Ca cao – cây công nghiệp chủ lực, tại sao không?

Ca cao là loại cây trồng không quá khắt khe về kỹ thuật chăm sóc, nhanh cho trái, năng suất ổn định, giá hạt ca cao có thể cạnh tranh được với cà phê và một số cây trồng khác.

Đặc biệt, ca cao Việt Nam được các nhà nhập khẩu đánh giá là có chất lượng tốt nhất thế giới.

Quả ca cao
Quả ca cao

Mới đây, tại trạm thu mua ca cao ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã tổ chức lễ ghi nhận lô hàng 70 tấn ca cao đạt chứng chỉ UTZ đầu tiên của Việt Nam.

Ông Harold Poelma, Tổng giám đốc điều hành toàn cầu ngành ca cao Công ty Cargill Cocoa & Chocolate cho biết, việc đón nhận lô hàng ca cao đạt chứng chỉ UTZ đầu tiên tại Việt Nam, là cột mốc quan trọng của sự phát triển ngành hàng ca cao Việt Nam, quốc gia sản xuất ca cao chất lượng cao (UTZ là là bộ tiêu chí chứng nhận cho 4 sản phẩm café, cacao, trà, dầu cọ sạch có giá trị trên toàn cầu).

Kết quả khảo sát hầu hết nông dân trồng ca cao đặc biệt ở những vùng không có các loại cây trồng khác cạnh tranh như cà phê, cao su thì thu nhập của người nông dân tăng đáng kể nhờ vào trồng ca cao.
Trong vòng 6 năm qua (2004-2010) giá ca cao thế giới tăng từ 1.500 USD/ tấn lên tới 3.000 USD/ tấn. Giá tăng mạnh là động lực khiến người nông dân trồng nhiều hơn. Từ năm 2005-2010 diện tích trồng ca cao của khu vực phía Nam và Tây Nguyên tăng từ 1.218 ha lên 16.725 ha và thu hút 30 ngàn nông dân tham gia trồng. Diện tích trồng tập trung chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và trồng xen trong các vườn dừa, điều ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng….

Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt đề án Phát triển cây ca cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015, diện tích ca cao cả nước đạt 60.000ha, trong đó có 35.000ha kinh doanh, năng suất bình quân 15 tạ/ha, sản lượng hạt khô 52.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 50-60 triệu USD. Tuy nhiên, khi triển khai tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng còn chậm mà nguyên nhân chủ yếu do các địa phương còn trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của các dự án; nhiều nơi nông dân còn nghi ngờ khả năng mang lại hiệu quả kinh tế của loại cây này; công tác nghiên cứu giống chưa được quan tâm đúng mức; đặc biệt là chưa có được sự liên kết giữa người nông dân, DN chế biến tiêu thụ ca cao.

Về chế biến, ngành ca cao khác với cà phê vì cần máy móc tinh vi bởi phải nghiền rất mịn để tạo ra dạng bột, cần trích bơ để giảm năng lượng…, kinh phí đầu tư cho nhà máy khá cao. Thêm đó, do sản lượng ca cao trong nước hạn chế nên doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến vẫn phải nhập thêm nguyên liệu từ nước ngoài.

Điển hình như Công ty Chocolate Grand – Palace (Bỉ) đã thực hiện được toàn bộ quy trình từ lên men hạt ca cao cho đến giai đoạn cuối của quá trình chế biến chocolate tại Việt Nam nhưng do lượng ca cao cung ứng của Việt Nam còn hạn chế nên phải nhập thêm nguyên liệu từ Bỉ.

Ông Bill Guyton – Chủ tịch Hiệp hội Ca cao Thế giới nhận xét Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển cây ca cao đại trà, thậm chí, có thể xem đây như loại cây công nghiệp chủ lực. Bởi không phải lo về thị trường tiêu thụ khi mà nhu cầu ca cao của thế giới rất cao và tăng liên tục hàng năm. Chỉ tính riêng châu Âu và Bắc Mỹ đã chiếm trên 50% sản lượng tiêu thụ ca cao của thế giới. Đây sẽ là thời cơ cho Việt Nam khi hội tụ đủ những yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân công để phát triển cây ca cao… Trước mắt ngành nông nghiệp Việt Nam nên chú trọng đầu tư phát triển ca cao theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và sản lượng, đặc biệt là đầu tư theo chiều sâu cho công nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản xuất ca cao, nên chú trọng thâm canh tăng năng suất, trồng xen canh; tiếp tục nghiên cứu, lai tạo giống mới, tăng cường công tác quản lý giống và chất lượng sản phẩm; tổ chức liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các DN với nông dân; khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia sản xuất ca cao. Ngoài ra khi ngành ca cao của Việt Nam còn non trẻ, cần phải tập cho người trồng quen với nhận thức chất lượng là hàng đầu thông qua các lớp tập huấn; tăng cường thông tin về thị trường cho người nông dân; thực hiện chiến dịch xây dựng hình ảnh và thương hiệu ca cao Việt Nam để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản.

Cây ca cao được người Pháp mang vào trồng tại Việt Nam từ năm 1858 ở nhiều vùng khác nhau từ Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long, nhưng bởi nhiều lý do cây ca cao không được phát triển theo hướng thương mại. Đến những năm 1980 cây ca cao được tái giới thiệu trồng trên hàng ngàn ha ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam nhưng vẫn không phát triển mạnh vì chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đến năm 2004, Chính phủ đã phát động một chương trình mới đầy tham vọng về cây ca cao hướng đến mục tiêu trồng 100.000ha cây ca cao vào năm 2020.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83