Đáng lý, việc tái canh phải thực hiện dần dần qua từng năm theo kiểu cuốn chiếu. Nhưng tới nay, mọi việc đã trở nên cấp bách. Nếu không khéo tổ chức, bà con vùng cà phê sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Xem thêm: > Tái canh vườn cà phê già cỗi
Vườn bơ xen cà phê của anh Trịnh Xuân Mười.
Tôi vào Đăk Lăk dự Hội nghị “đánh giá kết quả sản xuất cà phê 2010 và giải pháp phát triển cà phê bền vững trong thời gian tới” do Cục Trồng trọt tổ chức. Nhiều vấn đề được đưa ra. Tôi quan tâm tới việc tái canh cho cà phê.
Trong suốt một thời gian dài, chúng ta chỉ nghĩ tới việc trồng và thu hoạch cà phê mà quên đi rằng, cây cà phê đang già cỗi dần. Theo điều tra sơ bộ của các địa phương, tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải bỏ và trồng lại trong 10 năm tới là khoảng 140.000-160.000ha. Thật là một con số khổng lồ.
Việc trồng mới sẽ kéo dài ít nhất 3 năm (1 năm trồng mới và 2 năm chăm sóc) mới có thể được thu hoạch quả. Vậy, bà con sẽ sống bằng gì trong 3 năm đó.
Đáng lý, việc tái canh phải thực hiện dần dần qua từng năm theo kiểu cuốn chiếu. Nhưng tới nay, mọi việc đã trở nên cấp bách. Nếu không khéo tổ chức, bà con vùng cà phê sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã kịp thời ban hành quy trình tái canh cà phê vối. Họ đã đưa ra những quy định cụ thể và các kỹ thuật cần thiết khi tái canh cho cà phê. Bà con mình cần tuân thủ nghiêm túc các quy định trong quy trình này.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình tái canh cho cà phê, chúng tôi xin đề xuất thêm một số biện pháp nhằm giảm bớt hẫng hụt cho bà con.
Nếu như nương cà phê còn có thể kéo dài thêm vài năm thì chúng ta nên bố trí đưa các cây trồng xen có hiệu quả cao vào canh tác. Xin đơn cử 2 đối tượng mới đó là: Cây mắc ca và cây bơ. Đây là các cây được nhân giống bằng phương pháp ghép. Chúng chỉ cần 3 năm là ra quả. Khi nó bắt đầu cho thu hoạch thì ta chặt bỏ cà phê là vừa.
Chúng tôi đã có những mô hình trồng xen mắc ca và bơ ở Tây Nguyên. Kết quả rất khả quan. Đặc biệt là cây bơ, việc đưa bơ xen với cà phê cho hiệu quả rất cao. Tôi đã tới thăm vườn bơ xen cà phê của anh Trịnh Xuân Mười ở thôn 9, xã Hòa Thắng, ngoại ô TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Đó là một mô hình tuyệt vời. Tôi cũng đã tới thăm cây bơ tứ quý của anh Nguyễn Ngọc Đức ở đội 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Ruin, Đăk Lăk. Chỉ một cây mà cho thu trên 20 triệu đồng/năm. Vậy, nếu chúng đứng chung trong nương cà phê thì việc loại bỏ để trồng mới cà phê sẽ giảm được rất nhiều khó khăn cho bà con.
Tuy nhiên, cũng có nhiều diện tích cà phê đã quá già cỗi hoặc đang bị tuyến trùng phá hoại dữ dội thì việc loại bỏ là rất cần thiết. Người ta cho biết, ta phải nhổ bỏ thân, cành, rễ của cây cà phê ngay sau khi thu hoạch. Sau đó, thu gom toàn bộ và đưa ra khỏi nương cà phê. Tiến hành cày bừa kỹ toàn bộ diện tích và phơi đất. Ta phải trồng cây khác trên đất đó ít nhất là 2 năm.
Theo chúng tôi, “ứng cử viên” sáng giá nhất chính là cây bông vải giống mới. Nó chỉ cần trồng 4 tháng là được thu. Các giống bông mới cho năng suất vượt trội, nên cho ta nguồn thu khá lớn. So với các cây trồng khác, nó ưu việt hơn hẳn. Vì vậy, khi thực hiện tái canh cà phê, bà con nên tìm ra các giải pháp hợp lý để vẫn có nguồn thu khi chúng ta trồng lại cà phê mới.
Tác giả bài viết nêu được thực tế về hiện trạng của một số diện tích cafe và tất nhiên là phải cải tạo lại thì mới hy vọng có cafe để mà thu hoạch chứ ko thì 140.000-160.000ha đó sẽ chỉ còn được vài tạ cà nhân/năm /ha mà thôi. Nhưng mà trồng cái gì thì cũng phải có thời gian chờ đợi chứ ko dễ ăn như tác giả viết đâu ! cà trồng mới 3 năm/ha chưa đủ sống ! Bơ 3 năm thì cứu đói là cái chắc! Bởi a Đức gì đó xem vườn được Mấy cây bơ tứ quý ? nếu bơ hiệu quả như vậy thì trồng cafe làm gì cho nó chật đất.
Khi mất công phá bỏ vườn cà phê thì ta phải đưa máy múc vào cày bới tung đất lên, khi đó trồng cà phê mới mới có hiệu quả vậy thì làm sao trồng cây macca hay bơ tứ quý gì nữa. Đúng là chỉ còn cách trồng cây ngắn ngày như khoai bắp đậu bông vải… mà những cây này thì cần rất nhiều công lao động, với chi phí đắt đỏ như hiện nay, trồng mấy loại cây này trên đất đã bạc màu thì năng suất thấp dẫn đến lỗ. Nếu chặt bỏ cà phê để trồng mới thì cách tốt nhất là nhà nước nên cho dân vay vốn với lãi suất 0% trong 3 năm, số tiền hỗ trợ này được bù vào từ nguồn mà nhà nước đã thu phí xuất khẩu cà phê bao nhiêu năm nay, bây giờ đã đến lúc nhà nước trả lại cho người dân rồi.
Đồng ý với Nông dân cà phê v/v tái canh cafe .
1/ Trồng cây ngắn ngày hoặc cho đất nghỉ 1 thời gian để cải tạo đất, đó là 1 việc cần thiết. Còn trồng cây gì thì phụ thuộc vào sự thích nghi của thời tiết và kinh nghiệm cộng với hiểu biết của nông dân về cây trồng đó.
2/ Nhà nước nên có chính sách cho ndân vay vốn trung hạn (3 năm) với lãi suất bằng 0% . Bởi vì nhà nước đã nhiều lần có chủ trương hỗ trợ cho ndân, như trợ giá khi cafe rớt giá nhưng thực tế vẫn ko đến được trực tiếp người nông dân trồng cafe . Cho Doanh nghiệp để tạm trữ cafe với lãi suất 0% cũng kg đến được người trồng cafe . Nay để khuyến khích người trồng cafe phá cafe già cỗi trồng lại càfe giống mới năng suất cao là một chủ trương đúng đắn và nó sẽ đến trực tiếp người trồng cafe. Ngày xưa cafe giá cao tôi nhớ Daklak phụ thu 25 hay 30% của giá càfe (nhưng đừng để ông ngân hàng bắt nông dân lại quả mới đươc vay).
3/ Thực tế cafe ở Đakmil 20-25 năm vẫn cho năng suất 2,3 – 3 tấn/ha. Muốn thế cafe trên 15 năm cứ 3 – 5 năm ta nên dùng máy xới bừa ở giửa luống cho sâu khoảng 20cm và cho phân chuồng ủ với vỏ cafe cho nó tạo rể mới. Còn nhiều phương pháp như cắt ghép giống mới …
Còn đầu tư cho 1 ha tái canh tôi nghĩ là dưới 100 tr nếu nguồn vốn này quá lớn thì nhà nước cho vay 70% còn nông dân 30% (công và 1 số công việc người nông dân tự làm được).
Riêng bài báo tôi nghĩ người viết chưa có nắm rõ nông nghiệp và thực tế về cafe cho lắm. Cứ cây gì có giá là khuyến khích trồng cây đó, không nắm rõ thị trường trong tương lai có chắc chắn hay không?
Theo thông tin tôi có trong chuyến khảo sát tại Dak Lak và Lâm Đồng vừa qua, giai đoạn cấp bách nhất của ngành cà phê là từ năm 2015 – 2020 vì thời điểm này hơn 70% diện tích cà phê của VN đã 20 – 25 tuổi. Thêm vào đó, vấn đề về tuyến trùng (gây bệnh thối rễ, vàng lá,…) cũng gây khó khăn cho cây cà phê khi trồng mới. Giải pháp được đưa ra là sau khi chặt bỏ cây cà phê thì phơi đất 2 năm (trồng các loại cây khác), sau đó mới trồng lại cà phê. Như vậy mất khoảng 5 năm để trồng mới lại cây cà phê.
Vấn đề thứ 2, giá thành trồng mới 1 ha cà phê vào khoảng 100 – 150tr VND (tương đương khoảng 5000 – 8000 USD), như vậy để trồng mới lại 100.000 ha cà phê (20% diện tích hiện nay) thì cần khoảng 800.000 USD, và 500.000 ha sẽ là 4 tỷ đô (trong 5 hoặc 10 năm tới). Chưa kể lãi suất trong 5 năm không có thu nhập từ cà phê.
Thêm vào đó là vấn đề sản lượng cà phê, trong giai đoạn trồng mới chắc chắn sẽ làm giảm sản lượng một cách đáng kể. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cà phê thế giới. Tôi có trao đổi với chuyên gia của World Bank trong chuyến khảo sát vừa rồi, giải pháp cho vấn đề này là trong quá trình trồng mới phải tăng năng suất của diện tích còn lại để duy trì mức sản lượng.
Còn 2 vấn đề ở trên thì không chỉ Nhà nước, mà phải có doanh nghiệp, ngân hàng thương mại tư nhân nào đó nhảy vào may ra giải quyết được vấn đề tín dụng cho người dân trồng mới lại cà phê. Tháng 6 tới đây, chúng tôi sẽ có được 1 báo cáo về ngành hàng cà phê Việt Nam, chắc chắn không nhiều thì cũng sẽ có lời giải cho vấn đề này.
Xin cho Ốc hỏi mua giống Bơ tứ quí ở đâu ? Ở Lâm Đồng có chổ nào phân phối không ah?
Ý kiến của Nông dân cà phê rất hợp lý. Thực ra thì mấy anh ở báo Dân Việt chỉ cỡi ngựa xem hoa nên có những ý kiến thiếu tính thực tiễn là bình thường thôi. Theo tôi nghĩ, mỗi địa phương nên có một kế hoạch phù hợp với đồng đất và tiểu khí hậu của vùng đó. Ví dụ như ở Buôn hồ mà trồng bông thì có mà ăn cây, vì tới mùa thu hoạch bông thì trời thường mưa lâm râm dài ngày. Ngoài ra cứ mỗi hộ nông nghiệp cần có kế hoạch cho riêng mình (cái này khỏi phải bàn). Việc nhà nước sẽ làm gì cho tái canh cây cafe là một vấn đề. Mà thực ra cái nguy đang hiện hữu là bà con ở khu vực xã Thống nhất thuộc thị xã Buôn Hồ người ta bỏ hàng loạt cây cafe để chạy theo cây tiêu. Tôi nghĩ một vài năm tới sản lượng cafe của VN sẽ thấp, và diện tích cũng sẽ giảm khá nhiều. Mong mỗi gia đình nông dân cẩn thận suy nghĩ khi tái canh và chuyển đổi cây trồng.
Bác Nông dân caphe nói chí phải. Đề nghị Diễn đàn lập chuyên đề về tái canh caphe để bàn con thảo luận, học hỏi nhau
Chào bạn @Lê Tuấn Anh
Vấn đề tái canh cà phê đã đặt ra từ lâu. Bạn có thể vào đây để bàn luận thêm.
https://giacaphe.com/24852/tai-canh-cay-ca-phe-nhung-van-de-can-quan-tam/
Sao người ta không chặt cà phê đi để trồng bơ, 1 cây thu được 20 triệu, 1 hecta chỉ cần 20 cây, khỏi phải tốn công làm cỏ, bẻ chồi, thu hái, canh gác, làm gì cho mệt xác. Lại khỏi lo tiền xăng dầu, phân bón… sao vậy các bác???
Vì đó chỉ là sự tưởng tượng ! mơ mộng ! phóng đại … về cây bơ tứ quý ! có lẻ ông chủ vườn nhớ lộn về giá mấy tạ càfe vừa bán xong nên cung cấp thông tin tầm bậy sang cây bơ cho nhà báo !
Bà con ai có thời gian rảnh nhờ a nhà báo dẫn đi mục sở thị về cây bơ và giống bơ ở DakLak, chỉ cần một nửa những gì a ta nói thôi thì bà con nên chuyển đổi hết diện tích cà phê qua bơ sướng hơn. Khỏi phải 01 năm : 04 đợt làm cành, 04 đợt tưới tắm, 04 đợt rải phân, 04 đợt làm cỏ, đến khi thu hoạch còn phải cử người canh trộm. Tôi thử một phép tính (theo 1/2 a nhà báo) như thế này : 01 ha bơ nếu bà con trồng khoảng cách 10x10m/cây = 100 cây/ha.
– 100 c x 10.000.000đ/c = 1.000.000.000 $
Như vậy lợi nhuận hơn gấp đôi trên cùng một diện tích,phải không bà con ? và nếu sự thật như thế,10 hoặc 20 năm sau giá cà phê sẽ rất cao và người dân VN sẽ chuyển đổi thói quen từ uống cà phê qua ăn bơ buổi sáng.
Sao báo không chỉ cho nông dân trồng cây cảnh? có cây xanh ở Hòa bình 4 triệu … đô ! chỉ cần trồng được 1 cay thôi là đủ tất cả !
Đúng là đọc xong bài báo thấy mà ham, chừng nào trồng được cây bơ ấy, chừng nào được vay vốn với lãi xuất trong mơ 0% để mình cải tạo lại vườn cà phê (2 ha) đã trồng từ năm 1985 .
Trồng xen như thế thì năng xuất cà phê sẽ giảm nhiều hơn vì cây bơ đã che hết ánh sáng của cây cà phê => sản lượng ngày càng giảm.
Chắc chắn là phải giảm vì cây cà phê sẽ bị thiếu ánh sáng, làm giảm quang hợp thì phải giảm năng suất.
Bạn phạm ngọc tuân nói thế là không đúng rồi phương pháp trồng xen là bền vững : năng xuất ổn định, tuổi thọ vườn cây kéo dài, ít phải dùng thuốc BVTV, giảm số lần tưới vào mùa khô, cộng thêm thu nhập của cây trồng xen thì xem ra hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với trồng thuần.
chuot đã đến thăm mô hình trồng xen bơ vào cà phê của nhà vườn Trịnh Xuân Mười cuối năm ngoái. Nói chung mình chỉ coi và rút ra biện pháp phù hợp áp dụng vào rẫy mình chứ ko thể làm theo họ.
Với mô hình đó, mình trồng xen tiêu chắc ăn hơn. Mình có 4 sào trồng xen hơn chục năm rồi nên mình tin vào đường đi mình chọn là đúng.
Cây bơ ăn đất dữ lắm, cà phê nằm khuất dưới tán lá bơ nếu ra hoa cũng đậu trái rất ít. Sản lượng cà phê trồng xen tiêu của tui chỉ đạt hơn phần nửa trồng độc canh. 4 sào cà phê trồng độc canh tốt được 2 tấn còn 4 sào trồng xen tiêu tốt chỉ tấn mốt trong khi nọc tiêu mọc thẳng, cành của nọc rong gần hết trơn.
Tui có ghi 2 đoạn video ở rẫy mình gửi nhờ BQT lên hình các bạn tham khảo và lựa chọn trồng cây gì, xen thế nào cho phù hợp để thu được lợi nhận cao chứ ko cầu mong các bạn phải làm theo vì ‘mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh”.
Làm gì có cây bơ nào thu được 20tr. một năm. Nhà báo này nổ ác quá!
– Tất nhiên, Tái Canh Cà Phê dâng là vấn đề gấp rút. Có 2 nguyên nhân là:
+ Quy trình tái canh cà phê chưa hoàn thiện, tái canh phải luân canh với cây trồng khác ít nhất 2 đến 3 năm sau nhổ bỏ.
+ Thời gian để tái canh quá lâu, diện tích quá lớn. Như vậy, làm sản lượng cà phê của Việt Nam giảm rất lớn và vị thế trên thị trường thế giới giảm.
-Việc trồng xen cây gì, luân canh cây gì là do bà con quyết định. Tất nhiên, với sự tư vấn của các nhà khoa học hiểu biết thì sẽ tốt hơn. Chứ trồng xen với Bông Vải tôi thấy cũng nguy, trồng bông vải không hiệu quả so với trồng cây trồng khác như Bắp, các loại đậu, v.v… Tất nhiên, các loài cây này không làm cạn kiệt trong đất (như sắn), không phải là nguồn ký chủ của sâu bệnh hại, đặc biệt với tuyến trùng.
– Trồng xen bơ có giá trị thật nhưng đó chỉ là hiện tại, nguồn bơ cung cấp cho thị trường là bao nhiêu. Tôi nhớ không nhầm mấy năm 90, dân ta bơ cho cá và heo ăn còn không hết. Vậy, giờ đây tham quan thị trường cây giống bơ phải hãi hùng, vì 2 năm qua giá bơ quả quá cao. Tât nhiên, nếu trồng được giống tứ quý, biện pháp cho bở chín quanh năm thì vẫn tốt hơn.
– Trồng Maca (Macadamia), thực sự tán rất dày không thích hợp cho trồng xen mà chỉ trồng ở hàng rào, ngoài bờ lô, hàng biên thì tốt hơn. Chưa có mạng lưới thu mua, khi nhiều rồi không bị ep giá mới lạ.
– Việc hỗ trợ nông dân tái canh nghe xa vời quá. Tại vì, nếu hỗ trợ cũng chỉ vào “hầu bao” chứ làm sao đến được nông dân.
Việc tái canh cà phê hay việc trồng xen cây gì trong vườn cà phê thực chất là chuyển từ độc canh có nhiều rủi ro sang đa canh ít có rủi ro hơn nên đây là điều rất cần phải làm. Tuy nhiên khi thực hiện đa canh phải xác định cây gì chính, cây gì phụ hay song song tồn tại. Ngoài ra còn phải tính đến vấn đề bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm như thế nào nữa chứ. Theo tôi nghĩ cây Bơ trồng xen đại trà trên diện rộng thì ngành dược sẽ phát triển nhanh lắm đây. Sáng ăn quả bơ, trưa ăn quả bơ, tối ăn quả bơ liên tục, ko bị Tào Tháo đuổi mới là lạ.
Các bạn đừng trông chờ vào nhà nước cho vay với lãi suất 0%, không biết chỗ các bạn sao chứ ở ngân hàng nông nghiệp agribank huyện Đức trọng tỉnh Lâm đồng tôi ra đăng ký vay 60.000.000 để chăm sóc cà phê mà ra cả chục lần chẳng thấy tăm hơi cán bộ tín dụng vào thẩm định tài sản cho vay, chán quá đành vay tín dụng với lãi 1,8% một tháng quá đau xót nhưng biết làm sao. Đừng hy vọng nhà nước hỗ trợ với lãi suất 0% mơ đi các bạn.
Cách tốt nhất là cưa đi xong cho máy cày giữa 2 hàng cà phê rãi phân chuồng xong trồng đỡ 3 hàng bắp hay đậu tuỳ từng hộ chờ chồi lên kiếm chồi giống mới ghép chờ 3 năm sau có cà phê thu hoạch lại thôi. Chứ nhổ lên hết rồi phải trồng cây trồng khác 2-4 năm mới trồng lại cà phê thời gian mất cả gần chục năm thì đói chết.
Tôi nghĩ phần lớn nông dân ở những vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây cà phê thuộc các tỉnh Tây Nguyên đều làm cà phê. Diện tích cũng chẳng có nhiều, dăm ba hecta là cùng. Nếu để vườn cây già cỗi phải tái canh đồng loạt thì sẽ gặp không ít khó khăn, bởi vốn đầu tư lớn, thu nhập đột ngột giảm sút; sản lượng chung cũng giảm nếu nhiều gia đình, nhiều vùng cùng tái canh. Để ổn định thu nhập của từng gia đình, ổn định sản lượng của cả vùng, theo tôi là nên tái canh dần dần trong từng vườn cây.
Ta biết trong mỗi một vườn cây thì giống cũng khác nhau; năng suất, tốc độ già cỗi của từng cây cũng khác nhau. Những cây nào già cỗi, cho năng suất thấp thì nên phá bỏ để trồng lại. Cứ mỗi năm làm một ít thì vườn cây vẫn trẻ, vẫn cho sản lượng ổn định, thu nhập cũng không bị sụt giảm đột ngột. Việc trồng dặm lại (cũng có thể hiểu là tái canh) như thế nào cho có hiệu quả, cây trồng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt thì tôi đã trao đổi ở những lần trước, xin không nói lại. Gia đình tôi cũng làm 2,5ha cà phê; vẫn làm theo cách ấy và đạt hiệu quả. Năm được mùa đạt 7tấn nhân/ha, năm ngoái mất mùa sản lượng cũng được gần 13 tấn.