Nhận thấy bà con vẫn còn lúng túng trong việc bón phân, Ban biên tập Y5Cafe hy vọng qua loạt bài này sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về phân bón và những hiểu biết trong việc sử dụng phân bón có hiệu quả. Mong bà con bổ sung và nâng cao nhận thức để việc chăm sóc bón phân cho cây cà phê đạt hiệu quả cao nhất.
1. Đúng loại:
– Sử dụng đúng loại phân mà cây trồng yêu cầu và phù hợp với từng loại đất. Vì vậy cần phải hiểu rõ yêu cầu của từng loại cây: cần loại phân gì, tỷ lệ bao nhiêu tùy theo từng thời kỳ sinh trưởng, và nó được trồng trên loại đất có tính chất ra sao…
– Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có loại cây ở giai đoạn sinh trưởng cần kali hơn đạm; cũng có loại cây ở thời kỳ phát triển lại cần đạm hơn kali. Bón đúng loại phân mà cây cần mới phát huy hiệu quả
– Cây trồng yêu cầu phân gì bón phân đó. Phân bón có nhiều loại, nhưng có 4 loại chính là: N, P, K, S; mỗi loại có chức năng riêng. Bón phân không đúng yêu cầu, không phát huy được hiệu quả còn gây hại cho cây.
Ví dụ: Giai đoạn đầu của hầu hết các loại cây trồng đều cần loại phân có hàm lượng Đạm cao hơn. Nếu dùng phân hỗn hợp NPK để bón cho cây thì chọn loại có hàm lượng đạm cao như: NPK 20-10-10, NPK16-16-8,….
– Bón đúng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ ổn định của môi trường đất. Đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axít cao quá ngưỡng ; đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.
Ví dụ: Ở vùng đất quá chua, phèn thì nên sử dụng phân lân nung chảy hoặc lân có trong NPK để bón cho cây. Không nên sử dụng phân có gốc axít (phân lân supe) sẽ làm tăng độ chua của đất, cây không hấp thu được dinh dưỡng, bộ rễ không phát triển được.
2. Đúng liều
– Liều dùng là bao nhiêu? Hầu hết trên nhãn bao bì đều có hướng dẫn. Để sử dụng đúng liều lượng phân bón nhằm tiết kiệm được kinh tế, phù hợp với yêu cầu của cây trồng, tránh lãng phí phân bón, thì người sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và kết hợp với quan sát hình thái và tình trạng của cây, đất đai nơi trồng cây, thời tiết, mùa vụ để quyết định bón lượng phân thích hợp.
Ví dụ: Vụ đông xuân ở miền bắc, thời tiết lạnh làm cho cây trồng hút ít dinh dưỡng hơn các vụ khác thì nên bón với số lượng ít hơn vừa tiết kiệm được chi phí lại không gây lãng phí.
– Trong canh tác, nông dân cũng có thể tùy theo sức sinh trưởng, sức đậu và nuôi trái của cây trồng mà gia giảm lượng phân cho tương đối, bên cạnh đó cũng cần lưu ý điều kiện thổ nhưỡng và pH của môi trường đất.
Ví dụ: Trên bao bì sản phẩm phân bón lá Better 001 HG – Grow có ghi pha 10 g cho một bình 8 – 10 lít, lắc đều cho tan. Thì phải pha đúng theo hướng dẫn nếu pha với lượng nước ít hơn thì sẽ làm cháy lá, nhiều hơn thì hiệu quả không cao…
3. Đúng lúc
– Đúng lúc là bón đúng lượng phân và đúng loại phân khi cây trồng cần. Trong suốt thời kỳ sống, cây trồng luôn luôn có nhu cầu các chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển, vì vậy nên chia ra bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc cây phát triển mạnh, không bón một lúc quá nhiều, sai nguyên tắc. Việc bón quá nhiều phân một lúc sẽ gây ra thừa lãng phí, ô nhiễm môi trường, cây sử dụng không hết sẽ làm biến dạng dễ nhiễm bệnh, năng suất chất lượng nông sản thấp.
Ví dụ: Để cây ăn trái ra bông và đậu trái nhiều thì ta phải bón phân cho cây ở thời điểm chuẩn bị ra bông và trong thời kỳ nuôi dưỡng trái bón thêm phân bón lá…
4. Đúng cách
– Bón đúng cách là bón phân sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất lượng phân bón vào (đúng theo hướng dẫn của nhà SX).
– Một khi đã xác định được đúng phân, thuốc, pha đúng liều lượng và chọn đúng thời điểm để xử lý mà cách dùng lại không đúng thì làm giảm tối đa hiệu quả sử dụng.
Ví dụ: Phân bón lá thì phải phun vào lúc trời mát, khoảng 8–9 giờ sáng hoặc 16–17 giờ chiều, thì lúc đó cây mới không bị cháy lá, hấp thu tối đa lượng phân được phun…
– Sử dụng phân phun qua lá sẽ không mang lại hiệu quả mà ngược lại sẽ làm tổn thương cây (cháy lá) nếu sử dụng không đúng cách. Lá cây trồng, ngoài chức năng quang hợp còn có vai trò thoát hơi nước qua hệ thống khí khổng, đó là những lỗ nhỏ li ti nằm phần lớn ở mặt dưới lá và cũng chính nơi đây mới có điều kiện hấp thu phân qua lá. Do đó khi sử dụng phân phun qua lá cần phải phun tập trung ở mặt dưới lá.
– Trong sử dụng phân bón hữu cơ khuyến cáo khi bón phân hãy đào rãnh và bón vòng theo hình chiếu của tán cây, phân hóa học như NPK bón theo đường rãnh cách gốc 2/3 hình chiếu của tán cây, bởi cây nhận được phân qua hệ thống lông hút của rễ, mà hệ thống lông hút lại tập trung ở gần đầu chóp rễ và tồn tại không quá 24 tiếng do quy luật phát triển của cả hệ thống rễ, bên cạnh đó phân khi bón vào đất phải có quá trình hòa tan, phân ly tạo các ion và bám vào keo đất. Do đó bón phân theo hình chiếu tán, để phân có thời gian hòa tan, rễ có thời gian tìm đến để hấp thu phân.
* Việc sử dụng đúng 04 nguyên tắc trên ngoài việc giảm tối đa chi phí đầu vào cho việc sản xuất hàng nông sản còn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, và không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Xem thêm:
Nguyễn Vịnh – Theo NNVN
Cám ơn Ban biên tập cung cấp kiến thức về phân bón cho bà con.
Mong các bạn có nhiều bài vở hơn nữa. Chúc các bạn vui + khỏe và có nhiều nỗ lực vì bà con nông dân trồng cà phê trên diễn đàn Y5cafe này.
Theo bài này thì bà con không nên bón NPK trong mùa tưới, vì lúc này cây không cần Lân hay Kali. Bón NPK sẽ lãng phí, tồn tiền vô ích. Vấn đề là bà con nông dân quen làm theo kinh nghiệm, ít khi chịu khó tìm hiểu, thay đổi tập quán hay thói quen vì tác hại không cụ thể, rõ ràng. Bà con nên nghe lời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu vì họ đã đúc kết.
Có nhiều điểm đáng cần để ghi nhớ!
Nói nguyên tắc thì ai cũng công nhận, nhưng khi làm thì có ai tuân theo đâu, huống gì là nông dân. Cứ làm theo kinh nghiệm, theo thói quen là chính. Còn thay đổi thì ngứa ngáy, khó chịu lắm!
Thời buổi của tiến bộ khoa học kỹ thuật mà nói ngang như Lâm hà thì không có gì để bàn nữa rồi, tất cả các thành tựu của nền khoa học đều là vô nghĩa sao?
Trong mùa mưa tôi bon phân thường hay tưới nước mà không đào rãnh, vậy có hiệu quả không anh Vịnh?
So với đào rãnh thì không tốt bằng. Nhưng vào mùa mưa mà trời không mưa, thì bón phân và tưới đảm bảo được điều kiện đúng lúc. Bạn yên tâm như vậy là đã hiệu quả rất cao rồi.
Tỷ lệ bón phân được xác định như thế nào là hợp lý nhất?
Tôi muốn bỏ phân vi sinh cho cà phe, nhưng hiện nay thị trường nhiều loại quá, nhờ bà con chỉ dùm.
Theo kinh nghiệm tôi đi thị sát nhiều cơ sở sản xuất phân vi sinh đều có 1 cái rất giống nhau: trộn đất múc ở các ruộng, (nhiều nhất là ở hồ Ea Nhái), thêm 1 ít phân u rê, … rồi vào bao cho đẹp, ghi thành phần trên trời dưới đất, …,
Chỉ sử dụng phân vi sinh nếu nó có nhiều chất hữu cơ (như vỏ cà phê, phế phảm có chất rác… cầm thấy nhẹ, tơi xốp, không như đất…), còn không thì không nên phí tiền.
Nếu bạn có thời gian mua vỏ cà phê ủ với men vi sinh như trên nhiều bài của Y5 là tốt nhất, chúc bạn được mùa.
Phạm thử bón phân vi sinh Hồng Lam xem. Vùng tôi đã bón 2 năm nay, thấy hiệu quả (khoảng 3.000đ/kg)
Đúng như bạn Phạm Hùng Sơn nói đó, Hai năm rồi chuôt bón vi sinh Hồng Lam nhưng chuột lấy loại tốt nhất là 4300 đồng/kg lận. Do đặc thù đường vào rẫy khó khăn, phải thêm tiền xe cày vận chuyển, thuê dân công bốc vác…Tổng chi phí gần 5000/kg đấy. Hơn 50 ha ở quả đồi nhà chuôt lựa chọn, loại phân vi sinh này chiếm uy tín rồi. Đợt cuối mùa mưa này chuột cũng alô 12 tấn như mọi năm vậy.
Ví dụ: Ở vùng đất quá chua, phèn thì nên sử dụng phân lân nung chảy hoặc lân có trong NPK để bón cho cây. Không nên sử dụng phân có gốc axít (phân lân supe) sẽ làm tăng độ pH của đất, cây không hấp thu được dinh dưỡng, bộ rễ không phát triển được.
Ở ví dụ trên, khi sử dụng phân có gốc axít sẽ làm tăng độ pH của đất, . . . Theo tôi thì có lẽ bị nhầm lẫn rồi bạn ạ!
Cám ơn bạn đã phát hiện đúng. Có lẽ trong tài liệu gốc đã có sự nhầm lẫn chăng? Dù sao Y5Cafe vẫn biên tập lại cho chính xác.
Có ai cho mình biết DAP là gì hay không? Và trong NPK nó là N hay P hay K hay không vậy?
Chào bạn.
Phân Diamophos: Còn gọi là phân (DAP) công thức hóa học là (NH4HPO4) được trộn supe lân kép với sunfat amon. DAP ghi trên bao bì là 46% P2O5 và 18% N.
DAP chỉ có 2 thành phần dinh dưỡng là N và P.
Thân
Cho em hỏi. Nên bón phân lân Văn Điển vào thời điểm nào là tốt nhất ? Đầu mùa mưa hay cuối mùa mưa ? Cho xin ý kiến vói ak. Em cám ơn
Chào @Nhan tan
Bạn nên chia số lượng phân lân dự tính bỏ trong năm làm 2 lần để bỏ vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, giúp cây dễ hấp thụ hơn là bón 1 lần.
Thân