Ngành cà phê Việt: Tập hợp thành ‘bó đũa’

Ông Đoàn Triệu Nhạn – nguyên chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam cho rằng rất khó để nói doanh nghiệp ngoại sai luật.

Chúng tôi đã có bài viết về việc doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước gặp nhiều khó khăn do đang chịu sức ép “tranh mua” từ doanh nghiệp ngoại. Ông Đoàn Triệu Nhạn – nguyên chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao VN cho rằng rất khó để nói doanh nghiệp ngoại sai luật.

Ông Nhạn cho biết, hiện nay khoảng 360.000 tấn cà phê đang được các công ty 100% vốn nước ngoài lưu giữ trong kho ngoại quan và cả trong kho các doanh nghiệp trong nước cho thuê.

cần phải bắt tay để tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước thành một tập đoàn lớn

Có ý kiến cho rằng, sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong việc thu mua cà phê đã gây bất ổn cho ngành cà phê trong nước. Vậy còn quan điểm của ông ?

Tôi vừa nhận được văn bản của Câu lạc bộ những người sản xuất cà phê Việt Nam gửi lên cho Hiệp hội và Bộ Công Thương, Bộ NN – PTNT trong đó có nói tới hai vấn đề: “Thứ nhất: các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua cà phê ngay trong dân là việc làm không hợp pháp; Thứ hai: doanh nghiệp nước ngoài dùng USD để mua cà phê là không đúng”.

Theo tôi, đây là một vấn đề lớn vì chúng ta không thể khẳng định chắc chắn doanh nghiệp nước ngoài làm sai luật. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, họ vừa thu mua cà phê để chế biến nhưng lại kèm theo việc xuất khẩu nguyên liệu.

Bộ Công Thương vừa có văn bản trả lời các doanh nghiệp nước ngoài không được tổ chức kinh doanh thu mua hàng hoá trong nông dân. Việc làm này của bộ là để tránh tình trạng trốn lậu thuế, nhưng doanh nghiệp nước ngoài vận dụng là họ có nhà máy chế biến nằm tại địa phương và được địa phương đó chứng nhận nên được phép mua. Các doanh nghiệp nước ngoài thu mua của dân với giá cao khiến cho doanh nghiệp trong nước không theo kịp vì nếu mua của dân giá cao thì doanh nghiệp trong nước sẽ lỗ, còn mua giá thấp hơn thì không ai bán.

Liệu đây có phải là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, thưa ông ?

Tôi ủng hộ những gì Việt Nam ký kết với WTO, và chúng ta phải thực hiện những gì đã ký. Mặt khác, hiện tại chúng tôi đang muốn mời doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn vào khâu chế biến, ví dụ như hiện nay Olam đầu tư vốn vào nhà máy với công suất 4.000 tấn tại Long An, tôi rất hoan nghênh việc làm này của họ. Đẩy mạnh chế biến để có thể bán cà phê với giá trị gia tăng, còn việc các doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê trong dân tôi không phản đối hoàn toàn vì Việt Nam đang mở cửa và hội nhập.

Nếu nói doanh nghiệp nước ngoài làm sai luật là không đúng mà chỉ nên khuyến cáo là họ đang kinh doanh trên đất Việt Nam nên phải quan tâm tới nông dân Việt Nam. Tôi nhận thấy trong cuộc chiến này rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều điểm yếu.

Tuy nhiên, cũng có một vấn đề đáng bàn là khi các doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự thua họ về tài chính thì họ đâu cần phải mua với giá như vậy. Điều tôi muốn nói tới ở đây là chúng ta phải cùng tồn tại và cạnh tranh công bằng. Về nguyên tắc, nước ngoài được quyền, được hưởng, thì vấn đề bình đẳng chỉ là họ được làm cái đó, không được biến tướng.

Ông có thể phân tích kỹ hơn những điểm yếu của doanh nghiệp XK cà phê Việt ?

Rõ ràng kinh doanh trên sân nhà đương nhiên là một lợi thế rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam lại là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới (sau Brazil) nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang còn nhỏ ví như một “chiếc đũa”. Trong khi đó, giá trị hàng xuất khẩu mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, vì 93% cà phê Việt Nam xuất khẩu dưới dạng hạt, bán cho các nhà rang xay thế giới. Nguyên nhân cốt lõi tôi nhận thấy ở đây là người sản xuất và nhà xuất khẩu cà phê chưa bắt tay để cùng nhau xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt.

Hiện cả nước có khoảng trên 85% số hộ trồng cà phê với quy mô dưới 2 ha, điều này phản ánh quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và cũng là lý do khiến cho chất lượng cà phê không đồng đều. Số lượng máy sấy chủ yếu là sản xuất trong nước, chất lượng không cao còn đối với máy nhập khẩu thì giá thành quá cao người dân không đủ khả năng mua. Tôi nghĩ, hiện tại chúng ta đang thực sự yếu về vốn đầu tư, năng lực sơ chế, tinh chế, công nghệ sấy chất lượng cao.

Đối với bước đi lâu dài cho ngành chúng ta cần phải làm gì, thưa ông ?

Hiện tại, chúng ta không thể ngồi đó kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài làm sai mà cần phải bắt tay để tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước thành một tập đoàn lớn. Có như vậy chúng ta mới đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, vì rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam chỉ là “chiếc đũa” còn nếu là “bó đũa” thì đã cạnh tranh “ngon lành”.

Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức ngành hàng cà phê Việt Nam cũng là một vấn đề lớn. Trong tổ chức phải có người quản lý, còn với nông dân phải tổ chức quản lý sản xuất để họ có được một sức mạnh tập thể từ đó đào tạo chuyển giao kỹ thuật, thông tin.

Ngoài ra, để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài thì cần phải tổ chức các liên minh doanh nghiệp và nông dân cá thể tạo thành một khối đoàn kết thống nhất giữa “ba nhà”: nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước.

Xin cảm ơn ông ! 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hữu Phước

    Từ trước tới nay chính sách chủ yếu là hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Còn người nông dân thì chưa thực sự được hưởng lợi. Lộ trình cam kết khi gia mhập WTO đã đến, hy vọng sẽ mang lại lợi ích thực sự cho người nông dân. Những sản phẩm do nông dân làm ra không có quyền định giá thi nay cũng bán được giá cao hơn. Còn việc các doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài mua bán thế nào mà nông dân có lợi là niềm vui cho nông dân.

  2. Đinh tân lâm

    Rất hoan nghênh những ý kiến của ông Đoàn Triệu Nhạn, đó củng là những trăn trở băn khoăn của bà con. Không biết nhà nước và các DN có quan tâm tới ngành cà phê lâu dài bền vững hay chỉ thấy giá cao rồi hô hào được mấy bữa rồi mặc dân tự bơi. Dù gì thì củng cám ơn ông Nhạn đã cho bà con vài lời nghe mát ruột.

  3. daknong

    Đúng vậy, nhờ các bác công ty nước ngoài nên bà con nông dân mới có cái gọi là công bằng. Các doanh nghiệp trong nước chỉ biết đè đầu dân, canh me cái lúc bà con khó khăn, giá thấp là nhào vô mua để ủ chờ giá. Nhà nước lại hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp mua cà tích trữ ! Tại sao không dùng khoản tiền ấy hỗ trợ cho bà con đầu tư.
    Hạn hán ra đó rồi!!! Các bác ơi đâu rồi, cứu cứu em…? chẳng thấy ma nào cả. Đã thế còn vạch ra cái dụ mua bảo hiểm hạn hán cho cây cà phê… May cho nước ta đã gia nhập WTO sớm!

  4. xuan vu

    Bác Nhạn nên trở lại chức chủ tịch Hiệp hội cà phê, để Bác Tự về nghỉ là được rồi . Có thế thì bà con trồng cà phê mới phấn khởi sản xuất . Chứ cứ như Bác Tự chỉ biết bảo vệ các doanh nghiệp mà quên nông dân thì buồn lắm . Chắc tại nông dân không có xơ múi gì cho bác Tự . Còn doanh nghiệp có nhiều màu mè hơn .
    Là lãnh đạo một hiệp hội lớn vậy mà tầm nhìn hạn chế quá. Thật buồn cho ngành cà phê Việt Nam !

Tin đã đăng