Riêng quí I, xuất khẩu cà phê đã đem lại 1 tỷ USD. Thế nhưng, phần lớn lợi nhuận lại nằm trong túi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Xem thêm: DN nước ngoài thu mua cà phê trái luật: Nông dân chỉ được lợi trước mắt
Nông sản được coi là một trong những ngành trọng điểm của sự phát triển kinh tế năm nay. Nó không chỉ mang đến nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp (DN) mà còn giúp tăng thu nhập của nông dân và thu về một lượng lớn USD từ xuất khẩu để ổn định cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, thực tế nguồn lợi từ xuất khẩu nông sản lại không nằm trong tay những đối tượng mà chúng ta mong đợi. Lợi ích ấy đang nằm trong túi các DN có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn về vốn.
DN Việt Nam chỉ biết đứng nhìn
Tại buổi giao ban công tác xuất nhập khẩu tháng 3/2011 của Bộ Công thương diễn ra sáng 5/4, ông Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch Hiệp hội tiêu, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết: Mới 3 tháng đầu năm nhưng ngành cà phê đã đem lại 1 tỷ USD. So với năm 2010 lợi nhuận từ cà phê rất lớn. Nhưng thực chất số tiền ấy nằm trong túi các công ty nước ngoài ở Việt Nam. Họ có rất nhiều vốn nên đã bỏ ra gom hàng lúc giá thấp và tổ chức thu mua đến tận người nông dân. Các DN Việt Nam biết là giá sẽ tăng, muốn mua lắm nhưng chỉ đứng nhìn không biết làm gì hơn.
“Vấn đề là vốn. DN của chúng ta biết mà không làm gì được. Hiện nay, DN nước ngoài mua tới 60-70% lượng cà phê trên thị trường Việt Nam” – ông Nam nói.
Ông Nam đưa ra ví dụ ở Brazil, không có chuyện người nước ngoài vào được thị trường của họ, nhưng họ không cấm người nước ngoài mà áp dụng chính sách cấp quota xuất khẩu tự động 3 tháng/1 lần. Các DN phải đăng ký đúng năng lực của mình, khi sử dụng hết quota đó thì mới cấp tiếp. Điều đó có nghĩa DN phải làm, phải xuất khẩu chứ không biến đất nước của mình thành nơi chứa cà phê cho DN nước ngoài kiếm lời.
Tương tự những khó khăn của ngành cà phê, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: Quí 2 là thời điểm thu mua và nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Phi để dự trữ chế biến cho năm 2011, nhưng hiện tại tiếp cận vốn ngân hàng rất khó. Tổng nhu cầu vốn của ngành khoảng 25.000 tỷ đồng, các DN tự cân đối khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng còn chủ yếu là vay ngân hàng. Trong quí 1, chỉ tiếp cận được khoảng 10% trên tổng nhu cầu hiện nay. Trong tháng 2 và 3, các DN tận dụng vốn tự có để thu mua, chế biến xuất khẩu, nhưng vốn này rất hạn hẹp. Trong các tháng trọng điểm tiếp theo, dự kiến các DN ngành điều cần khoảng 12.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được”.
Ông Nguyễn Thái Học đưa ra một bài học “xương máu” năm 2010, Ấn Độ thu mua hết nguyên liệu đến khi các DN Việt Nam có tiền thì lại phải mua giá cao.
Ông Nguyễn Thái Học cũng cho rằng hạn mức vay thế chấp ngân hàng hiện nay quá cao (khoảng 30%). Bên cạnh đó, ông Học đề nghị nên giảm mức thế chấp xuống 10-15% tùy uy tín DN. Với mức 30% như hiện nay thì DN không có vốn sản xuất.
Các DN FDI trong lĩnh vực nông sản sẵn sàng đẩy vốn vào thu mua nguyên liệu để sau này ăn chênh lệch giá. Một ngày nào đó, DN thấy chán quá bỏ đi thì DN nước ngoài sẽ vào. Khi đó, họ sẽ điều khiển thị trường lên xuống thì tùy thích. Hiện nay, cà phê trong dân không còn bao nhiêu. Nhu cầu cà phê trên thế giới hiện tăng cao nhưng giá cà phê tuần vừa rồi lại rớt 300 USD/tấn. “Đơn giản vì các công ty nước ngoài đã điều khiển giá thị trường London rồi” – ông Đỗ Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê nói.
Giải bài toán vốn
Vốn là vấn đề được hầu hết các cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu nêu ra. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, thì giữa NH và DN trong nước phối hợp không đồng bộ. Bởi các ngân hàng (NH) đều khẳng định họ có vốn cho vay.
Ông Đỗ Hoài Nam cho rằng: “Giải quyết bài toán này không phải quá khó. Chính phủ đã qui định hạn mức cụ thể cho từng ngành hàng nông sản. DN Việt Nam không quá cần lãi suất thấp, chỉ cần khi mua hàng thì tập trung được vốn để mua”.
Theo ý kiến của ông Nam, Chính phủ cần giao cho một số NH tổng hạn mức cho cà phê, thuỷ sản, tiêu, điều…. Sau đó, NH đó có nghĩa vụ phải tìm DN làm ăn tốt thì cho vay. Nếu NH nào cho vay hết hạn mức mà Chính phủ giao mà không xảy ra sự cố thì tạo điều kiện, tiếp tục ủng hộ NH đó. NH nào không làm được thì chuyển sang NH khác. DN nào khó khăn thì dùng cơ quan thứ 3 để kiểm tra hàng hóa, tình trạng DN. Làm như vậy thì chúng ta giúp được DN khó khăn vẫn tiếp cận được vốn.
Về phía NH, ông Trần Phú Minh – P. TGĐ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho rằng: “NH phải đảm bảo an toàn tín dụng”. Cùng chung quan điểm này, bà Trần Hồng Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NH Nhà nước Việt Nam) nói: “Vốn cho DN vay luôn sẵn sàng nhưng DN phải đảm bảo có khả năng tài chính và làm ăn hiệu quả. Nhiều DN kêu khó khăn nhưng khi NH hỏi phương án kinh doanh lại không có”.
Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: “Có những lĩnh vực, hiệp hội ngành hàng có năng lực tốt, quy tụ hội viên… thì quyền lợi DN được đảm bảo. Ví dụ Hiệp hội lương thực (VFA) cung cấp danh sách DN có nhu cầu vốn mua tạm trữ cho các NH quốc doanh và thương mại, khi đó, các NH yên tâm cho vay hơn nhiều so với các DN ngoài danh sách”.
Bà con ơi, xem mấy ông lãnh đạo chóp bu của ngành cà phê và điều noí chuyện mắc cười chưa?
Hôm trước gia nhập được WTO ai ai cũng hỉ hả hoan hô thắng lợi, nay DNNN vào chíếm hết thị phần và lợi nhuận mấy ổng đang ngồi tiếc của, buồn cười thật.
Bà con nghĩ xem, trước kia không có DNNN mấy ổng bá chủ thao túng thị trường, o ép nông dân để thu lợi thật nhiều nhưng lợi nhuận không biết nhà nước có đuợc bao nhiêu, quan trọng là vốn nhà nước cấp mấy ổng làm thất thoát, uy tín với ngân hàng cũng không có nên nay không tài nào vay vốn đủ để kinh doanh, đến giờ kêu trời chính phủ cũng không dám đứng ra bảo lãnh cho họ để có tiền làm ăn. Thực là nực cười. Ngẫm lại thấy dân mình là khổ tụi DNNN cũng chẳng tốt lành gì đâu nó mà nắm được thị trường rồi thì dân ta cũng khốn cầu mong cho DNNN và DNVN là hai đối trọng tương xứng thì dân mình mới thoát khổ. Vài suy nghĩ hạn hẹp mong bà con lượng thứ.
Theo bà con nông dân chúng tôi việc DNNN vào thu mua cà phê bộc lộ rõ 2 mặt : lợi và không lợi. Lợi cho nông dân vì đã cứu hàng ngàn hộ nông dân thoát nghèo vì trả được nợ do hưởng giá cao, nếu không giá cà có mà mơ không hết nghèo được. còn không lợi thì thấy rõ rồi. DNNN vào làm ăn mang ngoại tệ đến chuyển sang tiền VN theo tỷ giá nhà nước chứ có được nhà nước cấp không đâu, rồi chi phí đi lại ăn ở mà sao họ vẫn lời còn DNVN thuận lợi nhiều mà sao vẫn kêu lỗ do không tự ý đặt giá như ngày trước hay sao vậy? Như vậy DNNN thu mua là ích nước lợi nhà sao phải cấm họ! Còn việc DNVN chịu lãi cao có phải là nguyên nhân chính không hay ở lý do khác quan trọng hơn? Nhờ các bác nông dân giỏi, những nhà chiến lược của ta giải đáp tôi nghĩ hay hơn. Đừng băn khoăn nhiều nữa hãy vui vẻ hội nhập cái gì đến sẽ đến,cái gì đi sẽ đi quy luật phát triển chẳng phụ thuộc vào ai cả,…
Với cung cách làm ăn của quý ngài DNXK trong nước mà Ngân Hàng tiếp tục cho vay mới là chuyện L…Ạ. Ai cũng lo bảo toàn vốn của mình, ai không sợ trách nhiệm, đem trứng giao cho ÁC mà không lo thì đó là cũng là chuyện lạ. Các NH ngoại họ cho các DNNN vay không có thế chấp, lãi suất thấp nhưng tại sao họ an tâm cho vay. Câu hỏi đó nên đặt cho những nhà XK tài ba như ông … trả lời. Đừng đặt câu hỏi vì sao ngân hàng không chịu cho mình vay mà hãy đặt câu hỏi vì sao mình không được ngân hàng tin cậy để cho vay ? Đòi hỏi , yêu cầu nhà nước can thiệp về tín dụng như ngày xưa chắc cũng xưa quá rồi quý vị ạ .
Mấy ông lớn đều có trình độ lý luận cao cấp hết các bạn ơi.
Trong triết học người ta con lý luận được rằng con gà có ba chân nữa kia.
Mấy ổng thì cái gì cũng làm thầy, cái gì cũng tinh thông, nhưng…
Khi người ta tố nhau bỏ hàn the vô bánh phở thì ổng mới biết để …nói.
Khi Toyota thông báo 9000 xe ở VN ráp bị lỗi thì ổng mới la ầm lên dù hàng năm ổng thu không biết bao nhiêu tiền KIỂM ĐỊNH!!
Bài viết thật đầy đủ, đơn giản và dễ hiểu, kêu ca chi nữa. Chỉ cần làm được 6 chữ “năng lực tốt, quy tụ hội viên” thì các DNXK làm vương làm tướng gì chẳng được.
Đã dở lại còn đòi ăn miếng bánh lớn, xưa có câu : “tài hèn mà lo (đòi) việc lớn, đức kém mà (được) ngồi chức cao thì đều nguy hại cho xã tắc “. Bây giờ chúng ta sẽ được xem “cái chết” này hoặc là một sự cải tổ thực chất, dù gì chuyến này dân ta cũng được nhờ đúng không bà con? Dân giàu thì nước mạnh mà.
Mấy ông DN trong nước quen chèn ép giá của nông dân, nay có mấy ông DNNN vào thu mua, các DNVN phải canh tranh không ép giá được nữa. Vậy là DNVN bây giờ mới thấy nồi cơm của các ông đã bị người khác san bớt, vội vàng lên tiếng nhặng củ tỏi. Lợi ích rơi vào túi doanh nghiệp nước ngoài đâu không biết, nhưng nông dân chúng ta bán được giá cao là thích rồi, còn để vào túi DN trong nước mà người dân bị chèn ép thì đến là khốn khổ với DNVN.
Bài viết có đoạn “…Các DN Việt Nam biết là giá sẽ tăng, muốn mua lắm nhưng chỉ đứng nhìn không biết làm gì hơn …”. Biết sẽ tăng nhưng không dám mua có phải do chênh lệch giá không bù nổi lãi vay hay và tính tay không bắt cướp hay vì lợi nhuận không dày nên không mua?
Biết giá sẽ tăng mà không mua, điều này đủ cho thấy họ ép nông dân thế nào! Nếu DNNN cũng không mua thì sao nhỉ? Có lẽ nông dân phải rang cà phê ăn thay cơm quá! Hên cho nông dân là chữ “nếu” không xảy ra.
Thật nản cho DNTN, tính ký sinh trên nông dân đến bao giờ nữa?
Thưa bà con, qua nhiều bài viết của nhiều tác giả cũng như mọi người đều bàn đến chuyện doanh nghiệp ngoại và nội thu mua cafe, tôi xin được đặt ra vài ý kiến mong mọi người góp ý tham luận.
1/giá cà fê hiện nay so với mặt bằng chung thì có cho là cao không?
2/DNNN mua giá cao hơn thì họ có lợi nhuận không? hay họ thừa tiền rồi vào Việt Nam phá giá như một số bài báo viết “chờ DNN chết để làm ăn”.
3/. nếu không có DNNN thu mua thì giá cà fê bây giờ sẽ là bao nhiêu?
4/.nếu toàn bộ sản phẩm cà fê được DNTN thu mua hết với giá thấp hơn thị trường thế giới, người dân thiệt thòi, nhà nước có lên tiếng bênh vực cho người dân không?
Còn nhiều câu hỏi chính đáng mà người dân đưa ra, AI SẼ TRẢ LỜI. Hay chỉ để nông dân làm đề tài nói chuyện phiếm.
Gởi anh Dak Mil & bà con nông dân
Anh đã có cái nhìn thiếu lạc quan chăng? Và các câu hỏi của anh đã đi vào đúng vấn đề? Xin thưa:
1. Giá cà phê so với mặt bằng chung không cao? Nếu như năm 1994, sức mua của 1kg cà phê có thể đạt trên 15kg gạo; trên 02kg thịt heo,… thì hiện nay đi chợ sẽ thấy không thể. Nếu mà nói đến đổi ra vàng thì càng tệ hơn. Mặc dù sức mua của cà phê (sức mua của đồng tiền giảm) nhưng hầu như báo chí nào cũng nói giá cà phê cao nhất … trong mấy mươi năm qua. So sánh thấy buồn phải không bạn? Nhưng bạn làm gì được để thay đổi điều đó? Không được ư? Vậy so sánh để làm gì???
2. DNNN bạn gọi quá chung chung, họ là các tổ chức kinh doanh của quốc gia này, quốc gia khác (các công ty đa quốc gia thì họ cũng có trụ sở chính thuộc 1 quốc gia nào đó). Vậy tất cả họ sẽ liên kết với nhau để làm giá được ư? theo tôi biết “VÌ LỢI HỌ SẼ HỢP VÀ CŨNG VÌ LỢI HỌ SẼ TAN”.
Mua giá cao họ có lợi không? Xét toàn cục, ai làm kinh doanh với mong muốn sẽ từ từ phá sản? Nếu không có thì có thể với một DNNN khi mua giá cao, hoặc họ muốn quay vòng vốn nhanh, hoặc giảm lỗ nếu có (bán giao sau, họ sợ càng chờ giá thị trường sẽ càng lên), hoặc dùng tiền đầu tư vào ngành xem như một kênh tiếp thị cho mục đích khác, hoặc … nói cả tháng cũng chẳng hết vì nó chỉ là giả thuyết thôi, đúng với DNNN này nhưng chưa hẳn đúng với DNNN khác
Phá giá chờ DNTN chết rồi làm ăn? Điều này chỉ có thể xảy ra khi DNTN và họ ký với nhau các điều khoản góp vốn và chia lời lỗ theo tỷ lệ nhất định. Nếu không ký kết, DNNN mua cao hơn giá trị trường (hiện tại và tương lai ngắn) thì đương nhiên họ lỗ, DNTN nếu cảm thấy không lời họ bảo toàn vốn bằng cách chuyển hướng đầu từ hoặc gởi ngân hàng. Vậy DNNN sẽ giết ai? Trường hợp DNNN đánh hơi chính xác được giá có khả năng biết động tăng trong tương lai hoặc họ mạo hiểu hơn với dự báo giá tăng họ sẽ tranh nhau mua hàng và đẩy giá mua lên. Các DNTN cũng vậy có DN mua có DN không, điều này tùy thuộc khả năng dự báo và mức độ chấp nhận rủi ro của chủ sở hữu. Một trường hợp nữa cũng nên nhắc tới là suất sinh lợi mong muốn của các đối tượng sẽ khác nhau, DNNN & DNTN có DN muốn ăn dày, có doanh nghiệp muốn ăn vừa phải nhưng ăn được với số lượng lớn (Ưu thế về quy mô)
3. Chữ “nếu” chỉ là nói chơi thôi bạn ạ. Ai đó có thể biết được khi DNNN không mua, giá sẽ như thế nào, người đó sẽ trở thành kẻ giàu nhất thế giới và quy luật 20/80 sẽ sai. Người ta chỉ đưa ra giả thuyết cho những điều không (hoặc chưa) xảy ra và lập luận dựa trên đó, do vậy kịch bản có thể đúng, có thể sai nhưng xác suất đúng thường rất rất thấp.
4. Điều bạn đề cập không xảy ra, chỉ có TRỜI mới biết thôi bạn ạ!
Cảm ơn các thành viên BQT đã tạo ra một diễn đàn, nơi các thành viên có thể trao đổi quan điểm, kinh nghiệm, tìm cơ hội hợp tác,… và mình hi vọng rằng nơi đây có thể là chốn riêng tư cho ai đó xả tress để họ vững bước hơn và hơn nữa là hi vọng nông dân và những người quan tâm đến nông dân chia sẽ với nhau những kinh nghiệm, tìm cơ hội hợp tác cùng phát triển để mỗi người có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Mình biết là điều này cực khó nhưng vẫn hi vọng.
Không hiều vì sao mà các bác cứ hay chê trách các nhà quản lý của chúng ta cũng như là không có thiện cảm với Doanh nghiệp trong nước.
Làm gi thì làm chúng ta phải chung tay để gìn giữ sự ổn định của nước nhà. Các bác thử hình dung xem trong thảm họa 11.3 đối với dân Nhật bản, thế nhưng họ đã đùm bọc nhau rất tốt. Còn chúng ta thì sao, khi các DNNN nhảy vào mua giá cao chúng ta lại ào ào đi bán rồi lại phê bán doanh nghiệp trong nước ép bà con, thử hỏi xem với lãi suất mà họ vay ngân hàng, với giá họ mua thì cao hơn các doanh nghiệp trong nước là bao nhiêu.
Với giá cà phê hiện nay nói như bác Daklmil và người quan sát tui thấy giá cao nhưng rồi cũng đấy mà thôi, giá cao thì phân phải cao, điện nước, xăng dầu tăng cao… thử hỏi…? quy luật cũng vậy thôi, giá cà xuống thì các thứ khác sẽ xuống bởi vì đầu tư như thế nào chúng ta sẽ thu hoạch thế ây.
Với cách tính toán của nông dân tui thì giá cà mua 35-37 là chúng ta có lãi, còn thấp hơn xuống 30-31 thì chỉ huề vốn mà thôi. như vậy theo cách nhìn nhận của tui thi gia cà phê sẽ không cao hon 39ng và sẽ không thấp hơn 3ong, đó là quy luật cung cầu.
Là nông dân chúng ta mong có lãi để hăng hái làm, chứ chúng ta cứ nặng lời với các vị lãnh đạo, rồi các doanh nghiệp trong nước để làm gì, làm gì có chuyện các doanh nghiệp trong nước chèn ép nông dân ta chứ. họ chèn ép ta thì có lợi gì cho họ chứ, chúng ta nghỉ chơi với họ thì chúng ta lợi gi?
Xin chào,
Thật xin lỗi vì đã gây bức xúc. Mình chỉ viết ra những điều mình thấy tôi (do vậy có thể phiến diện). Mình không coi trọng DNTN và DNNN, nghe có vẻ lạ phải không? Chúng ta đã gia nhập WTO nên sân chơi đã mở rộng, vậy cái gọi là DNTN & DNNN nên được hiểu làm sao? Tại sao lại dùng thuật ngữ đó? Tại sao cấm DNNN không được mua trực tiếp từ nông dân?
Quy luật cung cầu, khi cầu tăng thì người làm thương mại sẽ chuyển hàng hóa từ nơi thừa sang nơi thiếu và cầu sẽ tự nhiên trở lại cân bằng. Nó chỉ đúng với thị trường cạnh tranh hoàn toàn thôi và khi thị trường vì lý do nào đó dẫn tới độc quyền, quy luật cung cầu trở thành mất tác dụng.
Mình hiểu kinh doanh là tìm lợi nhuận và lợi nhuận tìm được từ kinh doanh những người chủ không cho không và phải đánh đổi.
Mình đang xem phim “ĐẾ QUỐC ĐẠI TẦN”, trong phim có người làm vì dân nhưng bị dân oán, có người gây hại cho dân được dân mang ơn. Mình chỉ hỏi tại sao lại vậy?
Khi nghe một điều, có người cho là phải, người nói không phải, người ủng hộ kẻ chống đối mà mỗi người đều có cái lý của riêng mình. Tranh luận thường chỉ đào sâu khoảng cách mà thôi. Riêng tôi chỉ viết lên suy nghĩ của mình, ai đồng cảm thì đọc cho vui giải tress mà thôi
Người ta mua khỏang 0,6usd /kg quả arabica tươi,sau khi chế biến sàng lọc để bán với giá 265cent/lb vậy thì trung bình là bao nhiêu usd/tấn và chi phí cho chế biến và đóng bao là khỏang bao nhiêu mà sao thấy chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra nhiều quá,Bác nào có hiểu biết về chế biến và xuất khẩu giải thích giùm mình với!Cám ơn nhiều!
Tôi rất đồng tình với anh Kẻ quan sát, không ai bỏ mình mà thương người đó là trái đạo lý của con người Việt Nam, nhưng chỉ trách là những điều làm không đúng để cho họ sửa sai và rút kinh nghiệm chớ mình đừng che giấu vô tình là mình mang tội ác, vì mình muốn làm sao DNTN hãy đoàn kết với nhau để phát triển kinh doanh trên tinh thần hội nhập, cạnh tranh bình đẳng, cùng có lợi thì sẽ đem lợi ích về cho họ nói riêng, và cho đất nước cũng người nông dân nói chung. Đó là điều mong mỏi của mọi nông dân chúng tôi, ngoài ra mình phải vạch trần những cái sai của họ trên tinh thần xây dựng không có gay gắt, xoi bói ẩn ý với một cá nhân doanh nghiệp nào vì một tương lai giàu mạnh của dân tộc và phồn vinh của đất nước. Chúc đoàn kết thanh công và thắng lợi.