Cuộc cạnh tranh hướng về nông thôn của các ngân hàng hiện nay cho thấy đã có sự chuyển dịch đáng kể để giành thị trường tiềm năng này
Từ trước đến nay, kênh dẫn vốn chính của khu vực nông nghiệp, nông thôn là Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) với tổng dư nợ cho vay nông nghiệp đạt 70% tổng dư nợ tín dụng. Sau khi có Nghị định 41/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn ban hành tháng 4-2010, nhiều ngân hàng (NH) bắt đầu có các dự án hướng tới khu vực quan trọng này.
Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn thu mua cà phê rất cần sự hỗ trợ về tín dụng từ các ngân hàng.
Nhu cầu còn rất lớn
Theo số liệu của NH Nhà nước, năm 2010, NH Công Thương (VietinBank) đã có dư nợ cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn lên đến 35.000 tỉ đồng. “Việc VietinBank tham gia khu vực này đã tạo ra động lực cạnh tranh mới khiến ngay cả Agribank cũng phải xem lại cách phục vụ khu vực nông thôn” – Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Giàu bình luận.
Tương tự, năm 2011, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ưu tiên vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn vào mục tiêu chung phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Một số NH mới thành lập cũng đã hướng tới thị trường này. NH Liên Việt (LienViet Bank) đã triển khai đề án đầu tư phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2013 với doanh số cho vay dự kiến 5.000 tỉ đồng. Đề án này được thí điểm đầu tiên tại Hậu Giang rồi mở dần ra nhiều tỉnh ĐBSCL khác cho vay khép kín, bảo đảm liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, NH, doanh nghiệp và nhà nông…
Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi có chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn đổ vào khu vực này đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất lớn và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các NH để nông dân không phải tìm đến tín dụng đen. Sự sẵn sàng của các NH không chỉ là dành sẵn hạn mức tín dụng cần thiết mà còn ở việc cải tiến thủ tục cho vay đơn giản hơn để phù hợp với trình độ của người vay vốn.
Lợi nhuận thấp nhưng an toàn
Trong 10 năm qua, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp 9 lần, chiếm 16,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm đạt 21,78%, tỉ trọng vốn đầu tư trung và dài hạn chiếm tới 40%.
Theo các chuyên gia, tín dụng nông nghiệp đem lại lợi nhuận cho NH không cao song trong bối cảnh liên tục 3 năm trở lại đây đều phải thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt là siết hạn mức tín dụng đối với bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng… thì sự an toàn của khách hàng nông nghiệp cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước đã khiến khu vực này có sức hấp dẫn hơn.
Chính sách ưu đãi đối với tín dụng nông nghiệp được thực hiện khá ổn định, nhất là đối với những NH có cơ cấu tín dụng nông nghiệp cao, tỉ lệ dự trữ bắt buộc được quy định ở mức rất thấp. Thậm chí đối với Agribank, tỉ lệ dự trữ bắt buộc tại NH Nhà nước gần như bằng 0, giúp NH tăng được nguồn vốn cho vay và giảm chi phí để có điều kiện duy trì mức lãi suất cho vay thấp. Ngoài ra, NH Nhà nước còn dành một phần vốn tiền cung ứng tăng thêm để tái cấp vốn trung và dài hạn cho các NH này với tổng số tiền lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Tìm thế mạnh để phát triển
Tại cuộc họp trực tuyến sơ kết triển khai Nghị quyết 11 ngày 18-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dù tín dụng thắt chặt nhưng vẫn tập trung ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng lưu ý trong lúc khó khăn, các địa phương cần đánh giá, tìm ra các ngành, lĩnh vực là thế mạnh của mình để tiếp tục duy trì sản xuất ổn định và phát triển. Chẳng hạn, ĐBSCL có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, lúa gạo cần đẩy mạnh các lĩnh vực này, ưu tiên cho vay vốn để người dân sản xuất.
Giá cà phê chắc sẽ ổn định trong vài ngày tới. Bà con nông dân không nên quá nôn nóng hay lo lắng về việc giá cà phê giảm trng tuần vừa qua, nguồn cung đang bị thiếu hụt sẽ góp phần làm cho giá đi lên, trừ khi thế giới không uống cà phê nữa thôi.
Nhà nước cần quan tâm đến chính sách vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp đối với nông dân làm cà phê. Bởi đầu tư cho cà phê là rất lớn mà nông dân phải vay các đại lý với lãi suất cao hay bán cà non với giá rẻ. Cuối năm thu hoạch về lo trả cho đại lý hết , nên nghèo vẫn hoàn nghèo, rất khó phát triển.
Nghe đến việc CP và NH đầu tư vốn cho nông nghiệp vay vốn, thực sự là một tín hiệu vui cho các bà con nông dân, nhất là những bà con người thiểu số. Nhưng một vấn đề mà các NH quan tâm là thủ tục vay vốn làm sao phù hợp với những bà con nông dân thiếu học vấn, nhất là bà con thiểu số, ngay tại nơi mình sinh sống việc bà con vay tín dụng đen nhiều vì lý do đơn giản họ đi vay thì phải qua “cò” ngân hàng, họ tính lui tính tới thì vay tín dụng đen vẫn như vậy. Nên chẳng việc các NH phân bổ các tín dụng viên đến các xã để có thể giúp cho các bà con tiếp cận nguồn vốn là điều cần suy nghĩ.