Nhớ cà phê xứ Huế

Buổi sáng cuối tuần phương Bắc. Một tách cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Không phải vì tôi thích kiểu uống cà phê này. Đơn giản chỉ vì lười. Cứ đổ nhào cà phê, nước sôi (hoặc gần sôi cũng được) vào một cái cốc thật lớn rồi chờ cho bã cà phê lắng xuống và uống rất từ tốn nếu không trong miệng sẽ rất… lợn cợn. Một mình. Chợt thèm quá một tách cà phê Huế.

Mười lăm năm trước khi lần đầu tiên “lều chõng” đến xứ thần kinh, trong tôi, cà phê chỉ là một món đồ xa xỉ và vô bổ. Quê tôi có mấy người uống cà phê đâu mà tôi cũng chẳng bao giờ thấy ai sầu muộn hay đau ốm vì không có cái thứ nước đen xỉn và đắng ngắt này. Đến Huế, cũng như bao anh chàng nhà quê khác, tôi phải tập làm người thành phố văn minh. Trong tất cả những món văn minh mà bạn bè tôi chỉ giáo chỉ có cà phê là hợp hơn cả. Thứ nhất, nó ít tốn tiền: có thế ngồi hàng giờ với chỉ một tách cà phê. Thứ hai, nó không độc hại lắm. Thứ ba, quán cà phê ngày ấy vốn rất ít xô bồ. Thế là tôi đi cà phê. Thế là tôi…nghiện.

Huế là một thành phố chẳng sản xuất được gì nhiều của cải đúng theo nghĩa đen. Nhưng cà phê ở Huế thì có lẽ tuyệt vời nhất (đối với tôi và với không ít bạn bè tôi). Nhiều người Huế đi xa cứ nhớ bún bò mụ Rớt, thèm bánh nậm lọc Cung An Định, mơ một tô cơm hến… Riêng tôi thì nhớ nhất vẫn cứ là cà phê Huế.

Những quán cà phê đầu tiên tôi hay đến cùng với bạn bè trong lớp là Sầu Đông và Lộng Gió. Những quán này nằm bên bờ nam sông Hương, không xa các trường đại học là mấy mà vị trí cũng thuận lợi. Quán rộng rãi tuy không sạch sẽ lắm và nếu ai có thất tình thì có thể ngồi cả ngày mà gặm nhấm nỗi buồn cũng không sợ chủ quán phàn nàn. Nhưng nếu ai có người yêu đi cùng thì hơi kẹt một chút. Ở đây có nhiều trẻ ăn xin lắm. Những cặp yêu nhau là đối tượng vòi vĩnh của những đứa bé ma mãnh và đôi khi lì lợm này.

Sau này, khi tham gia vào bút nhóm Áo Trắng của anh bạn to con Phạm Nguyên Tường học cùng lớp, thì tôi hay đến quá Áo Trắng trong khuôn viên của Cerle nằm bên chân cầu Phú Xuân. Đây là nơi những đại thi sĩ, những đại văn hào tương lai thường ngồi trao đổi ý tưởng và tán phét. “Bọn thi sĩ họ rong rêu lắm…”. Không biết lúc ấy tôi có thành rêu xanh trên một phiến đá nào ở cà phê Áo Trắng hay không. Nhưng mỗi lần đi ngang nơi ấy, tôi hiểu rằng một thời đáng nhớ của tôi đã gắn bó với nơi này với những cái tên như Phạm Nguyên Tường, Nguyễn Tuất (Tuất điếc), Lê Minh Khôi, Nhất Lâm, Ngàn Thương, Đông Hà, Hoa Lý, Hoàng Diễm Diễm, Nguyễn Thanh Thảo, Anh Thư, Nguyễn Thống Nhất, Lãm Thắng… Bây giờ người ta đang cố gắng thay cái tên Cercle bằng một cái tên thịnh hành và đẻ ra tiền hơn: Festival. Áo Trắng bây giờ cũng đã về với Thảo Nguyên.

Nếu muốn nghe nhạc Trịnh thì đến quán Thảo Vy trên đường Chu Văn An. Quán không có gì đặc biệt ngoài sự trung thành đến bảo thủ với nhạc Trịnh. Bà chủ có chỉ số khối cơ thể (BMI) có lẽ vượt xa 30 và thường hay than phiền với tôi về chứng cao huyết áp và hen phế quản. Hai cô con gái, một giống bố như đúc, một giống mẹ như tạc.

Muốn nghe nhạc tiền chiến thì đến Thiên Trúc trên Hoàng Thành. Quán nhỏ. Ấm cúng. Cà phê tương đối ngon. Ai có nhu cầu hưởng trăng thanh gió mát thì có thể chịu khó ra sau, lên cao trên bờ thành. Nơi đây, tôi bị nhiễm thêm căn bệnh nghiện thứ hai: Tuấn Ngọc. Tôi, Thảo, Thư, Diễm và sau này nữa là Nghĩa, Khánh, Phụng thường hẹn nhau nơi đây. Tiếc rằng trước khi bọn tôi ra trường, quán đã đóng cửa vì một nguyên nhân tế nhị. Một chút mất mát. Một chút ngậm ngùi.

Muốn vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm nhìn Hương Giang, nhất là những đêm trăng thì không thể không đến Hoàng Phương. Từ chợ Đông Ba vượt qua cầu Gia Hội đi tiếp đường Chi Lăng một khoảng khá xa. Khi thấy đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bên trái thì hãy nhìn sang bên phải. Dưới tán cổ thụ, chắc chắn các bạn sẽ tìm thấy quán Hoàng Phương. Nơi đây có cà phê ngon, chủ quán lịch sự (và dễ thương nữa), còn cảnh vật thì tuyệt vời. Bên kia sông là Vỹ Dạ thôn. Về phía thượng nguồn là Trường Tiền lung linh huyền ảo trong sắc màu. Những đêm trăng lên, người ta sẽ thấy rằng mình dường như lâu nay đã bỏ mất cơ hội được ngắm nhìn món quà đầy ưu ái của thiên nhiên ban tặng.

Một số sinh viên của Đại học Huế khi đi cà phê chỉ có hai người và không uống cà phê cũng chẳng buồn ngắm cảnh thì thường có thể chọn 242, cũng trên đường Chi Lăng, Cheo Leo (đã bị dẹp rồi) hoặc một số quán bên bờ Bắc sông Hương như Hoàng Hôn, Cố Đô, Quê Hương… Dĩ nhiên những thông tin này có vẻ đã rất lạc hậu. Thế hệ 8X, 9X bây giờ có những nơi tiện nghi hơn nhiều.

Sau này khi Festival Huế đã trở thành một thương hiệu khá vững chắc thì loại cà phê nhà cổ đua nhau mọc lên rất nhiều. Khách du lịch thường hay tìm đến quán Vỹ Dạ trên đường Nguyễn Sinh Cung, Nam Giao Hoài Cổ trên đường Điện Biên Phủ không xa Đàn Nam Giao là mấy, hoặc có thể đến Nam Châu Hội Quán ở Kim Long… mặc dù những nơi này không chỉ đơn thuần có mỗi cà phê. Tôi thì hay chọn Xưa, một quán nhỏ trong hẻm Nguyễn Công Trứ. Một không gian yên tĩnh. Không bị xua đuổi bởi những bản nhạc trẻ đau tai và đắng miệng hiện nay. Tôi có cảm giác như là chủ quán Xưa không quan tâm lắm đến chuyện kinh doanh lời lỗ. Có lẽ chỉ vì thích lưu giữ một chút Huế xưa mà làm vậy thôi.

Một nơi nữa mà tôi cũng thường hay tạt qua đó là cà phê vỉa hè trên đường Trương Định. Dưới tán bằng lăng, những quán cà phê không bao giờ có bảng hiệu nhưng bao giờ cũng đông khách. Chủ quán tuyềnh toàng, đôi khi hơi đãng trí. Nếu gọi cà phê mà thấy hơi lâu thì nên nhắc lại đừng ngại vì có nguy cơ cao là chủ quán quên mất khách gọi từ hướng nào. Tôi nói “từ hướng nào” chứ không phải từ bàn nào vì nơi đây làm gì có bàn. Lần về phép vừa rồi, tôi có chạy ra Trương Định nhưng vì sự sạch đẹp của cảnh quang đường phố, những quán cà phê này không được phép tồn tại nữa. Tôi không hiểu nó xấu ở chỗ nào. Đó cũng là một nét văn hóa đó chứ. Hơn nữa nơi đây mật độ giao thông không cao, không là mặt tiền của thành phố thì sự tồn tại của những quán cà phê như vậy có lẽ không phương hại lắm cho nét duyên dáng cố đô. Tuy nhiên đó là chuyện của chính quyền. Bổn phận của chúng ta là tự nguyện và vui vẻ sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật để trở thành công dân gương mẫu (mặc dù tiêu chuẩn gia đình văn hóa không có đề cập gì đến quy định chuyện chủ nhà được uống bao nhiêu cà phê trong một năm).

Nếu cùng ai đó đi vào một quán cà phê thời thượng hiện nay ở Huế, tôi thường hay có cảm giác bị chối bỏ. Có thể tôi là người quá cũ, trì trệ, không chịu đổi mới. Hoặc tâm hồn tôi không còn đủ nhạy cảm để thẩm thấu những bản nhạc rôm rả của giới trẻ hiện nay, gì gì đại loại như “sao em bắt anh phải yêu em?” hay “Ở bên người ấy em đừng nhớ đến tôi, còn ở bên tôi em đừng làm khổ tôi…” Những lúc như vậy cà phê trở nên đắng, đắng cùng cực. Nghe ra sao mà phường chợ quá thể. Nhưng… Nhưng tôi cũng không phải là cái gì ghê gớm mà lên án ai. Mỗi người có một gout riêng. Cà phê tồn tại là do có người uống. Một loại nhạc nào tồn tại là bởi có người nghe. Dù gì thì Huế vẫn cứ là Huế như thể cà phê vẫn cứ là cà phê:

“Dạ thưa xứ Huế bây chừ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”

_______________
Sưu tầm

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng Sơn

    Tôi thấy có bài Cà phê ở xứ cà phê trên báo Tuổi trẻ olien đấy. Cũng khá hấp dẫn. Thịnh còi đọc chưa.

Tin đã đăng