Cà phê: Được giá vẫn thua thiệt (ngày 10/02/2011)

Ngay sau Tết Tân Mão, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã vượt mốc 40.000 đồng/kg, cao hơn so với đầu vụ gần 10.000 đồng/kg và là mức cao trong vòng 4 năm qua.

Dù không đến nỗi thua lỗ, nhưng có một nghịch lý là giá cà phê càng tăng về cuối vụ thì người trồng cà phê càng thua thiệt, trong khi các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê Việt Nam cũng không được lợi hơn.

> Những tác động xấu khi giá tăng

Giá cao, thiệt nặng

Niên vụ 2009 – 2010, giá cà phê nằm khá lâu ở mức 23.000 – 25.000 đồng/kg, đến tháng 8.2010 mới lên được 30.000 đồng/kg. Những nông dân và DN tạm trữ được cà phê đến thời điểm giáp hạt dĩ nhiên có lãi, nhưng nếu bán sớm hơn thì thiệt hại cũng không lớn.

Còn năm nay, mới đầu vụ giá cà phê đã lên 29.000 đồng/kg, nông dân vui mừng khấp khởi, bán ra ồ ạt ngay sau khi thu hoạch. Nhưng chỉ một tháng sau, giá cà phê bất ngờ lên 38.000 đồng/kg, sau Tết Tân Mão lại vượt mốc 40.000 đồng/kg, nhưng phần lớn nông dân đều không còn cà phê.

Giá cà phê tăng kỷ lục, nhưng lượng hàng trong kho nông dân và các doanh nghiệp không còn nhiều
Giá cà phê tăng kỷ lục, nhưng lượng hàng trong kho nông dân và các doanh nghiệp không còn nhiều

Ngày 9.2, hàng chục nông dân tập trung tại đại lý kinh doanh cà phê, vật tư nông nghiệp Thy Cúc – xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. Bà Võ Thị Cúc – chủ đại lý – cho hay: “Họ đến ứng phân bón cho vụ mới, còn cà phê thì bán hết từ trước tết rồi. Ai may mắn thì bán được 38.000 đồng/kg, kém hơn thì chỉ 29.000 – 30.000 đồng/kg”.

Ông Lê Minh Cảnh – một nông dân ở Cư Suê – xuýt xoa: “Đầu vụ tôi bán hết 10 tấn cà phê, cuối vụ giá lên 40.000 đồng/kg, tính ra mất hơn 100 triệu đồng”. Ngoài vốn đầu tư, nông dân thường vay luôn các khoản chi phí sinh hoạt, lễ tết cho cả năm. Nếu có 1 – 2ha cà phê thì chỉ vay được vài chục triệu đồng, trong khi riêng cà phê đã “ăn” hết 60 triệu đồng/ha nên phần lớn phải mua chịu vật tư của đại lý.

Những người này phải bán cà phê ngay sau khi thu hoạch để trả nợ, bất kể lúc đó giá cao hay thấp”. Ông Phùng Bá Vân – GĐ Cty TNHH Nam Nguyệt, huyện Cư Kuin – cũng cho biết: “Sau tết, Cty thu mua được rất ít do người cần bán đã bán hết, người giữ lại thì sẽ giữ luôn đến giữa năm hoặc giáp hạt để chờ giá cao hơn. Người giữ lại là người có tiền, nhưng số này không nhiều”.

Doanh nghiệp cũng chẳng lợi hơn

Vào thời điểm giá cà phê vượt mốc 40.000 đồng/kg, bà Nguyễn Thị Liên – xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột – mở kho xuất hàng trăm tấn cà phê cho một DN lớn. Tưởng bà Liên lãi lớn, hóa ra không phải vậy. “Đầu vụ tôi mua vào khoảng 30 – 40 tấn/ngày, phải cắt giá với các công ty lớn để có tiền trả ngay cho nông dân. Lúc đó cắt giá 34.000 đồng/kg, bây giờ mới giao hàng”. Ông Lê Đức Thống – TGĐ Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu cà phê 2/9 – phân tích: “Đối với các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam, giá tăng chưa hẳn là tin tốt. Nếu lượng vốn vay được không tăng, lãi suất vẫn ở mức 17 – 18%/năm thì càng thêm bất lợi.

Trong khi các DN nước ngoài đã vào mua trực tiếp của nông dân, lãi vay của họ chỉ 4 – 5% nên họ sẵn sàng đẩy giá lên để tranh nguồn hàng”. Các DN nhỏ thì còn khó hơn gấp bội. Ông Phùng Bá Vân không giấu giếm: “99% DN nhỏ và hộ kinh doanh cà phê giàu lên nhờ tạm trữ hàng chờ giá, nhưng lãi suất ngân hàng quá cao nên chẳng ai dám vay để trữ, phương thức mua đâu bán đó chẳng qua chỉ lấy công làm lời”.

Giá cà phê tăng gần 10.000 đồng/kg chỉ trong vòng 2 tháng mà nông dân không được lợi, các DN cũng không được lợi. Với khoảng 50% sản lượng cà phê đã xuất khẩu theo ước tính của Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa), khoản chênh lệch khổng lồ trên hạt cà phê Việt Nam chảy vào túi ai là điều không khó biết.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. caphecon

    Với giá phân bón và sinh hoạt phí tăng như bậc thang hiện nay thì tăng giá cà phê cũng chẳng có ý nghĩa gì cho người nông dân.
    Thương thay!

Tin đã đăng