Tin buồn

Hãy giữ lấy cây điều!

Giá hạt điều tươi của thời điểm hiện tại không còn ở mức cao như khi mới bước vào đầu niên vụ. Nhưng so với bình quân nhiều năm qua thì giá hạt điều tươi vẫn làm hài lòng nhiều bà con nông dân vì cây điều ở nước ta vốn được xem là loại cây xóa đói giảm nghèo.

Đọc thêm: > Giá cà phê lên cao, nông dân được lợi gì?

Hãy giữ lấy cây điều!
Hãy giữ lấy cây điều!

Đối với đồng bào các dân tôc ở vùng Đông Nam Bộ và Tây nguyên, cây điều từ lâu đã gắn liền với chính sách định canh định cư và di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Do đặc điểm địa hình của vùng này là nhiều đồi núi, đất dốc, dễ bị xói mòn, sớm bị hoang hóa, bạc màu thì cây điều là sự lựa chọn đúng đắn, hợp lý nhất. Cây điều còn được coi là loại cây chịu thương chịu khó, sống giữa đồi núi khô hạn, nhiều nắng ít mưa, ít nhận được sự chăm bón của con người mà đổi lại còn cho một loại quả có giá trị nuôi sống biết bao nhiêu nông dân nghèo nhưng lúc khó khăn, gian nan.

Tuy sản lượng hạt điều thô của cả nước năm cao nhất cũng chỉ mới gần 450.000 tấn và giảm dần trong những năm vừa qua. Nhưng với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cây điều được lựa chọn như là cứu cánh của chính sách định canh định cư. Không những thế, khi Việt Nam trở thành cường quốc số 1 về xuất khẩu hạt điều nhân của thế giới thì thực sự cây điều đã làm nên một kỳ tích trong xuất khẩu nông sản khiến cho cả thế giới phải ngạc nhiên.

Được nhắc đến như kỳ tích vì cây điều là loại nông sản duy nhất được chế biến sâu trước khi xuất khẩu, đem lại giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, nước ta còn phải hơn 90% các loại nông sản khác vẫn được xuất khẩu thô hay chỉ mới sơ chế. Và ngành chế biến hạt điều xuất khẩu đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn công nhân tại chỗ ở khắp vùng Đông Nam Bộ và Tây nguyên.

Nhưng khi xét về hiệu quả kinh tế cùng với các loại cây trồng chủ lực trên vùng đất đỏ bazan thì cây điều được xếp vào hàng thấp nhất. Một khảo sát năm 2010 của Reuters cho thấy :

Tùy theo từng giai đoạn phát triển của xã hội và tùy theo nhu cầu từng lúc mà các vị trí xếp thứ tự đã hoán đổi lẫn nhau nhưng cho dù ở giai đoạn nào chăng nữa cây điều vẫn luôn xếp ở vị trí cuối cùng. Cho nên việc bà con nông dân hiện nay đang chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng loại cây khác là sự lựa chọn tất nhiên, không ai cam chịu sống mãi trong cảnh đói nghèo. Đối với cư dân của vùng Tây nguyên và Đông Nam bộ thì thời kỳ khó khăn ban đầu khi mới định canh định cư hay mới đến lập nghiệp đã qua, cuộc sống đã tạm ổn nên việc phải tìm cách để vươn lên nữa qua việc lựa chọn cây trồng là một điều cần thiết.

Những năm vừa qua cư dân ở đây đang chuyển dần qua để trồng cao su và gần đây nhất là trồng cây hồ tiêu mà bỏ qua cây cà phê là sự lựa chọn khá hợp lý. Vì để trồng được cây cà phê quả là điều không dễ dàng do nguồn nước của vùng đất này ngày càng khô cạn trong khi cà phê là loại cây cần rất nhiều nước mới phát triển được.

Vô hình chung, tất cả các phương tiện truyền thông trong thời gian qua cũng góp phần cỗ súy cho việc chuyển đổi này khi đưa tin một cách hấp dẫn rằng: “1 ha hồ tiêu đem lại thu nhập trên dưới 500 triệu đồng/năm”, “nhà nông trồng tiêu thu tiền tỷ”… Chắc chắn rằng khi đưa những thông tin tương tự như vậy thì người đưa tin cũng không thể lường hết được những hậu quả và sự tác hại xảy ra khi bà con nông dân ồ ạt rủ nhau chặt bỏ cây điều. Bà con cũng chưa có được sự tư vấn, giúp đỡ của ngành khuyến nông về khâu lựa chọn giống và kỹ thuật trồng trọt những loại cây trồng mới trong khi đất đai ngày càng bạc màu mà vốn đầu tư ban đầu để trồng những loại cây mới này cũng không phải là ít. Đợi cho đến khi thu hoạch lứa sản phẩm đầu tiên cũng phải mất vài ba năm thì bà con sống bằng gì? Trong khi cây điều là loại cây không đòi hỏi sự đầu tư chăm sóc nhiều như những loại khác, thường được ví von là loại cây “nhà nghèo”.

Hiện nay việc nông dân chặt phá cây điều trên diện rộng, không còn mặn mà với loại cây “nhà nghèo” đã tràn lan khắp nơi. Trên một số tờ báo địa phương còn khẳng định việc chặt bỏ cây điều là sự lựa chọn cần thiết, đúng đắn để địa phương mình vươn lên cho kịp với các nơi khác. Theo quan sát, để cho sự việc xảy ra có phần do chủ quan nóng vội, thiếu trách nhiệm của phía hữu trách như trong việc gần 15.000 ha điều của nông dân kinh tế mới huyện Ea Soeup, Đak Lak phải chuyển sang trồng rừng mà đến nay vẫn chưa khắc phục được hậu quả. Nên chăng, ngành Điều và ngành Khuyến nông các địa phương cần có sự quan tâm sâu sát hơn nữa để giúp bà con nông dân biết được đâu là sự lựa chọn hợp lý cho mình.

Còn đối với những bà con vẫn muốn gìn giữ và gắn bó với cây điều thì sự ưu tư nhất hiện nay là ngành điều cần có những biện pháp tích cực để giúp nhà nông giữ lại những vườn điều trong xu thế chuyển đổi cây trồng hiện nay? Và khi nhập thêm điều thô nguyên liệu từ Châu Phi về để chế biến, giá điều thô ở trong nước sẽ như thế nào?

Hãy giữ lấy cây điều, không thể chậm trễ hơn được nữa !

Anh Văn (Theo Đại Biểu Nhân Dân)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. bò tót đực

    Đúng là nhiều đài báo đang nói: “1 ha hồ tiêu đem lại thu nhập trên dưới 500 triệu đồng/năm”, “nhà nông trồng tiêu thu tiền tỷ”… Ở khắp các nơi đang đua nhau đầu tư mua trụ tiêu, trung bình mỗi trụ tiêu khoảng 120 ngàn đồng, giống tiêu thì “dây tiêu lươn” giá từ 5 ngàn đồng 1 dây hoặc dây lớn cắt tại trụ giá 20_30 ngàn một dây, nếu mua ở các nơi bán cây giống ai “bạo gan” thì bóc vài ba bịch tiêu ra sẽ thấy rằng tiêu rất tốt nhưng lại chẳng có rễ, còn chất lượng tiêu thì các bác … hãy đợi đấy! Nếu cái đà này em mà có tiêu thì em chăm và bán giống tiêu chứ không trồng lấy hạt nữa.
    Khi mọi người đều say thì có người tỉnh, khi mọi người tỉnh thì chắc sẽ có người say!

  2. bò tót đực

    Ở Esup Đăk Lăk có hồ Thượng và hồ Hạ để điều tiết nước, ở đó có một số nơi khá trũng. Ở đó trồng lúa cũng nhiều và có nhiều ốc bươu vàng nhưng không thấy ai nuôi cá trắm đen hay các loại cá ăn ốc bươu vàng. Quê em có nhà làm vậy được 2 vụ trúng thế là cả làng đua nhau làm, kết quả là ốc bươu vàng hết nhưng cá rẻ quá chừng và tất nhiên dân ta lỗ nặng.

  3. Dân KTM

    Do khâu chọn giống thiếu trách nhiệm nên 15.000 ha điều của dân kinh tế Ea Soeup trồng 3-4 năm mà vẫn không có trái.
    Tiền nhà nước đầu tư hỗ trợ giống cây cho dân kinh tế vào túi mấy ông chuyên gia bán giống rồi. Lỗi tại ai? chỉ có dân là lãnh đủ, chịu khó đói thêm vài năm nữa thôi, không sao đâu mà.

    1. daicachuaboc

      – Thực ra, Điều Ea Sup không có trái không phải do giống mà do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nữa. Nếu chỉ đổ thừa cho giống thì oan uổng lắm.
      Người ta thường nói, trồng điều không phải bón phân, điều này chỉ đúng một phần vì những vùng trồng điều trên đất đỏ Bazan thì điều đó có thể đúng. Nhưng nếu trồng trên đất cát thì cây điều lấy gì mà sinh trưởng, cho năng suất đây? Một loại cây trồng có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện cằn cỗi, nhưng không thể có năng suất được.
      – Bài toán cho cây điều Ea Sup, Buôn Đôn, thậm chí 1 phần ở Ea Kar cho năng suất không khó. Để có năng suất, cần phải áp dung các biện pháp kỹ thuật canh tác cho nó nên đừng trách Dự Án. Có trách là dự án chỉ nghĩ đến trồng được diện tích 15.000 ha cho xong, cho đủ.

      1. Dân KTM

        Rất khó mà đồng ý với bác, bởi lẽ :
        -Sao lại đừng trách Dự Án? Dân kinh tế thì nhiều người không có trình độ, không biết chăm sóc trồng trọt… thì Dự Án phải hướng dẫn, tập huấn cho dân chứ! Chọn cây gì để trồng trên đất Ea Sup cho phù hợp là việc của Dự Án làm chứ! Bây giờ bác lại đổ cho dân, chê là dân ngu không biết chăm sóc, không có khoa học kỹ thuật chứ gì?
        -Nếu có trình độ và có điều kiện chăm bón, bác cứ hỏi thử xem có ai chọn cây điều không? làm sao nó lại có tên là “cây nhà nghèo”?
        Chẳng qua là dân kinh tế biết rồi, phủi hết trách nhiệm rồi, chỉ có dân là khổ thôi.

      2. daicachuaboc

        Bạn đã hiểu nhầm ý tôi! Tôi không có ý chê Dân mình.
        – Cây điều cũng như các loại cây trồng khác, muốn có năng suất cao thì phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào, không phải có tốt là đã tốt. Tất nhiên cây điều gọi là “Cây nhà nghèo” tôi không nghĩ vậy. Vậy thì có khác nào nói dân Bình Phước là nghèo?! Cây điều gọi là cây cho vùng đất nghèo thì đúng hơn.
        – Còn việc đáng trách Dự Án ở đây là chỗ: Họ chỉ muốn làm dự án cho xong, còn các vấn đề liên quan, sau đó thì HẾT TRÁCH NGHIỆM. Bạn cứ thử nghĩ từ trước đến giờ có mấy Dự Án Nông Nghiệp thành công?

  4. trần văn hanh

    Điều là một cây trồng gắn bó gần gũi với người nông dân. Nó không chỉ góp phần vào xóa đói giảm nghèo mà còn thu về ngoại tệ cho quốc gia. Giữa điều và các cây công nghiệp khác thì mình thấy tùy theo từng điều kiện cụ thể mà lên chọn loại cây nào cho phù hợp. Đối với điều cho thu nhập thấp hơn nhưng bỏ công ra ít hơn và đầu tư cũng ít hơn.

  5. Thanh Mai

    Khó lòng mà ngăn cản được bà con nông dân khi họ tìm cách để vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Cây điều đem lại thu nhập thấp quá mà đất đai cũng hết rồi.

  6. hòang phúc

    Đối với nhiều vùng đất xấu không trồng được cafe, tiêu thì cây điều là cây thích hợp nhất. Theo tôi thì nếu giống tốt và phương thức canh tác tốt thì thu nhập (đã trừ đi chi phí đầu tư) của điều cũng không thua kém cafe. Ở vùng Easup khi nông dân được cho giống thì mang trồng chứ không phân, không tưới thì làm gì có quả, những cây nào gần nhà hay gần nguồn nước thì trái nhiều.

  7. daicachuaboc

    – Mong muốn trồng được cây mang lại thu nhập cao, hiệu quả kinh tế cao đó là lý do chính đáng của người dân. Nhưng mong muốn không chưa đủ mà phải có sự hiểu biết. Trồng cây gì là tùy theo người dân, nhưng bà con hãy nghĩ đến điều kiện đất đai, khí hậu, nước tưới,v.v… có phù hợp với cây trồng đó hay không?
    – Điệp khúc như chặt bỏ cà phê trồng điều, rồi chặt bỏ điều trồng tiêu, và ngược lại là thói quen của nông dân. Tôi thấy, năm nay bà con trồng tiêu khá nhiều đến nỗi cây giống không đủ cung cấp. Vậy, liệu 3 năm nữa giá tiêu có được như mong muốn, hay đến lúc đó giá cà phê lên (vì chặt bỏ cà phê để trồng tiêu) lại chặt tiêu trồng cà phê?
    Tôi vẫn nhớ mấy năm trước, khi Trung Quốc qua mua gỗ Sưa tính bằng triệu đồng/kg. Bà con thi nhau trồng Sưa, thậm chí có nhà trồng cả hec-ta. Đến giờ, thì Xưa như trái đất vì mãi 100 năm sau mới được thu hoạch. Hay là một thời cây Dó Bầu, nay cũng trở thành dĩ vãng. Và nhiều hơn nữa. Tiền mất, mà chẳng được làm được gì!? Cũng chỉ vì những bài báo thiếu sự hiểu biết.
    -“Giữ lấy cây điều!” và không chỉ cây điều mà còn nhiều cây trồng khác, nếu như nó có hiệu quả kinh tế thì xin bà con đừng chặt đi mà trồng cây khác. Hiệu quả kinh tế tính trên 1 ha chứ không phải hiệu quả kinh tế tính trên 1 cây trồng.
    -Để đảm bảo tính bền vững, nên trồng xen nhiều loại cây phù hợp trên 1 đơn vị diện tích. Ví đụ: Trồng xen Ca cao dưới tán Điều, Tiêu trồng xen vào vườn cà phê với trụ sống là cây Muồng Đen. v.v…

    1. Krong no

      Em đồng ý với bác chúng ta nên tìm phương pháp để cải thiện tình hình chứ không phải thay đổi tình hình, tìm cây để xen canh vào. Có lẽ chúng ta nên bàn luận về vấn đề này.

  8. Tiêu Điều

    Chào Mọi Người.
    Xin mọi người giúp với. Nhà mình còn vài tấn tiêu tính chờ giá lên chút nữa thì bán. Nhưng tình hình hiện nay giá liên tục giảm mạnh. Mình ở Xuân Lộc giá chỉ còn 95k mà thôi. Mong nhận được đóng góp ý kiến của mọi người.
    Cám ơn nhiều!

    1. Bù Na

      Bỏ cây điều để trồng tiêu hay cao su là đúng hay sai hỡi bà con? Lấy gì mà đợi cho đến khi có thu hoạch?
      Cây tiêu đầu tư lớn quá! còn cây cao su dài ngày quá!
      Không biết đường nào mà lần. Bà con chung quanh đã chuyển đổi nhiều lắm rồi?
      Tính sao bây giờ Y5 nhỉ?

  9. Phước Trung

    Chào Bù Na, tôi cũng ở gần chỗ bạn nhưng đất chỗ tôi lại không tốt được như chỗ bạn.
    Theo tôi bạ nên trồng xen thêm cây Ca cao nhé, vì sao vậy?
    Vì cây điều từ trước đến giờ ít được chăm bón hơn những cây trồng khác (cà phê, tiêu…) nên hiệu quả kinh tế mang lại cũng chưa cao. Mặt khác khi được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa cái vòng luẩn quản này cứ theo người trồng điều mãi từ trước đến nay. Vậy thì sao ta không tìm một phương án nào đó mà tốt cho cả 2. Ý tôi muốn nói ở đây là nếu bạn trồng xen Ca cao trong vườn Điều thì vào mùa khô (giáp tết và qua tết) cây Điều ra hoa kết trái, ở giai đoạn này cần nhiều chất dinh dưỡng và nước. Khi đó chúng ta cũng phải chăm sóc Ca cao (tưới nước, bón phân…). Như vậy khi chăm sóc Ca cao thì cây Điều cũng được hưởng theo (vì trồng Ca cao dưới tán Điều).
    Như vậy theo mình năng suất cây Điều sẽ được nâng lên, cây Ca cao qua năm thứ 2 cũng sẽ cho trái bói (nếu bạn chăm tốt và đúng kỹ thuật).
    Có phải bạn ở Bù Na – Bù Đăng – Bình Phước không?
    Đây chỉ là suy nghĩ của tôi, chúc bạn sẽ nhanh chóng tìm được phương án tối ưu.
    Cảm ơn BBT Y5Cafe, chúc thành đạt.

  10. Chu trang trai

    Nhà tui trồng điều đã lâu, từ năm 1983 đến giờ. Cây điều ít tốn vốn đầu tư, nhưng năng suất không cao. Gia đình tôi lay hoay chăm sóc nhưng năng suất cao lắm chỉ khoảng 2 tấn /ha, thành ra khó làm giàu vì cây điều được. Vả lại thời tiết mấy năm nay ở Daklak làm sao ấy, cây điều liên tục mất mùa khoảng 4-5 năm nay, dù giá bây giờ khá tốt.

  11. lê văn trọng

    Thời đại bây giờ là cây cao su thôi. Cây điều thu nhập thấp lắm, nó chỉ thích hợp ở những vùng không có nước và vùng núi cao thôi. Nhà em có 6hecta lúc đầu toàn là cây điều thấy thu nhập thấp nên đã bỏ 3hec trồng cao su , còn 3hec do có nguồn nước nên vừa trồng cafê, điều, sầu riêng chung với nhau thấy thu nhập cao hơn rất nhiều.

  12. Chip con

    Nếu ai nói trồng điều thu nhập thấp thì tôi kiên quyết phản đối. Trên cùng 1 đơn vị diện tích thì cây điều có hiệu quả kinh tế thấp nhất là đúng. Nhưng :
    1. cùng 1 số tiền đầu tư để bạn mua 1 ha cafe thì mua được bao nhiêu ha điều?
    2. để canh tác 1 ha cafe đó hàng năm bạn phải đầu tư thêm bao nhiêu tiền, ngược lại để canh tác số ha điều đã mua đó bạn phải đầu tư bao nhiêu?
    3. Tổng chi cho điều với tổng chi cafe, đàng nào nhiều hơn. Tổng thu lợi nhuận bên nào cao hơn?
    4. Điều cuối cùng tôi muốn nói đâu là giá thật của hạt điều? hay lợi nhuận chỉ vào túi ai chứ không phải người trồng điều, mời các bạn đọc bài này http://cafef.vn/2011072610229789CA52/loi-nhuan-nganh-dieu-doanh-nghiep-chi-don-thuan-la-gap-may.chn
    5. Nếu là thấp, rẻ thì bao nhiêu người VN hay mua hạt điều ăn? (không mua nổi vì… quá đắt, khoảng 20 đôla/kg đã chế biến thô).
    Các bạn thấy vô lý chưa.

    1. Bù Na

      Bố mình vẫn cương quyết chung thủy với cây điều. Ổng bảo nhờ nó mà nhà mình vượt qua được thời gian khó.

  13. Phước Thái

    Đúng là hạt điều rất đắt, mua ko nổi mà ăn, giá điều thô thì ko tương xứng, hay vì xưa nay rẻ quá nên bà con cũng quen rồi. Nghĩ cũng vô lý.

  14. Trần Hồng Hoa

    Cây điều là loại cây quảng canh. Trồng điều tốn nhiều đất mà thu về không được nhiều xèn. Điều trồng ở Việt Nam không sai trái bằng châu Phi. Trồng các loại cây khác chỉ cần 5 sào – đến 1ha là có thể làm giàu; nhưng trồng điều phải có 5ha đất mới đủ sống…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90