Một nghịch lý hiện nay là các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa có một thương hiệu quốc tế nào cho sản phẩm của mình, lợi thế về thương hiệu cà phê lại thuộc về những nước không sản xuất cà phê nắm giữ.
Theo GS Tom Cannon, cố vấn về kinh tế và chiến lược ở tầm vóc toàn cầu, tại San Francisco (Mỹ), người uống cà phê không thể biết được cà phê mà họ đang thưởng thức đến từ quốc gia nào.
Các tiệm cà phê ở Mỹ thường treo một số hình ảnh nông dân Costa Rica làm người ta lầm tưởng cà phê mà họ đang uống có nguồn gốc từ quốc gia này. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia cung cấp 95% số lượng cà phê Robusta trên toàn cầu nhưng gần như không ai biết đến cà phê Việt Nam.
Ông Rodolfo Trampe, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê quốc tế, khuyến nghị các nước sản xuất cà phê cần nỗ lực tạo dựng một thương hiệu quốc tế cho riêng mình. Còn GS Peter Timmer, thành viên Hội đồng An ninh Lương thực Thế giới, cho rằng cà phê là một mặt hàng thiết yếu và là sản phẩm cho trí não, cho sáng tạo, kinh tế tri thức.
Điều này lý giải vì sao GS Peter Timmer thuyết phục Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ cho dự án phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam trong năm 2011 (trong một năm, quỹ chỉ chọn một dự án để tài trợ trên toàn thế giới).
Theo các chuyên gia ngành cà phê, những hạn chế trong hoạt động trồng trọt, giá cả và lợi nhuận… là rào cản của cà phê Việt Nam. Do đó, mô hình cà phê bền vững phải khởi đầu bằng các hình thức trồng trọt bền vững và chất lượng cao; lợi nhuận hợp lý cho nông dân cùng các giải pháp về bình ổn giá, tiếp thị sản phẩm từ trang trại đến tiệm bán cà phê.
Đặc biệt, giá cà phê thế giới hiện đã vượt qua 2.500 USD/tấn và được dự báo tiếp tục giữ giá cao trong 3 năm tới sẽ là cơ hội cho Việt Nam phát triển cà phê bền vững. Tuy nhiên, cần lưu ý tình trạng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nhất định đến sản xuất cà phê tại Việt Nam.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên, cho biết thế giới có đến 2,5 tỉ người liên quan đến cà phê. Để phát triển cà phê bền vững, cần tích hợp chuỗi sản xuất cà phê từ nhân giống, chăm bón, thu hoạch, thu mua cho đến quy trình chế biến, phân phối; tạo dựng một địa bàn có tính hình mẫu cho ngành cà phê.
Vui lòng sử dụng tiếng Việt đúng chính tả, có đủ dấu! BQT
Cho tôi nói những điều tôi thấy
1. Hàng năm đến hẹn lại lên, cà tặc hoành hành thì dù có muốn nâng cao chất lượng cà phê, một lượng lớn nông dân vẫn phải chọn hái non và bán bị ép giá. Vì sao ư? Cà phê một năm một vụ và nếu chẳng may bị “tặc” thì không chỉ mất mùa hiện tại mà còn kéo sang 01 đến 02 vụ tiếp theo
2. Phải chăm sóc bảo quản,… như thế nào? Có phải nông dân nào cũng biết?
3. Thói quen “tốt” trộn hàng kém chất lượng vào hàng tốt. Dễ bỏ thói quen không?
4. Độc quyền mua (năm nay có giảm vì DNNN nhảy vào nhưng năm sau họ còn tham gia không?)
5. Trích qũy (nghe nói) cà phê nhưng qũy đó để làm gì? Ai là người đóng tiền quỹ và ai hưởng lợi?
6. Thông tin về kinh tế về cà phê, ai sẽ cung cấp cho nông dân, độ nóng và chính xác của tin và độ dễ dàng khi tiếp cận như thế nào?
Chúng ta muốn có thương hiệu? Thật sự nỗ lực cũng mất ít nhất 15 năm và phải giải quyết một cách hệ thống từ đầu vào đến đầu ra!
– Những bài viết gần đây đều nói về cái gọi là “Nghịch lý” về giá, lợi nhuận,v.v… Thực sự thì rất nghịch lý nhưng nó lại tồn tại thì trong thời gian này đó là “Hợp lý” (hợp lý với quy luật thị trường).
Ai cũng biết, người nông dân sản xuất cà phê nhưng lợi nhuận đem lại thì ít, doanh nghiệp trong nước thì lực bất tòng tâm với doanh nghiệp nước ngoài, còn doanh nghiệp nước ngoài thì đương nhiên là cơ hội tốt cho họ.
+ Cái “mất” ở đây không chỉ là giá trị của hàng hoá, mà mất ở giá trị gia tăng, giá trị đem lại cho quốc gia. Đó là Nghịch lý của sản xuất nhiều, sản phẩm tốt nhưng không “bảo vệ” được lợi ích.
+ Ai cũng biết quy luật thị trường, “cá to sẽ ăn cá nhỏ”, lợi thế cạnh tranh của DN nước ngoài tốt hơn vì học có chiến lược, nguồn vốn, nhân lực, đầu ra. Đó là hợp lý.
– Điều chúng ta nên làm là đem lại phần nghịch lý về phía mình để có thể có được những lợi ích Quốc gia nhất định như phần giá sản phẩm nông sản với người dân được cao hơn, phần giá trị tăng thêm thuộc về trong nước; thì chúng ta phải có những chính sách, chiến lược của Nhà nước, của Doanh Nghiệp, v.v… Đó là bài toán rất khó. Không phải vì bài toán không có lời giải, mà khó ở chỗ có rất nhiều bài giải, hoặc có lời giải mà không làm (thực hiện).
Ví dụ:
+ Giải bài toán về chất lượng thu hái quả xanh non, thì vướng mắc về an ninh đồng ruộng.
+ Giải bài toán về DN trong nước thiếu vốn? Khi thực sự có vốn liệu có mua với giá cao cho nông dân?
+ Bài toán về Trích quỹ cà phê, nhưng lại không biết trao quyền cho ai và lợi nhuận rơi vào đâu?
+ Bài toán về chính phủ hỗ trợ Tạm trữ cà phê, nhưng người hưởng lợi chính lại không được.
……………
Tất cả đều có lời giải nhưng lại giải không được vì không có người nào muốn giải!
Oán than cũng thế thôi bác ạ!