bà con trên Y5 bài viết kỳ 10 : VN đã có cà phê chồn? mà tôi đang còn bỏ ngỏ.
    Và cũng là để góp phần giúp bà con biết giá trị đích thực của cà phê chồn.

    1. Hoàng

      Hy vọng bác Nguyễn Vịnh sẽ sớm cho ra phần 10 của loạt bài cà phê chồn,
      lâu nay theo dõi chuyên đề này nhưng thấy bỗng dưng dừng lại, tiếc quá !

    2. Văn Lưu

      Cháu mong ngóng bài viết đó của Bác ạ. Ở trên Sơn La quê cháu cũng có cà phê chồn bán. Nhưng lợi ích như thế nào đối với nông dân thì chưa kiểm nghiệm được.

    3. Ngo Cuong

      Nếu ta thấy người ta làm sai, đăng sai thì ta góp ý trực tiếp chứ không nên nói xấu sau lưng. Còn nếu Giacaphe đăng lên để rộng đường dư luận thì không nên để những phản hồi chê bai, Y5 làm như thế cứ nghĩ là nâng mình lên nhưng thực ra đang hạ giá trị mình xuống. Vài lời góp ý.

      1. Ban biên tập

        Như chúng tôi đã nói, để rộng đường dư luận hiểu về một vấn đề nên chúng tôi vẫn cho đăng lên ; đã đăng lên trước bàn quan thiên hạ, ý kiến của bà con cũng trước bàn quan thiên hạ, sao lại gọi là sau lưng?
        Vấn đề bạn nêu cà phê chồn Y5 chỉ là một việc nhỏ trong cái chung về một hướng đi mới đáng trân trọng của Nông dân VN nắm bắt ưu thế trời cho đang bị tác giả, và kể cả bạn, đánh giá sai vấn đề.
        Hơn nữa, bạn cần biết BBT Y5 không phải ai cũng đang làm cà phê chồn đâu, phần lớn đang làm những việc khác đấy bạn.

      2. nguyen duy liem

        Ý của bạn Ngo Cuong là đóng cửa bảo nhau, tốt khoe xấu che phải không. Cái kiểu giấu dốt như của bạn thật sự nguy hiểm cho xã hội.

  5. bò tót đực

    Thương hiệu không có nghĩa là một cái tên, một cái Logo cho một sản phẩm. Chúng ta thường dị ứng với quảng cáo là vì sao? nếu một sản phẩm có các tính năng: tốt, rẻ, bền và phù hợp với nền văn hóa nơi mà sản phẩm đã-đang-sẽ lưu thông thì đương nhiên sẽ được người tiêu dùng đón nhận đó là tự tạo lên thương hiệu.
    Bản thân em cứ nhắc đến Nhật Bản là em nghĩ đến bền, nói đến TQ là nghĩ đến hàng kém chất lượng, rẻ (rất đẹp), siêu coppy, nói đến Việt Nam là nghĩ đến hàng… cần kêu gọi người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam! người dân Hàn Quốc tiêu dùng 90% hàng Hàn Quốc và coi đó là tiêu chí yêu nước trong thời bình, 10% còn lại để các hàng ngoại hô hào quảng cáo và nâng cấp chất lượng sản phẩm.
    Người tiêu dùng Việt Nam cực kì chê hàng TQ nhưng trên 90% hàng hóa nhập ngoại tại Việt Nam là hàng TQ vì nó rẻ, đẹp, và là láng giềng với ta!

    1. Nguyễn Vịnh

      Điều quan trọng sao em không nghĩ là nó hợp với túi tiền của bà con nông dân và đông đảo người Việt nói chung. Khi đi chợ ta chưa nghĩ đến là sẽ mua cái gì trước khi ta nghĩ đến là trong túi mình có bao nhiêu tiền đã. Cái khó bó cái khôn là vậy đó!

  6. Bùi Hằng

    Thật tình khi đọc xong bài viết này tôi cảm thấy buồn cho anh phóng viên kiểu như “ếch ngồi đáy giếng” ngồi một chổ mà viết phóng sự.
    Cách đây một thời gian, tôi có làm phiên dịch viên cho một người Hàn Quốc, ông có nhu cầu muốn mua cà phê chồn. Tôi đã tìm kiếm rất nhiều trên google và đã tìm ra trang Y5cafe.vn
    Được anh chị Hương dẫn đi thăm vườn và trang trại nuôi chồn, và tận mặt chứng kiến cảnh những con chồn ăn hạt cà phê, được cầm trên tay những thỏi cà phê chồn.
    Ông khách người Hàn Quốc của tôi cũng đã mua thử 1kg cà phê nguyên thỏi và 0,5kg cà phê bột để về chào hàng bên Hàn Quốc. Ông nhận xét rằng hương vị của nó rất lạ, rất rất khác lạ (nguyên văn của ông) tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng giá cả mà công ty Y5cafe bán là hơi đắt và sẽ rất khó để thâm nhập vào thị trường.
    Thiết nghĩ cà phê chồn là một loại đặc sản, một loại cà phê hết sức đặt biệt mà người nông dân Việt Nam với lợi thế chưa tìm hiểu và khai thác. Và hy vọng rằng trong tương lai người tiêu dùng sẽ dần ghi nhận sự hiện diện của cà phê chồn.

    1. Ngo Cuong

      Trang báo giacaphe.com của Công ty Y5 cà phê đứng đằng sau, chuyên bán cà phê chồn, đăng mấy bài cà phê chồn của người khác, rồi sau đó phản hồi loạn xà ngầu, chê bai người khác, nâng cấp mình lên sao, liệu website này có fairplay không?

      1. Cafe Vối

        Bạn là ai mà cho là ý kiến bà con loạn xà ngầu?
        Đây là diễn đàn dành cho bà con thì bà con có quyền phát biểu, nghĩ như bạn mới là thiển cận.
        Xin mời bạn đi chỗ khác chơi!

      2. cafeculi

        Tôi nghĩ Ngo Cuong là một người tầm thường trong xã hội qua cách viết của mình.

      3. Đại ca chùa bộc

        Tôi là kẻ ngoài đạo, nhưng thực sự bài báo đã phủ nhận giá trị của cà phê chồn. Y5 đưa bài lên để bà con nhận xét và tất nhiên sẽ có người đồng tình với quan niệm bài viết và cũng có người đối lập. Đồng quan điểm không có nghĩa là a dua, nhận xét không đồng tình không có nghĩa là chê bai. Phản hồi nhiều thì chứng tỏ nó có vấn đề, mà càng nhiều vấn đề thì tác giả, mọi người có thể học hỏi được nhiều và rút ra nhiều kinh nghiệm.
        Tôi nghĩ dù Y5cafe có bán cà phê chồn hay không thì việc đăng những bài báo như vậy chỉ để mọi người đưa ra quan điểm của mình.

      4. Minh Trung

        Bạn Ngô Cường nên lắng nghe ý kiến của người khác và xem xét kĩ lại quan điểm của mình thì tốt hơn.

  7. Thanh Tam - cưkuin, bmt

    Tác giả nói vậy thì tại sao 1kg cà phê hạt (chồn nuôi) người ta bán được hơn cả triệu đồng. Nếu không ngon thì sao người ta mua giá cao vậy nhỉ?

  8. Văn Lưu

    Nếu như bài viết này nói thì đã không có chuyện cà phê chồn Việt Nam trở thành tặng phẩm văn hóa cho các vị lãnh đạo cao cấp ở nước ngoài rồi.

  9. Trống Bỏi

    Tác giả bài viết trên đã nói rất đúng ở một điểm “LẠY ÔNG TÔI Ở TRÌNH ĐỘ NÀY” đọc xong bài viết là biết ngay tác giả hẳn là còn trẻ lắm, cần học hỏi thêm trước khi viết bài, nhất là các vấn đề về chuyên môn. Điều lạ là trang Tầm nhìn thứ hạng cũng cao mà sao để lọt lưới bài này nhỉ ?

  10. nguyen duy liem

    Còn đây là tiêu đề phản hồi của tôi ”cà phê chồn, sự ngộ nhận về trình độ của tác giả”.

  11. Nguyễn Văn Đức

    Tờ báo mang tên hoành tráng thế: Tầm Nhìn mà lại lòi đâu ra 1 ông phóng viên “Khiếm thị về nhận thức” viết bài.
    Buồn cho báo chí thời bây giờ !

  12. quocoai

    Quí vị nào đã thưởng thức hương vị thật của cafe chồn rồi thì hảy mô tả mùi vị và so sánh với cafe nguyên chất cho mọi người cùng biết xem sao? Còn ông khách Hàn Quốc thì chỉ nói : hương vị của nó rất lạ, rất rất khác lạ ! chứ ko kết luận Ngon hay Qúa ngon tuyệt vời ? Chưa thật sự thưởng thức cafe chồn mà cứ nói là ngon hơn tất cả các loại cafe khác thì chỉ uống bằng lổ tai chứ ko phải bằng miệng.

  13. Đại ca chùa bộc

    – Có vẻ tác giả bài báo muốn phủ nhận cà phê chồn và sự hiểu biết về cà phê và cả về kinh tế thể hiện rất non kém. Nếu cà phê chồn không ngon, sao giá trên thị trường lại cao ngất ngưởng.
    Tác giả thể hiện 1 cách thiện cận về góc nhìn hay đúng hơn là “tầm nhìn hạn hẹp”.
    + Thứ nhất, “hương chồn” như tác giả là mùi rất hôi đó là hạn hẹp về hiểu biết văn hóa, xã hội và sinh học. Chồn mà người ta hay chồn mà ăn cà phê là giống “chồn hương”. Loài chồn này có “Xạ Hương” khi đi qua nơi nào để lại mùi hương rất thơm ở đó.
    + Thứ 2, đúng là bản năng động vật đói thì ăn nhưng thức ăn của Chồn Hương không chỉ là trái cây mà cả rễ cây, côn trùng, động vật nhỏ. Nên không có chuyện là ăn tạp, bản năng động vật sẽ biết chọn quả nào ngon thì ăn. Tác giả cũng không có kiến thức về thực vật, thông thường trái chín sớm hay chín muộn, trái trái vụ, quả nào nổi trội,… thông thường là thơm ngon.
    + Thứ 3, tác giả cũng có “tầm nhìn” hạn hẹp về kinh tế. Ta không bàn về chuyện thật giả mà vấn đề xây dựng thương hiệu. Thương hiệu cà phê không phải là cái Tên (như tên nhãn hiệu) mà nó còn thể hiện cả văn hóa, nghệ thuật, chất lượng và rất nhiều cái khác. Ví dụ, nói đến cà phê phải nói đến Daklak, nói đến Buôn Ma Thuột. Nói đến cà phê chồn là nói đến chất lượng thơm ngon và quá trình tạo ra của nó.
    + Thứ 4, tác giả cũng chẳng có kiến thức về chế biến cà phê. Đơn giản như phương pháp chế biến ướt chất lượng cũng tốt hơn chế biến khô, chứ đừng nói là sự chế biến qua chọn lọc tự nhiên như ở chồn hương.
    Nói chung, tác giả “tầm nhìn” hạn hẹp.

    1. Cafe con

      Không cần văn hóa với những người không biết văn hóa, chỉ biết a dua a tòng, thấy người ta đâm mình cũng bày đặt đâm.

  14. Ngọc Thanh

    Tôi đồng tình với quan điểm của Hoàng Phúc, tác giả bài viết này có thể hiều hoặc chưa hiểu việc hạt cà phê lên men trong bụng con chồn nên không thấy đưa ra trong bài. Còn lại, người viết có lý của họ.
    Anh Kính Vu và Nguyễn Vịnh và một số người thảo luận trên đây nếu thấy đụng chạm, thấy sai thì đưa ra con số cụ thể, dùng lý lẽ phản biện lại để bà con và chính tác giả tâm phục khẩu phục. Không nên theo cái kiểu a dua a tòng, theo voi ăn bả mía và ví người ta như Chí Phèo không được văn hóa lắm đâu. Anh ạ!
    Về việc tác giả “đâm” cái thương hiệu HƯƠNG CHỒN tôi cũng đồng tình. Giờ nhiều thương hiệu lạm dụng, nhập nhằng lừa người tiêu dùng như Nước mắm hương cá hồi, Nước yến hương dãi yến,….

    1. Nguyễn Vịnh

      Rất cám ơn lời góp ý thẳng thắn của bạn Ngọc Thanh.
      Khi đưa bài này về trang Y5 là tôi cũng đồng tình với quan điểm phê phán cái gọi là HƯƠNG CHỒN và rộng ra là hương này hương nọ.
      Nhưng khi đọc kỹ, tôi thực sự phê phán cả cái tâm lẫn cái tầm của người viết và không dấu được sự phẫn nộ. Bởi lẽ:
      -Tầm văn hóa ở đâu khi đưa lên những thói của kẻ phàm phu tục tử hiện đại mà cho rằng đó là thú ẩm thực của ông cha ta (chứ không phải cha ông ta) với từ “quái” (tuy là đã để trong dấu nháy). Nói về văn hóa của ông cha với từ đó rất đáng để phê phán.
      -Nói về người nhặt được cà phê chồn là may mắn nhặt được cục “phân” với giọng điệu mỉa mai khi cho là cà phê chồn là loại “thượng hạng” và kết luận là sai lầm trong khi mình chưa biết gì. Nói vậy có phải là cho rằng những người mua hay uống cà phê chồn là kém cõi hơn tác giả chăng?
      -Căn cứ vào đâu mà bảo rằng Tây nguyên cơ bản đã xóa sạch rừng? tác giả có biết gì về rừng Tây nguyên không? Ý này tôi xin nhường lại cho Bộ NN&PTNT.
      -Tôi không nói về sự ngộ nhận thuộc kiến thức về con chồn hương và con chồn hôi, nhưng phê phán tác giả vội kết luận cà phê chồn cũng “hôi như chồn” để rồi đánh đồng mọi việc là “tếu và phi lý” sau khi cho rằng trên đời này không có “cà phê chồn” nữa để mà mua với bán và cho rằng“cà phê chồn” trên thực tế dù có thật cũng không phải một “đẳng cấp” cà phê cao.
      Đến đây tôi lại nghĩ nếu bài báo này (vì đăng trên Tầm Nhìn nên có thể xảy ra) được một ai đó hoặc một tờ báo nước ngoài dịch đăng ở nước ngoài thì các vị quốc khách, đã từng được lãnh đạo nước ta tặng quà bằng những hộp cà phê chồn, đọc được thì các vị ấy sẽ nghĩ gì…? (Ví thử có ai đặt bài báo này bên cạnh tấm hình chụp các vị ấy đang trao nhận quà thì sao?) Đây là bài của một nhà báo, được đăng công khai chứ không phải hiểu biết của một bác nông dân. Nên tôi cho là thiếu tâm lẫn thiếu tầm là vậy. Tôi đồng ý với tác giả là phê phán cái “hương chồn” chứ không phải để phủ nhận cà phê chồn bằng cách như vậy.
      Và chính đó là sự tức giận của tôi trước một bài báo còn non kém mà vội vàng “quơ đủa cả nắm”. Tác giả cũng như tôi, có thể tức giận trước cái gọi là “hương chồn” chứ không thể tức giận, như tôi so sánh, theo kiểu Chí Phèo tức Bá Kiến trong khi “hương chồn” vẫn được bán tràn lan khắp nơi.

      1. Chi Mai

        À! cháu hiểu vì sao mà bác Vịnh tức giận rồi. Thôi mà bác, bác cứ viết tiếp phần 10 đi, tác giả bài báo cũng như mọi người nói, có biết cà phê chồn là gì đâu bác. Theo cháu, bác chẳng nên tức người không biết gì. Cháu nghĩ là họ không biết rằng mình đã sai đâu. Vì biết sai thì chắc chắn họ chẳng dám nói. Phải vậy không bác.

    2. Giang Sơn

      @ Ngọc Thanh ơi sao mà thiển cận thế? Bác Vịnh không phải cho tác giả là Chí Phèo theo như cách bạn hiểu đâu. Bác ấy nói là: “mãi sau này mới biết mình bị lừa nên đã chửi vống lên như kiểu Chí Phèo căm tức Bá Kiến rồi không làm được gì nó nên chửi cả làng Vũ Đại.”
      Chí Phéo chửi cả làng Vũ Đại nhưng bạn @Ngọc Thanh nghĩ “chắc nó chừa mình ra” đấy phỏng? Cái cách nghĩ đấy mới là Chí Phèo đấy bạn ạ, nếu không giống Chí Phèo thì cũng giống AQ. Tiếc thật!

  15. Kinh Vu

    Chào Quốc Oai,
    Tôi đã được thưởng thức cà phê chồn từ hồi khoảng 17-18 tuổi do các anh làm trong trang trại của Cậu tôi sai chúng tôi đi nhặt mỗi buổi sáng, còn các anh ấy thì chế biến thành bột. Đến nay đã 30 năm trôi qua rồi, khó mà nhớ để so sánh và mô tả, vừa qua tôi cũng có được một người bạn tặng cho một kg cà phê chồn, phải nói là mùi hương khi rang và pha lên khác xa với cà phê thường.
    Có những điều mà chúng ta phải tự chứng thực thôi, vì để mô tả đường nó ngọt như thế nào với một người chưa từng ăn đường là điều không thể.

    1. quocoai

      Cám ơn bác Kinh Vu đã phúc đáp ý kiến của tôi trên diễn đàn, nhưng tôi vẩn chưa thỏa mãn vì bác vẫn chưa kết luận cụ thể là hương vị cafe chồn có quá ngon trên cả tuyệt vời ! xứng đáng như giá trị tính bằng tiền của cafe chồn hiện nay hay ko ? và để mọi người nếu ai có khả năng có thể mua , dầu chỉ 1 lần để thưởng thức mà không hối hận (vì giá mắc quá)
      Năm 1987 có lần lên xã Lộc An (Bảo Lộc) tôi được ông anh cho uống 1ly cafe nhỏ vào buổi tối nói là cafe chồn, ban đêm sương mù trời lạnh ly cafe nóng có mùi vị rất đậm và hăng hắc dể chịu, nhưng tiếc rằng lúc đó tôi chưa phải là tín đồ cafe giáo như bây giờ nên ko có nhận xét gì được và quên luôn ! ngày hôm sau tôi ra chợ Bảo Lộc uống 1 ly cafe đá, cafe tại bảo lộc thời đó pha ra màu nâu đỏ đậm thom lừng uống rất ngon (chứ ko phải pha ra đen xì như bây giờ) tôi uống lúc 12g trưa mà lên DaLat tối hôm đó ngủ ko được ! nói vậy để các bạn biết là cafe nguyên chất ngon như thế nào ! ko cần phải kể gì đến loại thượng hạng như cafe chồn đâu nhé !
      Ông nhà báo này kiến thức chưa học hết nên vội vàng nhận xét nông cạn và vì có quyền viết báo nên khi đăng báo có thể gây ra hậu quả ko tốt về ngoại giao như bác Nguyễn Vịnh nêu ở trên . Anh ta ko biết rằng cafe chồn của VN chưa thể nổi tiếng bằng cafe chồn của Indonesia đã có tiếng tăm trên thế giới mà cái gì đã là hữu xạ thì phải tự nhiên hương mà thôi .

  16. bò tót đực

    Tôi có suy nghĩ thế này:
    Trong mắt người khác thì Chí Phèo là con người quậy phá, hung dữ, táo tợn, không có tính người. Tác giả mượn Chí Phèo mà nói lên lòng tức tối của mình với cái hiện thực “đương đại” đó. Xa hơn là sự bất lực trước hiện thực xã hội và Chí Phèo cũng chính là nạn nhân của hiện thực xã hội lúc đó.
    Chí Phèo không xấu mà do xã hội đưa đẩy mà thôi. Ai sợ Bá Kiến như sợ cọp? ai cam chịu? và ai dám giết Bá Kiến? ai là người biểu trưng cho áp bức bóc lột? cuối cùng thì ai cũng phải chết?
    Ai mừng vì ai chết? ai buồn vì ai chết, ai đáng thương?,… chắc có lẽ mọi người tự hiểu! tất nhiên không tự dưng tác phẩm này lại được đưa vào sách giáo khoa để cho rất nhiều thế hệ học sinh cảm nhận.

  17. thanh trong

    “Bút sa kiểu này thì còn gì gọi là tri thức nữa chứ”. Đất nước chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, đã cho chúng ta nhiều loại hạt cà phê chất lượng và sản lượng đứng thứ 2 trên thế giới. Nhưng vì những người không hiểu biết, trình độ trí thức non kém thế này đã làm cho ngành cà phê Việt nam không phát triển được đã cướp đi hàng ngàn tỷ đồng của ngươii nông dân cần cù chịu khó.

Tin đã đăng