Các vụ vỡ nợ cà phê đều “chìm xuồng”

Năm 2010, ở Đắc Lắc nổi lên tình trạng hàng trăm doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê vỡ nợ, mà nạn nhân cuối cùng là những nông dân.

Xem thêm:
> Vỡ nợ cà phê tại Đăk Lăk: “Chó cắn áo rách”
> Chủ đại lý cà phê Tám Loan vỡ nợ, hơn 100 hộ dân điêu đứng
> Ký gởi cà phê: Coi chừng rủi ro

Sau cả năm trời xác minh, cơ quan công an vừa có thông báo không xử lý hình sự, mà hướng dẫn nạn nhân khởi kiện dân sự tại tòa án. Như vậy, sau một thời gian lo lắng, hàng chục siêu lừa đã được… vô can.

vo-no-ca-phe
Ông Huỳnh Minh Cảnh – Thôn trưởng thôn 2, xã Cư Dliê M’nông (bên phải) –
cũng bị đại lý Nga Sơn ở thôn mình lừa 5 tấn càphê.

Cuối tháng 12.2010, hàng trăm nông dân đã hụt hẫng, phẫn nộ khi Cơ quan CSĐT – Công an huyện Cư M’gar gửi công văn đến Đảng ủy, UBND các xã Cư Dliê M’nông, Ea K’pam, Ea H’Dinh và thị trấn Quảng Phú thông báo việc xử lý 5 đại lý kinh doanh càphê vỡ nợ trên địa bàn huyện. Theo đó, Công an huyện Cư M’gar quyết định chuyển toàn bộ đơn khiếu nại của hơn 300 nạn nhân sang TAND huyện để giải quyết dân sự. Đây là 5 đại lý đã nhận ký gửi khoảng 500.000kg cà phê và nhiều tỉ đồng tiền mặt rồi… tuyên bố vỡ nợ. Hàng trăm nông dân điêu đứng vì không có tiền trả nợ ngân hàng, mua phân bón, xăng dầu, thuê nhân công chăm sóc càphê. Không chỉ ký gửi toàn bộ lượng càphê thu hoạch trong niên vụ 2009 – 2010, nhiều hộ dân còn cho đại lý mượn cả “sổ đỏ” đất rẫy và nhà ở rồi bị ngân hàng… phát mại.

Ông Đoàn Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND xã Cư Dliê M’nông – cho biết: “Từ tháng 3.2010, Đảng ủy xã đã có công văn gửi Công an huyện, đề nghị xử lý việc đại lý Nga Sơn kêu vỡ nợ hòng chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Tính đến thời điểm này, Nga Sơn nợ 54 hộ dân trên 150 tấn càphê và khoảng 800 triệu đồng, trong khi toàn bộ tài sản đã thế chấp tại Ngân hàng NNPTNT – chi nhánh xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột để vay 1,4 tỉ đồng. Tôi khẳng định hiện ông Phan Văn Sơn, bà Lê Thị Nga không có mặt tại địa phương, có dấu hiệu bỏ trốn. Cho nên, không xử lý hình sự thì tôi thấy cũng lạ”.

Còn tại xã Ea H’Dinh – nơi có 2 đại lý càphê vừa tuyên bố vỡ nợ, ông Trần Văn Đạo – Chủ tịch UBND xã – cho hay: “Họ có tài sản chìm hay không thì không biết, nhưng tôi thấy họ vẫn sinh sống bình thường. Mặc dù chủ đại lý có đơn giải trình lý do vỡ nợ, nhưng thật khó biết hơn 144 tấn càphê của 64 hộ dân đã đi về đâu. Thi hành án dân sự đã kê biên tài sản của họ để thu nợ cho ngân hàng, còn người dân vẫn chưa vớt vát được gì”.

Ông Vũ Duy Luận – Chánh án TAND huyện Cư M’gar – cho biết: “Ký gửi càphê là thỏa thuận giữa hai bên, mặc dù có phiếu giao nhận cà phê nhưng không ghi ngày nào chốt giá bán. Có thể đó là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng đã biến tướng, lách luật thành quan hệ dân sự nên rất khó chứng minh. Do vậy, các cơ quan nội chính của huyện thống nhất chỉ giải quyết dân sự, chúng tôi xét xử khoảng 300 vụ rồi”.

Trong quá trình thi hành án, các ngân hàng nắm giữ tài sản được ưu tiên thu nợ trước, còn thừa mới đến lượt những người ký gửi càphê. Với người ký gửi càphê, ra tòa đòi nợ người tuyên bố vỡ nợ chẳng khác nào “bắc thang lên hỏi ông trời…”. Cũng do vậy, trong năm 2010, các doanh nghiệp và đại lý càphê ở Đắc Lắc đã “nuốt chửng” hơn 260 tỉ đồng của người dân mà vẫn… vô can.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân nghèo

    Quá đau xót cho nông dân trồng cà phê !
    Một bài học tốn quá nhiều nước mắt và mồ hôi của bà con nông dân.
    Cố gắng sửa sang lại nhà cửa để trữ cà phê ở nhà , không “giao trứng cho ác” nữa bà con nhé! Mong bà con lưu tâm sâu sắc bài học này.

  2. HongThatCong

    Không riêng gì ở Cư M’gar các Đại lý cà phê “lách luật” mà tại nơi chúng tôi cũng bị “chó cắn áo rách”!!! Nông dân bắt thang lên hỏi… ai nhỉ ?! Xin “đồng hoạn nạn” nào trả lời được tôi sẽ thưởng thật hậu hỉ. Đại lý cà phê chơi bài chuồn, “vô can”, còn mua xe xây biệt thự. Tiền – hàng của bà con “bị” Đại lý làm chủ, nông dân mình trắng tay. Nợ vẫn hoàn nợ … ôi chua xót làm sao. Tôi kiến nghị ông “làm luật” xin đừng quên Chương… Điều… Đại lý quỵt nợ ở địa phương Tây Nguyên chúng tôi. Cám ơn nhiều!

  3. meo mu

    nông dân ta hiền quá ấy mà luôn sống theo kiểu sống chết mặc bay. nếu đoàn kết lại “ăn thịt người” xem nó còn dám vênh váo không tra không? ra tới đâu thì ra, tập thể là dân, dân là nước thuyền nào chẳng lật? tôi nhớ cái năm 1996_1997 tại Thái Bình dân ta nổi lên để đòi công bằng lũ sâu mọt chết tuốt nhưng có lẽ số tiền mà chúng tham nhũng trong 10 năm không bằng 1/10 tài sản của dân cà phê chúng ta. thế mà dân ta “tự nguyện” cho nó tác qoái còn kêu la gì nữa??? hãy sống với cái quyền tự do của mình đi chứ! nhà nước bảo hộ cho dân ta cái quyền đó mà bà con.

  4. Nguyễn Viết Dũng

    Để lâu cức trâu hóa bùn. Điều tra cả năm trời cuối cùng không có kết quả gì? Đúng là luật pháp Việt Nam chua chát quá.
    Đề nghị Công an phải làm rõ nguồn tiền các đại lý vỡ nợ đi đâu? Phải bắt họ trả lại cho dân, không trả được phải bắt họ chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải phạt tù. Nói như mấy Cơ quan điều tra như vậy thì chiếm đoạt tiền của người khác dễ quá!
    Nói như Ông Vũ Duy Luận – Chánh án TAND huyện Cư M’gar: Ký gửi cà phê là thỏa thuận giữa 2 bên, mặc dù có phiếu giao nhận cà phê nhưng không ghi ngày nào chốt giá bán, …. Mà không xử lý được thì Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vỡ nợ thì cũng không xử lý được gì? Vì ở đây cũng Ký gửi cà phê không chốt giá bán như nông dân ký gửi cho các đại lý vậy.
    Kính mong các Cơ quan chức năng cần làm việc công tâm hơn. Hàng trăm hộ dân đang mong mỏi câu trả lời thích đáng từ phía Cơ quan chức năng.
    Nếu ở địa phương không điều tra được thì đề nghị bà công nông dân gởi đơn khiếu nại, tố cáo lên Thủ tướng chính phủ, lên trung ương.

  5. lê cẩn

    Tôi tin rằng đằng sau là có vấn đề . Rất nhiều vụ vỡ nợ nhưng không được xử lý rốt ráo như vụ Nguyễn Thị Hoa ở Thôn 2 xã Hòa Thắng lừa đảo hơn 70 tỷ đồng nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
    Ở xã tôi có câu truyền miệng nếu mình lừa đảo vài chục tỷ chỉ cần bỏ ra 3-5 tỷ là mua được đứt . Những vụ án mà cả đài truyền hình trung ương đã đưa tin mà các vị còn nói là khó xử lý ? Thì dân còn biết trông chờ vào ai đây !

  6. Người bên lề

    Bà con có nghe ông Chánh án huyện Cư M’gar nói không :“Ký gửi cà phê là thỏa thuận giữa hai bên, mặc dù có phiếu giao nhận cà phê nhưng không ghi ngày nào chốt giá bán nên… chỉ giải quyết dân sự.”
    Tôi lại ngẫm nghĩ : Nếu mình gửi cafe ở Trung tâm giao dịch cà phê BMT (BEC) thì mình cũng chưa ghi ngày chốt giá bán. Của đáng tội (ví dụ) nếu họ đem bán hết của mình đi thì mình có kiện được không? hay là chỉ giải quyết dân sự “vì rất khó chứng minh”.
    Thôi chớ dại bà con ạ! cứ làm cái kho cho chắc chắn mà để ở nhà, hay làm như ông cha mình ngày xưa, làm cái sập để đựng và tối leo lên trên mà ngủ cho chắc ăn, có phải hay hơn không.
    Vô phúc mà đáo tụng đình, phải không bà con!

  7. Huong Nguyen

    Tình hình các công ty, đại lý cà phê vỡ nợ ngày càng xảy ra nhiều, nhưng không bị cơ quan pháp luật trừng trị. Lý do là ở đâu? và tại sao? Có ai rả lời cho tôi biết không? Ở địa phương tôi ở (Đức Trọng, Lâm Đồng) cũng vừa xảy ra 1 vụ đại lý cà phê vở nợ trên 20 tỉ đồng và trên 100 tấn cà phê, nhiều người dân-trong đó có gia đình tôi- ký gởi cà phê và còn cho vay vốn làm ăn mà không có thế chấp, đến giờ phải điêu đứng vì không những không đòi được nợ mà còn phải đối diện với nợ nần do tin tưởng mà đi vay mượn giùm và giờ đang bị chủ nợ dí đòi. Trong khi đó chủ đại lý trên vẫn sống nhởn nhơ, thoải mái với vẻ ung dung vì biết không ai làm gì được. Trước đó đã có nhiều người đưa đơn kiện đại lý trên ra cơ quan pháp luật nhưng không làm gì được vì đại lý trên đã làm đơn tường trình đoàn hoàn là có nợ nhưng người trên nhưng tạm thời không có khả năng chi trả vì do làm ăn thua lổ, xin khất nợ, và hứa sẻ trả dần nhưng không nói rỏ thời gian trả là bao lâu. Nhưng theo chúng tôi biết thì họ dùng tài sản đó để xây dựng nhà cửa, mua đất, mua vàng (tất nhiên là dưới tên của người khác-anh chị em họ hàng) Chủ đại lý trên vẩn sống ở địa phương nên không có lý do nào để thưa kiện tội lừa đảo được, chỉ có người dân là khổ thôi. Kính mong những người có thẩm quyền có đi họp quốc hội thì có ý kiến để có thể trừng phạt những người sống trên sương máu của người khác như những đại lý trên, để sao mà 2 vợ chồng phải có người vô khám bóc lịch để người kia ở ngoài lo làm ăn trả nợ cho dân chứ để họ sống nhơn nhơ như vậy chúng tôi không cam lòng, trong khi chúng tôi nai lưng ra cày làm lụng để trả nợ cho chúng nó trong khi chúng nó vẫn sống ung dung, ăn no béo mập. Kính mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét mà thêm vào luật những điều khoản để có thể giúp nhưng người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi đòi lại công bằng.Chân thành cảm ơn!

  8. Phan Sỹ Lâm

    Các cơ quan chức năng nên khẩn trương tìm biện pháp để hỗ trợ và giúp đỡ người dân. Đừng vì mò theo luật chờ đúng sai thì dân chết mất. Bao nhiêu gia đình tan cửa nát nhà, tán gia bại sản. Bao nhiêu vụ tự tử oan ức. Biết bao đại lý cà phê thi nhau tuyên bố vỡ nợ rồi vẫn sống vương giả. Hãy có biện pháp bảo vệ dân. Đừng để dân tự bơi giữa mớ pháp luật rối rắm mà người thực thi còn khó hiểu, huống chi dân. Mong thay

Tin đã đăng